“Chúng tôi ở đâu đó quanh Barstow bên rìa sa mạc khi ma túy bắt đầu phát tác. Tôi nhớ mình đã nói một câu đại loại như: “Tôi cảm thấy hơi váng vất, có lẽ anh nên lái xe…”
Và rồi bất thình lình tiếng gầm rú khủng khiếp bủa vây chúng tôi, bầu trời đầy những sinh vật nhìn như lũ dơi khổng lồ, tất cả nhào xuống, rú rít và lượn vòng quanh chiếc xe hơi đang để mui trần chạy với tốc độ trăm cây một giờ đến Las Vegas. Ai đó la thất thanh: “Lạy Chúa! Loài quái quỷ gì thế này?”
Rồi tất cả im lặng trở lại. Viên trợ lý của tôi cởi bỏ áo sơ-mi và đang tưới bia lên ngực để đẩy nhanh quá trình bắt nắng. “Ông la hét cái quái gì thế?” Hắn càu nhàu, nhìn chằm chằm về phía mặt trời với đôi mắt nhắm nghiền được che bởi cặp kính mát Tây Ban Nha có viền. “Không có gì.” Tôi nói. “Đến lượt anh lái xe rồi.”. Tôi đạp phanh và đánh chiếc Cá Mập Đỏ Lớn thẳng về phía vệ đường cao tốc. Không nhất thiết phải đề cập đến lũ dơi, tôi nghĩ. Thằng khốn này sẽ nhìn thấy chúng nhanh thôi.”
Nhắc đến cảm hứng để làm nên các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, không thể không kể đến một nguồn kịch bản dồi dào từ thế giới truyện và tiểu thuyết. Dẫu không ít phim phá hoại sách gốc nhưng cũng không ít phim còn ấn tượng và để lại dư vị sâu sắc trong lòng khán giả hơn cả tác phẩm gốc. Được tờ Premiere liệt kê trong danh sách mười tác phẩm điện ảnh hay hơn nguyên tác, Fear and Loathing in Las Vegas của đạo diễn Gilliam là một bộ phim như thế.
Chuyển thể từ cuốn sách mang nhiều yếu tố tự truyện cùng tên của nhà văn, nhà báo Hunter S. Thompson (đã được xuất bản tại Việt Nam với tên Thác loạn ở Las Vegas), Fear and Loathing in Las Vegas là một cuộc du ca lãng mạn và táo bạo đi vào tâm của cái gọi là Giấc Mơ Mỹ.
Năm 1971, thập niên của phong trào hippie, âm nhạc John Lennon, Gonzo journalism (báo chí chủ động), trào lưu phản chiến, biểu tình và bắt bớ. Khi chính trường Mỹ đang nóng lên bởi cuộc chiến tranh tại Việt Nam thì có hai kẻ thoát ly hiện thực bằng các chất kích thích trên đường từ California tới Las Vegas để tường thuật về một cuộc đua mô-tô của nhóm quái xế Hell’s Angels. Hai kẻ ấy là nhà báo Raoul Duke và tay luật sư to con Samoan, hay còn gọi là Dr. Gonzo. Nhưng thay vì thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo, với “hai túi cỏ, bảy mươi lăm viên mescaline, năm vỉ a-xít dạng viên giấy cực mạnh, nửa lọ cocaine, và cả một thiên hà mỹ miều các loại thuốc lắc, thuốc rũ, thuốc cười, thuốc hét…”, hai kẻ trung niên ấy lao vào cơn mê sảng lúc tỉnh lúc mơ của chất kích thích, điên loạn và vặt vẹo vì những ảo ảnh khi tỏ khi mờ.
Xem Fear and Loathing in Las Vegas, khán giả sẽ được trải nghiệm những trạng thái tâm lý lẫn vật lý thú vị của việc sử dụng ma túy, bước vào cơn ngất ngây, xiêu vẹo và hoang đường của hai kẻ trí thức trên hành trình đến với Giấc Mơ Mỹ.
Giấc mơ Mỹ là từ lóng dùng để nói đến một niềm tin về sự tự do, cho phép tất cả các công dân có quốc tịch lẫn không mang quốc tịch Mỹ được theo đuổi các mơ ước, mục tiêu của họ trong cuộc sống. Giấc Mơ Mỹ cho phép con người thoát khỏi những ràng buộc của đồng tiền và cấu trúc xã hội, được tự do xác quyết những giá trị riêng cho bản thân, đạt được những ước nguyện bằng chính nỗ lực tự thân chứ không phải bằng địa vị có sẵn.
Đi theo tôn chỉ đó, Raoul Duke và Samoan tự tay kiến tạo Giấc Mơ Mỹ qua một phương thức duy nhất: chơi ma túy. Trong chiếc áo sơ mi cây dừa Hawaii, nón bucket vàng kem, cặp kính màu “chất chơi” và tẩu thuốc thường trực trên mồm, Johnny Depp hóa thân hoàn hảo thành một nhà báo tay chơi miền Tây, cũng là hiện thân của chính tác giả S. Thompson, bạn đồng hành là tay luật sư Gonzo béo tốt, cũng không kém điên rồ hơn Duke bao nhiêu.
Những thước phim náo loạn khiến người xem như lạc vào một mê cung thẳm sâu mà chỉ có kẻ dùng chất kích thích mới có thể hiểu được. Hiện thực bị bóp méo, con người của xã hội thực bị biến dạng trở thành những con quái vật nực cười và phi lý. Tuy nhiên, sự điên loạn cũng có sức hấp dẫn riêng. Các phương tiện truyền thông vẫn ra rả về tác hại của ma túy, nhưng trong hoàn cảnh đó, bối cảnh đó, khi chính cái xã hội mà Duke và Gonzo đang sống lại đang điên loạn trong chiến tranh tự phát, vô lý và phi nghĩa, thì ma túy lại là cứu cánh duy nhất giúp họ chối bỏ thực tại.
Ma túy bị xem là cái nấc cao nhất trong thang giá trị đen, vốn chỉ là phương tiện hỗ trợ những cuộc thăng hoa “thoát xác”, được chuyền tay nhau trong một cộng đồng khép kín, nay trở thành cái phao cứu sinh độc nhất để người ta trốn chạy khỏi thực tế nhiều bải hoải, cái thực tiễn đời sống xã hội tham quyền, không bao dung và loạn lạc.
Fear and Loathing in Las Vegas là cái nhìn toàn diện khắc họa bộ mặt chung nhất của văn hóa pop culture tại Mỹ quốc. Phim không đơn thuần kể về những trải nghiệm ảo giác, nó còn tạc nên chân dung của một lớp người hoang mang của hai thập kỷ dài bải hoải, khi con người bị lung lay bởi nỗi nghi hoặc về các giá trị của xã hội. Thác loạn, điên khùng và cùng quẫn, những con người đó không những tìm đến ma túy để thỏa mãn và hưởng thụ, mà còn để vuốt ve cái nhu cầu được thoát khỏi một xã hội sai trái, để làm nguôi bớt cơn giận dữ đối với những gương mặt chính trị gia giả nghĩa vẫn ngày ngày phát biểu nhân quyền trên truyền hình.
Để chuyển thể xuất sắc một trong những tác phẩm điên rồ nhất, “ảo giác” nhất của văn đàn Mỹ, cần phải viện tới bàn tay ma thuật của đạo diễn kì cựu Terry Gilliam. Gilliam không phải là đạo diễn đầu tiên chuyển thể cuốn sách này. Trước đây, ngay cả các “bậc lão thành” của điện ảnh Hollywood như Martin Scorsese, Oliver Stone, Alex Cox, Bruce Robison cũng phải từ bỏ ý đồ đưa tác phẩm của S. Thompson lên một tầm cao thị giác bằng điện ảnh. Nếu đã từng đọc qua cuốn sách, bạn sẽ hiểu ma thuật của ngôn từ nghĩa là như thế nào. S. Thompson bày ra trên trang giấy một lối viết không giống ai, độc nhất vô nhị, náo loạn như một gã say tài hoa thảo lên trên giấy một bức tranh siêu thực với vô vàn tiểu tiết và điên cuồng hết mức.
Để khắc họa cái trí não nhiều ảo giác của một con nghiện không dễ, nó không chỉ được lột tả qua những mảng màu vung vẩy trộn hòa, những hiệu ứng âm thanh ánh sáng và kỹ xảo điện ảnh, mà còn phải cộng hưởng với diễn xuất của diễn viên, và Johnny Depp lẫn Benicio del Toro đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.
Johnny Depp vào vai Duke, một gã nhà báo gầy đét, lọng cọng với tướng đi bất thường, lối hành xử không giống ai vì chơi ma túy quá nhiều. Benicio lãnh phần Gonzo, cái gã béo ị la hét ỏm tỏi, vận nguyên phục trang ngâm mình trong bồn tắm, ói mửa liên tục khắp phòng khách sạn. Dường như cả hai không hề tiết chế sự điên rồ cần có khi tham gia vào phim. Họ điên hết nấc có thể, điên đến độ hoang tưởng và khán giả phải cảm thấy âu lo thay cho hai gã diễn viên. Bên cạnh đó còn xuất hiện ba gương mặt quen thuộc là Tobey Macguire trong vai cậu bé đi nhờ xe có vẻ ngoài luôn thuộm ngẩn ngơ, Christina Ricci vai cô bé Lucy yêu nghệ thuật, bị gã Benicio chuốc ma túy sau khi làm quen trên máy bay và Cameron Diaz, một biên tập viên truyền hình đỏm dáng xuất hiện vài phút trong thang máy..
Hài hước, siêu thực và ngớ ngẩn một cách tuyệt vời là những tính từ cuối cùng dành cho bộ phim. Ma túy là cơn ác mộng của người thường nhưng lại là thiên đường của những kẻ sử dụng chúng. Từng ghi danh vào bản đồ điện ảnh thế giới với những tác phẩm xuất sắc như 12 Monkeys, Monty Pyhon and the Holy Grail, The Fisher King, Brazil.. Terry Gilliam tiếp tục đánh dấu tên tuổi của mình khi chuyển thể thành công tác phẩm văn học huyền thoại Fear and Loathing in Las Vegas.