Người New York vốn yêu mê mệt New York.
Anh ta thần tượng và lãng mạn hóa New York lên một mức quá đỗi khác thường.
Với anh ta, mỗi mùa ở New York đều mang một sắc thái trắng đen và rung động theo giai điệu của George Gershwin.
Người New York sống bằng cách hít thở sự hối hả và nhộn nhịp của đường phố New York.
Với anh ta, New York tràn ngập những phụ nữ xinh đẹp và những gã trai thông minh chuyện gì cũng biết.
Người New York họ rất yêu New York.
Với anh ta thành phố này là một ẩn dụ cho sự mục ruỗng của văn hóa đương đại.
Sự thiếu vắng chính trực đẩy con người ta lao theo những giấc mơ bằng mọi giá nhanh nhất có thể.
Một xã hội bị vô cảm bởi ma túy, truyền hình, thứ âm nhạc ầm ĩ, tội phạm và rác rười.
Người New York vừa lãng mạn lại vừa cứng rắn như thành phố của họ.
Ẩn giấu đằng sau mỗi cặp kính gọng đen là một nguồn năng lượng tình dục của mèo rừng.
New York là quê nhà của anh ta, và mãi mãi sẽ không bao giờ đổi thay.
Woody Allen đã nói như vậy về New York – nơi ông ta sinh ra, lớn lên và sống phần lớn quãng đời của mình.
Còn với Brandon Stanton, cái gã trai 30 tuổi quê ở Atlanta mới chuyển đến New York vài năm thì sao? Đồng bệnh tương lân, tuy rất giống Allen nhưng anh ta lại có cách ghi lại New York một cách tuyệt vời và xúc cảm không kém.
Brandon sẽ không bao giờ quên cái ngày ấy – ngày mùng 4, tháng 11, năm 2010. Kể từ đó anh ta đã thầm nhủ mình sẽ không bao giờ quay đầu lại mà chỉ hướng về phía trước qua ống kính của chiếc máy ảnh Canon 7D.
Không học hành nhiếp ảnh trường lớp, Brandon của hơn 3.5 năm qua rong ruổi cả ngày qua những con phố đông vui tấp nập của New York, từ khu Bedford-Stuyvesant cho đến Manhattan để tìm kiếm nhân vật cho dự án “Những con người New York” của mình. Đó là hơn 6000 tấm ảnh, hơn 6000 con người, hơn 6000 cá tính và đặc biệt nhất: hơn 6000 câu chuyện khác nhau.
– Bác còn muốn dạy cậu bé thêm gì chăng?
– Đã có bố mẹ thằng bé lo việc đó. Lão chỉ muốn ở gần nó thôi.
“Người lạ” là một chủ đề đã tạo cảm hứng cho bạn bè chụp ảnh thế giới đã lâu, nhưng với những gì HONY (viết tắt của “Humans of New York”) của Brandon làm, “trào lưu” này đã được đưa lên một tầm cao mới.
Những tấm ảnh chân dung người lạ của HONY không bóng bẩy về mặt hình thức hay hoàn hảo về kỹ thuật nhiếp ảnh, các tờ báo lớn nhận xét Brandon có một kỹ năng chụp ảnh tàm tạm. Nhưng đó chính là điều làm HONY trở nên chân thật, gần gũi và truyền tải cảm xúc nguyên sơ, trọn vẹn và thô ráp nhất đến người xem. Brandon không đơn thuần chỉ chụp ảnh hay điểm danh những người con của New York. Anh ta kết nối con người – hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu sắc thái của thành phố với nhau.
Một bức ảnh thường thể hiện cá tính và phong cách của người chụp, nhưng với HONY Brandon lùi về phía sau để làm một người hùng thầm lặng, nhường sân khấu cho những người lạ không tên tỏa sáng giữa đời thường.
Cuộc đời là tập hợp của những khoảnh khắc, là một chuỗi các căn phòng nối tiếp nhau. Nó đẹp hay xấu, thú vị hay buồn chán là phụ thuộc vào bạn và những người đồng hành trong từng căn phòng ấy.
Hôm nay tôi vừa được bạn trai tặng cuốn sách ảnh ‘Những con người New York’ của anh nhân dịp kỷ niệm sáu năm yêu nhau. Tò mò vì hành vi không giống ngày thường của anh ấy, tôi chậm rãi mở từng trang sách ra xem và sốc khi nhìn thấy tấm ảnh này của mình. Được chụp đúng vào ngày này một năm trước trên Đường 42, cái ngày thực tại nghiệt ngã tí chút nữa đã chia cắt hai đứa khỏi đời nhau mãi mãi. Cái đêm kỷ niệm năm năm yêu nhau – cái đêm chúng tôi đã thề sẽ không bỏ cuộc, sẽ bắt đầu lại một năm mới tuyệt vời và tốt đẹp hơn cho cả hai. Tôi không nghĩ là mình sẽ được thấy lại cái khoảng khắc tưởng chừng đã đi vào quên lãng, đã bị giật trôi vào quá khứ dữ dội thuở nào. Hóa ra nó lại được lưu giữ thật đẹp để cả thế giới ngắm nhìn. Mặc dù chúng ta chỉ là những người lạ với nhau nhưng đây vẫn là món qua tuyệt vời nhất tôi từng được nhận trong đời. Cảm ơn anh nhiều lắm.
Thân yêu,
Eika”
Từng người lạ của HONY đều độc đáo và khác biệt, là một mảnh ghép nhỏ nhưng không thể thay thế của một cỗ máy khổng lồ. Họ có thể là một doanh nhân thành đạt, một gã ăn mày lãng tử, một ông già đã dành gần như nửa đời mình trong tù, một bà già với trí óc không còn tỉnh tạo hay một nghệ sĩ với phong cách quái dị không giống ai… Họ là ai hay họ làm gì không quan trọng nữa. HONY mang lại một sự kết nối và đồng cảm mạnh mẽ, một tác động tích cực khiến niềm tin vào xã hội và con người trong mỗi cá nhân dường như được chữa lành, hồi phục.
Những con người tốt, những cá nhân thú vị luôn ở quanh ta và ở đâu cũng có, chỉ cần ta biết mở lòng ra mà thôi. Sống tích cực và đừng nhìn đời bằng con mắt của một kẻ định kiến, hạn hẹp. Giống như Brandon.
Những người lạ giống như chiếc gương thần phản chiếu cảm xúc của anh ta, chỉ bằng sự cởi mở, chân thật và nhiệt thành của một người đàn ông, Brandon làm những người lạ ở New York thấy thoải mái và là chính mình. Họ chấp nhận mở lòng mình, chia sẻ những tổn thương, những hạnh phúc hay suy tư, chiêm nghiệm về đời. Họ được gỡ bỏ lớp mặt nạ cuộc đời, dù chỉ là trong khoảnh khắc.
Đó há chẳng phải tiêu chi của nhiếp ảnh đường phố, phóng sự hay sao? Chúng ta không chụp làm sao để người ta đẹp nhất. Chúng ta chụp để thấy cái hồn, cái tâm can sâu thẳm trong họ.
HONY đã truyền cảm hứng đi khắp thế giới với những dự án người lạ liên tiếp mọc lên ở Tel Aviv, Rome, San Francisco, Copenhaghen, Paris, Sydney, Oslo, Vienna… Những dự án ý nghĩa như vậy thường cần sự hỗ trợ về truyền thông và tài chính của một ông lớn để trở nên phổ biến, nhưng riêng với HONY, Brandon đã xây dựng được cả một đế chế từ những độc giả trung thành. Hơn 3.2 triệu follower trên Facebook fanpage; 540,000 follow trên Instagram; 400,000 follow trên tumblr… đã phần nào phản ánh hết điều đó. Cuốn sách ảnh đầu tiên xuất bản ngày 15.10.2013 cũng đạt danh hiệu tác phẩm bán chạy nhất tuần đầu tháng 11 trên tờ “Thời báo New York”.
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, HONY đã trở thành một hiện tượng, thoát ra khỏi một dự án ảnh cá nhân thông thường. Brandon đã biến nó thành một thứ tài sản chung của New York, một dự án phi lợi nhuận từ cộng đồng với nhiều dự án quyên góp trên indiegogo đậm tính nhân đạo và tình người như giúp đỡ trẻ khuyết tật, nạn nhân của bão Sandy… Trong cái thời đại văn hóa xuống cấp, đạo đức suy đồi thì những giá trị tinh thần tươi sáng như HONY càng trở nên có ý nghĩa. Vì cái xấu chỉ thật sự chiến thắng khi người ta mải mê nói về nó mà quên đi còn bao điều tốt đẹp đang hiện hữu ngoài kia.
“Tôi nghèo rách túi. Và sống rất tằn tiện. Không đi ăn ngoài. Không chơi bời nhậu nhẹt. Dự án này không phải công cụ để tôi đạt được lối sống sướng hơn. Dự án này là lối sống tôi đã chọn.” – Brandon Stanton.
Trang web của Humans of New York: http://www.humansofnewyork.com/
Facebook Fanpage: https://www.facebook.com/humansofnewyork
Sách ảnh “Humans of New York”: http://amzn.to/10sbtW5
– Anh định làm như nào?
– Tình yêu là một thứ mong manh. Phải liên tục bồi đắp nếu không nó sẽ dần biến mất. Mỗi ngày chúng ta phải cho phụ nữ thêm một lý do tại sao họ yêu mình.
– Chắc chắn là không phải bây giờ!
– Cô ấy là ai?
– Anh đàn ông nào cũng có một cô.