Frank – Tinh thần Off-The-Wall trong xã hội hiện đại

11178804_800

Thể loại Black Comedy dường như luôn được xây đựng dựa trên những nhân vật kì lạ, không phải vì họ đi xa khỏi những quy chuẩn thông thường, họ kì lạ vì họ mang trong mình những ẩn ức đầy bi hài, những cá tính mạnh mẽ và sốc nổi, anti-social (chống xã hội) và lạc lõng trong xã hội. Có tính hài mà đôi khi ta không thể cười được vì nó chỉ làm nền cho bi kịch vốn mới là mạch chính của câu chuyện. Bộ phim Frank của đạo diễn Lenny Abrahamson là một bộ phim như vậy. Một bộ phim kì lạ, đôi khi kết cấu khá lỏng lẻo, đôi khi ta thấy thật nực cười, đôi khi tác giả đẩy câu chuyện vào những nghịch lý bi kịch, để từ đó cả bộ phim đưa ta vào ẩn dụ về sự rạn rỡ giữa nghệ thuật và sự khoa trương.

Frank6

Trong ban nhạc của mình, Frank (Michael Fassbender thủ  vai) là trung tâm, là bộ não sáng tạo, là người gắn kết các thành viên của ban nhạc để tất cả cùng tạo ra một thứ nhạc lập dị, hoang dã, khó nghe, không theo bất cứ thị hiếu nào. Không ai biết khuôn mặt thật của Frank, một người mà theo Jon (Domhnall Gleeson) phỏng đoán là khoảng từ 30 – 50 tuổi. Anh luôn mang một cái đầu giả bằng nhựa – thứ anh hầu như không bao giờ tháo ra, thậm chí khi ăn uống anh cũng dùng riêng một loại thức ăn lỏng được hút vào miệng thông qua một cái ống truyền dài. Nói như Don (Scoot McNairy) người quản lý của ban nhạc, ai cũng muốn trở thành Frank, nhưng không ai có thể trở thành Frank. Câu chuyện bắt đầu khi nhạc công chơi Keyboard trong ban nhạc của Frank có ý định tự sát, khi đó Don quyết định đưa Jon vào vị trí thay thế.

Là một người luôn muốn trở thành một nhà soạn nhạc lớn, Jon ngay lập tức đồng ý, và đi theo ban nhạc của Frank đến một ngôi nhà trong rừng ở Ireland để ghi âm album. Trong ngôi nhà đó là hành trình Jon khám phá bản thân, tìm cách mở lối cho sự sáng tạo của chính mình nhằm hoà nhập với ban nhạc với cái tên không thể phát âm nổi của Frank, cùng với việc sử dụng youtube và twitter để kể câu chuyện cùng ban nhạc của mình, Jon kéo Sonornprfbs ra khỏi sự cô lập với thế giới bên ngoài. Âm nhạc của họ được nhiều người biết đến, được mời tham dự một festival nhạc tận Austin – Mỹ, nhưng điều đó có thực sự tốt cho Frank và những thành viên khác, hay với thứ âm nhạc mang đầy ảo giác nó chỉ có thể tồn tại và sống ở trong thế giới của riêng nó?

frank-michael-fassbender

Có một cuộc sống nhàm chán, đơn điệu, Jon tự giới thiệu mình là một người đang đi tìm cảm hứng sáng tác âm nhạc từ những thứ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày, những ý tưởng tự phát từ những sự vật bình thường nhất. Khuôn miệng luôn mấp máy môi tạo giai điệu nhạc, nhưng dường như anh không thể tìm thấy cho chính mình một bản nhạc ưng ý. Jon cô lập mình bằng twitter và sự vô vị. Chính vì vậy khi tình cờ được gọi vào chơi thay thế khi một thành viên của ban nhạc Sonornprfbs phát điên và đòi tự sát, Jon cảm thấy như đó là phao cứu sinh cứu rỗi cuộc đời và đam mê âm nhạc của mình. Anh đã không ngần ngại dành toàn bộ tiền thừa kế để giúp ban nhạc có thể ở lại ngôi nhà trong khu rừng hoang vắng ở Ireland để hoàn thành album nhạc. Vì Jon đã tìm thấy ở Frank một nguồn cảm hứng, một người có khả năng truyền cho người khác năng lượng để dấn thân vào nghệ thuật, để làm thứ nghệ thuật xuất phát từ bản năng.

Frank với sự diễn xuất thực sự rất ấn tượng của Michael Fassbender đã cho ta thấy được một chân dung nghệ sĩ, có bệnh về tinh thần, cái xét về mặt tích cực giúp cho anh có những phút ngẫu hứng kì diệu, những phút lên đồng đầy mê hoặc trong thứ nhạc khó nghe, đôi khi rất lập dị. Clara – người yêu anh và luôn bảo vệ anh, đôi khi rất cực đoan với những gì mới mẻ, và cảm thấy nguy hại đến Frank đã từng nói anh giống như Syd Barrett, người sáng lập ra ban nhạc Pink Floyd. Syd bất ổn về tinh thần, nó vừa giúp Syd Barrett tạo lập ra một trong những band nhạc rock vĩ đại nhất mọi thời, đồng thời cũng khiến ông phải rời khỏi ban nhạc của mình. Frank, so sánh thì có vẻ khập khiễng, nhưng ở một chừng mực nào đó, với chất nhạc ảo giác (psychedelic music) mà anh chơi Frank đã vô thức tạo cho những ai tham gia cùng anh một cảm hứng sáng tạo mà Jon cho rằng, anh sẽ tìm thấy ở những góc xa hơn trong tâm hồn mình khi ở cạnh Frank. Frank với chiếc đầu giả, không bao giờ lộ mặt biểu hiện cho một tinh thần off-the-wall, một bức tường cách ly với thế giới thực, nơi không có chỗ cho những người như anh hay Don tồn tại. (Don cũng là một người có bất ổn về tâm lý, luôn luôn muốn tự sát). Nó trái ngược với Jon, một người sống phụ thuộc vào mạng xã hội, luôn muốn tạo dựng tiếng nói của mình trong ban nhạc, để đưa band nhạc đi “đúng hướng” gần với công chúng hơn, có thể đưa Frank trở thành nổi tiếng, một kẻ ngây thơ khi cho rằng vài chục ngàn người theo dõi trên youtube là một con số đủ lớn.

frank-2

Jon đưa ban nhạc đến một festival của những cậu thanh niên mới lớn, SXSW music festival, một nghịch lý giữa nghệ thuật và thương mại, giữa sự sáng tạo, và mong muốn được sáng tạo, một kẻ bình thường muốn mình trở nên “bất thường”, Jon đã nhận ra được giá trị thực của mình, đã nhận ra được Sonornpfbs thực sự là gì, và cái lõi của nó – Frank xoay quanh những thành viên chung thành của anh, họ gắn kết với nhau như nào. Quả thực, kịch bản của Jon Ronson, Peter Straughan đã làm rất tốt việc phát triển tâm lý nhân vật, để ta có thể nhìn thấy Jon đã cố gắng như nào trong việc theo đuổi đam mê của mình mặc cho những sự coi thường, đôi chút vô cùng lạc lõng của mình giữa những thành viên khác của Sonornpfbs.

Những tiếng cười của phim được gieo vào rất nhiều nơi trong phim, nhưng trong mỗi tiếng cười là một điều đáng để suy ngẫm vì mỗi thành viên của ban nhạc đều khác biệt và xung đột. Đặc biệt là Clara (Maggie Gyllenhaal) luôn có chút gì đó hài hước, giễu cợt, cái sự giễu cợt đôi khi ngây thơ, đôi khi thâm thuý, như thể đang giễu cợt với chính cái thế giới maintream (chính thống) của âm nhạc. Michael Fassbender là một sự lựa chọn đôi phần kì cục, khi khuôn mặt gai góc, đẹp và có thần của anh hầu như bị che kín trong cả phim. Nhưng bù lại, Michael đã thể hiện mình là một diễn viên tuyệt vời, với tất cả những cử chỉ biểu hiện bằng tay, bằng thân thể, ta hoàn toàn có thể nhìn ra được những điều mà Frank thể hiện, nhìn ra được một Frank tách biệt với thế giới bên ngoài. Ở anh, có một chút gì đó nhẹ dạ, thương cảm người khác, vừa sẵn sàng chấp nhận vừa có cá tính không thể bị che lấp, vừa bệnh tật, vừa hơn hẳn người khác về lòng khoan dung và sự sáng tạo. Frank cho ta cái nhìn về một người nghệ sĩ, một dạng nghệ sĩ vị nghệ thuật, không thể hoà nhập với công chúng, không có khán giả cho riêng mình ngoài chính bản thân và những người đồng điệu với anh.

FrankM

Ireland là xứ sở của vẻ đẹp thiên nhiên diệu kì, và nó cũng là xứ sở của thể loại indie, singer-songwriter (độc lập, nhạc sĩ kiêm ca sĩ), có lẽ vì vậy, với dòng máu Dublin của mình, đạo diễn Lenny Abrahamson đã dựng lên một câu chuyện vô cùng ấn tượng, đáng suy ngẫm về nghệ thuật, về cá nhân tính, về ước vọng theo đuổi sự thành công và nổi tiếng. Âm nhạc được thu trực tiếp từ chính những diễn viên đang diễn, với sự ma mị của sáng tạo, của hoà âm, của sự hưng phấn, bộ phim cuốn ta vào một thế giới kì diệu nơi con người ta sống và chết với đam mê của mình, nơi người ta chợt nhận ra mình lạc lõng biết bao trong cuộc sống bình thường, và ta chỉ có thể tự giải thoát mình hoặc bằng cái chết, hoặc bằng sự mặc khải của việc đi đến tận cùng đam mê.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.