Tôi thấy người trẻ hay bị chỉ trích rằng họ dễ nản lòng, họ từ bỏ ước mơ, họ kết hôn bởi vì không có việc gì khác để làm. Tôi nghĩ, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn sau một quá trình họ nuôi con, lúc mà bắt đầu có một thứ họ không thể nào từ bỏ. Đến lúc ấy, rồi mỗi người sẽ phải học được cách nuốt lấy nước mắt của mình và cố đẩy bản thân đi xa nữa, đi xa nữa, chỉ để bảo vệ được cái thứ quan trọng ấy. Nếu như họ học được điều này từ lúc còn trẻ, có lẽ giờ này họ vẫn theo đuổi ước mơ. Giờ đây, tất cả những ước mơ dang dở của họ được dồn vào một đứa trẻ.
Các bạn ạ, chúng ta là những khát vọng cuối cùng của một thế hệ với toàn những ước mơ vỡ vụn bởi chiến tranh.
Trong cuộc sống của mình, tôi được thấy rất nhiều người làm cha mẹ, bất kể cuộc sống trước đây của họ có thể nào, vẫn cố gắng làm tất cả những gì mình có thể cho con. Tôi cũng thích cách mà những con người hạnh phúc trong xã hội này có thể sống mà không cần nhiều tiền, chính vì không quá lạc mình trong cái dòng chảy của tiền, mà họ có nhiều thời gian hơn để sống cho rất nhiều giá trị khác trong đời. Có những con người không phải hàng đại phú, cũng chẳng là học giả, nhưng vẫn sẵn sàng vất vả để con mình được đủ ăn và đi học, dù chưa từng đọc những cuốn sách vĩ đại, vẫn sẵn lòng mua cho con một cuốn sách ở bên đường. Tôi nhìn thấy nhiều thứ thú vị hơn ở những cuốn sách nhạt nhẽo ấy, nếu chỉ trong phạm trù của một cuốn sách, nó chẳng có giá trị gì to tát. Nhưng ở trong gia đình ấy, chúng nó khát vọng của người cha và người mẹ, lớn lên trong thời kì bom đạn, muốn con mình có được một cuộc sống nhẹ nhàng hơn của giới trí thức.
Trẻ con thì chỉ biết đòi, đằng sau những lời từ chối khô khan của cha mẹ, hình như cũng giấu kèm một sự quặn lòng bởi “giá mà, mình có thể làm được nhiều thứ hơn cho con”.
Tôi nghĩ, có thể một phần từ quá khứ của chiến tranh mà chúng ta vô tình trở thành những đứa con ích kỷ. Ở tuổi tôi, bố và mẹ sinh ra trước ngày độc lập, tuổi trẻ của họ là liên tiếp những cố gắng để đấu tranh. Sau này, họ chỉ muốn một cuộc sống trong hòa bình và thanh thản. Trong khi đó, chúng ta, lớn lên giữa rất nhiều cơ hội, lúc nào cũng chỉ cuồng vọng và nhìn lên, chưa từng biết hài lòng với những thứ mình có được, chỉ liên tục cầu tiến bởi vì một ước mơ ở điểm cao nhất trong thế giới của mình. Đó có thể cũng là lí do mà người nghĩ không biết cách tận hưởng cuộc sống. Còn ở một đất nước nghèo như Việt Nam, con người ta học được về hạnh phúc.
Tôi lớn lên như một đứa phá gia chi tử. Nếu không vì từng suýt chết mà nằm viện thì đã không có cơ hội để nghĩ về bố mẹ. Trong suốt hơn hai mươi năm, nuôi tôi lớn, bố mẹ chưa bao giờ nghĩ về chuyện từ con. Thế mà, tôi, trong cái tuổi hai mươi của mình, ngộ nhận những khó khăn đầu đời của mình là tận cùng của khổ ải, dễ nản lòng, dễ bỏ cuộc. Cách bố mẹ tôi đối diện với thứ họ kỳ vọng, tôi, không cho phép từ bỏ một thứ có ý nghĩa đến như thế đối với mình. Từ ngày ấy, tôi không cho phép bản thân dễ dàng bỏ mất những thứ thực sự quan trọng đến như thế với mình trong đời. Có thể đấy là một phần trong bộ gien mà bố và mẹ để lại cho tôi, và bản thân cái tên tôi được đặt, cũng có nghĩa “không bao giờ từ bỏ”.
Quả thật, có những thứ trong đời dạy cho chúng ta bài học về sự kiên cường. Rồi từ ấy, những đứa trẻ, tự nhận ra rằng họ đã lớn.
Trong cuốn nhật ký ghi hành trình xuyên Việt bằng xe máy của mình, trang đầu tiên tôi viết: “Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng những ước mơ dang dở”. Bản thân tôi, từ trước cả khi khóc tiếng đầu tiên trong đời, đã là một phần của rất nhiều khát vọng chưa thành của bố mẹ.