Số lượng bão hàng năm hiện nay tăng gấp đôi khi so sánh với số liệu năm 1990. Có phải mẹ tự nhiên đang nổi giận?

Cuộc săn cừu hoang

House Head of Photography

galloping_storm_by_uniquelegend-d6o4usc

Bảy giờ ba mươi ba phút sáng.
Thời tiết năm nay thật quái gở khi mùa đông không rơi nổi một bông tuyết còn hè nóng lạnh thất thường như một cô nàng đỏng đảnh mới lớn. Bây giờ mới tháng Tám nhưng tiết trời lành lạnh làm tôi có cảm giác sai lệch về thời gian. Rằng có cái đấy không ổn.

Tôi nốc cà phê ở chỗ làm ừng ực, hết cốc này đến cốc khác. Trên chiếc đài cũ kỹ, đĩa nhạc của Rachael Yamagata bật nhè nhẹ, hết You won’t let me, Over and over rồi đến Dealbreaker… Tôi không mê cà phê nhưng lúc hiện giờ, cái thứ thức uống này là một công cụ tốt để đánh bật cơn buồn ngủ, tìm cách bám trụ vào thực tại dù thực tại buổi sáng thứ Hai cũng tẻ ngắt như vị của thứ cà phê rẻ tiền đang tràn lên trong họng tôi. Nhạc của Rachael thì ngược lại, chìm đắm, dìu dắt và đê mê. Tôi mới nghe Rachael chưa lâu nhưng tôi cảm thấy trái tim cô đang hát. Tôi yêu những người hát bằng trái tim. Và ghét thứ nhạc phát hàng ngày trên radio.

Số lượng bão hàng năm hiện nay tăng gấp đôi khi so sánh với số liệu năm 1990. Có phải mẹ tự nhiên đang nổi giận?
Số lượng bão hàng năm hiện nay tăng gấp đôi khi so sánh với số liệu năm 1990. Có phải mẹ tự nhiên đang nổi giận?

Một sự kết hợp quái lạ của hai thứ xúc tác khiến tôi nghĩ nhiều về những vấn đề hiện sinh. Về cừu. Và người. Cuộc đời của một con người bình thường về cơ bản cũng chẳng khác cừu là mấy. Có xã hội. Có trật tự. Và ai cũng biết chính xác mình đứng ở chỗ nào trong cái vòng quay bất tận ấy. Ăn, ngủ, phối giống, đánh giết nhau để có một vị trí tốt đẹp hơn, để tranh giành những thứ vô nghĩa phù phiếm do kẻ khác áp đặt lên mình.

Điều duy nhất khác biệt là bọn cừu chẳng hơi đâu nghĩ về những chuyện như thế còn chúng ta thì có. Ngu ngốc là cái phúc, chẳng phải họ đã nói thế? Nên kết cục là những bản ngã con người bị nhấn chìm cho đến khi sặc nước giãy đành đạch bởi sự buồn chán và bất mãn tiềm ẩn – nếu họ không tìm được cách lý tưởng hóa và ý nghĩa hóa đời mình.

Có những kẻ may mắn sinh ra đã biết mình muốn làm gì, trở thành ai, ở đâu. Những nhà điêu khắc cuộc đời vĩ đại – mỗi một dấu vết họ để lại đều là những kỳ quan khiến người tôi thầm ngưỡng mộ và ghen tị. Lại có những kẻ mắc kẹt trong cái vòng cầu thang xoắn ốc luẩn quẩn và tìm quên, lấp đầy chỗ trống bằng những cơn nghiện điên cuồng, mê sảng: sex, thuốc, rượu, ma túy..

Nhưng đa phần đàn cừu là những con người hướng đến cuộc sống bình dị, giản đơn. Cái thứ bình yên giả tạo trước khi cơn giông thực sự đến. Họ là những con cừu trắng điển hình. Nhưng trong buổi sáng hôm nay tôi không nghĩ đến cừu trắng. Tôi viết về những người đi săn cừu hoang.

Xe đặc chủng của những người đi săn bão.
Xe đặc chủng tự chế cực kỳ hầm hố của những người đi săn bão.

Là một điều sảng khoái khi quen biết nhiều con người thú vị. Có một gã ở Pháp sau khi bạn gái chết vì tai nạn giao thông đã vứt bỏ tất cả lại sau lưng để lên đường đi vòng quanh thế giới với một chiếc ba-lô duy nhất. Lúc đầu nó to đùng làm lưng gã oằn lên vì sức nặng, rồi teo dần sau năm tháng. Couchsurfing, hitchhiking, ở nhà trọ tồi tàn, bạn bè năm châu quen biết giúp đỡ, làm việc ở nơi đến để có tiền đi tiếp tháng sau… Chẳng có gì hắn không làm. Bốn năm sau hắn quay về, thân thể sứt mẻ nhưng tâm hồn thì rộng mở và bình yên.

Có một tay khác thì bỏ khoảng thời gian kha khá chẳng làm gì để đi chụp đủ loại nào nhà, nào lâu đài, nào nhà máy… Túm lại là tất cả những gì bỏ hoang khắp nước Đức. Hay một cô gái có công việc tử tế, ổn định, lương thuộc hàng top – bỏ việc để bắt đầu lại từ đầu với niềm đam mê mới – thứ cô ta đã tìm kiếm cả đời mà không hay biết.

Nếu họ sống ở Việt Nam thì sẽ bị gọi là gì nhỉ, điên, hâm hay dở hơi? Con người ta thù hằn, phán xét và định kiến những thứ khác biệt mà họ không hiểu rõ – những con người hàng ngày đang tuyên chiến với sự tầm thường của cuộc đời. Cuộc đời nếu thiếu cuộc sống thì chỉ là những cái bao nhạt nhẽo vô hồn. Những người ấy – một lần trong đời ta nên gặp và kết bạn.

Manchester, South Dakota, Mỹ năm 2003. Tim Samara và đội của mình đang chuẩn bị chứng kiến chiếc vòi rồng với độ sụt giảm áp suất trong tâm bão lớn nhất từ trước đến giờ.
Manchester, South Dakota, Mỹ năm 2003. Tim Samaras và đội của mình đang chuẩn bị chứng kiến chiếc vòi rồng với độ sụt giảm áp suất trong tâm bão lớn nhất từ trước đến giờ.

Đó là một buổi chiều muộn ngày 31 tháng Năm, 2013. Người đàn ông 55 tuổi với chòm râu ba ngày chưa cạo và cái nhìn cương nghị ngồi trong chiếc Chevrolet Cobalt ngó ra cửa sổ ngắm nhìn vùng ngoại ô gần El Nino, Oklahoma trước lúc bão về. Cánh đồng lúa mì hai bên đường đang quằn quại dưới bàn tay vô hình khổng lồ của gió nào tóm, nào giã, nào đập. Bóng tối đang tràn về, không từ từ như hoàng hôn thường lệ mà dưới hình dáng tử thần: cách đó hơn hai dặm xuất hiện chiếc vòi rồng dài ngoằng chọc xuống đất từ bầu trời bất tận.

Ông ta khẽ cau mày, mặt không hoảng sợ cũng không phấn khích, chỉ có một sự bình tĩnh quen thuộc ở một người làm khoa học khiến hai người bạn đồng hành – anh con trai trẻ làm nhiếp ảnh gia Paul Samaras và nhà khí tượng học 45 tuổi Carl Young cũng thấy vững dạ. Tên ông ta là Tim Samaras – kẻ săn bão đầu tiên chết vì bão trên thế giới.

Climax, Kansas, Mĩ.
Climax, Kansas, Mĩ. Mặc dù lốc xoáy và vòi rồng cũng có ở một số nước khác như Ấn Độ, Anh, Úc… nhưng do điều kiện khí hậu và trắc địa độc nhất của nước Mỹ khiến hàng năm ở đây có hàng nghìn lốc xoáy diễn ra, chủ yếu là vào mùa xuân/hè và ở thung lũng lốc xoáy. Cứ 20 cơn bão Supercell thì có một cơn sẽ sản sinh ra vòi rồng.

Cụm từ người săn bão (Stormchaser) bắt nguồn từ David Hoadley, người đi tiên phong trong lĩnh vực này khi bắt đầu từ năm 1956 đã dùng các thiết bị thời tiết ở sân bay để phục vụ cho mục đích truy lùng bão. Công việc của họ là dự đoán, phân tích dữ liệu, chờ đợi kèm theo hàng ngàn dặm lái xe theo dấu bão bất chấp nguy hiểm để chứng kiến tâm bão và chụp ảnh, làm các xét nghiệm, nghiên cứu khí tượng trong vài phút ngắn ngủi. Nói cho đúng thì không phải họ săn bão mà là săn vòi rồng, lốc xoáy.

“Bão đi kèm sấm sét thường tạo ra lốc xoáy nhưng lốc xoáy khó dự đoán hơn bão. Mỗi cơn lốc chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ có thể sánh với vũ khí hạt nhân. Làm thế nào năng lượng đó có thể được chuyển đổi thành luồng gió xoáy với tốc độ trên 480km/giờ đến nay vẫn là một bí ẩn. Không chỉ khó đoán về kích cỡ, sức tàn phá mà lốc xoáy còn tạo ra đường đi khó lường.”

Những người săn bão thường không được trả tiền, trừ khi họ là phóng viên, nhiếp ảnh gia hay nghiên cứu về khí tượng cho các tập đoàn hay trường đại học. Cái động lực để họ bước tiếp, đối mặt với sợ hãi nối tiếp sợ hãi là tình yêu cái đẹp (dù đáng sợ) của tự nhiên, sự ham muốn giải mã những bí ẩn khoa học có ích cho con người và đương nhiên là cả niềm yêu thích cảm giác mạnh. Adrenaline, Endorphins, Serotonin, và Dopamine ào ạt tiết ra – một thứ ma túy liều cao. Chỉ có điều, lần này ma túy cũng có thể mang lại những điều thật sự vĩ đại.

Ngày 18 tháng Năm 2013, Tim hôn tạm biệt người vợ yêu Kathy để lên đường đi thung lũng lốc xoáy – người phụ nữ này đã quá quen với nỗi ám ảnh về bão của ông. Bà bảo, “Ông ấy đi ngoại tình với mẹ tự nhiên.”

 Kingfisher, Oklahoma, Tháng Ba 2012.
Đội của Tim ở Kingfisher, Oklahoma, Tháng Ba 2012.

Tim nói gần như thầm thì, “Nó đang tiến về thành phố Oklahoma.”
Đồng hồ điểm sáu giờ chiều. Những cành cây chỏng chơ ven đường rung bần bật như bị quỷ ám, cột điện sắp bị bóc lên khỏi mặt đất nứt toác. Trước cửa kính xe, bụi đường bốc lên thành những đụn khói cao ngất như thể ngay tại nơi đây, Trái Đất đã mất đi quyền năng hấp dẫn vạn vật của nó. Young nói, “Tôi dừng xe đây. Chỗ này là góc nhìn chuẩn rồi. Anh thấy được chưa?” và chiếc xe dừng lại.

Ba người bước xuống xe. Young chụp ảnh, Paul quay phim còn Tim lặng lẽ, gần như là choáng ngợp, ngắm chiếc vòi rồng ở xa xa chia cắt khung cảnh đồng quê lẽ ra thơ mộng thành một thứ bố cục kỳ dị. Không, không phải một mà là ba chiếc. Chúng đủng đỉnh như những con voi khổng lồ lê bước về phía họ, với cái bóng đồ sộ nuốt chửng bóng của ba người đàn ông trên mặt đường, nuốt chửng mọi thứ tồn tại trên đường đi.

Một trong ba người thốt lên, “Thật quá hung bạo.” rồi họ cùng bước vào xe phóng đi. Cuộn băng của Young phụt tắt vì đầy bộ nhớ.
Ngày hôm sau, cảnh sát tìm thấy xác Tim kẹt trong chiếc xe bẹp dí rúm ró còn Paul và Young, xác cả hai bị thổi bay đi mỗi người một hướng: Đông & Tây, cách đó nửa dặm.

Trong chiếc xe này có đầy đủ đồ chơi công nghệ hiện đại cho người săn bão.
Trong chiếc xe này có đầy đủ đồ chơi công nghệ hiện đại cho người săn bão: máy quay phim, máy ảnh, điện thoại và máy tính có kết nối internet để cập nhật dữ liệu, radar, đài quan sát, bong bóng thời tiết, máy đo gió và nhiều máy móc khác…

Tim và những đồng sự không phải là những con nghiện cảm giác mạnh hay khoa học gia liều mạng lấy danh nghĩa khoa học. Thậm chí ông còn nổi tiếng trong giới vì sụ cẩn thận đôi khi đến mức thừa thãi của mình trong những cuộc phiêu lưu thường lệ. Tim làm cho National Geographic và ở trong nghề này đủ lâu để biết khi nào phải dừng lại. Những đồng sự nhớ lại rằng không biết đã bao lần họ hủy bỏ một chuyến săn bão chỉ vì sự thận trọng, trách nhiệm với mạng sống những người đồng nghiệp của Tim, thế nên cho đến giờ họ vẫn không hiểu và chấp nhận vụ tai nạn. Tim đã chết và dường như những gì xảy ra vào phút cuối đã theo ba người đàn ông ấy đi xuống mộ chẳng bao giờ được hé lộ nữa.

Những con người như Tim dành cả đời để săn bão và cống hiến nhiều kiến thức kinh nghiệm cho ngành khí tượng, nhưng tôi nghĩ đây là một kết thúc lãng mạn với ông, được sống và trả giá cho sự sống, được chết với đam mê và ám ảnh của mình. Cái ý nghĩa và hy vọng của cuộc đời nó mấu chốt là nằm ở đấy. Nhưng có lẽ, vợ ông – bà Kathy sẽ không bao giờ hiểu và chấp nhận.

Kingfisher, Oklahoma.
Tim Samaras ở Kingfisher, Oklahoma.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.