Ảnh chụp châu Âu từ Drone.

Drone, quyền riêng tư cá nhân hôm nay và “chộp ảnh” của trăm năm trước

House Head of Photography

aerial-video-drone-2

Trong quá khứ, mỗi khi hướng mắt lên trời chúng ta sẽ nhìn thấy gì ngoài những vì sao, mặt trăng khuyết hay bầu trời đen với dải ngân hà trắng sữa? Tôi nghĩ đến những chú chim nhỏ. Máy bay. Mây rực rỡ trong ráng chiều. Hay thậm chí là những vật thể bay không xác định (UFO).
Nhưng giờ câu trả lời có thể là Drone – những máy bay không người lái mang máy ảnh được điều khiển từ xa.

Ảnh chụp châu Âu từ Drone.
Ảnh chụp châu Âu từ Drone.

Hãy tưởng tượng ra khung cảnh California trong nắng vàng đầu thu, tiết trời rực rỡ ấm áp không quá nóng không quá lạnh thật lý tưởng cho tình yêu nảy nở.
Kế tiếp hãy nghĩ đến một đám cưới ngoài trời sang trọng đẹp đẽ ở bên khách sạn lộng lẫy nằm cạnh vách núi thẳng đứng. Những bộ suit may đo đen bóng vừa khít, những chiếc váy cưới cô dâu và phù dâu ren đẹp đến mức dường như không thuộc về thế giới đang suy tàn này. Chú rể đứng nắm tay cô dâu trước tầm ba chục khách, nhìn thẳng vào mắt nàng mà nói bằng một giọng trầm ấm gần như thì thầm một cách chậm rãi: “Em có đồng ý lấy anh không?”

Rồi đột nhiên cắt cảnh sang chiếc Drone chở máy ảnh DSLR đang bay vèo qua đầu đôi uyên ương. Hình ảnh cô dâu xinh đẹp hiện lên thật rõ nét chẳng kém đôi mắt người trên màn hình điều khiển. “Em đồng ý.”
Còn bạn, bạn có sẵn sàng nói đồng ý không?

Ảnh đoạt giải nhất trên Dronestagram năm vừa rồi.
Ảnh đoạt giải nhất trên Dronestagram năm vừa rồi.

Nghe miêu tả thì đậm chất hành động Hollywood, thêm nữa tự thân từ Drone nghe riêng đã đầy chất viễn tưởng ngày xưa và chiến tranh của những máy bay không người lái của quân đội Mỹ hiện nay. Nhưng không thiếu những nhiếp ảnh gia đang cung cấp dịch vụ đi kèm Drone – và nó bán rất chạy để tôi cho bạn hay. Mọi cô dâu đều thích Drone, đó là bài học đầu tiên họ học được mà không tốn mấy học phí. Cũng chẳng có gì lạ khi với Drone những góc ảnh tuyệt vời từ trước không thể có nay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Nếu bạn nghĩ đám cưới ở đầu bài đã lãng mạn vô cùng thì hãy để tôi kể cho bạn một câu chuyện khác: khi James định cầu hôn cô bạn gái Alina, anh muốn nó trở nên khác biệt truyền thống như những người bạn anh đã làm. Nhưng anh cũng không muốn kéo nhiều người vào dịp đặc biệt cho hai người này bằng những cảnh flash mob ồn ào như bao kẻ khác. Thay vào đó, Drone là wingman của James. Chiếc hexacopter với sáu cánh quạt, đường kính chưa đầy một mét bay từ phía đường chân trời mang đến trước mặt đôi tình nhân trẻ chiếc nhẫn cầu hôn James đã chuẩn bị từ lâu. Làm xong nhiệm vụ được giao, Drone bay đi nhẹ nhàng như thần Cupid đã hoàn thành sứ mệnh, trước khi khuất dạng trong mặt trời vẫn không quên chụp lại cảnh James và Alina hôn nhau dưới ánh hoàng hôn tím của châu Âu.

Thời đại của drone nói chung và drone photography đã đến.

Chèo thuyền Kayak trên sông Reuss, Thụy Sĩ.
Chèo thuyền Kayak trên sông Reuss, Thụy Sĩ.

Với sự phát triển ngày càng vượt bậc của những công cụ như Google Earth khiến nhiều người dễ lầm tưởng chụp ảnh từ trên không trung (aerial photography) mới ra đời. Thực ra aerial photography có tuổi đời gần như là gắn liền với lịch sử nhiếp ảnh, chỉ sinh sau đẻ muộn tầm 30 năm. Tấm ảnh chụp từ trên cao đầu tiên chụp một ngôi làng ở Pháp năm 1858 là của nhiếp ảnh gia/nhà phát minh/điều khiển khí cầu người Pháp Gaspard-Félix Tournachon. Ông chính là người nghĩ ra việc ứng dụng nhiếp ảnh vào việc làm bản đồ, tiếc rằng nhiều tấm ảnh thời kỳ đầu đã thất lạc nay không còn nữa, chỉ còn lại duy nhất tấm chụp Khải Hoàn Môn năm 1868. Từ sáng kiến của ông nhiều phương pháp cũng đã được sử dụng tng thời đó như diều hay chim bồ câu huấn luyện.

Quân đội nhanh chóng nhận ra tầm quan trọng của việc dùng máy ảnh trên khinh khí cầu để hoạt động gián điệp nhưng rồi cũng nhanh không kém chuyển sang máy bay vì khí cầu bộc lộ nhiều nhược điểm rõ rệt khi chụp ảnh từ trên cao. Sau này chúng ta có Google Earth, những tấm ảnh chụp bởi các phi hành gia trên trạm không gian hay nhiều nhiếp ảnh gia lớn nổi tiếng vì những bức ảnh từ trên khinh khí cầu hay trực thăng của họ như Yann Arthus-Bertrand đã làm nhưng nhìn chung, aerial photography vẫn là một lãnh địa hoàn toàn mới mẻ với những người chụp ảnh nói chung, đặc biệt khi so sánh với sự phát triển chóng mặt của máy ảnh kỹ thuật số và smartphone với khả năng chụp ảnh tốt hơn trước. Cũng dễ hiểu bởi chi phí đắt đỏ, sự đầu tư chuẩn bị đồng bộ hóa cho một buổi bay, thời gian chụp hạn hẹp, không gian chật chội.
Nhưng đó là trước khi Drone ra đời.

3036266-poster-p-1-faa-to-filmmakers-fly-your-drones

Tôi nhớ lại rằng chỉ trong một hai năm ngắn ngủi đột nhiên Drone bùng phát lên như một từ được nhắc đến nhiều nhất trong giới nhiếp ảnh. Người người có drone, nhà nhà mua drone. Bắt đầu từ cái giá 300$ đổ lên đến 2000$ là bạn đã có một chiếc drone khá tốt/rất tốt để dùng – một số tiền chẳng đáng là bao khi so sánh với giá ống kính máy móc khác của những người chuyên nghiệp. Các nhà khoa học dùng Drone vào mục đích nghiên cứu, nông dân dùng Drone để kiểm soát mùa màng. Ngay cả Amazon cũng đang dùng Drone không người lái để giao hàng trong một số chương trình. Một chương mới, phần nào giống khoa học viễn tưởng với Drone bay đầy trời đang mở ra cho xã hội loài người.

Nhưng, chẳng phải ở đâu Drone cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Trước tiên là FAA (Cục quản lý hàng không liên bang của Mỹ) đang thắt chặt luật lệ với việc sử dụng Drone do một số tai nạn nó đã gây ra. Để được phép lái Drone bạn phải hoàn thành chứng chỉ bay của FAA bao gồm ba giai đoạn: học lý thuyết, phần mềm mô phỏng và thực hành bay thực tế. Ngoài ra Drone không được phép bay cao quá 120 mét, phải tránh những chỗ đông dân cư và không vì mục đích kinh doanh. Không có giấy phép của FAA cũng đồng nghĩa với việc chịu chấp nhận lái Drone bất hợp pháp.

Không chỉ có thế, Drone còn đang dấy lên những làn sóng trái chiều trong dư luận về việc vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Người dân, đặc biệt là phụ nữ lo sợ Drone sẽ bị những kẻ biến thái sử dụng vào mục đích xâm phạm đời sống cá nhân. Có nhiều người ám ảnh với Drone đến mức nổi điên đánh những người điều khiển Drone bay lòng vòng gần họ vì nghĩ rằng anh ta chụp ảnh họ dùng vào mục đích xấu. Nhiều thành phố đã cấm sử dụng Drone. Đây là điều mà tôi không hiểu: những người sử dụng mới là chủ thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình chứ không phải vật vô tri giác. Còn nếu không, có lẽ ta nên cấm hết cả súng đạn dao kiếm vì nó làm chết người, ống nhòm ống kính tele vì có thể soi mói cuộc sống riêng tư người khác, ô-tô vì gây tai nạn, thuốc là vì gây ung thư phổi… Thứ hai, những máy quay của chính quyền giám sát những công dân của mình ở khắp nơi và cái cách họ nghe lén điện thoại, kiểm duyệt mọi thông tin chạy trên internet theo tôi nghĩ mới là sự xâm phạm quyền riêng tư của công dân nghiêm trọng – điều họ thích đánh lạc hướng vì không muốn chúng ta căn vặn và để ý đến. Thứ ba, chính những người phàn nàn về quyền riêng tư cá nhân ấy vẫn hàng ngày tải những bức ảnh và thông tin cá nhân nhất của mình lên Facebook và Instagram, hai mạng xã hội đã nhấn mạnh rõ họ có quyền sử dụng thông tin và hình ảnh của người dùng vào bất cứ mục đích nào. Có lẽ vì sự xâm phạm ấy nó vô hình nên người ta cố tình chọn cách không nhìn thấy nó và trút giận lên những vật hữu hình chăng?

59792-img_0228
Chiếc Phantom 2 của hãng DJI có giá 1300$, nặng 1.3kg, bay tối đa được 25 phút, vận tốc tối đa 15m/s.

Nhiếp ảnh chắc chắn sẽ thay đổi nhiều vì Drone. Còn xã hội? Từ trước đến nay, con người vẫn luôn có xu hướng phản ứng khá dữ dội trước những phát kiến về nhiếp ảnh. Gần đây nhất là smartphone, xa hơn chút nữa là giai đoạn chuyển giao từ máy phim sang kỹ thuật số và nếu chúng ta chịu quay lại từ những ngày đầu của nhiếp ảnh thì đó là việc Kodak Eastman cho ra đời máy ảnh cả nhân – nơi khởi nguồn của định nghĩa snapshot (chộp ảnh). Kodak đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới mãi mãi.

Nhiếp ảnh được hình thành nhờ một chuỗi các phát kiến rời rạc từ xa xưa: Magic Lantern, Camera Obscura, các phát minh của Daguerreo và Talbot… nhưng bước chuyển chóng mặt đưa nhiếp ảnh đến với đại chúng là phát minh ra máy ảnh cá nhân của Kodak Eastman năm 1888. Một chiếc hộp chữ nhật nhỏ dài khoảng 15cm, cao 10 cm có giá 25$ – so với tỉ giá tiền ngày đó thì không đắt hơn một chiếc Ipad đời cuối là mấy. Một sản phẩm hoàn toàn thích hợp cho giới trung lưu – trái ngược với những chiếc máy ảnh khổ to cần sự hiểu biết phức tạp của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lúc đó. Chiếc máy “The Kodak” mang lại một sự đơn giản tuyệt đối với phương châm: “Bạn bấm nút và để chúng tôi lo phần còn lại”. Mỗi chiếc máy được gắn sẵn 100 tấm phim, người dùng sau khi chụp hết phim thì gửi về xưởng máy của Kodak ở Rochester, New York. Tại đây 100 tấm phim được tráng rửa, ảnh thành phẩm và máy kèm 100 tấm phim mới được gửi lại cho người dùng. Một vòng quay bất tận nhờ dịch vụ tốt đến bất ngờ của Kodak.

The-Kodak-Camera-Outing-Magazine-1888

Như được giải phóng khỏi sự kìm kẹp của những bức ảnh trong studio mà đôi khi phải ngồi bất động hàng phút, con người chụp ảnh ở khắp mọi nơi. Họ chụp những khoảnh khắc đời thường như mình lái xe đạp, nhảy giữa sóng biển dưới ánh nắng mặt trời, chụp bọn trẻ con nô đùa cạnh thú cưng. Họ chụp những khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần như mèo nhảy lên vồ chim, tai nạn xe lửa. Họ chụp những trò nghịch ngợm vui đùa và chộp những tấm ảnh snapshot không mang nhiều ý nghĩa: chổng mông vào máy ảnh, giả vờ vắt sữa bò, khoét lỗ trên báo để chui đầu qua… Và tất nhiên không thể thiếu những tấm ảnh tự sướng đầu tiên của nhân loại: chụp bản thân mình qua gương. Thế mới thấy thời đại nào con người cũng như nhau cả thôi, không hẳn là tại kỹ thuật số hay công nghệ phát triển.

Trong cuốn sách “The Story of Kodak” Douglas Collins viết rằng: “Đa phần những tấm ảnh khi đó đều tươi vui yêu đời, chẳng mấy ai chụp những khoảnh khắc buồn. Có lẽ vì họ đã cảm thấy quá đủ với hàng thập kỷ chụp cứng nhắc trong studio, phải ngồi yên lặng không được nhúc nhích chân tay hàng phút hay đôi khi là chục phút. Cười khi chụp ảnh trước khi có Kodak là một chuyện gần như không có.”

Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, tự do và sự tiện lợi sẽ đi kèm với giá trị đi xuống. Kodak có 100 tấm phim nên người dùng sẽ không phải đắn đo suy nghĩ cân nhắc xem chụp cái gì thật hay thật đẹp đáng chụp nữa. Không cần đi những studio đắt tiền nữa, không lo hết phim, cứ chụp đi rồi lại có 100 tấm phim mới thôi. Năm 1900 Kodak Eastman cho ra đời chiếc máy ảnh “Brownie” với giá còn rẻ hơn nữa: chưa đầy 1$ hướng tới lớp khách hàng trẻ em là chính. Nó bán chạy đến mức chỉ sau năm năm, cứ ba hộ gia đình ở Mỹ thì một nhà sở hữu chiếc máy này.

148_1ghostlake

Đương nhiên không phải ai cũng chung vui cùng Kodak và những người dân bình thường. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khó chịu vì những tấm ảnh đầy nhiễu, rung lắc không nét với đủ mọi tư thế kì quặc nhất con người có thể nghĩ ra. Nhiếp ảnh gia nghệ thuật Alfred Stieglitz – cha đẻ của nhiếp ảnh hiện đại đã phải thốt lên mong cho cái mốt nhiếp ảnh thời thường này mau lụi tàn để ông còn làm việc tiếp. Nhưng Stieglitz đã nhầm, chộp ảnh không bao giờ chết. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, từ máy này sang máy mà thôi. Từ máy ảnh khổ lớn sang máy phim cầm tay, từ máy phim cầm tay sang máy kỹ thuật số, từ máy kỹ thuật số sang smartphone. Và giờ là Drone.

Điều xã hội quan tâm nhất không phải là công nghệ vì họ thích tra vấn công nghệ: nếu như khi ta đi ra ngoài đường mà bị người khác chụp không xin phép thì sao? Một lưỡng đề đilem đã tồn tại từ khi Kodak phát minh ra máy ảnh cá nhân chứ không có gì mới. Ngày xưa con người cũng phản ứng dữ dội với “The Kodak” chẳng kém gì Drone ngày nay đâu. Báo Hartford Courant ngày đó đã cảnh cáo những người dùng Kodak hãy cẩn thận đừng vì những vui thú nó mang lại mà quên đi những nguy cơ tiềm ẩn về quyền riêng tư cá nhân. Ngày nay người ta đánh người vì điều khiển Drone bay lòng vòng thì xưa cũng có những gã cầm Kodak bị đập cho te tua vì chụp những tấm ảnh không đúng lúc đúng chỗ. Vậy bạn nghĩ đây có phải lỗi của Kodak hay Drone không?

Năm 1890, hai năm sau khi Kodak thống trị thị trường máy ảnh ở Mỹ, hai học giả Samuel Warren và Louis Brandeis (những người về sau làm thẩm phán trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ) đã viết một bài luật “The Right to Privacy” – một trong những tiểu luận luật đầu tiên về quyền riêng tư cá nhân. Bốn điều luật đã được đưa ra thực thi với mục đích giúp bảo vệ quyền riêng tư của người dân này là một trong những bài luật có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử luật pháp Hoa Kỳ.
Drone đang bị chỉ trích và tập trung dữ dội như những gì Kodak và Brownie ngày nào, những thứ mà giờ được chúng ta coi là một trong những bước ngoặt lớn nhất của nhiếp ảnh hiện đại. Vậy nên hãy cứ để thời gian trả lời tất cả, vì chẳng thể phủ nhận những giá trị mỹ học và tiện ích nó đang mang lại.

Vì dù tốt hay xấu, nhiếp ảnh hiện đại lại đang được khai sinh lần nữa.

White Wonders

AscTec-falcon-8-photography-safe-high-tech-drone-automation-professional-expert-mauritius

DCIM112GOPRO

phantom-2-photography-drone-7c95

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.