Đôi khi rảnh tôi lại ngồi nghĩ về cái gọi là thế hệ của mình khi bình đẳng giới cũng chẳng còn gì xa lạ. Từ câu nói giặc đến nhà đàn bà cũng đánh cho tới ngày nay khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dành hết vinh quang này tới vinh quang khác thì tại sao đàn ông lại không thể làm một cái việc luôn được cho là nữ tính: Đan len.
Người đầu tiên dạy tôi đan không ai khác chính là cha tôi. Cái ngày ông thấy tôi hỳ hụi tết mấy cái dây len để nối dây mắc màn, ông cười và nói: Con lớn chứng này tuổi mà không biết khâu vá đan lát là quá kém! Khi cha còn nhỏ, bà là bác sỹ ở lại Hà Nội, ông đi lính, một mình cha đi sơ tán. Không biết khâu vá đan móc thì chỉ có mặc áo rách. Vừa nói, ông vừa mượn bà hai đôi kim đan và dạy tôi tra những mũi len đầu tiên.
Cảm giác hoàn thiện một sản phẩm nào đó bởi chính bàn tay mình không có gì tuyệt vời hơn. Tôi từng mất 6 tiếng đồng hồ vật lộn với một đống đồ DIY từ IKEA để đóng xong một cái tủ sách. Đó là niềm tự hào trong phòng khách nhưng mỗi lần đi qua lại có chút chột dạ vì không biết bao giờ nó đổ. Vẫn là cảm giác hoàn thiện một cái gì đó, đan len vừa tạo ra quà cho bản thân hay người thân với cái giá rẻ hơn nhiều. Nhìn có vẻ phức tạp nhưng đan len khá đơn giản và chúng luyện được cho bạn sự kiên nhẫn rất tốt.
Trên thế giới, việc đàn ông đan lát không có gì xa lạ. Ở thời Phục Hưng, chỉ đàn ông mới được phép tham gia vào những xưởng đan. Họ đan chủ yếu phục vụ cho hoàng gia và nữ hoàng. Và ở thế chiến thứ II, nước Mỹ đã kêu gọi những người lính bị thương tham gia đan lát như một cách an thần và phục vụ cho những người lính vẫn còn ngoài chiến trận.
Ngày nay thì sao? Trong một lần tìm kiếm hướng dẫn đan, tôi vô tình chạm tới “men who knit” – một forum mở ra cho những người đàn ông trên toàn thế giới yêu thích đan len. Tại đó tôi biết rằng ở San Francisco có hẳn một câu lạc bộ riêng để các cánh mày râu tới trao đổi, giao lưu và học hỏi nhau về đan móc. Ở men who knit, các bạn nữ có khi phải thấy chạnh lòng khi nhìn những đôi tất vặn thừng cho tới những chiếc áo len đan tay với họa tiết aran phức tạp.
Những thành viên của men who knit có từ già đến trẻ, từ những tay đan chuyên nghiệp cho tới những chàng trai mới bắt đầu vật lộn với tác phẩm đầu tiên. Họ tới đây vì cùng một niềm đam mê và tự hào với những gì mình thích. Tôi vẫn còn nhớ từng đọc một bài báo về một bà vợ chia chia sẻ trên báo về ông chồng nghiện đan len. Tôi cho rằng ông chồng đấy cực kỳ đáng yêu và thay vì kêu ca, sao bà ấy không kiếm một đôi kim đan, ngồi cạnh chồng và cùng chia sẻ kinh nghiệm với nhau?
Bản thân tôi mỗi khi nghĩ về chuyện đàn ông, cuộn len và những chiếc kim đan luôn có những cảm xúc lẫn lộn. Tôi luôn cho rằng, nam tính không liên quan nhiều đến việc bạn mặc áo hồng, tự giặt quần áo hay ngồi thêu thùa khâu vá. Nam tính nằm trong khí chất của người đàn ông, của cái cách bạn cư xử với những người xung quanh và của cái việc bạn không ngại làm những công việc được cho là đàn bà nhất. Cũng không vì cái lý do đan lát từng được coi là nghiệp của đàn ông mà tôi khuyên khích các bạn tham gia bộ môn này. Hãy phá bỏ dần cái gọi là định kiến giữa việc đàn ông – đàn bà. Phần lớn những đầu bếp nổi tiếng nhất thế giời là đàn ông. Phụ nữ yêu thời trang nhưng trong chính ngành công nghiệp thời trang, họ còn thấy khó khi cạnh tranh với đàn ông – kể cả trong đó có gay. Và chẳng có ai nói rằng gay không có quyền được nam tính cả.
Tôi vẫn nhớ trong một lần lang thang đi mua len, có một anh chàng tay cầm một cuộn len màu xanh da trời nhạt tiến lại gần và nói: “Tôi muốn đan một chiếc khăn cho bạn gái. Tôi thích màu này nhưng không biết lọai này đan khăn được không? Ở đây nhiều kim đan quá.” Các chàng trai ạ, thay vì việc ngồi chờ cô người yêu bé nhỏ đan khăn cho bạn, có lẽ bạn hãy tự đan một cái gì đó cho mình và cho cả cô ấy luôn đi. Nếu người yêu tôi đưa tặng một chiếc khăn anh ta tự đan, dù đó có là giữa mùa hè 39 độ thì tôi vẫn thấy hạnh phúc hơn là đeo trên tay chiếc vòng Cartier.