Nhiếp ảnh, hay là những giấc mơ

fcc70486a3f0f9bf128e7c052e904e5a

Tôi mới tham gia viết Photography cho Mannup được một thời gian chưa lâu, chưa đủ lâu chưa đủ nhiều để đứng vào hàng ngũ chính thức nhưng tôi yêu nhiếp ảnh thật sự. Viết lách cũng là một phần sở thích khác, thứ bản thân tôi không dám gọi nó là đam mê bởi vì tôi tự nhận mình còn lười và chưa đủ độ hiểu biết sâu sắc. Nói về viết tôi còn phải học hỏi nhiều.

Viết lách có lẽ là nghề ít phải đầu tư về tiền bạc nhất, nếu không có laptop hay tablet bạn chỉ cần làm theo cách phổ thông nhất từ bao đời nay: một cái bút chì, một cục tẩy và vài trang giấy. Nhưng nó cũng là một trog những nghề phải đầu tư nhiều nhất, đầu tư trí não. Tôi có hai anh bạn, hôm nọ cả hai đứa nói với tôi về tương lai ở trường đại học của chúng nó: một anh thì bảo sau khi vào đại học thì anh ta sẽ xin làm cộng tác viên cho báo nào đó và đi săn ảnh kiếm tin, đại loại là những việc mà anh ta nghĩ là làm báo và kiếm tiền tiêu vặt.
Anh còn lại thì làm tôi ngạc nhiên vì tôi chưa thấy anh ta nhắc đến điều này bao giờ, bảo là sẽ vào đại học sân khấu điện ảnh cùng tôi và vào khoa làm phim, còn tôi theo nhiếp ảnh. Cả hai người đều nhờ tôi dạy về chụp ảnh, cái này thì tôi không ngại nhưng trước khi bắt đầu, tôi đều hỏi họ một câu: “Mày có hiểu nghề này yêu cầu gì không? Và muốn học, theo đuổi nó đến cùng thì cần gì?”

Khá buồn cười khi cả hai trả lời đều vô tình là “cần mua máy ảnh”. Câu trả lời đó đương nhiên không sai, không chụp bằng máy chả nhẽ chụp bằng tay không – nhưng nó không phải cái điều cốt lõi. Câu trả lời duy nhất dành cho câu hỏi này, đó là “giàu trí óc”. Gạt bỏ những vấn đề xung quanh máy móc, tôi hỏi xem hai đứa có đủ kiến thức để thi vào ngành này không, chúng hiểu gì khi xem một bức ảnh hay một bộ phim nào đó, liệu chúng đã thực sự hiểu cái cốt lõi của một cái nhíu mày của một nữ diễn viên, của những tiểu tiết nhỏ tại sao nó nằm ở đấy hay cái cử chỉ tay nào đó trong một bức ảnh… Hai đứa bảo tôi chúng giỏi văn nên thi không có gì khó.

Đây không phải là vấn đề bạn giỏi môn nào, giỏi văn hay giỏi toán, thậm chí là “9 phẩy” tất cả các môn. Đây là vấn đề về sự cảm nhận thế giới bên ngoài, về cuộc sống, về cảm xúc con người, về sự tương phản hay về kiến thức nhân loại… Có nhiều thứ chúng ta nhìn thấy A nhưng không có nghĩa nó chỉ đơn giản là A như thế, cuộc sống phức tạp hơn một cử động cơ mặt hay cái khua tay của nhân vật. Tại sao cô ta làm thế? Thậm chí ngay khi ta có thể hiểu được cô ta nghĩ gì, cô ta định làm gì nếu thực sự chịu khó để ý, thì những thứ tưởng tiểu tiết đó cũng rất khó học, hay đôi khỉ không phải muốn học là được. Đó là sự khác biệt giữa nghệ thuật và thương mại. Thương mại không đòi ta tương tác hai chiều, nghệ thuật thì có. Vậy nên để nhìn ra tài năng, góc nhìn cuộc đời tinh tế của các nhà làm phim hay các nhà văn, nghệ thuật thâu tóm cảm xúc, cái ta cần là sự hiểu biết va chạm cuộc đời và cảm quan nghệ thuật phong phú. Hai anh lại bảo sẽ học khi đã ra trường, ra ngoài xã hội. Tôi nghĩ mọi câu “sẽ”, “ngày nào đó”, “khi rảnh” đều đã là quá muộn, muốn làm gì chúng ta cần bắt đầu ngay bây giờ, ngay khi còn có thể vì nó sẽ giúp mình định hướng thực sự con đường đã chọn, nếu không đến lúc gặp khó khăn thực sự ta sẽ bỏ cuộc.

114755db83bfa57d3d901c7d60a0cea0
Tiện nói về tương lai, trên thế giới có hai kiểu người trả lời khác nhau khi nghe được câu hỏi này: “Anh sẽ chọn nghề gì khi không cần phải lo lắng kiếm tiền nữa, khi hệ thống tiền tệ không còn tồn tại?”

Kiểu một là những người trong đầu đều lóe sáng ngay đam mê của mình, những nghề nghiệp mình THỰC SỰ muốn làm, dù lúc đó không cần tiền để làm gì nữa, có thể chơi cả đời. Phần còn lại, những người chỉ nghĩ đến sự giàu có, hưởng thụ và không nghĩ nhiều đến năng lực, đam mê thì chắc sẽ phải nghĩ ngợi đôi chút xem mình nên làm gì. Họ mơ ước một cách chung chung mà ai cũng mơ, đương nhiên rồi, có ai mơ rằng mình nghèo không? Đừng nói với tôi là bạn xem mấy bộ phim cổ tích về những công tử, tiểu thư muốn có cuộc sống đơn giản như bao người dân bình thường, bạn biết vì sao không, bởi họ đâu phải người kiếm tiền và họ đã bao giờ biết đến hai chữ “vất vả”.Trong thời đại này, những người theo đuổi nghệ thuật vì sự vĩ đại, họ sẽ có tiền. Còn những người theo đuổi nghệ thuật vì tiền, họ sẽ không bao giờ trở thành vĩ đại.

Nói vậy nhưng thực tế ở Việt Nam cũng không dễ làm, cái câu “cơm áo gạo tiền” ở đây vẫn còn quá nặng nề. Có nhiều người biết mình muốn gì vẫn cứ vật lộn trong những câu hỏi “Liệu nghề này có kiếm nhiều tiền hay chí ít là đủ tiền sinh sống?” hay “Liệu tôi có kiếm được đủ tiền mua nhà?” và tất nhiên là không thể thiếu “Liệu sau này gia đình vợ con bố mẹ có trông cậy được vào tôi?” Tiền không phải là tất cả nhưng nói cho cùng nó chiếm hầu hết, phần dư còn lại chắc chỉ là tình cảm con người mà thôi. Để vượt qua được trở ngại này, có lẽ cần phải tài năng và định lực thật lớn chứ không phải chỉ lạc quan cố gắng là được. Còn nếu không, hãy tỉnh táo.

c89c970f0df982e3625392b9c64231f1

Tôi mới chỉ là một thằng nhóc sắp đủ tuổi trưởng thành, hay người ta gọi vui là “tuổi vào tù.” Ai biết chứ, phải không? Như hàng trăm nghìn cô cậu bằng tuổi, tôi sắp chuẩn bị thi đại học và cũng chuẩn bị bước qua cái cổng địa ngục trần gian mà nhiều đứa trẻ khác gọi đó là thiên đường của sự tự do, thoải mái, làm những gì mình muốn…. Nhưng tôi không sinh ra ở thiên đường và cũng đã ít nhiều ý thức rõ cuộc sống không chỉ có màu hồng, mà còn rất nhiều màu đen. Dù có là ai trong hai loại người trên thì chúng ta đều vẫn rất mông lung về tương lai sau này.

Chúng ta tự nhủ mình còn trẻ mà, tôi 17 tuổi và sắp sang tuổi 18, vậy nên chúng ta ít khi nghĩ về nó, về cuộc sống hay tương lai, thậm chí là đến khi 20 hay 25 vẫn chỉ sống cho “tương lai gần” – ngày mai, chứ ít khi nghĩ xem sau này công việc ổn định kiếm được bao nhiêu tiền, kế hoạch gì để bứt phá, có đủ nuôi vợ nuôi con không, có đủ mua nhà không, có đủ sống cho đến lúc già hay không, có tiền cho con mình… Chúng ta tự nhủ mình còn trẻ mà, nhưng thật ra chỉ cần bằng tuổi tôi thôi hoặc 20 hay cùng lắm là 24, 25 thì tôi nghĩ là chúng ta đã “quá” cái tuổi trẻ để nghĩ về nó rồi. Đó là khi chúng ta gọi là “muộn”. Ta hay nghe câu “Thành công không bao giờ là quá muộn” nhưng theo tôi nên đi kèm cả câu ” Đừng để quá muộn mới nghĩ đến thành công”.
Phật đã răn: “Rắc rối chính là việc ta nghĩ mình còn thời gian”.
Bạn bao nhiêu tuổi và bạn có nghĩ mình còn đủ thời gian để thành công? Bạn có chắc chắn mình sẽ thực sự thành công? Đừng nói cho tôi biết.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.