Warrior – Cuộc chiến của những gã đàn ông

url

Tôi nhớ lần đầu tiên xem Warrior của đạo diễn Gavin O’Connor cách đây ba năm, tôi đã chảy nước mắt ở vài cảnh, đặc biệt là trường đoạn cuối phim. Khi đó tôi nói với bạn mình rằng: “Quả thực người Mỹ luôn biết cách làm phim về nước Mỹ, rất khoa trương nhưng lại đầy cảm xúc” dù trong phim hầu như chỉ toàn đàn ông và đánh nhau. Tôi vẫn giữ ý nghĩ đó trong lần xem lại thứ hai, một bộ phim bi kịch lấy môn thể thao đối kháng võ thuật tổng hợp làm nền câu chuyện, diễn biến nhanh, không ẩn dụ, không giấu diếm, không cần những twist khiến người ta phải ngạc nhiên, đầy khoa trương và tự tin, bản lĩnh và táo bạo, ấy thế mà nó lại tạo cảm giác mạnh về tình cảm, lôi kéo ta một cách không mong đợi để xem trọn vẹn bộ phim một cách vô cùng thích thú.

Mở đầu phim là những cảnh quay yên bình trong nền nhạc ca khúc Start a War của The National khi một người đàn ông xuất hiện. Ông ta trở về nhà từ nơi làm việc, trên thềm nhà ông, một thanh niên đang ngồi uống rượu. Mối quan hệ của họ sớm được tiết lộ, đấy là con trai của ông già, anh vừa trở về từ chiến trường Iraq. Ông già chỉ có một mình, đã từng là một võ sĩ chuyên nghiệp bị nghiện rượu. Cứ vậy, câu chuyện giữa họ, những lời hội thoại ngắn gọn, không ăn ý, không hợp nhau kể cho ta biết mối quan hệ của hai người. Một cách bắt đầu bộ phim thật thú vị, đi thẳng vào vấn đề như chính lời bài hát.
“We expected something, something better than before. We expected something more”
“Chúng ta đã mong đợi một điều gì đó, một điều gì đó tốt hơn quá khứ” để nhập đề.

still-of-nick-nolte-and-tom-hardy-in-warrior

Cuộc chiến gia đình đã bắt đầu từ cách đây nhiều năm về trước khi Tommy (Tom Hardy) còn nhỏ. Bố mẹ anh lý dị, Tommy đi theo mẹ và chứng kiến mẹ mình qua đời trong bệnh tật, còn anh trai lớn Brendan (Joel Edgerton) đi theo bố là Paddy (Nick Nolte) đồng thời theo đuổi mối tình trung học mà bỏ quên em trai mình. Tommy không bao giờ tha thứ cho họ, anh vứt bỏ họ bố để lấy họ mẹ trong tên của mình. Sau đó bộ phim cắt sang câu chuyện về người anh Brendan, từng là võ sĩ nghiệp dư, đang làm giáo viên dạy vật lý tại trường phổ thông. Những tưởng Brendan có vợ đẹp, hai đứa con gái, một ngôi nhà khang trang và công việc ổn định sẽ không còn gì phải lo nghĩ. Nhưng bệnh tật của đứa con gái nhỏ đã khiến gia đình anh bên bờ vực phá sản, anh cần tiền để trả ngân hàng. Đấy là lý do anh quyết định quay lại sàn đấu, tham gia vào giải đấu đặc biệt lớn với giá trị tiền thưởng lên đến năm triệu đô la.

Tommy cũng tham gia vào giải đấu đó vì những vấn đề khác của riêng mình. Thân phận của mỗi người trong gia đình mà trung tâm là ông bố già với quá khứ vô cùng tồi tệ, và hai đứa con trai xuất phát từ trung điểm đó để phân kỳ ra hai hướng toàn toàn khác biệt. Qua từng cảnh phim, từng lát cắt câu chuyện của mỗi người được mở ra, hai câu chuyện từ phân kỳ chuyển sang hội tụ về giải đấu UFC. Đạo diễn cũng là người cùng viết kịch bản với hai nhà biên kịch khác là Anthony Tambakis và Cliff Dorfman đã không hề khiến người khán giả phải nghĩ nhiều về câu chuyện họ muốn kể, vì họ đưa ra hết cho ta cách câu chuyện sẽ diễn biến, sẽ bật sáng mọi góc tối để ta hiểu rõ ngôi nhà mình đi vào, để với một chút để ý ta sẽ hoàn toàn hiểu bộ phim sẽ đi đến một cái kết gần đúng thế nào với chính cách ta suy nghĩ. Như vậy thử hỏi còn gì thú vị nữa phải không?

2011_warrior_012

Ấy vậy mà phim vẫn đầy thú vị, hấp dẫn, vừa nông cạn vừa sâu sắc, vừa tưởng như đơn giản như lại chứa rất nhiều cảm xúc, tưởng như một chủ đề khô khan mà không khỏi khiến đàn ông phải nhíu mày. Đó là khi Tommy chửi cha mình thậm tệ, và rồi vì vài tình huống anh ôm người cha say rượu trong lòng cho ông ngủ, là khi ông cầm tờ lịch mà Tommy đã đánh dấu những ngày tập luyện của mình với cha khi còn bé… Một bộ phim đi rất nhanh với rất nhiều cú cắt vội đưa ta vào những địa điểm khác nhau để tạo thêm kịch tính và xây dựng bộ khung cảm xúc cho quá trình phát triển nhân vật, và trong những cảnh cắt rất nhanh đó luôn được lồng khéo léo những khoảng khắc đời thường, bi kịch nhưng vẫn đọng lại rất nhiều tình người, tình cảm ruột thịt, điều mà ta không thể lờ đi được dù cho trong mối quan hệ đó đã từng tồi tệ thế nào.

Đối với tôi đây là bộ phim mà Tom Hardy đã trở thành một diễn viên giỏi, đáng được chú ý. Nhìn cách anh diễn trong bộ phim mang lại cho ta một cảm giác rất thu hút. Một nhân vật ít nói, dáng đi gù gù, đôi mắt hay nhìn xuống, nhưng ngạo nghễ và khinh đời, khinh cả chính mình. Không có gì quan trọng với anh hơn đồng đội những người đã cùng anh vui buồn, hơn cả cái gia đình đã bỏ anh mà đi. Tommy là một dạng nhân vật đậm chất Mỹ với những rạn vỡ của tâm hồn vì chiến trận, sự thô ráp và đầy nam tính của một người đàn ông tôn trọng lời thề và lời hứa. Sự quyết đoán, mạnh mẽ đến bạo liệt nhưng khi cần lại vô cùng tình cảm. Một dạng nhân vật đi ra từ tiểu thuyết của Harold Robbins mang trong mình sự bất cần đời của dòng máu cao bồi với sự lạc lõng và hẫng hụt trong đời sống. Tom Hardy đã hoá thân một cách tuyệt vời, tạo cho ta một hình ảnh Tommy ấn tượng và dễ gần. Và quả thực bộ phim độc lập Locke của đạo diễn Steven Knight năm 2014, càng chứng minh tài năng của anh. Tất nhiên, cũng phải kể đến những vai diễn tròn trịa của Nick Nolte (The Thin Red Line), Joel Edgerton (The Great Gasby) và sự góp mặt của cô bác sĩ xinh đẹp trong phim truyền hình House M.D Jennifer Morrison.

warrior-pic04

Bỏ qua logic thông thường cần có để tạo tình huống và phát triển tình tiết, cũng không tập trung phát triển tình cảm theo kiểu Rocky (1976), mà Warrior dùng những trận đấu trên sàn đấu để tạo sự kết nối và tìm kiếm những sợi dây tình cảm. Có lẽ đó là điều đặc biệt thú vị khi bộ phim có ba nhân vật chính là đàn ông. Đàn ông họ cần chiến đấu để bảo vệ những gì mình yêu thương, cần chiến đấu để hiểu chính mình, và cần chiến đấu để hiểu nhau. Dụng ý của đạo diễn phải chăng là vậy? Dù gì đi nữa, những cảnh chiến đấu được thực hiện bằng những cảnh quay gần tạo cảm giác chân thực, sống động, những đau đớn khá thật và mang lại cảm xúc nhất định. Chính sự khoa trương thái quá của người Mỹ luôn mang lại cho tôi cảm giác nông cạn trong các bộ phim của họ so với các tác phẩm đến từ châu Âu, tuy nhiên đôi khi chính sự nông cạn đấy lại rất con người, vừa dễ hiểu, thân thiện, vừa được lòng người xem, nhưng đồng thời cũng tạo nên một nhịp điệu dễ chịu về tình cảm gia đình, hoàn cảnh xã hội, và bối cảnh đất nước.

Những bộ phim về chiến đấu đối kháng luôn được các đạo diễn Mỹ làm rất tốt, từ Rocky, Raging Bull, đến Cinderrella Man, rồi Westler, và Warrior… Bản thân những câu chuyện đó đầy nam tính nhưng cũng có những sự uỷ mị rất dễ cảm thông về trách nhiệm, khó khăn của đời sống, những vụn vỡ của quá khứ cần hàn gắn lại của tình cảm gia đình. Cuộc chiến một đánh một trên sàn đấu cũng chính là một phép ẩn dụ cho cuộc chiến của chính người đàn ông đó với cuộc đời, một cuộc chiến không khoan nhượng, đôi khi tàn khốc và để lại những hậu quả vô cùng to lớn, nhưng là cần thiết, để một người đàn ông, dù ở độ tuổi nào, cũng phải chiến đấu cho trách nhiệm của chính mình với chính cuộc đời đó nhìn theo những lăng kính khác nhau.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.