Tuần trước tôi để ý có một chủ đề trên facebook và các mạng xã hội còn nóng và thu hút nhiều sự chú ý bình luận hơn cả World Cup đang sôi động hay việc Trung Quốc đang đưa các giàn khoan tiếp theo ra biển Đông là việc mùa sen lại đến, các nam thanh nữ tú đua nhau ra Hồ Tây chụp ảnh đông như trẩy hội. Thế mới biết chụp ảnh, gái và những gì liên quan đến cởi quần áo dù ở thời nào, ở đâu thì cũng không bao giờ lỗi mốt.
Thực ra việc chủ đề chụp ảnh của các bạn ở nhà phụ thuộc theo mùa (đúng thứ tự hè là sen, đông là cải và xuân là đào) chẳng có gì mới vì bao năm nay vẫn vậy, chỉ có điều năm nay tự nhiên nổi lên bất ngờ vì các bạn gái ngày càng táo bạo cởi đồ thôi. Nói về chuyện này thì cũng chín người mười ý: người thì cho rằng giới trẻ yêu chụp ảnh hay còn được gọi dưới cái tên nhiếp ảnh gia Việt Nam đang rẻ rúng nhiếp ảnh, kẻ không quan tâm đến ảnh hình thì than trời về suy đồi thuần phong mỹ tục, những gã tếu táo thiếu nghiêm túc thì nửa đùa nửa thật kiểu “cá sấu” thì mời ở nhà, em nào đẹp thì cứ cởi, anh ủng hộ hết mình. Cũng có những tay ban ngày đi chụp ảnh sen, tối về gõ bàn phím dìm sen (hoặc dìm cái khác trời biết) của đồng nghiệp thì bị những tín đồ bảo vệ nữ quyền chửi ngay. Tựu chung lại ai cũng tranh cãi rất hăng, cuộc vui vô cùng náo nhiệt nhưng cuối cùng cái gì cũng phải chấm dứt mà chẳng dẫn đến đâu, chửi nhau chán xong ai nấy giữ nguyên ý kiến của mình về nhà.
Nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì về những trào lưu này thì tôi chẳng có cảm xúc gì cả, đơn giản vì thái cực ngược chiều với thích/yêu là vô cảm chứ không phải ghét, một khi tôi đã ghét thì chắc hẳn tác phẩm đó, con người đó hẳn vẫn phải có điểm gì rất đặc biệt mới có thể gây cảm giác mạnh trong tôi đến vậy. Tôi nghĩ mình rất thoáng trong mấy chuyện này nên vấn đề vô cảm này không phải do thuần phong mỹ tục hay phản cảm vì cởi bỏ quần áo nơi công cộng. Quan trọng là cái tư duy nghệ thuật và khiếu thẩm mỹ của người chụp mới đáng để chúng ta có một bài phân tích kỹ càng hơn ở đây.
Như tôi đã nói trong bài Cần gì để chụp ảnh đẹp? thì tạo nên các tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là cá tính phong cách riêng biệt, con mắt nhạy cảm, tri thức rộng lớn, sự kiên nhẫn và những kĩ năng, cầu toàn để đưa những gì mình lên một đẳng cấp khác thật sự khác biệt. Nhưng đa phần ảnh bây giờ nhàm chán, nhạt nhẽo, chạy theo đám đông, ai cũng giống ai một màu xám nhờ nhờ. Cơ bản cũng vì những kiến thức kỹ thuật và máy móc quá dễ kiếm, dễ có nên họ dễ xem nhẹ giá trị thực sự đằng sau của nghệ thuật. Sen chẳng có tội, đào chẳng có tội, cải chẳng có tội, ngay cả người mẫu cũng không có tội – tội nằm ở mấy anh chụp ảnh. Tư duy nghèo nàn thiếu sáng tạo, không nhạy cảm tinh tế, thích ăn sổi thì chụp gì cũng vậy thôi. Thậm chí có nhiều ý kiến kiểu rằng “May mà mình không bao giờ chụp mẫu” – điều hoàn toàn chẳng liên quan đến chủ đề vì xin lỗi nếu tôi có nói thẳng, ảnh hoa hoét hay đường phố của bạn cũng nhạt nhẽo chẳng kém. Nhưng vì không hót chụp gái nên cái nhạt này nhiều người nghĩ nó vẫn hơn cái nhạt chụp gái? Với tôi thì nó chẳng mang lại sự khác biệt bạn chụp cái gì nhạt. Quan trọng không phải người ta chụp cái gì mà là người ta chụp như nào.
Tôi cứ tự hỏi mình tại sao chúng ta lại tiếp tục chụp kiểu như vậy?
Nhưng nếu nghĩ thật kỹ thì ảnh là một loại hình nghệ thuật/giải trí không thể nào hấp dẫn và mang tính gay cấn như truyền hình, phim ảnh hay trò chơi điện tử được. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải sống chậm lại và từ từ nhìn vào những điểm khác biệt và tiểu tiết tinh tế nhất. Oái ăm thay, mạng internet, truyền hình và cuộc sống thời hậu hiện đại không cổ vũ con người làm như vậy mà chỉ kích động cho những gì nhanh và đập nhịp mạnh mẽ, thỏa mãn nhất thời và chót lưỡi đầu môi.
Một bức ảnh nghiêm túc cũng giống như bao tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc khác: một bài thơ, một bức tranh, một đoạn giao hưởng – thứ cần khán giả ngắm, lắng nghe, đọc nghiền ngẫm nhiều lần, mỗi lần lại được tưởng thưởng bởi những khám phá mới lạ và hấp dẫn. Vậy thế nào mới là một bức ảnh nghiêm túc?
Một bức ảnh nghiêm túc theo thiển ý của cá nhân tôi cho dù là ảnh chân dung, thời trang, tự nhiên hay đường phố cũng phải khác biệt và nổi bật với những khoảnh khắc thường nhật bình thường khác, nếu những khoảnh khắc đó tôi có thể nhìn thấy và chụp lại vào bất cứ giây phút nào trong ngày, trong năm thì việc gì phải chụp lại làm gì đúng không? Cuộc đời của chúng ta là tập hợp của vô số những giây phút bình thường không có gì đáng nói cộng thêm những điểm sáng lóe nhất định. Phần lớn nhiếp ảnh cận đại nhàm chán (nó có thể đẹp, nhưng vẫn nhàm chán như thường) vì những bức ảnh đó không vượt qua được sự sáo rỗng nhàm chán của số đông. Một khi nó đã nhạt thì bạn có gắn cho nó những từ ngữ bóng bẩy nhất hay in và đóng khung thật to, thật đẹp rồi treo lên tường cũng chẳng giúp ích được gì. Vì nó đã được người khác thực hiện cả chục lần, cả trăm lần trước đó rồi.
Tuy nhiên phải công nhận rằng thời gian mới tiếp cận nhiếp ảnh của một người cũng chẳng hại gì với những tấm ảnh nhạt nhẽo không tốn nhiều đầu tư về suy nghĩ, vì chí ít thì những thử thách về kỹ thuật, máy móc cũng đã đủ gây hứng thú với chúng ta trong một thời gian ngắn, cái cảm giác thỏa mãn khi thực hiện được kỹ thuật này kỹ thuật kia hay lúc nhìn một tấm ảnh người khác và hả hê thầm trong bụng “À, tưởng gì chứ chụp kiểu này mình cũng biết. Phải làm abcxyz… vân vân và vân vân.” Nhưng tin tôi đi, nếu bạn thực sự muốn nghiêm túc với nhiếp ảnh, cái cảm giác bất mãn chẳng sớm thì muộn cũng sẽ tìm đến bạn. Nó như một liều thuốc độc chảy tràn lan trong mạch máu, ăn dần ăn mòn những điều tốt đẹp nhất của chính mình. Có những người vượt qua được nó bằng máu, mồ hôi và nước mắt để trở nên tốt hơn, trở thành chú cừu đen giữa bầy cừu trắng. Có những kẻ sớm bỏ cuộc như những thất bại quen thuộc khác của đời hắn, và có những gã thì vùi đầu vào mua máy móc mới hay huyễn hoặc bản thân mình bằng những thứ vô nghĩa khác để tìm quên đi cái cảm giác quằn quại trong tim mình. Cuộc đời của bạn là do bạn chọn không ai có quyền can thiệp, quan trọng là bạn muốn mình là ai trong ba loại người trên?
Để kết thúc bài tôi xin bù đắp cho các độc giả vì những tấm ảnh nhức mắt trên bằng vài bức hình tôi rất thích của các nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng nước ngoài. Chúc vui!