Sách Sáng thế của thiên chúa nói về nguồn gốc của vũ trụ, nhân loại và đặc biệt là dân tộc Israel:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa tạo ra ánh sáng và bóng tối tượng trưng cho ngày và đêm, cái “vòm” mà Ngài tạo ra để phân rẽ khối nước thì gọi là “trời”. Từ khối nước, ngài phân rẽ thành “đất” và “biển”; thực vật có mang hạt giống thì mọc trên khắp mặt đất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.”
Rồi chúa trời tạo ra loài người để cai quản những công trình sáng tạo của mình mà không ngờ rằng, con người là giống loài sa đọa nhất mình từng tạo ra. Càng đông đảo thì tội lỗi của họ càng chất chồng và sinh sôi khắp mặt đất hủy diệt muôn loài. Để trừng phạt loài người, chúa trời đã ra lệnh cho Noah đóng con tàu Ark để đưa gia đình và các loài thú vật vào đó rồi tạo ra trận Đại Hồng Thủy hủy diệt thế giới, hòng tạo ra một thế giới mới, sạch sẽ và biết điều thiện điều ác.
Bản thân tôi thì không quan tâm lắm đến tín ngưỡng hay tôn giáo nhưng câu chuyện về Noah và trận Đại Hồng Thủy khá thú vị. Chỉ có điều bản chất của con người là tự hủy diệt và làm hại những điều tốt đẹp nhất, cái đó là một điều chẳng thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể học từ những sai lầm của mình và hy vọng nó chưa quá muộn.
Chính vì thế mà nhân loại cần những con người như Sebastiao Salgado. Có những người làm nghệ thuật vị nghệ thuật, họ tôn vinh cái đẹp thuần chất và cũng có những người làm nghệ thuật vị nhân sinh, vượt lên trên yếu tố cái đẹp còn có nhiều thông điệp cảnh tỉnh con người như Nick Brandt với động vật hay Salgado với môi trường. Những nhiếp ảnh gia như họ đều có một điểm chung: để con người thay đổi, hãy cho người ta thấy thế giới đẹp như nào chứ đừng mô tả những gì suy tàn, xấu xí vốn ai cũng thấy hàng ngày.
Sebastiao Salgado chưa bao giờ làm những gì nửa vời mà luôn đẩy những dự án ảnh của mình lên một tầm cao khó tin. Bộ sách ảnh “Genesis” của ông dày hơn 500 trang, chứa đựng hơn 200 tấm ảnh được chọn lọc trong suốt hành trình tám năm qua 32 nước bằng máy bay, ô-tô, tàu, ca-nô, khinh khí cầu, đi bộ… Đến với những điều kiện khắc nghiệt nhất của sa mạc Kalahari, rừng nhiệt đới Indonesia, đảo Galapagos, Siberia…. Ngắm nhìn những tấm ảnh đen trắng với ánh sáng và tương phản gợi nhớ đến những danh họa ngày xưa trên giấy là một cảm giác khó tả. Cái vẻ đẹp của nó nổi bật trên bức tường trắng là một cái thực thể vật lý khơi gợi hấp dẫn khiến ta muốn nhìn gần hơn, ngắm kỹ hơn từng đường nét, chi tiết.
Nếu như hai dự án dài hơi lớn trước đó của Salgado “Worker” và “Migration” tập trung vào con người và những chật vật của họ với xã hội, cuộc sống hiện đại thì “Genesis” là một bài trường ca, một thiên sử thi tôn vinh những gì đẹp nguyên sơ nhất còn sót lại, những thứ đã từng tồn tại một thời và mãi mãi nên thế. Thật khó để mà tin rằng giữa thời đại của công nghệ, của Internet “kết nối” con người, của những chiếc Iphone, cửa hàng ăn nhanh độc hại, của những dịch vụ và sản phẩm chẳng ai có thể ngờ tới sự tồn tại và khả năng sinh lời của nó thì vẫn còn 46% diện tích bề mặt Trái đất vẫn còn nguyên như thưở ban đầu. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ gìn nó.
Sebastiao Salgado sinh năm 1944 ở Almores, Brasil với tình yêu và sự tôn trọng dành cho thiên nhiên. Học và làm việc liên quan đến kinh tế nhưng đặc thù về công việc đã khiến ông phải đi công tác và di chuyển nhiều ở châu Phi, nơi ông bắt đầu niềm đam mê với chụp ảnh. Ở tuổi 26 Sebastiao Salgado lần đầu tiên cầm trên tay một chiếc máy ảnh trong đời và cuộc sống đã không còn như nó trước kia nữa. Một thời gian sau ông quyết định bỏ luôn công việc hiện tại để theo đuổi nhiếp ảnh, đi hơn 100 nước để thực hiện các dự án ảnh phóng sự của mình như Sahel, Workers, Migrations, Genesis, The Other Americas…
Cái động lực thực hiện “Genesis” có lẽ đã nhen nhóm trong Salgado từ lâu khi vào cuối thập niên 90, bố của Salgado để lại cho ông trại chăn nuôi gia súc – mảnh đất nơi ông dành phần lớn tuổi ấu thơ của mình ở đó. Nhưng nay mọi thứ chẳng còn như ngày xưa đẹp đẽ trong ký ức nữa, chỉ còn lại những cánh rừng trụi cây, không có nước, vắng bóng động vật, đất đai xói mòn…
Cùng lúc đó năm 1999, Salgado vừa thực hiện xong bộ ảnh “Migrations” qua 39 nước – ông trở về từ các trại tị nạn và khu vực chiến tranh tàn khốc, tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn. Mất lòng tin hoàn toàn vào nhân loại và sự sinh tồn của giống nòi mình nên có thể nói “Genesis” không chỉ được tạo ra để tuyên truyền giúp hồi phục những cánh rừng trên thế giới mà còn tưới nước cho tâm hồn đang khô cằn nứt nẻ của Salgado.
Ngay từ tiêu đề bộ ảnh đã nói lên tất cả tham vọng muốn ghi lại một thế giới tưởng chừng như không còn tồn tại trên Trái Đất, những cảnh quan sơ khai chưa bị loài người phá hủy, những cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn sống một cuộc sống như cách đây hàng trăm, hàng nghìn năm. Cái cách cuộc sống của họ vốn hài hòa và nhịp nhàng với tự nhiên chứ không phải bất chấp tất cả để mang lại lợi ích cho bản thân mình.
Chúng ta phải làm gì đây? Nói cho cùng ta cũng không thể đổ lỗi lên các công ty, tập đoàn công nghiệp hay nhà nước, chính phủ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Chính chúng ta mới là những người đang tiêu thụ sản phẩm của họ, chính những gì đem lại tiện ích và dễ chịu cho từng cá nhân cộng dồn lại đã phá hủy thế giới đẹp đẽ ấy.
“Be the change you want the world to be.”
Trang Web đại diện chính thức cho Sebastiao Salgado: http://www.amazonasimages.com/
Facebook Fanpage của Sebastiao Salgado: https://www.facebook.com/SebastiaoSalgado