Khi nhắc đến Hannibal Lecter của Mads Mikkelsen trong loạt phim truyền hình Hannibal gần đây, tôi hình dung ra ngay một ông bác sĩ tâm lý với gương mặt xương xẩu góc cạnh, đôi lông mày nhạt màu thiếu sức sống, cặp mắt cảm tưởng chỉ để nhồi vào hốc cho đỡ trống, gò má nhọn hoắt sắp xuyên thủng da, sống mũi lệch vẹo như từng bị đấm rất nhiều, đôi môi mỏng mà có lẽ gọi là mỏ thì hợp hơn… Tóm lại, giữa một rừng các chàng trẻ đẹp tuấn tú lai láng của Hollywood hiện giờ, xem chừng Mads Mikkelsen hơi lép vế.
Điều này hoàn toàn sai. Mads Mikkelsen không chỉ khiến Hannibal trở thành hiện tượng thu hút hàng triệu khán giả khắp nơi mà còn vượt ra khỏi cái bóng Oscar kinh điển của Anthony Hopkins. Được bình chọn là người đàn ông quyến rũ nhất ở quê nhà Đan Mạch nhiều năm, nam diễn viên này giờ còn là một hình tượng gợi cảm cả trên đất Mỹ lẫn toàn thế giới. Tại sao, khi dường như gương mặt Mads Mikkelsen hội tụ đủ tất cả những nét đi ngược lại với tiêu chuẩn thẩm mỹ của con người từ trước đến nay?
Câu trả lời đơn giản: hoàn hảo thật nhàm chán. Cá nhân tôi cho rằng mỗi người chúng ta ít nhiều đều có xu hướng đam mê một vẻ đẹp tì vết nào đó. Ví dụ như đôi môi của Angelina Jolie, chả có tiêu chuẩn đẹp nào mà môi vừa dày vừa nhăn quá độ như thế, nhưng đấy lại là điểm khiến đám đàn ông chết đầy dưới chân nàng. Điều quan trọng nhất là sức hút cá nhân, sức quyến rũ của mỗi người sẽ xóa đi tất cả tiêu chuẩn cứng nhắc thế nào là đẹp và xấu, thậm chí lật ngược lại, lấy những gì từng là thiếu sót trở thành dấu ấn độc đáo của riêng mình. Tất cả sẽ tôn thờ cái nét lạ đó như bảo vật quý hiếm, như kỳ quan thiên nhiên và đôi khi nếu có ai tình cờ sở hữu một phần na ná giống, thiện hạ lại bảo đó là vinh dự của người ấy.
Một điều rất quan trọng và không thể thiếu trong công thức chế bùa mê mang tên Hannibal của Mads Mikkelsen là tủ suit khổng lồ đến kinh hoàng mà giá trị chiếm tận một nửa tổng chi phí làm phim. Những bộ suit ba mảnh chất liệu tuyệt đẹp được cắt may cẩn thận vừa vặn, những chiếc sơ mi sặc sỡ từ kẻ sọc đến ca rô và hàng loạt cà vạt cả trơn bóng lẫn paisley đều đủ, cùng với một tá khăn vuông đẹp mắt đắt tiền làm điểm nhấn, phong cách ăn mặc của Hannibal Lecter khiến vô số người phải cúi đầu ngưỡng mộ. Vậy, hãy cùng khám phá và chiêm ngưỡng những bộ suit đẹp nhất mà vị bác sĩ này đã diện lên màn bạc.
Ngay từ tập đầu tiên, Hannibal đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả bằng những bộ suit sáng màu và cách phối đồ tạo sự tương phản cho mỗi lớp áo đầy khéo léo. Ví dụ như cà vạt và khăn vuông cùng màu nâu – xanh đậm đi với suit kẻ màu cát xám như trong ảnh.Đơn giản hơn với blazer. Cách phối màu cũng bình thường trong những dịp không quá trang trọng,Một phần đáng lưu ý tạo nên sức hấp dẫn của vị bác sĩ này là đôi vai rộng và cơ thể cân đối của Mads Mikkelsen. Những bộ suit được cắt may khéo léo theo phong cách những năm 70 – phù hợp với thời điểm câu chuyện diễn ra – cần một người đẹp như vậy trưng diện cũng như một bức tranh quý cần được tôn vinh bởi một cái khung đáng giá được chạm khắc tỉ mỉ.Cá nhân tôi không tán thành việc mặc sơ mi trùng màu với cà vạt hay áo khoác của suit. Nhưng có lẽ trường hợp này là ngoại lệ, thứ nhất bởi mẫu kẻ của cà vạt khác với sơ mi, chất liệu cà vạt cũng nổi bật hơn mà không bị chìm; thứ hai do màu suit với sơ mi đều đẹp, không phô trương và cuối cùng là bởi nguyên tắc không mặc quá 03 màu khi diện suit – Hannibal đã có điểm nhấn rất nổi bật là chiếc khăn vuông. Vì vậy, đây trở thành chủ ý làm điệu chứ không phải lỗi ăn mặc.Đây lại là một ví dụ sử dụng 04 màu trong một bộ. Với tôi, tôi không hài lòng với cách phối đồ lần này, nhưng cũng không thể phản đối kịch liệt bởi tất cả là những gam màu trầm, cả sơ mi, áo khoác và khăn vuông cũng đều có sắc nâu, màu xanh của cà vạt là màu tương phản mạnh nhất nhưng tổng thể vẫn nhạt nhòa và có phần cọc cạch giữa các mảng. Nhưng yên tâm là đoạn này Hannibal đang dùng bữa một mình tại nhà, có lẽ vì vậy mà bác sĩ cũng chỉ… vớ đại cho có.Rất đẹp! Không chỉ trang phục mà còn cả cách phối hợp với bối cảnh xung quanh, giữa người và người nữa. Màu đỏ lẫn xanh đều được chọn với sắc đẹp nhất, tôn tạo lẫn nhau, tạo nên tổng thể rất ăn ý và ấn tượng. Hãy nhớ, màu sắc nói lên tính cách và cảm xúc của bạn. Thông điệp từ những màu Hannibal chọn thể hiện ông không còn trẻ nhưng không già cỗi và cứng nhắc. Hoàn toàn đúng với tính cách một người trí thức đam mê nghệ thuật, yêu nhạc cổ điển, sành sỏi ẩm thực và còn ăn mặc đỏm dáng.Mặc dù không ngại những màu bắt mắt hay lạ thường, những hoa văn họa tiết độc đáo mà đa số các bác già đều gãi đầu ngại ngùng bỏ qua, nhưng có một thứ Hannibal gần như không mặc mà nếu có thì sẽ rất khéo léo, kín đáo và không phô trương: áo sơ mi hoa và nhiều họa tiết.
Lí do là đây, khi bạn cởi áo khoác, những họa tiết hoa văn trên sơ mi sẽ trở thành điểm nhấn lớn nhất, đến mức cả phòng phải quay lại nhìn bạn và rớt dãi. Không sao nếu như áo vest và quần đều tối giản, nhưng Hannibal là một quý ông đích thực, luôn luôn mặc nguyên suit hoặc có chăng là cởi áo khoác thì lộ vest ra. Nên để có thể đẹp 24/7, Hannibal đã chọn điểm nhấn không phải từ áo sơ mi. Bởi vậy, chúng ta sẽ ít có cơ hội được chiêm ngưỡng một chiếc áo chim cò điệu đà, hoặc chờ ngày đạo diễn cho bác sĩ đi chơi Hawaii, hứa hẹn một sàn diễn thời trang tuyệt mỹ.
Một ví dụ nữa với cách sử dụng hai màu xanh – đỏ. Lần này, cà vạt là một tuyệt tác nhưng điểm nhấn là khăn.Lần này có vẻ đơn giản hơn, sơ mi xanh rất công sở và suit màu nâu trầm, nhưng dấu ấn đậm chất Hannibal vẫn nằm ở cà vạt paisley và khăn vuông nâu cam. Bất kỳ ai cũng nên mặc thế này: dù rực rỡ hay nhạt nhòa, người khác vẫn nhận ra mình.Một ví dụ cho những ngày lạnh mà suit vẫn không đủ để thoát khỏi cái buốt giá ở Hà Nội: chọn suit vải tweed, nỉ, len, len pha cashmere; còn những ngày nóng hơn hãy chọn len pha lanh. Và cũng chỉ có những loại vải như vậy mới hợp với suit kẻ như trên.
Tôi không khuyến khích bất kỳ ai phối màu thế này, kể cả cà vạt có hoa văn chứ không phải trơn. Trừ khi bạn đã với tới cảnh giới của Hannibal, hoặc sống ở Mù Cang Chải, chả ai biết suit là gì.
Một ví dụ nữa, nhưng hoa văn cà vạt khá nổi, không bị nhạt nhòa.
Một đống suit chưa hẳn đã khẳng định được gu của Hannibal, mà còn phải kể đến cả loạt cà vạt điệu đà rực rỡ…
Khi diện suit màu đen, muốn nổi bật hãy đặc biệt tập trung vào cà vạt và khăn vuông.
Cà vạt không chạm đến cạp quần là một lỗi lớn. Nhưng ở đây, Hannibal luôn thắt cà vạt kiểu double Windsor, sẽ tốn nhiều vải hơn nút thắt Windsor hay half Windsor.
Vì sao? Với thân hình vạm vỡ và đôi vai vai rộng, Hannibal không thể thắt nút cà vạt nhỏ được. Nút thắt này cũng là nút chuẩn mực cổ điển, đúng như gu của Hannibal. Và thực ra, rất hiếm khi Hannibal chỉ mặc sơ mi như vậy, cảnh trên cũng là cảnh một mình một phòng. Với nút thắt thế này, bạn chỉ nên chọn sơ mi cổ bẻ rộng sang hai bên như cutaway hoặc spread.
Trong thực tế, không ai mặc như vậy khi vào bếp. Một người sành ẩm thực lẫn thời trang sẽ không muốn vấy bẩn lên cái áo trắng đắt tiền khi phải tập trung vật lộn hết mình với đống thịt. Thịt gì? Có lẽ để dịp khác, với đội bếp.Lưu ý: khi sát sinh cũng phải mặc đẹp…
…Và sau khi đánh lộn nảy lửa, lại càng phải đẹp hơn (với khăn vuông).Mặc dù chiếc áo PVC cản trở việc săm soi nhưng suit xanh navy và cà vạt bạc hoa tím cùng khăn bạc quá là quyến rũ.Suit xanh rêu đi với sơ mi màu kem và cà vạt paisley, một trong những bộ đẹp nhất của Hannibal.
2000 Bentley Arnage, Red Label với nội thất màu kem, cũng hợp tông nốt với bộ đồ.
Một chiếc áo hiếm hoi không phải đồ may đo – Burberry London Collingdale Overcoat, 100% nguyên len và cổ áo nhung đen.
Vậy rút cuộc, vì cớ gì mà chúng ta phải chạy theo xu hướng khi hoàn toàn có thể tự tạo cho mình một phong cách nổi bật như Hannibal đã làm? Mỗi người trong chúng ta đều khác biệt, khiếm khuyết riêng mà tài năng cũng riêng, cố gắng theo thị trường là tự tay giết chết những giá trị độc đáo của mình để đổi lại một cảm giác an toàn vô nghĩa mà bắt nguồn từ sự thiếu tự tin và yếu đuối.
Tôi biết rằng ở ngoài kia, có vô số những chàng trai sinh ra không được tạo hóa ưu ái cho đôi mắt biết nói hay cái mũi thanh tú, cả tôi cũng vậy. Đấy chẳng phải lỗi của ai, nhưng chúng ta vẫn luôn có một lựa chọn là đẹp lên, mỗi ngày. Và hãy đẹp theo cách riêng của từng người. Sau cùng, cốt lõi của tất cả là vẻ đẹp bên trong, đó là thứ tạo ra khí chất, bản lĩnh và phong cách của một người đàn ông thực thụ.
Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.