Sài Gòn có vô vàn những căn nhà chung cư từ lớn đến nhỏ, từ bình dân đến cao cấp, từ thấp tầng đến cao lênh khênh. Ở đó tồn tại một văn hóa cộng đồng vô cùng khác biệt, không chung đụng với bất kỳ một mô hình nhà ở nào khác. Bố mẹ tôi từng cư ngụ trong một căn hộ chung cư hồi đầu thập niên 90. Ký ức chớp tắt như màn hình lỗi của tôi vẫn còn ghi dấu những hình ảnh ấu thơ của một khu dân cư bó hẹp trong phạm vi một tòa nhà. Ở tầng trệt là một cửa hiệu đồ cổ, phía trước an tọa một xe sửa đồng hồ của anh thanh niên mà bây giờ tôi chẳng còn khả năng nhớ tên.
Chiều chiều, các bà mẹ túa ra trước cửa căn hộ để trò chuyện với nhau về giá vàng, giá gạo, về việc học của bọn trẻ trong nhà, đủ mọi chuyện thiên thiên địa địa. Những bà bán hàng rong vác đòn gánh leo tận mấy tầng lầu, đến tận cửa nhà chào mời. Bọn trẻ con hùa nhau kết bè kết tụ bầy trò chắn cả lối cầu thang, lâu lâu bị một ông nào đấy đang vác con xe đạp trên vai nạt một tiếng, tạm dạt ra tránh đường rồi lại tụ vào ngay lập tức. Những buổi tối cúp điện, ô cửa sổ của mỗi nhà lại leo lét ánh đèn cầy, chấp chới liêu trai hồ như không thực. Nhìn từ xa, mỗi ô chung cư trông như một đôi mắt. Mãi tận sau này tôi vẫn không thôi liên tưởng đến những con mắt khi đứng trước một tòa chung cư leo lét ánh đèn.
Tiếng trẻ con đùa giỡn, tiếng ti vi phát sóng, tiếng giũ đồ phơi phóng, tiếng dép lẹp xẹp của người qua kẻ lại, tiếng rao hàng lảnh lót, tiếng quát tháo của các bà mẹ bảo con về ăn cơm, tiếng cọt kẹt của chiếc đi- văng cũ, tiếng chuyện trò của vợ chồng người hàng xóm… tất cả như một tổ hợp âm thanh sống động, thứ âm thanh đương đại lẩn khuất rất sâu trong trí nhớ những đứa trẻ như tôi, nhưng chưa bao giờ, chưa một lần nào phai nhạt.
Có những khu chung cư đã dần xuống cấp, hồ như chỉ một động tác nhẹ cũng có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, nhiều tầng lầu chỉ còn lác đác vài căn hộ cố bám trụ khi gia chủ không chấp nhận tiền đền bù giải toả, hoặc đơn giản chỉ vì họ vọng nhớ và tiếc nuối một nơi từng gắn bó. Tôi từng lang thang qua những khu như thế, để cảm nhận sức hấp dẫn của những góc tối tuềnh toàng, những ô cửa chứa đầy rác, những bậc thang xi măng tồn tại qua bao thập kỷ sắp sửa bị xóa sổ, và để thu vào mình hơi thở cuối cùng của một cộng đồng từng tồn tại ở đây.
Tôi thích dùng từ cư xá thay cho chung cư, một phương ngữ cũ mà bây giờ ít ai dùng đến. Sài Gòn có rất nhiều khu cư xá, nổi tiếng nhất là khu cư xá Brinks trên đường Hai Bà Trưng hồi thập niên 60 nhờ sự kiện đánh bom của Biệt động Sài Gòn thời ấy, giờ đây đã không còn. Bỏ qua chuyện chính trị, vẫn có không ít khu cư xá tồn tại đến tận ngày nay: cư xá Thanh Đa, cư xá Nguyễn Kim, cư xá Nguyễn Thiện Thuật. Hầu hết đều được xây cất trước năm 1975 và dành cho các gia đình cán bộ, công chức. Mỗi khu nhà được chia thành từng block, tiếng Việt mình thường gọi là “lô”, được gán với mỗi chữ cái: lô A, lô B…
Những căn hộ nhỏ nhắn chỉ đủ một, hai phòng ngủ, phòng khách kiêm nhà bếp, thậm chí nhiều nhà sinh hoạt trong một không gian duy nhất không hề được phân cách. Thường những hộ gia đình chung cư không có khái niệm “không gian riêng tư”. Những ngày mưa lất phất hoặc những hôm thủy triều cao, bạn sẽ “được” chứng kiến cảnh ngập nước đã làm nên thương hiệu của không ít khu cư xá. Những buổi sáng mùa thu âm u dưới màn mưa bụi, tôi thích ngắm nhìn cư dân của những khu dân cư ấy ngồi gác chân trên những chiếc ghế đẩu nhâm nhi tách cà phê cóc, đôi bắp chân trắng ngần lộ ra vì quần xắn cao đến gối của cô chủ quán đáng yêu đang lội mưa, những đứa con nít nghịch nước chốc chốc lại giựt mình vì bị mẹ mắng.
Một trong những thú vui của tôi là cùng ai đó trèo lên tầng cao nhất của một khu chung cư bất kỳ để thưởng lãm Sài Gòn từ một độ cao nhất định. Từ chung cư Miếu Nổi nhiều tạp nhạp, chung cư 14 Tôn Tất Đạm trứ danh với các quán cà phê, cư xá Thanh Đa tuềnh toàng cũ kỹ đến khu căn hộ cao cấp Sky Garden, Cantavil, tôi đều mò mẫm lên vị trí cao nhất. Khi tòa Cantavil còn trong giai đoạn hoàn thiện và chưa đi vào hoạt động, tôi từng cùng bạn của mình trèo 20 tầng lầu bằng thang bộ lên sân thượng. Mệt, không thể mệt hơn, cơ quan hô hấp như lìa khỏi cơ thể, đôi chân rã ra vô dụng, lưng áo đầm đìa mồ hôi như mèo mắc mưa. Nhưng khi vừa bước ra không gian của tòa thượng, cảm giác sung sướng đến tê liệt chiếm lĩnh chúng tôi, quên cả mệt. Một góc thành phố hiển hiện trước mắt, bé nhỏ như một mô hình lắp ráp của trẻ con, đẹp đẽ và hoành tráng đến ngạt thở.
Sân thượng chung cư cũng là nơi lý tưởng để lãng mạn hóa cuộc đời. Một đêm tháng 11, tôi cùng anh leo lên tầng cao nhất của khu chung cư Miếu Nổi, dư vị ngọt ngào của cái đêm huyền diệu ấy vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi ngẫm lại. Sài Gòn đêm ấy không mưa, tôi và anh nông nhàn duỗi hai chân ra thành chắn, ngả lưng nằm ra cả sàn đất lạnh, cùng ngước nhìn bầu trời đêm vô tận. Khu Hoàng Sa uốn lượn theo dòng kênh, chấp chới ánh sáng từ những hàng quán nối nhau không điểm kết. Người xe đông như mắc cửi, tranh nhau từng milimét một. Những tòa nhà trong ánh chạng vạng phát ra một vẻ đẹp ma mị và rù quến, gợi nhắc một khu dân cư trong các phim Hong Kong cũ. Xa xa là tháp truyền hình với ngọn đèn đỏ chớp tắt suốt ngày đêm, những bảng pa-nô quảng cáo ảo diệu và gợi cảm chẳng khác gì thứ ánh sáng neon mê hoặc được chế tác bởi nhà quay phim Christopher Doyle trong các tác phẩm điện ảnh của đọa diễn Vương Gia Vệ. Nó đẹp như thế đấy, một vẻ đẹp rất xi-nê.
Nếu có cơ hội, bạn hãy tự trải nghiệm một góc khác của Sài Gòn từ sân thượng của một khu chung cư nào đó. Ở trên cao, bạn sẽ cởi bỏ hết những lệ bộ của cảm xúc, sẽ được giải phóng hoàn toàn khỏi những ngột ngạt của âu lo thường nhật để dồn hết tâm tư, thu vào tầm mắt khung hình đẹp đẽ và quyến rũ của Sài Gòn, để tiệm cận và yêu mến hơn thành phố mình sinh sống từ một góc nhìn rất khác.