Nếu như với nhiều nhiếp ảnh gia thời trang hàng đầu khác, một số tháng trong năm họ bận bịu đầu tắt mặt tối giam mình trong những studio thiếu không khí làm việc cùng các siêu mẫu để cho ra lò những bộ sưu tập thu đông hay xuân hè. Sản xuất các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, đắt đỏ cho những cái tên thời trang cao cấp nhất thì riêng với Tim Walker, ông lúc nào cũng tập trung mọi trí lực và sức lực của mình lại để xây lên một xưởng phim nho nhỏ, để nâng tầm các buổi chụp hình của mình lên một tầm cao vĩ đại mới.
Trong thế giới nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc hay nhiếp ảnh thì số người tôi yêu thích và ngưỡng mộ về tài năng rất nhiều. Nhưng khái niệm “thần tượng” thì thật sự với tôi gay gắt và cầu kỳ hơn những lẽ yêu thích thông thường. Số người tôi thần tượng chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay – không chỉ vì họ tài năng kiệt xuất mà còn ở chỗ: họ làm tôi cảm thấy như một người tri âm tri kỷ về nghệ thuật của lòng mình. Người mà ta nhìn thấy một phần tâm hồn mình trong đó, từ lối sống, đam mê, khát khao hay tư tưởng. Người mà ta sẵn sàng khổ luyện, đẩy mình đến cực hạn để được trở thành như họ trong 10, 20, 30 năm sau.
Tim Walker là một trong số đó.
Khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được những xuất phẩm của ông một cách trọn vẹn nhất: ma thuật, kỳ diệu, dị biệt và đầy mê lực khiến tôi không thể rời mắt.
Ảnh của Tim Walker không đơn giản là được chụp lại bằng máy ảnh – đó là sự hội tụ của hàng chục, hàng trăm luồng suy nghĩ và công đoạn tỉ mỉ như một nghệ sĩ thủ công mỹ nghệ để đảm bảo cái phim trường nho nhỏ ấy sẽ cho ra kết quả giống như trong tưởng tượng đến từng tiểu tiết bé nhất.
Sinh năm 1970 ở Anh, Tim Walker bắt đầu chụp ảnh khá sớm từ thời niên thiếu nhưng quyết tâm đi theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp chỉ bắt đầu bộc phát mãnh liệt trước khi ông đi học đại học một năm. Khi đó Tim làm thêm tại thư viện trường Đại học Thiết kế và Thời Trang Condé Nast ở London, nơi ông được sắp xếp và lưu trữ những tác phẩm của nhiếp ảnh gia Cecil Beaton.
Sau khi tốt nghiệp Tim Walker làm trợ lý tự do rồi nhờ may mắn mà được chuyển đến New York làm trợ lý cho Richard Avedon. 25 tuổi đã chụp bộ ảnh đầu tiên cho VOGUE, từ cái ngày đó đến nay ông vẫn luôn là nhiếp ảnh gia chính, người lãng mạn hóa nào những Vogue Italia, Vogue US, W Magazine… Cái lý do tôi yêu ảnh ông đến thế thì rất khó diễn tả, có lẽ là vì ông chịu ảnh hưởng rõ rệt về phong cách của hai bậc thầy Richard Avedon và Cecil Beaton – hai người tôi vô cùng yêu mến.
Còn nhớ Richard Avedon là người đã tạo ra cuộc cách mạng thay đổi những chuẩn mực của nhiếp ảnh thời trang thời kỳ trước: những cô người mẫu đứng tạo dáng vô hồn và không quan tâm đến máy ảnh hay khán giả. Chính Avedon đã mang đến thế giới những bức hình thời trang đầy xúc cảm, năng lượng, chuyển động với đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố thăng hoa của người mẫu.
Tim Walker đã vận dụng và đưa phong cách đó của người thầy lên một đẳng cấp hoàn toàn mới – một thế giới tưởng tượng, siêu thực và gây rúng động lòng người. Một người dẫn truyện tài tình bằng hình ảnh. Một gã yêu quần áo đẹp nhưng chẳng thèm quan tâm đến những chuyện góc cạnh trên sàn diễn Catwalk. Cái thế giới tự do và bất khả xâm phạm ấy miễn nhiễm bởi trào lưu. Trào lưu rồi sẽ qua, và một khi nó qua đi thì chỉ còn những gì kinh điển nhất tồn tại mãi với thời gian.
Xây từ trí tưởng tượng bất tận của một đứa trẻ, thứ của cải quý giá nhất mà đa phần người lớn chúng ta đã đánh mất – cái giá phải trả khi con người trưởng thành, môi trường Tim Walker tạo ra giống như một phim trường, một sân khấu ca kịch với thiết kế bối cảnh đẹp sững sờ; từng chi tiết, từng góc khung hình được chăm chút, bố trí một cách tỉ mỉ có chủ đích khiến khán giả có thể nhìn ngắm mãi không chán. Mỗi lần nhìn ta lại khám phá thêm được nhiều điều mới, mỗi một người lại có cách cảm và hiểu khác nhau tùy theo tính cách và những gì họ đã từng trải.
Tim Walker là gã khổng lồ cầu toàn đến phát xít của nhiếp ảnh, giống như những Akira Kurosawa, Stanley Kubrick, Alfred Hitchcock hay David Fincher của điện ảnh – người sẵn sàng dùng tiền lương để đầu tư thêm đạo cụ phục vụ nghệ thuật của mình hơn là khách sạn, máy bay hạng nhất. Ảnh của ông siêu thực nhưng mọi chi tiết nhỏ nhất trong ảnh Tim lại rất thật, chí ít là về mặt vật lý, tất cả đều được chuẩn bị trước khi chụp chứ không hề có sự can thiệp của kỹ xảo hay hậu kỳ. Tôi rất tâm đắc điều này và qua ngày tháng cũng tự đặt ra cho mình những nguyên tắc và thử thách thành chuẩn mực như vậy – nó sẽ biến chúng ta thành những người chụp ảnh đẹp hơn.
Một điểm đặc biệt khác ở ảnh Tim Walker là những người mẫu – không đơn thuần là bất kỳ siêu mẫu nào cũng được ông chọn. Không đơn giản chỉ là những cô nàng ba vòng chuẩn hay người mỏng dính chỉ có da bọc xương khoác lên mình những bộ quần áo đắt đỏ. Họ là ngôi sao của bức ảnh, họ hóa thân thành nhân vật – diễn viên của bộ phim câm mà Tim Walker đạo diễn, chìm đắm trong thế giới của ông để truyền tải những câu chuyện không lời bằng ngôn ngữ cơ thể và sắc mặt đắm say.
Thế giới, vũ trụ mà ông tạo ra gây cảm giác hoài cổ một cách quái lạ trong người xem – vì mỗi người thấy những hình ảnh đó thật thân quen và gần gũi như thể họ đã từng gặp nó ở đâu vậy. Nhưng điều đó là không thể vì nơi đó sẽ chẳng bao giờ được tìm thấy nơi đâu trên Trái Đất này. Phải chăng chúng ta đều đã nhìn thấy nó trong mơ?