Nhắc đến châu Phi là chúng ta hay nghĩ ngay đến những hoang mạc rộng lớn trải dài đến bất tận, đến khí hậu khắc nghiệt với ánh nắng và sức nóng chói chang khủng khiếp do nằm gần đường xích đạo. Một nơi với nội chiến triền miên do mâu thuẫn sắc tộc cộng thêm hậu quả của một thời gian dài bị đè nén bởi chủ nghĩa thực dân và thực địa. Cơn đói, bệnh tật và nạn săn bắn trái phép đẩy các loài thú quý hiếm vào tình trạng tuyệt chủng…
Từ trước đến nay tôi vốn không quá hứng thú với thể loại ảnh động vật hoang dã, chẳng phải vì nó không đẹp, chẳng phải vì nó không thuộc sở thích của mình. Đơn giản là vì những tấm ảnh rực rỡ đầy màu sắc, nắm bắt cái khoảnh khắc hành động đầy dữ dội và kịch tính của những loài thú bất trị đã trở thành tiêu chuẩn và cũng là rào cản để nó phát triển thoát khỏi cái bóng nhàm chán. Trừ một cái tên: Nick Brandt.
Nick Brandt có một tình yêu và cảm hứng bất tận dành cho động vật, người đã tiếp cận và đưa ảnh động vật hoang dã lên một tầm cao mới theo một cách mà ai chưa từng làm trước đó. Ảnh châu Phi của anh đẹp chân thật hoang dã mà lại vô cùng lãng mạn.
Sinh ra và lớn lên ở London, sau khi học Mỹ thuật và Điện ảnh thì năm 1992 Nick Brandt chuyển sang Mỹ ở, ở đó anh đã đạo diễn nhiều video ca nhạc nổi tiếng cho Michael Jackson, Moby, Jewel… Tình yêu của Nick dành cho động vật và châu Phi ngày càng bộc phát mạnh mẽ, nhất là sau khi quay video “Earth Song” cho Michael Jackson. Nhưng đồng thời anh cũng nhận ra một điều rằng: thế giới phim ảnh không phải là một phương tiện phù hợp. Nó quá phức tạp, quá phụ thuộc vào tiền bạc để chuyển những gì mình đam mê cuồng nhiệt thành các dự án có thật và lâu dài, tốn kém.
Trước khi quay trở lại Đông Phi lần nữa anh đã kịp mua cho mình một chiếc máy phim khổ trung – Pentax 67II. Và luôn chụp đen trắng. Cùng một loạt ống kính có tiêu cự ngắn và cố định – lại gần là cách duy nhất để chụp cận cảnh những chú sư tử, báo đốm… (thậm chí dưới mười mét), điều phá vỡ mọi chuẩn mực của nhiếp ảnh hoang dã với những chiếc ống kính tele to và dài như một khẩu đại bác.
Nick Brandt quan niệm rằng mỗi giống loài, dù là người hay thú đều có quyền sống bình đẳng, đều là những sinh linh ngang hàng trên Trái Đất. Cái cảm giác đó có ảnh hưởng và hiện diện trong từng khung hình anh chụp vì với Nick: anh không coi mình là một nhiếp ảnh gia chụp động vật hoang dã, anh tự nhận mình là một người chụp chân dung, anh đối xử với những chủ thể hoang đã chẳng phải con người đó như với người vậy. Nếu xét từ góc nhìn này thì suy nghĩ đó làm tôi thấy hết sức đồng điệu: ảnh chân dung không chỉ là đơn giản chụp lại một ai đó, ta thổi hồn và ghi lại những gì chân thật nhất của bản thể con người. Ừ thì có thể bạn bảo tôi cực đoan nhưng tôi vẫn nghĩ bạn đừng mong làm được điều đó bằng cách đứng xa nhân vật của mình hàng chục mét, dựa dẫm vào chiếc ống kính tele. Tôi yêu quý những ống kính 35, 50 của mình vì tôi có thể lại thật sát và nhìn thật sâu vào đôi mắt của tâm hồn họ…
Trái với ấn tượng dữ dội ban đầu của châu Phi thì ảnh “chân dung” động vật của Nick Brandt mang lại một cảm giác lãng mạn và tươi sáng tuyệt đối. Trong bộ ba sách ảnh về châu Phi của anh là “On this Earth”, “A Shadow Falls” và “Across the Ravaged Land” thì chỉ có quyển cuối cùng phần nào có không khi buồn bã và u ám, không chắc chắn về tương lai còn “On this Earth” và “A Shadow Falls” thể hiện sự lạc quan và niềm vui lớn.
Chẳng khác nào những con người của chủ nghĩa lãng mạn giữa cái thời loạn lạc chiến tranh.
Họ thăng hoa, thoát ly khỏi thực tại, bác bỏ những cái được gọi là chuẩn mực thông thường để tìm đến với tiếng nói riêng của mình, đầy phóng túng, đầy tình cảm phong phú. Chẳng thế mà có thời ở nước ta chủ nghĩa lãng mạn bị coi là suy đồi, phản động, đi ngược lại giá trị của hiện thực. Bản thôi tôi thì vẫn nghĩ, cái gì thật sự cái đẹp nó sẽ vượt qua mọi ranh giới, phân chia mà con người đã định sẵn.
Nick Brandt không chụp động vật như người ta vẫn làm. Anh yêu động vật nhưng không tuyên truyền cứu động vật hoang dã bằng cách đánh vào lòng thương hay cảm giác tội lỗi của người khác như cái cách xưa cũ bao đời nay.
Anh không miêu tả chủ thể của mình như những sinh linh “bé nhỏ” đang chật vật tìm nơi sự sống dưới sự săn bắn, chèn ép của con người.
Anh không phác họa chúng như một động vật hoang dã, to lớn, dữ tợn với những hành động mang tính bản năng sinh tồn hung bạo trong khoảng thời gian của một cái chớp mắt.
Tất cả chỉ có một sự bình yên trong tâm hồn nơi cõi thiền bao trùm rộng khắp. Một trạng thái tĩnh lặng tuyệt đẹp của những giống loài tuyệt đẹp – cái vẻ đẹp cổ xưa vốn đã tồn tại tự bao đời nay, lâu thật lâu trước khi loài người xuất hiện – nhưng sợ rằng chẳng bao lâu nữa chúng sẽ hoàn toàn biến mất khỏi bề mặt Trái Đất. Ảnh của Nick gần gũi như những tấm chân dung đầu thế kỷ XX, hòng ghi lại nét thanh xuân của thế giới trước khi nó tan vào cát bụi.
Một chú sư tử đực uy mãnh, lông êm mượt nhung tơ đang chờ bão đến, bình thản vô tư lự. Một nàng sư tử cái trên đồng cỏ ngắm nhìn mây trời trôi mãi về nơi xa vắng. Một gia đình nhà báo đốm nằm sưởi nắng trên bờ đá. Một đôi sư tử bên gió xuân mà sự im lặng bình yên đã đủ thay mọi lời muốn nói.
Ảnh của Nick như thầm thì rằng: “Đấy, các người nỡ để những sinh vật tuyệt đẹp như thế đi vào cảnh tận diệt hay sao?”
Sự kiên trì, nhẫn nại đến tận tụy, niềm đam mê ấy có khả năng khơi gợi cảm hứng mạnh mẽ ở những thế hệ chụp ảnh mai sau. Thế giới cần thêm nhiều con người giàu năng lượng và tập trung hết trí lực, sức lực vào những việc mình đam mê hơn nữa.
Như Nick Brandt, anh có thể lái xe rong ruổi nhiều ngày trời để tìm đúng khung cảnh, đúng chủ thể như trong tưởng tượng của mình. Anh có thể 19 ngày liên tiếp chờ một chú sư tử tỉnh giấc trong gió xuân. Anh có thể ngồi chờ cả ngày dài để những chú báo đốm trở nên thư giãn và mất cảnh giác, để chúng hiện diện là chính mình chứ không phải một cái gì khác người ta muốn.
Mọi thứ về kỹ thuật trong ảnh của Nick thật ra đều hoàn hảo: ánh sáng, bố cục, tương phản, sự cân bằng tĩnh động, hậu cảnh… Nhưng thần thái, cảm xúc của mỗi tấm ảnh mới là thứ làm tôi say mê. Hình như đó là cái hình mẫu của những con người tôi thích: họ đam mê nhiệt huyết vô cùng đấy nhưng cũng rất tỉnh táo, chặt chẽ, tính toán và luôn là những bậc thầy về kỹ thuật nên những công trình của họ luôn cân bằng được hai yếu tố trên một cách xuất sắc.
Trang web của Nick Brandt: http://www.nickbrandt.com/
Facebook Fanpage: https://www.facebook.com/pages/Nick-Brandt/161975326086