Khoảng năm 1960, Butt Kepler – người đứng đằng sau sự thành công của ngành công nghiệp máy ảnh Nhật ở Mỹ dùng bữa với một vị khách đến từ đất nưóc Nhật Bản xa xôi. Vị khách đấy – người đàn ông mà người Mỹ hay gọi là ngài Zenza tự giới thiệu và nói rằng, ông đến đây để bán những chiếc máy ảnh vừa làm ra của mình. Sau đó, ông đưa cho Kepler xem chiếc máy ảnh đầu tiên của ông: chiếc Zenza Bronica Deluxe. Từ đó, một trang sử mới được mở ra dành cho Zenza và dòng máy ảnh khổ trung của ông.
Ngài Zenza, tên đầy đủ là Zenzaburo Yoshino, sinh năm 1911, là con thứ ba của một thương nhân giàu có. Khi trưởng thành, ông tiếp quản công việc của gia đình với số lượng nhân công lên đến hơn 150 người. Tuy nhiên sau bại trận của nước Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, việc buôn bán dần trở nên khó khăn hơn. Yoshino buộc phải mở rộng sang những lĩnh vực khác, và ông quyết định chọn việc kinh doanh máy ảnh cũ. Vốn xuất thân va sinh trưởng trong một gia đình giàu có, ông đã được tiếp xúc nhiều với nhiếp ảnh và dần dần trở thành một người đam mê máy ảnh. Ông đặc biệt ngưỡng mộ Victor Hasselblad với chiếc máy ảnh Hasselblad khổ vuông lừng danh cấu tạo gồm nhiều thành phần có thể tháo lắp được.
Năm 1946, ông mở một cửa hiệu bán máy ảnh tên là Shinkoudou Shashinki-ten tại Tokyo. Mặc dù là thời kì khó khăn của nước Nhật hậu Thế chiến, việc kinh doanh diễn ra khá suôn sẻ và rất nhiều người vẫn muốn đổi chiếc máy cũ của mình để mua những chiếc máy ảnh mới hơn. Công việc tuy sinh nhiều lợi nhuận nhưng Yoshino cảm thấy trở nên nhàm chán với nó. Do đó, ông quyết định mở một xưởng chế tạo máy phía sau cửa hiệu và lấy tên Shinkoudou Manufacturing, với tham vọng nghiên cứu và chế tạo một chiếc máy ảnh của riêng mình. Sự khởi đầu không mấy thuận lợi vì thiếu kinh nghiệm nhưng Yoshino không thất vọng. Ông bắt đầu sản xuất những phụ kiện thời trang bằng kim loại, chẳng hạn như vỏ bật lửa, kẹp tóc hay đồ trang sức… nhằm tích lũy kinh nghiệm chế tác cho nhân công mình.
Năm 1952, Yoshino chuyển đến một xưởng khác tốt hơn ở phía bắc Tokyo và bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy ảnh một lần nữa. Việc chế tác nữ trang đem đến một nguồn thu nhập dồi dào, góp phần đáng kể vào dự án vốn tốn rất nhiều tiền của và công sức này. Mặc dù không được đào tạo bài bản về kỹ thuật nhưng ông có một ước mơ và trên hết là đức tính kiên trì và nhẫn nại kinh ngạc. Mất tám năm để hoàn thiện thiết kế và làm ra, Yoshino đặt tên chiếc máy của mình là Zenza Bronica, lấy từ tên ông và phiên âm tên chiếc máy ảnh khổ trung của Kodak, Buroni (Brownie). Giấc mơ mười mấy năm của ngài Zenza giờ đã trở thành sự thật.
Zenzaburo Yoshino đại diện cho hình ảnh và nhân cách người dân Nhật Bản: ý chí và kỷ luật sắt đá, luôn làm theo mục tiêu đã định, tôn trọng những con người lao động chân chính trong xã hội không cần biết đó là trí óc hay tay chân, cần cù và có tính trách nhiệm cao, và đặc biệt có khiếu thẩm mỹ tinh tế. Chính những đức tính đó đã mang lại nỗ lực thần kỳ để đưa Nhật Bản từ một nước nghèo, bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến hai lên tầm cường quốc thế giới. Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Các khoáng sản như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì và bạc, và các tài nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ và than đều phải nhập khẩu. Địa hình và khí hậu Nhật Bản khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và vì quốc gia này chỉ trồng cấy được một số cây trồng như lúa gạo nên khoảng một nửa số lương thực phải nhập khẩu từ nước ngoài. Niềm hy vọng, giấc mơ và sức lao động không mệt mỏi trong mỗi người Nhật Bản giống như Ngài Zenza đã giúp họ đứng dậy và khôi phục từ đống đổ nát.
Chiếc máy ảnh đầu tiên được bán ra vào năm 1959 với cái tên đơn giản là Zenza Bronica và được đổi tên thành Zenza Bronica Type D (Deluxe) sau khi Yoshino ra mắt chiếc Zenza Bronica type S (Standard). Zenza Bronica là câu trả lời của ngành công nghiệp máy ảnh Nhật đối với Hasselblad và trên nhiều mặt, nó vượt qua mặt đối thủ của mình, ngay cả hai chiếc Hasselblad 1000F và 1600F:
– Gương và khẩu tự trở về trạng thái ban đầu sau khi chụp.
– Nhằm sử dụng các ống kính retrofocus với chất lượng ảnh cao, gương của Zenza Bronica không lật lên như thường thấy mà trượt xuống.
– Tốc độ chụp tối thiểu lên đến 10 giây với cơ chế hẹn giờ.
– Cơ chế chống chụp ngoài ý muốn bằng một miếng nhôm mỏng gọi là dark slide gắn vào lưng máy. Khi gắn miếng nhôm này vào, màn trập sẽ bị vô hiệu hóa.
– Phim có thể được đưa lên máy tự động mà không cần phải canh dấu bắt đầu giống với Rolleiflex (dấu bắt đầu là một đặc trưng của khổ phim trung 120 và 220, người dùng phải sắp xếp sao cho dấu này trùng với vạch trên máy).
Chiếc máy ảnh Zenza Bronica không những hơn về mặt kỹ thuật mà còn được chăm chút vẻ bề ngoài. Nó cho thấy được kinh nghiệm của xưởng Yoshino trong việc chế tác đồ trang sức và hơn hết là sự thoải mái khi cầm trên tay. Những chi tiết bằng Crôm và đường cong đem đến một vẻ ngoài quý phái và hấp dẫn, chứ không chỉ là một hộp sắt với ống kính thô kệch. Cho đến tận hàng chục năm sau như ngày nay, tôi vẫn nghĩ không có chiếc DSLR hay máy khổ trung kỹ thuật số nào có thể sánh nổi vẻ đẹp của những chiếc máy ảnh thời xưa như Bronica. Một quý ông lịch lãm với chiếc Bronica S2A trong tay có một sức hấp dẫn thật sự khó tả.
Sự thành công của Zenza Bronica còn nhờ một yếu tố khác, đó là những ống kính đến từ Nikon. Sau sự thành công của chiếc Nikon F năm 1959, danh tiếng Nikon bắt đầu lan truyền khắp nước Mỹ. Yoshino đã nói rằng một chiếc máy ảnh tốt thì phải đi kèm với những ống kính tốt nhất, từ đó dẫn đến sự hợp tác với Nikon trong việc thiết kế ống kính cho dòng máy của mình. Hầu hết những ống kính dành cho Zenza Bronica đều là ống kính của Nikon dành cho hệ máy rangefinder (Rangefinder là dòng máy ngắm qua lỗ ngắm nhỏ trực tiếp phía trên thân máy chứ không ngắm qua ống kính như SLR) được thiết kế lại thành retrofocus, đem đến một chất lượng ảnh tuyệt hảo. Sự hợp tác này kéo dài cho đến khi Bronica có thể tự sản xuất ống kính dành cho riêng mình nhiều năm sau đó.
Năm 1988 Zenzaburo Yoshino qua đời, nhưng giấc mơ của ông đã hiện diện ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Người ta nhắc đến Bronica như một chiếc máy ảnh chụp cưới tuyệt vời với chất lượng tốt và giá thành thấp. Năm 1998, Tamron mua lại công ty Zenza Bronica và sau sự bùng nổ của kỷ nguyên kỹ thuật số, Tamron quyết định đóng cửa phân khúc máy khổ trung Bronica vào năm 2004. Mặc dù vậy, đâu đó trên thế giới, vẫn có nhiều con người hoài cổ và yêu cái đẹp đang và sẽ luôn sử dụng Bronica, một chiếc máy hình thành từ một giấc mơ của một người đàn ông, của một dân tộc dũng cảm.
Chân thành cảm ơn Thịnh aka. K2T đã đóng góp bài viết chi tiết này cho Mann Up.
Biên tập: House.