"Midnight in Paris" đánh dấu sự trở lại đầy tươi mới của đạo diễn Woody Allen sau hàng loạt các bộ phim mờ nhạt.

Paris lúc nửa đêm

House Head of Photography
"Midnight in Paris" đánh dấu sự trở lại đầy tươi mới của đạo diễn Woody Allen sau hàng loạt các bộ phim mờ nhạt.
“Midnight in Paris” đánh dấu sự trở lại đầy tươi mới của đạo diễn Woody Allen sau hàng loạt các bộ phim mờ nhạt.

Nữ văn sĩ người Anh Angela Carter đã từng viết:  “Các thành phố cũng có giới tính: London là đàn ông, Paris là đàn bà và New York là một gã chuyển giới dễ thích nghi.”
Có một điều khó tả về cảm giác thả mình thất thần giữa ban ngày dưới ánh nắng vàng dìu dịu như mật ông của châu Âu xiên xẹo qua khung cửa sổ hẹp buông rèm trong những quán cà phê cổ xưa và vắng khách.

Trong những giấc mơ ban ngày ấy của tôi tồn tại một Paris lãng mạn như một cô gái trung học thuở ngày xưa với những đại lộ rợp bóng cây, các nghệ sĩ đường phố kéo accordéon dập dìu hay của những đôi tình nhân hôn nhau cháy bỏng quên đời. Hay một nàng Venice thanh bình, già dặn tuổi 40 với những con kênh chằng chịt với thuyền gondola và kiều nữ Prague vô cùng quyến rũ về mọi góc độ như một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

Trong giấc mơ ban ngày ấy, nếu Woody Allen là một gã chụp ảnh và “Midnight in Paris” là bức chân dung ông ta chụp cô gái trẻ Paris thì tôi đã trót thầm yêu cô ta chỉ qua tấm ảnh bé nhỏ ấy.

Midnight in Paris 2

Allen mở đầu bộ phim bằng một đoạn Intro dài ba phút dưới dạng một tấm postcard Best-of động về những địa danh đẹp và đặc trưng nhất của Paris – Paris dần hiện ra tự nhiên sao gần gũi trong bản nhạc jazz dặt dìu “Si Tu Vois Ma Mère” của Sidney Bechet. Đây là một bài hát dành riêng và gợi nhớ đến Paris và ngược lại, đừng hỏi tôi tại sao lại thế vì đơn giản đó là một cảm giác khơi gợi các giác quan mạnh mẽ chứ không thể giải thích bằng lời nói.

Lần lượt trong ba phút ấy xuất hiện nào tháp Eiffel, sông Seine, đại lộ ChampsÉlysées, Moulin Rouge với cối xay gió đỏ, nhà thờ Đức Bà, Cầu Alexandre-III, quảng trường Concorde, Cung điện Tuileries, Khải Hoàn Môn, Viện bảo tàng Louvre, cầu khóa tình yêu, quán cà phê Fouquet’s, nhà hát Opéra national de Paris, Quảng trường Trocadéro, tuyến tàu điện ngầm số Sáu… Những cảnh quan ấy cứ lần lượt lướt qua máy quay đặt tĩnh làm tôi nhớ đến năm phút mở đầu của Manhattan trong nền nhạc Rhapsody in Blue (Gerschwin) – một điều khá đặc trưng cho phong cách của Woody Allen.

381629484

Paris trong phim vàng óng, tỏa một thứ ánh sáng ấm áp và khêu gợi từng phân cảnh: bầu trời đầy mây, những con đường bóng loáng phản chiếu ánh mặt trời, những ngôi nhà với kiến trúc cổ kính hay cơn mưa dịu nhẹ như đang vuốt ve những người khách bộ hành… Một bài tình ca viết từ trái tim Allen để vinh danh vẻ đẹp thực sự của Paris.

Ngày càng nhiều có những lời phàn nàn và nỗi thất vọng của khách du lịch của Paris. Phần nào trong số đó cũng đúng thôi, nhưng tôi nghĩ nguyên nhân chính là do họ đến Paris trong kỳ vọng quá cao. Ngay định nghĩa của cụm từ “khách du lịch” cũng đã nói lên tất cả cách người ta đi khám phá và tận hưởng thế giới – khi tôi đi đến một nơi hoàn toàn mới mẻ, tôi không muốn mình làm khách du lịch mà hãy cố gắng làm một người lữ hành, hòa nhập và chìm đắm vào không khí nơi đó như một người bản xứ để cảm nhận. Không nhất thiết phải hành nhau bằng cách đến những nơi quá tải khách du lịch.

Paris không phải thành phố cổ tích – vì cổ tích chỉ tồn tại trong phim ảnh mà thôi. Paris đẹp một cách không hoàn hảo và bản thân cô ta cũng có nhiều tính xấu tréo nghoe nhưng quan trọng là ta có thể nhìn vượt qua những sự xấu xí và mở lòng đến với những điều đẹp đẽ hơn được không.

shakespeare-and-co

Cũng như tôi hay các bạn, nhân vật chính Gil (Owen Wilson thủ vai) trong “Midnight in Paris” của đạo diễn Woody Allen luôn xao xuyến bởi vẻ đẹp nồng nàn của Paris, anh yêu Paris bằng cái thứ tình yêu không điều kiện của một kẻ ngu ngơ mới vấp vào lưới tình lần đầu. Vốn là một nhà văn lãng mạn, Gil thích đi dạo trong mưa và lúc nào cũng mơ về một Paris đẹp tuyệt vời cách đây hơn một thế kỷ. Ừ thì mỗi con người chúng ta ai cũng đều có xu hướng hoài cổ dù ít hay nhiều, chỉ có điều bệnh ấy ở Gil “nặng” hơn những người khác một chút thôi.

Anh và cô bạn gái Inez (Rachel McAdams thủ vai) yêu nhau nhưng tình yêu đó chẳng thể sánh nổi tình yêu vô điều kiện kia. Ngẫm lại xem, Gil là một tay viết kịch bản có sự nghiệp khá thành công cho Hollywood nhưng không hạnh phúc vì giấc mơ của anh ta là hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay dang dở của mình – với hy vọng được gia nhập vào ngôi nhà danh vọng của những đại văn hào nước Mỹ.

Inez thì trái ngược lại, một cô tiểu thư nhà giàu tóc vàng hoe, thực dụng và nhạt nhẽo. Người ta nói những người yêu nhau dài lâu họ không cần chung sở thích, chỉ cần cùng ghét những thứ như nhau. Nhưng hai người bọn họ chẳng chung sở ghét cũng chả đồng sở thích – hai thế giới song song không hề có điểm va chạm hay tiếp xúc. Khi tôi nhìn Inez và Gil, tôi không thắc mắc bao giờ họ sẽ chia tay, điều tôi tự hỏi là làm sao hai con người khác nhau đến thế lại có thể có cảm tình với nhau lúc đầu và kéo dài tình yêu cho đến tận giờ phút này.

Midnight in Paris 1

Ai cũng nghĩ về một thời kỳ “hoàng kim” và mong muốn được sinh ra, sống mãi trong thời đó. Nhưng thực ra lịch sử luôn được tô vẽ đẹp đẽ hơn trong mắt hậu thế, rồi chợt nhận ra hoài cổ chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém. Con người ở thời đại nào cũng tìm đến hoài cổ để tưởng tượng, thoát khỏi hiện thực buồn chán rồi chính hiện thực lại kéo ta trở về. Giống như Gil, dù thành công trong công việc và cuộc sống nhưng anh cảm thấy vật lộn, chán ghét thực tại và nghĩ mình phải thuộc về những thời đại hoàng kim ngày trước. Hỡi ôi, khi về đến giai đoạn những năm Roaring Twenties, anh bị sốc khi những nghệ sĩ ở đây lại chán ghét hiện tại và mong nhớ thời Belle Epoque. Về đến Belle Epoque thì nghệ sĩ thời đó lại ngày đêm tơ tưởng Phục Hưng đã lùi sâu trong dĩ vãng.

Tôi tự tưởng tượng mình là một Gil của 100 năm sau, chán ghét thực tại và mong nhớ cái thời xa vắng – thời đại của những người trẻ tuổi với đầy hoài bão như chúng ta. Liệu thế hệ chúng ta có đủ khả năng khiến lớp hậu thế mộng mơ như quá khứ 100 năm trước đã từng làm với chính mình, hay lớp hậu thế sẽ thấy thời đại của chúng ta quá nhàm chán và bệnh hoạn?

mip2

Cuốn tiểu thuyết Gil định viết là về một người đàn ông mở cửa hàng đồ cổ vì anh ta muốn được sống mãi trong quá khứ, trong cái thời kỳ anh ta nghĩ mình thuộc về. Cũng giống như cách Allen tạo ra nhân vật Gil như thay lời muốn nói cho bản thân mình, được toại nguyện sống lại những năm thập niên 20 tuyệt đẹp của Paris nước Pháp. Yếu tố giả tưởng ở đây chỉ làm nền cho câu chuyện tình cảm lãng mạn – Allen còn chẳng thèm tỏ ra cố gắng giải thích những yếu tố giả tưởng, phi lý trong phim vì nói cho cùng đây là một bộ phim nhằm thỏa mãn nhưng giấc mơ điên rồ của ông ta như bao bộ phim khác.

Cứ thế hàng đêm tại gần nhà thờ Saint-Étienne-du-Mont trên đồi Montagne Sainte-Geneviève (bờ trái sông Seine), định mệnh đưa Gil trên chiếc Peugeot Landaulet đời năm 1920 về quá khứ, nơi trong mơ anh ta cũng không dám tưởng tượng được mình sẽ gặp và giao thiệp với những thần tượng cuộc đời như đại văn hào người Mỹ F. Scott Fitzgerald, đại văn hào Ernest Hemingway, họa sĩ trường phái siêu thực Salvado Dali, đạo diễn Luis Buñuel, danh họa Pablo Picasso, nữ văn sĩ người Mỹ Gertrude Stein… và đặc biệt là nhân vật hư cấu Adrina (Marion Cotillard thủ vai).

midnight in paris8

Trong phim Adriana là nàng thơ của Picasso nhưng nàng đã nhanh chóng có cảm tình với anh chàng ngây ngô, thú vị Gil – một kiểu nhân vật nữ chính bên cạnh nam chính điển hình trong phim của Allen: bất ổn, khêu gợi, hấp dẫn, vui nhộn và tưng tửng. Gil cũng có tình cảm và kết nối với cô gái trẻ ngay lập tức nhưng anh cũng nhận ra một điều: Adriana chối bỏ thực tại của cô không kém gì anh – nếu như Gil mộng mơ về 1920 thì Adriana lại thèm muốn Belle Epoqué của những năm 1890. Khi cả hai về đến những năm 1890 thì các văn nghệ sĩ thời đó lại nuối tiếc một Phục hưng đỉnh cao của Titian và Michelangelo. Adriana như một tấm gương giúp Gil hiểu rằng, dù cho ta ở thời nào thì đó cũng không phải nguyên nhân chính gây ra những vấn đề và trục trặc của chính mình, quá khứ lúc nào cũng được tô điểm đẹp đẽ hơn hiện tại.

midnight-in-paris-3

Tôi có thể thấy Woody Allen đặc biệt thích nhân vật Gil nên anh ta mới xứng đáng được một cái kết có hậu – điều hiếm gặp trong phim của ông ta. Allen cho Gil một cơ hội học hỏi, tỉnh ngộ để từ đó thay đổi, làm chủ số phận của mình. Gil lờ mờ thấy một điều gì đó đang sáng tỏ trong đầu mình, rằng thực tại đúng là thất vọng thật, nhưng đời là thế, không phải lúc nào ta cũng đạt được thứ mình muốn. Cái anh ta đang trải qua đẹp thật đấy nhưng nó không có thật, và một khi không có thật, nó sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Ta chỉ đành phải chấp nhận và thích nghi với thực tại – hoặc sẽ bị đào thải và cô lập. Gil chia tay Inez, chuyển đến Paris sống để tập trung vào công việc viết sách – cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác, khó khăn hơn, khó đoán hơn nhưng đó là điều anh ta muốn. Và mỗi người chúng ta cũng nên thế.

Nói về diễn xuất, Woody Allen luôn chọn những người có thể không phải là gương mặt sáng giá nhất vào thời điểm hiện tại nhưng luôn thực sự hợp với vai diễn như một bộ suits may đo, một kiểu hợp khiến anh ta chỉ cần tự nhiên, đóng vai chính mình là có thể khiến khán giả cảm thấy tính cách ấy đáng tin cậy. Dù không thích Owen Wilson nhưng tôi phải thừa nhận anh ta đã đảm nhiệm quá tốt vai trò lèo lái của mình trong câu chuyện. Marion Cottilard vẫn xuất sắc như mọi khi với ánh mắt, sắc mặt, cử chỉ đều rất tình. Nói đến một mắt xích yếu nhất chắc phải kể đến Rachel McAdams với một vai diễn cố tỏ ra là mình đáng ghét nhưng những gì cô mang lại vẫn chưa chạm tới được cảm giác ghét của người xem.

urlg

“Midnight in Paris” đưa Woody Allen trở về với phong độ đỉnh cao của thập niên 90 với những “Bullets over Broadway” và “Sweet and Lowdown” hay The Purple Rose of Cairo của 1985. Giống như nhiếp ảnh ngày xưa có kiểu chụp ảnh trong Studio với phông nền là những địa danh nổi tiếng khắp thế giới, phim của Allen luôn mang lại cho tôi cảm giác như vậy – không đơn giản là bối cảnh, là địa điểm quay thông thường mà mỗi cảnh quay đều như một tấm phông nền đặc trưng với tên thành phố đó dán ở trên.

Giống như khoảnh khắc lúc nửa đêm, bộ phim là ma thuật kỳ diệu của điện ảnh cận đại, nơi những màu sắc mất đi sự duy ngã của mình mà trở thành những sắc màu xam xám, nơi mọi thứ bắt đầu bộc lộ mặt nạ của mình. Giống như Paris về đêm, nếu như ban ngày nó được chiếu sáng bởi mặt trời thì khi bóng tối tràn đến, Paris mới trở thành Paris thuần chất hơn bao giờ hết với thứ ánh sáng nội tại tỏa sáng rực rỡ.

Như anh chàng Gil trong “Midnight in Paris” của đạo diễn Woody Allen luôn xao xuyến bởi vẻ đẹp nồng nàn của Paris. Vốn là một nhà văn lãng mạn, anh thích đi dạo trong mưa và lúc nào cũng mơ về một Paris đẹp tuyệt vời thời Belle Époque của thập niên 20. Mỗi con người chúng ta ai cũng đều có xu hướng hoài cổ dù ít hay nhiều. Ai cũng nghĩ về một thời kỳ “hoàng kim” và mong muốn được sinh ra, sống mãi trong thời đó. Nhưng lịch sử luôn được tô vẽ đẹp đẽ hơn trong mắt hậu thế, rồi chợt nhận ra hoài cổ chỉ là một ảo tưởng không hơn không kém. Con người ở thời đại nào cũng tìm đến hoài cổ để tưởng tượng, thoát khỏi hiện thực buồn chán rồi chính hiện thực lại kéo ta trở về. Giống như Gil, khi về đến giai đoạn Belle Époque, anh bị sốc khi những nghệ sĩ ở đây lại chán ghét Belle Époque và mong nhớ thời kì Phục Hưng đã lùi sâu trong dĩ vãng. – See more at: https://mannup.vn/thu-ngo-picture-of-the-week/#sthash.9aNG4afV.dpuf

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.