Có ai trong số chúng ta lại không từng mơ về những ngôi nhà cây hồi còn bé thơ nhỉ?
Cái cảm giác đặc biệt khi một thằng bé con nhìn những ngôi nhà vắt vẻo giữa lưng chừng trời, giữa rừng xa vắng hay đằng sau sân nhà thật khó giải thích. Với cái đầu non nớt của trẻ con thì ta thấy rằng nó thật an toàn khi không chạm đất nên không ai có thể làm hại đến mình được, kể cả ma quỷ. Là một góc nhỏ để những đứa trẻ lén lút chui lên đấy, ăn dấm dúi mấy thanh kẹo mà bố mẹ không cho vì sợ sâu răng, hùa nhau chơi những trò mà người lớn cho là nhảm nhí và không tài nào hiểu nổi, nhưng với chúng là một câu chuyện thần tiên say mê có thật – như Jess và Leslie trong phim “Bridge to Terabithia”.
Đến khi lớn, trải qua bao vấp ngã, đầu chai sạn sỏi đá bởi năm tháng rồi những người lớn chúng ta mới nhận ra bọn trẻ con cũng chẳng non nớt tí nào – tuy chẳng biết gì nhưng những gì chúng cảm nhận được bằng bản năng lại đúng là đằng khác. Những ngôi nhà cây rốt cục vẫn là một điểm ẩn náu an toàn, cô độc, biệt lập giữa thiên nhiên – và không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà là ước mơ của bao gã trưởng thành nữa. Nỗi niềm hoài cổ thuở thiếu thời chỉ là một phần, ngôi nhà cây giờ trở thành một biểu tượng, một ẩn dụ cao hơn cho ước mơ tự do của người đàn ông. Vì một xã hội văn minh luôn là gông cùm của sự tự do, chân lý này chẳng bao giờ đổi thay – những kẻ muốn đi ngược lại nó sẽ phải trả một cái giá không nhỏ.
Tưởng tượng bạn nằm dài đọc sách giữa một ngôi nhà nhỏ tuyệt đẹp giữa rừng cây, bị đánh thức bởi ánh nắng mặt trời trong vắt, mềm dịu nhờ tản qua những tầng lá cao vút. Không công việc, không áp lực cuộc sống, không những điều chướng tai gai mắt hay tiền bạc, những thân cây cổ thụ hứa hẹn ứa ra thứ chất lỏng ngọt ngào của sự vô lo, tránh xa khỏi những thứ phù phiếm đè nặng tâm can mỗi người. Tôi nghĩ dù bạn là ai, một kẻ thích đơn độc, yên tĩnh hay con người của gia đình, hay một gã ưa phiêu lưu cùng bạn bè cũng phải thích những ngôi nhà cây trong bài này.
Ý tưởng viết về nhà cây đến với tôi vào đầu tháng Tám năm nay khi tôi đi Rừng Đen ở bang Baden-Württemberg để chụp ảnh cho khách. Đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Tôi nằm trong bóng tối và sự im lặng tuyệt đối của căn phòng khách sạn nhỏ buông rèm. Thực ra nơi đây trước kia là một khu nhà khách bằng gỗ cổ kính đã gần trăm tuổi nay mới được tu sửa để chuyển thành khách sạn cách đây 40 năm. Nằm giữa vùng thung lũng hoang vắng được bao bọc bởi những cánh rừng đen dày đặc. Khi tôi hỏi người tài xế chở mình đến đây sao nó lại được đặt tên là rừng đen thì họ nói: nó khác rừng ở những nơi khác trên nước Đức vì cây cối rậm rạp đến mức một khi đã đi vào sâu thì cái sót lại duy nhất trên võng mạc chỉ còn một màu đen đặc quánh như nhựa đường.
Một nơi không phương tiện công cộng nào đến được trừ xe hơi qua những con đường vòng vèo khúc khuỷu. Một nơi không có sóng điện thoại, internet, wi-fi và rất rất ít ti-vi. Cái thung lũng Poppeltal này nằm giữa lòng nước Đức mà khiến tôi có cảm giác như mình đã đi đến tận cùng thế giới vậy. Một cuộc sống thực sự khác.
Bụng tôi nặng trĩu vì bữa tiệc ấm cúng tiền đám cưới với cô dâu chú rể nhưng đầu óc bỗng nhẹ tênh. Những ý tưởng, suy tư về cuộc đời và công việc như bị rừng đen chặn lại và nuốt chửng vào hố đen tận cùng như những luồng sóng điện thoại. Trên thân thể một gã đàn ông vốn có hai thứ dễ đẩy hắn ta vào những hành động dại dột và cái tréo nghoe của vũ trụ là máu của gã không bao giờ bơm đủ cung cấp cho cả hai. Vào giờ phút này khi bộ não tôi đang lim dim chìm vào giấc ngủ chập chờn thì máu nóng vội tranh thủ tràn xuống phía dưới, dồn dập. Có một việc gì đó hối thúc. Có cái thèm muốn vô cớ. Nhưng sự im lặng và bóng đêm quý giá của thời khắc này khiến tôi không dám manh động cho mình phóng túng. Tôi e dè ánh sáng sẽ thoát ra. Tôi sợ chỉ những chuyển động cọ sát nhỏ nhẹ của đôi tay trên da thịt cũng có thể làm bình yên tan biến mất vào cõi hư vô.
Cố xua tan những bứt rứt ấy, tôi với tay lấy cuốn “The Castle” của Franz Kafka. Nhân vật K của Kafka đơn độc khi đến ngôi làng ấy vì hắn chẳng thuộc về lâu đài hay ngôi làng, cuộc sống chẳng bao giờ tách bạch đến thế – để đối mặt với thực tại thì hắn tạo ra một thế giới của riêng mình, một nơi nằm ngoài rìa thế giới để đi tìm ý nghĩa thật sự của đời mình. Chuyện này cứ lan man sang chuyện kia. Tôi nhớ đến những căn nhà gỗ trên cây in hằn trong trí nhớ. Tôi nhớ đến cuộc đời cái cây cô độc nhất hành tinh: một cây keo nằm chỏng chơ giữa sa mạc Sahara, trong bán kính 400km quanh đó không có một cái cây nào khác. Nó từng là một phần của khu rừng nhiệt đới rậm rạp, xanh tươi, nhưng theo thời gian cùng với những biến cố tự nhiên, tất cả các cây khác đều biến mất, để lại nó một mình trên vùng hoang mạc cằn cỗi trong suốt hàng trăm năm qua. Điều mỉa mai là năm 1973 nó đã bị một người lái xe tải say rượu đâm đổ. Những gì thiên nhiên không hủy hoại được, hãy cứ để cho con người động tay vào.
Cuối cùng tôi nhớ đến gã thiếu niên Kafka của Haruki Murakami. Cảm giác của cậu ta khi đến căn nhà gỗ trên núi – cảm giác chạy trốn và đi tìm một thứ cùng lúc không rõ ràng, vô định hình. Còn tôi, tôi chẳng chạy trốn hay đi tìm gì ở nơi đây. Tôi tự tin gào lên với thế giới rằng mình có một mục tiêu rõ ràng, nhất quán, đầy tham vọng trong đời và tôi sẽ làm bất cứ giá nào để thực hiện được nó. Nhưng một khi phải đối mặt với chính bản ngã của mình trong bóng đêm, tôi khẽ thì thào tự hỏi mình: liệu có phải thế không? Liệu có một ngày cái lý tưởng, hoài bão của một gã đàn ông đột nhiên biến mất không một dấu vết, những gì hắn nghĩ rằng đó là ý nghĩa cuộc sống trở nên vô nghĩa và nhám nhí thì hắn sẽ làm gì và còn lại gì? Chẳng trả lời được, tôi miên man thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn…
Có một ngày, không biết là lúc nào – giống như tiếng gọi của chúa với những người mộ đạo, nó đến khi nó phải đến, tôi sẽ rời bỏ tất cả để sống trong một ngôi nhà cây giữa rừng. Tôi vẫn tin rằng chúng ta đã nuông chiều bản thân trong xã hội hiện đại quá lâu. Nó lừa phỉnh tôi và bạn rằng ta chỉ có thể tìm được hạnh phúc thông qua những tác nhân kích thích bên ngoài. Nhưng hạnh phúc thật sự đến từ sâu thẳm trong mỗi người, bất kể bạn chọn ở đâu, bóng tối cô độc giữa ngôi nhà cây lơ lửng giữa trời hay dòng người nhộn nhịp. Rằng từ đêm thứ hai, tôi sẽ quen với việc bóng đêm bao bọc và ủ ấm mình bằng sự lạnh lẽo của nó – để trở về với tự nhiên và bản ngã thật sự của con người.
Một số căn nhà cây khác.
Còn nếu bạn muốn tận hưởng cảm giác được ngủ trên nhà cây di động, hay nói cho đúng hơn là lều cây thì đã có sản phẩm của hãng Tentsile, giá khoảng… 750$