Ngay từ những ngày đầu tiên loài người xuất hiện trên trái đất, thay đổi nó từng ngày một, tốc độ chưa khi nào rời khỏi bản năng của chúng ta. Thuở đầu, tốc độ trở thành ham muốn bởi con người cần phải trở nên thật nhanh để có khả năng bắt được những con thú hoang dã, và phục vụ cho đời sống. Rồi thời gian trôi qua, khi đã vượt qua giới hạn của đôi chân thuần túy, nhân loại phát kiến ra những cỗ máy di chuyển ngày càng nhanh, ngày càng thuận tiện. Tuy nhiên, mặc cho sự hiện diện của các cỗ máy, một bộ phận không nhỏ con người vẫn không ngừng khơi dậy bản năng và ham muốn tốc độ, và đối với họ, tốc độ không gì khác, là một thứ tôn giáo, với bình nguyên muối Bonneville được coi như một thánh địa, nơi không chỉ tôn thờ tốc độ đơn thuần, mà còn cả giấc mơ, hay ý chí của con người.
Bình nguyên muối Bonneville, nơi “phẳng” tới mức bạn “hầu như có thể nhìn thấy đường cong của Trái Đất”, cằn cỗi tới mức không một dạng sống dù đơn giản nhất nào có thể tồn tại. Trừ giấc mơ tốc độ hoang dại của loài người. Rộng 120 km vuông, bình nguyên là tàn tích của hồ Bonneville và lớn nhất trong số các bình nguyên muối thuộc Great Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Nơi này được quản lý bởi Bureau of Land Management, nắm đa phần hết kỉ lục tốc độ trên đất liền, mở cửa miễn phí và bạn có thể lái xe tự do tại đây. Tuy nhiên, nếu muốn đua tại “Bonneville Speedway”, bạn cần có một bằng lái đặc biệt. Vào mùa đông, trên bề mặt bình nguyên sở hữu một lớp nước mỏng, dày khoảng 1 inch, do đó, sân đua bị đóng cửa trong thời gian này cho tới mùa hạ, khi nơi đây không còn lại gì ngoài một không gian bất tận trải đầy muối, “Tuần lễ tốc độ” diễn ra.
Bề mặt sân đua tại “Bonneville Speedway” vô cùng độc đáo, nó có thể được miêu tả như sau: “Hãy láng đầy một hộp giấy bởi muối. Khi này, muối giống như cát, không rắn chắc. Giờ hãy đổ nước vào, và để cho nó khô. Lớp muối lúc đó sẽ trở thành một khối cứng, trắng, nhám, có vẻ khá lý tưởng để đua. Song tại lớp trên cùng, chúng có những hạt muối li ti bao phủ, mịn, giống như bạn mặt đường nhựa, được rắc lên bởi một “ly” cát”. Mẹ thiên nhiên đã tạo ra Bonneville như thế.
Toàn bộ sân đua có độ dài 10 dặm, rộng “trắng” và nghẹt thở về mọi phía – một màu trắng tưởng như nuốt chửng sự nhỏ bé của chúng ta, song lại làm bộc lộ những sự vĩ đại ẩn sâu trong cá thể ấy. Đây là một trong những nơi nổi tiếng nhất về khả năng đẩy con người và những cỗ máy tới giới hạn. Tất cả những người nhanh nhất hành tinh đã từng tới đó. Bạn luôn trong tình trạng kéo ga hết mức, với tốc độ có thể lên tới ngoài 200 dặm / giờ liên tục trong 3 hay 4 dặm. Một phép thử tối thượng cho sự bền bỉ và ý chí của cả con người và những chiếc xe.
Tại Bonneville, muối có ở khắp nơi. Ai ai cũng gặp cơn “sốt muối” (“Salt Fever”) khi tới Bonneville. Muối bám trên lốp xe. Muối dính đầy vỏ động cơ khi bị văng. Muối bao phủ toàn bộ thân người. Muối ngấm vào cơn mơ tốc độ hoang dại, khiến nó trở nên đậm đà hơn bao giờ hết. Trên sân đua, bạn cảm thấy như toàn bộ cơ thể tràn ngập trong mùi nồng nóng mặn mà của muối; và tại vạch xuất phát, người ta đã kể rằng, “bạn có thể cảm nhận thấy linh hồn của tất cả những người đã từng tới đây, đua tại đây, bay tại đây, trở nên hạnh phúc một cách điên rồ tại đây”. Ngay khi “cất cánh”, cảm giác đó sẽ hòa nhập cùng sức nóng xông lên từ mặt sân, tiếng gầm rú của động cơ, song bạn khó mà nghe thấy bất kì điều gì, ngoài tiếng gọi mãnh liệt xuất phát từ chính tâm thức mình. Khắp tứ phía đều trắng xóa, mọi góc nhìn đều giống như “bản sao của những bản sao của những bản sao”, và chúng lặng im để bài ca cùng lời dẫn lối từ những nơi sâu kín nhất cất tiếng. Máu bơm đầy adrenaline, và nhiều hơn nữa, muối. Thời điểm ấy, khoảnh khắc ấy, nỗi sợ hãi thông thường sẽ khiến bạn rời bỏ tay ga, nhưng tại Bonneville, bạn sẽ không ngừng kéo ga tới hết quãng đường dài 10 dặm của sân đua. Đó cũng là lúc “Salt Fever” lên tới đỉnh điểm, rồi trở thành một căn bệnh mãn tính.
Bất cứ ai cũng đem về những kỉ lục khi đặt chân tới thánh địa này. Roland “Rollie” Free, “người tự do”, đạt kỉ lục tốc độ 241.9km/h trên một chiếc Vincent Black (Shadow hoặc Lighting) vào buổi sáng ngày 13/9/1948. Trước đó, tại lần chạy đạt 237km/h, bộ quần áo của ông đã bị hỏng, nên tại lần chạy đạt kỉ lục, ông đã quyết định loại bỏ toàn bộ quần áo, chỉ mặc duy nhất một chiếc quần bơi, một chiếc mũ tắm, một đôi giày đi mượn. Không mũ bảo hiểm, không đồ bảo hộ, nằm rạp xuống xe để tối ưu khí động học. Kĩ thuật “nằm xòe” này tới nay vẫn được áp dụng trên những cuộc đua trái phép với những chiếc xe unberbone cỡ nhỏ tại châu Á. Burt Munro, đạt kỉ lục với tốc độ 288km/h tại hạng xe 883cc trên một chiếc 1920 Indian Scout vốn có dung tích khi xuất xưởng 600cc, được nâng cấp thành 850cc hoàn toàn bằng tay vào năm 1962, khi ông 63 tuổi, sau khi vượt một quãng đường dài tư Newzealand tới Bonneville. 1966, chiếc xe được nâng cấp lên 920cc, đạt kỉ lục 270.4 km/h cho hạng xe 1000cc. 1967, chiếc xe tiếp tục ghi dấu tại đây với dung tích 950cc, tốc độ 305km/h và tới 331km/h khi ông chạy tới dặm thứ 11 của đường đua. Câu truyện của Burt Munro cũng trở thành cảm hứng cho bộ phim “The World’s Fastest Indian” với sự thể hiện của tài tử Anthony Hopkin. Đây cũng không phải bộ phim duy nhất mang dấu ấn của bình nguyên này, một số khác có thể kể tới như phim tài liệu “Why We Ride”, “The Greasy Hands Preachers”,… Bonneville cũng là cái tên được Pontiac hay Triumph đặt cho những chiếc xe của họ. 23/10/1970, chiếc Streamliner Blue Flame chạy động cơ tên lửa đẩy đạt kỉ lục tốc độ trên cạn – 1001 km/h – tại Bonneville. Nhưng chính bạn cũng có thể xác lập bất kì kỉ lục nào tại đây: Chiếc xe 150cc nhanh nhất, SUV nhanh nhất, xe đạp nhanh nhất,… Bởi ngay cả khi bạn không thể xác lập kỉ lục với thế giới, bạn vẫn có thể tạo ra những kỉ lục cho chính mình. Không có giới hạn tại Bonneville, lòng dũng cảm và giấc mơ của con người cũng vậy.
– Cộ –
Một sự kết hợp giữa Mann Up và choixe.us.