Nói đến Nhật người ta hay nói về nhân cách người dân Nhật Bản với ý chí và kỷ luật sắt đá, luôn làm theo mục tiêu đã định, tôn trọng những con người lao động chân chính trong xã hội không cần biết đó là trí óc hay tay chân, cần cù và có tính trách nhiệm cao. Chính những đức tính đó đã mang lại nỗ lực thần kỳ để đưa Nhật Bản từ một nước nghèo, ít tài nguyên thiên nhiên, khí hậu và địa hình không thích hợp cho nông nghiệp lại bị tàn phá nặng nề sau Thế chiến thứ hai lên tầm cường quốc thế giới.
Hoặc chúng ta nhắc nhở nhau về áp lực cuộc sống căng thẳng và nặng nề của thời kỳ hiện đại của người Nhật. Đôi khi chính những tính cách đặc trưng và tốt đẹp lại đẩy họ vào những con đường không lối thoát, từ đó dẫn đến một xã hội với tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Còn tôi, với tư cách một kẻ hâm mộ nghệ thuật thì nước Nhật là một điểm đến nghệ thuật thú vị, không thể bỏ qua một lần trong đời.
Nhật giàu bản sắc nghệ thuật đậm chất mỹ học, dường như họ có khả năng kết tinh được nghệ thuật truyền thống Nhật Bản từ xa xưa như trà đạo, xếp giấy origami, cắm hoa ikebana, bonsai, kịch múa kabuki, thư pháp, thơ haiku… cho đến việc cổ vũ, phát triển và phổ cập những ý tưởng mới lạ về việc kết hợp nghệ thuật đương đại với đời thường nhằm nâng cao ý thức người dân.
Tất nhiên đất nước hội nhập sẽ khó lòng tránh khỏi những tiếp thu và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây lên giới trẻ, ở bất cứ nước nào cũng vậy và Nhật chẳng phải ngoại lệ. Nhưng theo những gì tôi quan sát thì ở Nhật, hai yếu tố hội nhập và bảo tồn văn hóa là hai dòng nước song song, không ai ảnh hưởng đến ai, hòa nhập chứ không hòa tan. Anh có thể hợp pháp hóa phim khiêu dâm và bán nhan nhản ngoài đường, nhưng những thứ giá trị văn hóa ngày xưa vẫn được gìn giữ rất tốt. Ví dụ như nhạc Enka truyền thống của Nhật từ những năm 90 đã không còn hấp dẫn được giới trẻ như quãng thời gian trước đó nữa do ảnh hưởng của nhạc Pop từ phương Tây, tuy vậy nó vẫn còn được rất nhiều người quan tâm và phát sóng ở nhiều nơi, thậm chí là vào top 10 bảng xếp hạng Oricon hay được mọi lứa tuổi ủng hộ nhiệt thành trong chương trình Đại nhạc hội đón giao thừa Kōhaku Uta Gassen hàng năm. Thiết nghĩ cái gì ra cái đó còn hơn là miệng ra rả bài ca thuần phong mỹ tục nhưng lối sống nghệ thuật thì suy đồi, nhạt nhẽo.
Chẳng phải nói quá, nghệ thuật có thể tìm thấy ở mọi nơi trên đất nước Nhật. Một số nằm trong các viện bảo tàng, phòng triển lãm còn một số có thể đập vào mắt ta hàng ngày, ngay dưới bước chân trên mọi nẻo đường thông thường như những chiếc nắp cống này. Trong hơn năm năm qua, nhiếp ảnh gia Morita đã đi khắp nước Nhật để ghi lại những chiếc nắp cống đủ màu sắc, nội dung tuyệt đẹp. Theo thống kê của Hiệp hội nắp cống Nhật Bản (vâng, có cả một đoàn thể như thế ở Nhật đấy) thì có khoảng hơn 6000 mẫu nắp cống nghệ thuật nằm rải rác từ cực Nam cho đến cực Bắc Nhật Bản.
Tất cả mọi chuyện khởi đầu từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước khi một văn phòng cấp cao của Bộ Xây dựng Nhật Bản nghĩ ra ý tưởng cho phép các thành phố tự thiết kế các mẫu nắp cống của mình. Mục tiêu ban đầu của họ chỉ là nhằm nâng cao ý thức của người dân về sự tốn kém trong việc xây sửa các đường ống thoát nước và đem lại một cái gì thuận mắt hơn là những khối sắt tròn vô tri khắp thành phố. Thực sự chẳng cần những khẩu ngữ to tát do dân, vì dân làm gì mà hãy thể hiện bằng hành động: cầu thang cho người tàn tật, đèn qua đường có tiếng nói cho người mù hay những tiểu tiết tưởng nhỏ mà mang lại lợi ích lớn cho cuộc sống của người dân mới là thứ đi vào lòng người và khiến họ yêu mến.
Chính những người tiên phong ấy cũng không ngờ đến sự cạnh tranh, ganh đua mạnh mẽ giữa các thành phố để đẩy các mẫu thiết kế lên một tầm cao mới, nghệ thuật hơn. Những chiếc miệng cống khiêm tốn ngày nào giờ mang trong mình một dáng vóc lớn lao: một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng trên mình những biểu tượng, đặc sản và niềm tự hào của mỗi thành phố Nhật.
Không những chỉ ở Nhật Bản mà ở các nước châu Âu (nhất là Bắc Âu), chính phủ rất chịu khó đầu tư không tiếc tiền cho mảng văn hóa, nghệ thuật. Thế nên nhiều nước như Thụy Điển từ xưa đến nay chưa bao giờ lệch ra khỏi con đường nghệ thuật chân chính: các thế hệ làm phim, ảnh luôn giữ trong mình sự tự tôn và cố gắng vươn đến vẻ đẹp thuần khiết của nghệ thuật, có thể thô sơ chưa mài giũa nhưng chúng là những viên ngọc sáng lấp lánh và giá trị nhất. Họ hiểu được giá trị thực sự của nghệ thuật với đời sống con người, vì xét cho cùng nghệ thuật và văn hóa là thứ duy nhất chúng ta đang để lại cho các thế hệ mai sau.
Nói như vậy thì e rằng con cháu chúng ta sẽ phải chịu kiếp con sãi ở chùa lại quét lá đa một thời gian dài dài nữa. Khó có thể tránh khỏi một cái nhìn bi quan khi ngó thử sang khía cạnh văn hóa-nghệ thuật nước nhà: những con người kì cựu và những kẻ theo đuổi nghệ thuật chân chính đang dồn lại vào một chỗ và sống ngắc ngoải qua ngày, những kẻ trẻ tuổi bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, danh vọng, những cá tính nhờ nhờ nhưng lại tưởng mình độc đáo…
Những “con người của công chúng” không ngần ngại làm đủ mọi việc để được người ta nhắc đến ở đất nước dễ nổi tiếng nhất thế giới (quả thật thế). Những trào lưu ảnh nude, ảnh nghệ thuật mà hai chữ cuối tôi tìm mỏi mắt cũng chả thấy. Những bạn trẻ biến nhiếp ảnh thành bộ môn bé tập tô màu. Những bộ phim, bài hát, sách báo rẻ tiền chầu chực chờ hiếp dâm tinh thần khán giả ở khắp mọi nơi.
Ở cái thời đại này nhiều vụ bê bối thực phẩm xảy ra liên tiếp đến mức khiến báo đài phải ra rả nói về chuyện mâm cơm đầy hóa chất của người Việt hay những quán ăn trên đường phố bẩn không thể bẩn hơn bằng những từ “mạnh” như sốc, kinh hoàng, kinh dị… Nhưng đến bao giờ họ mới chịu viết về ngộ độc văn hóa và ô nhiễm tinh thần – cái thứ chất độc kinh tởm đang ăn mòn và hủy hoại chúng ta hàng ngày một cách tưởng chừng như vô hại nhất theo năm tháng?
Sự căm phẫn trước sự tàn phá của nó lên những người trẻ khiến tôi không khỏi thét lên trong tưởng tượng câm lặng. Chúng ta thừa những luật đời và quy tắc giáo dục dạy mình cách sống đối phó, đạo đức giả với đủ mọi nếp “thuần phong mỹ tục” nhưng lại thiếu những sân chơi nghệ thuật cần thiết, những hỗ trợ tinh tế nhạy cảm của các cấp ban ngành cho những con người trẻ. Thôi thì than thở, rủa xả cũng chẳng mang lại lợi ích gì, trong cái thời đại mới của tự do cá nhân này tốt hơn hết hãy làm cho tốt việc của mình và truyền lửa cho người khác cùng trân trọng cái đẹp thuần túy, đừng để thứ quyền lực dốt nát nào đó đô hộ, chà đạp lên chính chúng ta. Cứ để xem và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Các bạn có thể xem thêm ảnh về nắp cống ở khắp nước Nhật của tác giả Morita ở đây: https://www.flickr.com/photos/28074232@N06/sets/72157612036691185/
Một group khác trên Flickr cũng có rất nhiều ảnh về chủ đề này:
https://www.flickr.com/groups/japanese_manhole_covers/pool/