Hướng đến sự kiện điện ảnh lớn nhất hàng năm, lễ trao giải Oscar của Viện Hàn Lâm Mỹ, chúng tôi sẽ có loạt bài viết “đường đến Oscar” nhằm giúp cho các bạn có một cái nhìn tổng quan về điện ảnh trong năm 2014, để từ đó, mỗi người sẽ có những dự đoán cho riêng mình về từng hạng mục giải thưởng.
Cho những ai chưa biết, lễ trao giải Oscar sẽ được diễn ra vào ngày 22 tháng 2 năm 2015.
Bài đầu tiên trong loạt bài “Đường đến Oscar” sẽ là một phân tích nhỏ về những chiến thắng tại giải thưởng Quả Cầu Vàng vừa diễn ra ngày 11/1/2015.
Như tất cả mọi lĩnh vực nghệ thuật khác, giải thưởng là thứ cao nhất để tôn vinh công sức của một tập thể, cá nhân đã có những đóng góp xuất sắc trong cả năm qua trong lĩnh vực của mình. Điện ảnh cũng không nằm ngoại lệ. Năm 2014 đã trôi qua, danh sách phim hay nhất đã được những nhà phê bình phim từ khắp nơi trên thế giới bình chọn, và bây giờ là thời điểm để chúng được tôn vinh trong những ngày lễ dành riêng cho mình.
Là một trong ba lễ trao giải có số lượng người xem cao nhất trên truyền hình chỉ sau Oscar và Grammy tại Mỹ, Quả Cầu Vàng diễn ra thường niên vào đầu tháng 1, là lễ trao giải mở màn cho mùa giải thưởng với hàng loạt các liên hoan phim, giải thưởng phim diễn ra sau đó như BAFTA (của Anh), Oscar (của Mỹ) và Cannes (của Pháp)… Với nhiều nét tương đồng với Oscar đặc biệt là các hạng mục trao giải gần như trùng khớp chỉ trừ việc Quả Cầu Vàng chia loại phim thành phim chính kịch và phim hài kịch ca vũ nhạc để trao giải riêng, cộng với việc quan tâm đến cả lĩnh vực phim truyền hình, giải Quả Cầu Vàng thường được cho là phép thử tiền Oscar. Điều đó có nghĩa là, việc chiến thắng tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng sẽ có nhiều cơ may tại giải thưởng được cho là danh giá nhất của giới làm phim thế giới giải Oscar của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nghệ Thuật và Điện Ảnh Mỹ.
Mùa giải thưởng 2015 đã bắt đầu, Quả Cầu Vàng đã tìm được chủ nhân của mình. Đây cũng là lúc để ta nhìn lại nó và đoán định xem liệu những tác phẩm đã đoạt giải sẽ được viện hàn lâm Mỹ lựa chọn hay không?
Năm 2014 có thể nói là một năm vô cùng thành công của điện ảnh, rất nhiều những tác phẩm xuất sắc được sản xuất và nhận được những ý kiến tích cực từ giới phê bình và khán giả. Chính vì vậy, việc lựa chọn ra những ứng viên xuất sắc để đề cử quả thực là một thử thách không nhỏ. Nhưng việc Boyhood dành Quả Cầu Vàng ở hạng mục phim chính kịch xuất sắc nhất quả không ngoài dự đoán. Vì sao lại như vậy? Boyhood là một tác phẩm điển hình cho cách một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện: đơn giản, tinh tế, và kiên kì. 12 năm trời để làm một bộ phim, tương đương với quá trình phát triển thực của nhân vật về mặt tuổi tác. Đạo diễn Richard Linklater vốn không xa lạ với bộ ba phim Before sunrise, Before Sunset và Before Midnight đã thoả hiệp được với thời gian để tạo ra một tác phẩm đỉnh cao của sự tinh tế, khi lột tả vô cùng chân thực chân dung trưởng thành của một cậu bé từ 6 tuổi đến khi lớn thành một thanh niên 18 tuổi với tình yêu đầu đời, ai cũng có thể tìm thấy mình trong tác phẩm đấy. Richard Linklater luôn như vậy, những tác phẩm của ông luôn giàu chất thơ, sự thực tế, và không thiếu sự viển vông của một tâm hồn nghệ sĩ thuần khiết. Nhưng liệu Boyhood có phải là chân dung sáng giá nhất cho Oscar?
Câu hỏi đấy thật khó trả lời nếu đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Birdman, bộ phim mới nhất của đạo diễn người Mexico lejandro González Iñárritu, ông được biết đến là một đạo diễn phim độc lập hàng đầu Mexico với những tác phẩm tiêu biểu như Amores Perros, Babel. Birdman kể về một diễn viên bị thất thế về già đang tìm lại ánh hào quang quá khứ trên sân khấu kịch. Đây là một chủ đề không mới nhưng sự hoài niệm và chiến đấu vì cuộc sống để thay đổi vận mệnh là một chủ đề khá được ưa chuộng tại Mỹ. Nó làm ta liên tưởng đến The Artist, bộ phim đoạt giải Oscar năm 2012 của đạo diễn Michel Hazanavicius, hay bộ phim hai đề cử The Wrestler của đạo diễn Darren Aronofsky.
Dù hạng mục phim hài, ca nhạc không được trao cho Birdman mà được trao cho The Grand Budapest Hotel của đạo diễn Wes Anderson, nhưng giống như Avatar (2009), The Grand Budapest Hotel được trao mang nhiều hàm ý khích lệ hơn là nó có sự nổi bật thực sự. Trong Birdman, sự diễn xuất tuyệt vời của diễn viên gạo cội Micheal Keaton công hợp với kịch bản độc đáo, vừa hài hước vừa để lại nhiều suy ngẫm và trải nghiệm quả thực khiến cho Birdman rất được lòng giới phê bình. Đặt lên bàn cân, Birdman hoàn toàn không thua kém Boyhood về mặt nghệ thuật kể chuyện và cách hai bộ phim chạm sâu vào lòng khán giả. Tại giải Quả Cầu Vàng, Birdman đã thua The Grand Budapest Hotel ở hạng mục phim hay nhất một cách đầy bất ngờ, nhưng nó đã dành được hai giải quan trọng là kịch bản xuất sắc nhất và nam diễn viên chính xuất sắc nhất ở hạng mục phim hài kịch và ca vũ kịch.
Mặc dù, ở thể loại chính kịch, giải thưởng nam diễn viên chính được dành cho Eddie Redmayne với vai diễn xuất thần trong The Theory of Everything, bộ phim tiểu sử về nhà thiên văn học Stephen Hawking nhưng nếu “so găng” cùng Micheal Keaton trên sân khấu Oscar, thì Eddie khó có thể dành chiến thắng. Nếu như Method Acting (kĩ thuật diễn xuất đi vào chiều sâu nhân vật dựa trên những tìm hiểu về sâu về tâm lý học để nắm bắt hoàn toàn tâm lý nhân vật) là một kĩ thuật khó, đòi hỏi nhiều trải nghiệm và kĩ năng, cũng như tài năng thì Eddie Redmayne còn khá non nớt, bản thân cách hoá thân của anh rất tuyệt vời, nhưng nó nằm ở bề nổi, ở khả năng hoá thân, còn Micheal Keaton trong Birdman đã cho thấy sự nhập tâm hoàn toàn, một vai diễn không còn là diễn mà như thể đó chính là ông vậy. Nói vậy, cũng để thấy ở hạng mục này thì Boyhood không có cửa vì sự tròn vai của diễn viên chứ không có ai thực sự nổi bất trừ vai nữ phụ Patricia Arquette. Nhưng liệu Richard Linklater có dành được một trong năm giải thưởng lớn nhất (Big Five) về mặt chỉ đạo hay không? Quả Cầu Vàng đã nằm trong tay ông. Sự tận tuỵ, hết lòng vì nghệ thuật, sự kiên định bất chấp thời gian đã giúp ông được lòng Hiệp hội báo chí nước ngoài Hollywood (những người tham gia bình chọn cho giải Quả Cầu Vàng), nhưng liệu có được lòng hội đồng của Viện Hàn Lâm Mỹ? Không phải không thể, khi Oscar thường tham chiếu từ Quả Cầu Vàng để đưa ra quyết định của mình. Nhớ lại mùa giải năm ngoái, Alfonso Cuarón sau chiến thắng tại Quả Cầu Vàng đã thẳng tiến một cách vang dội tại giải thưởng Osar. Richard Linklater với bộ phim tinh tế và khiêm tốn của mình, xứng đáng với những gì cao quý nhất.
Còn hơn 1 tháng rưỡi nữa, lễ trao giải Oscar sẽ được tổ chức, cho đến thời điểm này, những đề cử chính thức vẫn chưa được công bố, tất cả chỉ là những dự đoán từ các nhà phê bình phim, nhằm đưa ra một cách tổng quan diện mạo của điện ảnh 2014. Tuy nhiên, từ giải quả cầu vàng, những đề cử và giải thưởng đã được công bố, ta hoàn toàn có thể phán đoán, cách thức giải Oscar 2015 sẽ tôn vinh ai, tác phẩm nào. Tôi nghiêng về Boyhood và Birdman cho những chiến thắng tại Oscar. Tất nhiên, Oscar từ lâu đã không chỉ là sân chơi cho giới làm phim, nó đã trở thành thước đo để định giá một tác phẩm, mà tác phẩm đó không chỉ thuần tuý được đánh giá về mặt nghệ thuật, mà nó chứa đựng phẩm chất của người Mỹ, thực dụng, trân trọng tài năng, nhưng đồng thời, cũng tính toán đến những vấn đề mà họ muốn quan tâm ví dụ như Argo chiến thắng thuần tuý về mặt chính trị, The Artist về những hoài niệm về thời đại phim câm… nên đôi khi ta chấp nhận rằng Oscar là một sự danh giá đầy hào nhoáng che lấp cả nghệ thuật đích thực.