Hương vị của trà

OCMD8bQ

Nước Nhật trong mắt nhiều người, là điều gì thường lệ cũng có thể biến tấu, làm thành một thứ nghệ thuật. Điển hình là trà đạo.

Trà đạo được biết đến như nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản từ cuối thế kỷ XII. Trong phiên âm tiếng Nhật, tatemae ngụ ý những nguyên tắc, luật lệ do con người sáng tạo dựa trên cơ sở đồng thuận – cũng là từ được sử dụng trong nghi lễ thưởng trà để chỉ những động tác mang tính nghi thức của chủ nhà khi trình các dụng cụ pha trà và dâng trà. Tục uống trà du nhập từ Trung Hoa đã trở thành một thứ tôn giáo trong nghệ thuật sống của người dân Nhật Bản. Nhưng không phải lúc nào lá trà cũng gắn với phép tắc trong khuôn khổ tatemae. Một lúc nào đó người ta lại thấy, trà xuất hiện một cách đơn giản trên bàn tay măng non của một cô bé, hay đôi tay lấm tấm đồi mồi của một ông già xứ hoa anh đào. “Hương vị của Trà” (The Taste of Tea/Cha no Aji, 2004) là một ví dụ nhỏ nhắn về trà những khi khiêm nhường ấy.

Lấy bối cảnh ở quận Tochigi (một miền quê nằm phía Bắc thành phố Tokyo), bộ phim kể về cuộc sống của nhà Haruno với một cấu trúc gia đình truyền thống điển hình : một cặp vợ chồng và hai đứa con thơ sống chung cùng ông nội. Bố – Nobuo là một nhà thôi miên trị liệu thường xuyên đánh cờ vây với cậu con trai Hajime, cậu chàng đang ở lứa tuổi dậy thì dành thời gian suy tư về những mối tình trung học ngượng nghịu. Bà mẹ – Yoshiko cố gắng thu xếp vai trò để có thể vừa là một bà nội trợ tốt, vừa hoàn thành các dự án phim hoạt hình ngay tại nhà. Cô thường tham khảo những gợi ý của Akira – ông bố chồng lập dị bị ám ảnh bởi sự nghiệp mangaka và sự ra đi của người vợ. Con gái nhỏ Sachiko kiệm lời tìm cách làm cho hình ảnh khổng lồ trong trí tưởng tượng của mình biến mất. Từ Tokyo, ông cậu Ayano là một nhà sản xuất âm nhạc ghé thăm nhà Haruno, ở lại dăm ngày, kể vài câu chuyện kỳ cục mà anh gặp phải thời ấu thơ cho những đứa cháu, cũng như nỗ lực ứng xử ổn thỏa với mối tình không thành.

MCDTAOF EC033

Trong khung cảnh miền quê êm đềm, câu chuyện của mỗi thành viên nhà Haruno được chủ ý diễn biến một cách rời rạc và độc lập. Đối lập với vẻ ngớ ngẩn và những cử chỉ kỳ cục, ông nội Akira thầm lặng chuẩn bị cho cuộc tự tử giản dị theo cách của một mangaka : quan sát và vẽ lại hình ảnh đặc trưng của những người thân thuộc nhất. Người con trai đã lớn tuổi Nobuo được vẽ trong hình dáng của một thiếu niên nỗ lực trên đường chạy bởi trong mắt cha mẹ, những đứa con của mình luôn bé bỏng. Gương mặt của Yoshiko được Akira tập trung ghi nhớ trong một khoảnh khắc chiều mưa ông đi chợ cùng người con dâu. Hình ảnh điển hình về cháu trai Hajime trong mắt ông nội là lúc nào xúc động cậu cũng đạp xe hùng hục. Ông đặc biệt theo dõi Sachiko từ ô cửa phòng làm việc và lúc cô bé lang thang ngoài bãi cỏ trống, dù cả bộ phim hai ông cháu không có vẻ gì gắn bó với nhau. Để rồi trong những bức tranh Akira vẽ cảnh cháu gái đã thực hiện ước muốn của mình, lộn một cú xoay vòng ra trò qua thanh xà.

Người con dâu Yoshiko là một ví dụ để đàn ông ghi nhớ, rằng ngoài sự đơn giản, hiền lành, hết lòng với gia đình người phụ nữ còn sống với một nội tâm phức tạp và niềm khát khao theo đuổi sự nghiệp. Là một người vẽ manga như bố chồng, thế giới vô thức của Yoshiko là sự ước ao bùng nổ và hòa tan vào những màu sắc vô định, không gian siêu hình. Khi Yoshiko điện thoại chia sẻ thành công với chồng, nhà tâm lý học trị liệu Nobuo đôi phút chạnh lòng vì người phụ nữ của mình đã có thể mạnh mẽ và tự lập. Đó là trạng thái tâm lý khó có thể thừa nhận, nhưng thỉnh thoảng lại dấy lên trong lòng mỗi người đàn ông trong văn hóa Nhật Bản, luôn đặt nặng vai trò giới tính và trách nhiệm gánh vác trên vai. Hajime còn trẻ và lạc quan hơn. Chuyến tàu tình yêu ra đi rồi lại đến trong lòng cậu trai trẻ. Những cô gái, những người phụ nữ đang nghĩ gì ? Không ai biết. Nhưng người ta biết những người đàn ông luôn nghĩ đến những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Akira nghĩ về người vợ quá cố thân thương, Nobuo nghĩ về thành công của người vợ nay là bà nội trợ kiêm mangaka, cậu Ayano cố gắng bình thường hóa mối quan hệ với người con gái không thuộc về mình, và Hajime tràn ngập niềm vui khi gặp được người bạn gái mới chung sở thích đánh cờ vây.

6318.the%20taste%20of%20tea

Khác với vẻ kiêu hãnh của tựa phim, trà chỉ tham dự khiêm nhường trong các khung cảnh. Không một ai trầm trồ lên về trà, họ chỉ uống, rồi đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư, đôi khi để cốc trà chờ đợi đến nỗi nguội lạnh. Thay vào đó, những thước phim tôn trọng và lột tả điệu bộ, cử chỉ, nét mặt của tất cả những nhân vật, kể cả nhân vật phụ. Không một ai xuất hiện mà không thể hiện những phẩm chất và cá tính dù chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Con người được miêu tả nổi bật, còn trà thì trầm lặng. Cốc trà xuất hiện hằng ngày trong bàn tay của mỗi nhân vật như một cử chỉ sinh hoạt quá đỗi tự nhiên, chứ không phải là một hình ảnh trung tâm đầy lôi cuốn. Đó có phải là một mùi vị bình thường, một hình ảnh kém phần đặc sắc về trà trong cuộc sống của người Nhật Bản không ? Không, hương vị của trà là một sự tồn tại đồng thời, vừa đầy thận trọng trên tay người này, vừa mộc mạc trên tay người khác. Người Nhật không chỉ xem trà là một con đường đến với thiên nhiên, bản thân trà cũng đang len lỏi một cách tự nhiên vào những khung cảnh, làm nền cho đời sống của con người, và tùy thuộc vào vị giác, tâm thế của mỗi con người. Những câu chuyện tưởng chừng rời rạc trong phim chính là cách mỗi ngụm trà được uống, ngắt quãng chậm rãi với thời gian tùy hứng. Để có thể trải nghiệm với bộ phim, chúng ta nên biết uống trà. Sự “biết” đó tuyệt nhiên không nhất thiết phải là những cách thức dạng tatemae cầu kỳ như đã đề cập, mà là sự nhận thức đầy đủ những cảm giác của chính mình trong lúc uống trà và trong việc uống trà.

taste-of-tea-2004-02-g

Dù những nhân vật có cá tính khác nhau và chọn cách tự mình đối mặt với những vấn đề riêng tư, cũng như hương vị kín đáo của trà, bộ phim không tìm cách chứng minh tình cảm gia đình nhà Haruno. Mỗi ngày, trong khi tâm lý và câu chuyện cá nhân và diễn ra, họ vẫn cùng nhau sinh hoạt, tiếp khách, uống trà và đánh cờ vây. Cử chỉ của mỗi người đều có vẻ kỳ cục, quái đản. Nhưng người Nhật là vậy mà, điều gì cũng có thể làm quá lên, kể cả việc họ trân trọng những cảm giác tự nhiên, và hương vị của trà.

Hoặc đôi khi, bộ phim mang một ý nghĩa khác. Là không gì cả. Thì giờ xem phim như việc chúng ta uống một cốc trà, bình thường thưởng thức, hành động đó đâu cần mang nhiều ý nghĩa, lý do trịnh trọng.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.