“Ánh mặt trời ngày hè tiếp tục phủ nhựa nóng lên bầu trời, phủ phục khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố. Độ ẩm cao khiến cơ thể tuôn mồ hôi như vã, quần áo nhớp nháp bết cả vào thịt da. Ai cũng phe phẩy trên tay những vật dụng có thể tạo gió để xua đi cái nóng của một ngày dài khốn kiếp. Trong khi đó, Harry và Marion ngủ yên bình trong vòng tay nhau, mặc kệ hiện thực khắc nghiệt và cái thời tiết đáng nguyền rủa đang bủa vây xung quanh..”
Requiem for a dream thật sự là một bộ phim u ám và đen tối vượt ngưỡng cho phép. Với những hình ảnh giàu sức gợi, nghiệt ngã đến ám ảnh khiến người xem phải liên tiếp đặt câu hỏi về sự tồn tại của chính mình. Chúng ta là ai, chúng ta hiểu bản thân mình được bao nhiêu, chúng ta đang làm gì trong cái thế giới xô lệch này, chúng ta đang ngưỡng vọng điều gì và những mối ước vọng đó có xứng đáng để ta đánh đổi hay không. Những câu hỏi mang tính thách thức bản ngã ấy được đạo diễn Darren Aronofosky điện ảnh hóa qua tác phẩm điện ảnh xuất sắc, một bài ca tuyệt vọng mang tên Requiem for a dream.
Requiem, tạm hiểu là lễ cầu siêu, một nghi thức tôn giáo nhằm tưởng niệm một người đã mất trong đám tang. Nó được thể hiện bởi giọng ca của một hoặc nhiều người, cất lên tiếng lòng bi thương về những tổn thất và mất mát. Những gì biến mất khỏi cuộc đời cũng đều đáng được tưởng nhớ. Giấc mơ cũng vậy. Một ngôi sao tắt, một giấc mơ chết đều cần một lời kinh cầu hồn để thanh thản ra đi. Đó cũng là lời đề từ cho toàn bộ tác phẩm độc đáo Requiem for a dream.
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hubert Selby Jr, người từng có hơn ba thập kỷ chống chọi với chứng nghiện ma túy, cũng là người viết kịch bản cho phim, nên cuốn sách cũng chính là những trải nghiệm cá nhân của chính tác giả.
“Tôi viết Lễ cầu hồn cho một giấc mơ vào năm 1978 khi đang trú tại Los Angeles, 10 hay 12 năm gì đấy. Khi đang thực hiện cuốn tiểu thuyết, tôi chẳng biết điều gì đang diễn ra bên ngoài thế giới thực. Nhưng tôi không viết về hiện thực ngoài kia, tôi viết về sự ảo tưởng, tôi viết về cách mà Giấc mơ Mỹ đưa ta đến thiên đàng rồi hủy hoại ta trong địa ngục của sự vỡ mộng.”- Hubert Selby Jr từng chia sẻ như thế. Những ai xem xong phim sẽ muốn tìm tiểu thuyết để đọc hoặc ngược lại. Toàn bộ nội dung của quyển tiểu thuyết đều được đặc tả chân thực trên màn ảnh với đầy đủ những bi kịch cá nhân của bốn con người.
Bạn từng đọc cuốn sách và có thể cảm thấy đã rất tối tăm và tuyệt vọng nhưng sẽ càng thấy tối tăm và tuyệt vọng hơn nhiều khi xem phim. Kết thúc bộ phim đọng lại trong khán giả là những cảm xúc hỗn độn không tên và không dễ gì diễn tả được bằng lời. Cuộc đời với những câu chuyện buồn, rối ren và phức tạp của các nhân vật đã được khắc họa một cách rõ nét qua bối cảnh, không gian và diễn xuất của dàn diễn viên chính, đặc biệt là ngôi sao Jared Lato và Ellen Burstyn, nữ diễn viên đã nhận được một đề cử Oscar cho vai diễn này.
Đạo diễn Darren Aronofosky có tài năng kể chuyện bằng hình ảnh xuất sắc. Ông từng có một bộ phim ảo giác khác lấy cảm hứng từ phim Eraserhead của bậc thầy David Lynch, mang tựa đề Pi (1998) – bộ phim đem lại cho Darren Aronofsky giải thưởng Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Sundance 1998 và giải thưởng Tinh thần độc lập cho Kịch bản đầu tay xuất sắc nhất. Pi là câu chuyện về Max, một nhà toán học thiên tài đã tạo ra một siêu máy tính ở nhà hòng tìm kiếm chìa khóa hiểu được cuộc sống. Khi đánh hơi thấy bí mật này, giáo phái Hasidic và công ty ở phố Wall đã tìm đến chiêu dụ Max. Ông cũng chính là đạo diễn cho bộ phim đoạt giải Oscar cũng gây ám ám ảnh không kém: Black Swan.
Sau bộ phim kinh phí thấp Pi là Requiem for a dream, một áng thơ về những ước mơ tan vỡ. Requiem như một kính hiển vi thể hiện nhãn quan mới soi vào cái cốt lõi của con người. Ai trong đời cũng có ít nhất một ước mơ, nhưng ước đó có chính đáng không, hay chỉ là tự huyễn? Ước mơ sẽ đưa mình đi đến đâu trong tương lai, hay sẽ nhấn chìm mình trong bể sâu ảo tưởng?
Sara Goldfarb (Ellen Burstyn thủ vai) là một phụ nữ góa chồng sống một mình ở Brighton Beach, Brooklyn. Thú vui của bà là xem tivi, ăn chocolate và các thực phẩm giúp tăng cân. Cậu con trai Harry Goldfarb (Jared Leto thủ vai), một kẻ nghiện ma túy nặng, thỉnh thoảng mới tới thăm mẹ để xin tiền mua heroin. Một buổi sáng mùa hè Sara nhận được cú điện thoại mời tham gia vào chương trình truyền hình Malin & Block. Từ lúc đó, Sara ăn kiêng nhằm trở nên đẹp hơn trong ngày lên hình. Bà bắt đầu dùng thuốc giảm béo của tay bác sĩ lang băm. Harry nhận thấy những đổi thay ở người mẹ háo danh. Phát hiện thấy trong đơn thuốc giảm béo có amphetamine, một loại thuốc kích thích thần kinh và gây ảo giác, cậu khuyên mẹ không nên uống thuốc. Sara với một sự tự tin chưa từng có, kể lể với con trai về sự cô đơn mà bà phải gánh chịu kể từ khi người chồng qua đời và đứa con duy nhất chuyển ra ở riêng.
Harry lao vào kiếm tiền bằng cách buôn bán ma túy cùng với một người bạn tên là Tyrone C. Love (Marlon Wayans). Việc làm ăn diễn ra suôn sẻ tới mức Harry bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh mở một cửa hàng bán các mẫu quần áo do Marion Silver (Jennifer Connelly), cô bạn gái và cũng là một nhà tạo mẫu thời trang thiết kế. Những tấn bi kịch khủng khiếp nhất dành cho bốn con người bắt đầu bước vào giai đoạn cao trào. Giấc mơ của bốn kẻ đầy tham vọng tiêu tan khi chứng nghiện ma túy của họ bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Quãng đời còn lại của họ chìm sâu vào vũng bùn đen tối chỉ vì thứ chất nghiện chết người.
Không phải tên nghiện nào cũng là kẻ vô gia cư. Họ có gia đình, có hy vọng, có ước mơ cũng như người bình thường. Họ là những người thuộc tầng lớp trung lưu, mơ ước một cuộc sống ngăn nắp, có con cái tốt nghiệp trung học, có một việc làm, tạo dựng gia đình và sống hạnh phúc. Nhưng hiện thực điên rồ hơn những gì họ tưởng.
Bộ phim khiến chúng ta nhận ra xã hội chính là một dạng thức lớn hơn của thể chế hóa (institutionalization). Cái thể chế đó điều khiển bạn bằng nhiều phương tiện: truyền thông báo chí, quảng cáo, ham muốn nổi tiếng và làm giàu nhanh, chất gây nghiện. Nó nắm bắt được khao khát sống hưởng thụ của con người, và cay đắng hơn cả, nó điều khiển bạn bằng chính những mơ ước cá nhân. Những bà già tuổi trung niên với khủng hoảng về ngoại hình vẫn sử dụng ma tuý để ức chế chỉ số cân nặng, những cô gái, cậu trai vẫn tìm đến chất kích thích để tìm quên.
Không gian nơi họ sống chẳng khác gì một viện tâm thần khổng lồ, nơi con người điên rồ làm mọi điều để đạt được mục đích, nhưng đến khi chạm với được đến cái mục đích cuối cùng thì cũng là lúc tự hủy diệt chính mình, không còn gì có thể cứu rỗi. Con người không còn khả năng tự giải thoát khi ngày càng lún sâu vào sự mơ hồ và huyễn tưởng của giấc mơ Mỹ.
Giấc mơ Mỹ là khái niệm được tái sử dụng thường xuyên trong nhiều loại hình nghệ thuật, nhất là điện ảnh. Để khắc họa dung nhan của giấc mơ Mỹ, các nhà làm phim thường sử dụng thủ pháp hiện thực phê phán, giễu cợt, thậm chí là tô đậm góc nhìn cay nghiệt vào cái khái niệm vô hình, phi vật chất nhưng lại có sức tàn phá khủng khiếp này. Giấc mơ Mỹ như hai tia quang phổ mở rộng ra để chào đón những điều sắp tới. Nhưng chọn lựa như thế nào, đón nhận điều gì lại là một câu chuyện khác. Một bà mẹ tuổi trung niên ôm mộng được lên truyền hình. Một Ty luôn ngưỡng vọng về quá khứ với hình ảnh người mẹ. Một cặp đôi ao ước về một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhưng tất nhiên, cuộc đời không như mơ vì đời thường giết chết mộng mơ. Những cá thể cô đơn đánh mất bản lĩnh lại chọn một phương tiện khác, nguy hiểm hơn để tiếp cập Giấc mơ Mỹ của mình: ma tuý. Và giấc mơ của họ biến thành những cơn ác mộng. Chủ đề này được lập lại trong khá nhiều phim như: ‘The Deer Hunter’, ‘One Flew Over the Cuckoo’s Nest’, ‘American Beauty’, ‘Pulp Fiction’, ‘Trainspotting’, ‘Taxi Driver’, ‘The World According to Garp’, ‘Apocalypse Now’ và ‘Clockwork Orange’.
Requiem for a dream là câu chuyện diễn biến trên phông nền siêu thực. Những ngõ ngách tâm lý được khai phá triệt để. Để cụ thể hóa tác hại khủng khiếp của ma túy, đạo diễn Aronofsky phóng ống kính máy quay, zoom vào những đồng tử giãn nở do phê ma túy, cổ họng đánh ực nuốt những viên thuốc, những hình ảnh không liên quan với nhau được xếp song song bằng kỹ thuật chia đôi màn hình. Ông còn sử dụng hiệu ứng fast motion, những cú lia máy nhanh, đột ngột để tả cảm giác phê thuốc bằng hình.
Một bà mẹ ám ảnh cực độ đến nỗi tâm thần về việc giảm cân chỉ vì ham muốn được lên sóng truyền hình. Một đứa con nghiện ngập với nước da xanh tái trầy trật với cuộc đời của một con nghiện. Một gã da đen là bạn nghiện của đứa con, luôn lẩn quẩn trong đầu hình ảnh nhảy vào lòng mẹ ngày ấu thơ. Một cô nàng nổi loạn bị gia đình tống ra đường, cũng sẩy chân vào con đường hút hít như người yêu. Mỗi vở bi kịch đều có hành trình riêng của nó để tựu trung tại một điểm cao trào, một thắt nút nghiệt ngã, căng thẳng và bi thương. Người mẹ bắt đầu bị ảo giác vì tên đơn thuốc giảm cân của tên lang băm. Harry với cánh tay nhiễm trùng vì những lần chích thuốc vật vạ trong bệnh viện. Ty bị tống vào tù vì dính dáng tới ma tuý. Marion trượt mình xuống con dốc của tình dục nhơ bẩn để kiếm tiền trong cơn quẫn thuốc.
Nỗi đau và sự cô độc là một phần của đời sống. Nhưng thỉnh thoảng, sự cô đơn và đau khổ được hóa giải bởi một ánh dương. Ánh dương của Harry chính là Marion. Nhưng tất cả bỗng sụp đổ bởi cơn nghiện thuốc, khi Harry bắt Marion làm tình với tên trùm ma túy để có thể lấy hàng với giá rẻ.
Phim gợi nhắc nhiều đến Fight Club – bộ phim Jared Leto cũng tham gia với vai Angel Face – một phiên bản Giấc mơ Mỹ phức tạp hơn của David Fincher nhưng hoàn toàn tương đồng về ngữ nghĩa lẫn sự ám ảnh. Cả hai đều trưng ra cái phần đen tối nhất của con người. Nó cho chúng ta biết chúng ta sẽ thành ra cái gì khi chúng ta không còn là bản thân mình như mọi ngày. Bật ra khỏi cái tầm thường và vươn tới cái bất thường, mất khả năng điều khiển bản thân và nhận diện sự đúng sai, kết cục là nổ tung khi chạm đến cái bản ngã đen tối nhất.
Những bộ phim kiểu post-punk u ám được thực hiện tinh giản nhưng nội dung phức tạp như Requiem for a dream, Fight club luôn ám ảnh và gây tranh cãi, từ thông điệp đa tầng đến hình thức truyền tải. Fight club lột tả mối quan hệ giữa những kẻ cùng giới (homosociality) của một cộng đồng văn hoá ngầm, nơi mà những gã vai u thịt ngấn đánh đấm nhau để tìm ra cái bản-ngã-lạc-lối của mỗi người. Còn với Requiem for a dream là lằn ranh mong manh giữa hiện thực và ảo tưởng, giữa điên và tỉnh, là những ảo mộng siêu thực của con người đang chạy trốn thực tại, những câu chuyện tình yêu đen tối, những ước mơ lạc lối không bao giờ thành sự thật.
Dù phim ra đời đã hơn một thập kỷ trước nhưng giá trị nghệ thuật lẫn nhân văn vẫn hoàn nguyên giá trị. Những nhân vật thực với những vấn đề thực tự mình chống chọi đơn lẻ với những bế tắc thực. Một bức tranh siêu thực về nội tâm con người, cụ thể là những con nghiện. Chủ động hay bị động, họ đều bị chi phối bởi ma tuý.
“Tôi nghĩ rằng vấn đề của thế giới chúng ta đang sống là chẳng ai biết mình là ai. Họ chạy vòng quanh tìm kiếm một nhân dạng, khi không tìm được thì họ vay mượn cái lốt của một nhân dạng khác. Họ không biết mình là ai, mình cần làm gì, họ chỉ như một đám tối dạ biếng lười đi tìm ý nghĩa cho chính cuộc đời mình.[…]”
Phim đóng lại, bản nhạc Lux Aterna dồn vang và ám ảnh tiếp tục tấu lên những nốt thăng trầm. Cuộc đời mỗi người là một vết thương hở, một lỗ hỏng mà đạo diễn đã chọn cách không khâu vá lại, và không hề khoan nhượng.