Chuyến hành hương của Murakami, và triệu triệu sắc màu

BeP Head of Read

Bạn có thể vẽ lại được giấc mơ? Ta có thể, nhưng không bao giờ mô tả lại được đầy đủ các chi tiết. Đó luôn là cảm giác của tôi khi đọc những tác phẩm của Haruki Murakami.

Tôi luôn cảm thấy mình cô độc ở đâu đó giữa những con chữ của ông. Tôi cũng hồ đồ cho rằng nhiều người yêu thích ông cũng sẽ có những đồng cảm tương tự, họ sẽ nhìn thấy những mảnh vỡ của tâm hồn mình nằm lẫn giữa những trang sách kia.

Tôi tìm đến ông vào một ngày cuối thu. Lạnh, lúc đó tôi muốn rất muốn có một vòng tay ôm đủ chặt để cuộn tròn mình trong đó. Tôi không tìm thấy ai cả. Tôi thấy ông. Thế rồi chúng tôi trở thành bạn tâm giao. Tôi sẽ không nói những đầu sách của Murakami ở đây nữa, chúng ta đều biết cả rồi. Google sẽ ra cả triệu triệu kết quả liên quan đến tên ông. Không phải bỗng dưng mà Haruki Murakami nổi tiếng đến như vậy, đến nỗi người ta nói: “Nhật Bản mà không biết tới Murakami, coi như là chưa biết gì về Nhật Bản cả” còn các nhà văn xứ hoa Anh Đào thì nói: “Từ khi có Murakami, chúng ta đều viết dễ dàng hơn”.

haruki-murakami-1

Khi đọc sách ông, tôi và các bạn sẽ đều sẽ hóa thân thành những cậu trai cô độc, chẳng có gì đặc biệt. Là những cô gái không xinh đẹp nõn nà, nhưng đầy cá tính và nét hấp dẫn riêng. Chúng ta ngăn nắp, có trật tự, biết tự chăm sóc mình, đều có khiếu thưởng rượu nghe nhạc đọc sách và mỗi câu chúng ta nói sẽ đều là những câu triết lý để đời cả. Và giữa chúng ta: nam và nữ sẽ có tình dục, đôi khi quá trần trụi đến khó chịu, nhưng rồi đọc qua, lại thấy mọi thứ nhẹ nhàng như một cơn gió chớm đông vuốt nhẹ qua da thịt. Ào ạt, hưng phấn và đầy cảm xúc.

Nhân vật của ông đều đặc biệt đến thế. Mặc dù “không có gì” nhưng luôn làm người ta nhớ mãi. Rất có thể sau khi ta kết thúc những cuốn sách dày như từ điển kiểu Kafka bên Bờ Biển, Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót ta chẳng nhớ quái gì (ồ, tất nhiên nếu ta đọc đi đọc lại nhiều lần) về chi tiết, nhưng lại toàn nhớ những thứ vặt vãnh như tên những con mèo, một cuốn sách nào đó của Natsume Soseki, Franz Kafka… nhân vật nam chính tự là quần áo, một miếng Pizza (đố các bạn trong cuốn nào) hay một khúc nhạc Jazz nào đó. Hoặc giả ta có đọc những cuốn mỏng manh dễ chịu hơn như Người tình Sputnik, Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời, ta cũng khó nhớ được cốt truyện. Bởi sao, vì văn ông siêu thực, đó là những câu chuyện tưởng tượng, “bịa” đấy nhưng đọc vẫn cứ thấy thật. Đó là cái tài của người kể chuyện. Với bản thân tôi, ông là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất còn sống hiện giờ.

Tôi coi ông là một phần cuộc sống của mình, mặc dù ông không phải là nhà văn mà tôi hâm mộ nhất, nhưng bất cứ khi nào tôi buồn bã trống trải, tôi có thể gặp ông ngay trên giá sách của mình, nằm ườn ã trên chiếc giường con mà ngân nga sự cô độc trong im lặng thuần khiết. Và hẳn nhiên, tôi cố tình tìm những bản nhạc mà ông kể trong những tác phẩm ấy để thực sự hòa mình. Tôi tin rằng việc đó khiến tôi hiểu được những gì ông muốn giãi bày, nhưng không, tôi nhầm, tôi hoàn toàn bị cuốn trôi, bị kéo tuột vào một vòng xoáy của những câu chuyện đa tầng nghĩa. Nói cách khác, đọc ông như kiểu tôi ngồi đó trước tấm gương lớn, thấy những khía cạnh sâu kín khác của bản thân rì rầm nói chuyện.

murakamiportrait

Khi tôi biết ông ra mắt tác phẩm mới, tôi háo hức mãi. Mong chờ mãi, và cuối cùng tôi cũng nhận được “Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương” từ một người bạn, một món quà nóng bỏng tay. Tôi khẽ khàng đọc, cuốn sách mỏng hơn so với những gì tôi tưởng tượng, và nó cũng khác hoàn toàn so với những gì tôi mong đợi.

Murakami từng nói ông chỉ viết được dễ dàng khi đứng từ ngôi thứ nhất, tức là dùng “tôi” để kể lại câu chuyện cho mọi người nghe. Ông nói đó là một cách tự sự rất riêng của mình, trải lòng với bạn đọc, thổi hồn vào những câu chuyện ma mị bằng một giọng văn đơn giản, tinh tế không lẫn vào đâu được.

Nhưng từ 1Q84 cho đến cuốn sách mới nhất này, ông lại đứng ở một góc nhìn khác. Ông lại  đóng vai trò của một người quan sát.

Tsukuru Tazaki mở đầu câu chuyện với ý định hướng tới một cái chết. Một cách chạy trốn sự sống, phủ định sự tồn tại của mình để quên đi nỗi buồn, ruồng bỏ sự cô độc đáng sợ. Tôi tự hỏi đã bao nhiêu nhân vật của ông muốn hướng tới cái chết, có lẽ rất nhiều.

Cuốn sách ngắt người đọc dừng nhịp ở suy nghĩ đó. Rồi vẽ lại quá khứ Tsukuru “không màu” bằng những chi tiết cứ dần dần được thêm vào. Một nhóm bạn gồm 5 người,  3 nam 2 nữ, trong đó có Tsukuru. Và 4 trong số 5 người bạn này đều được tác giả gán với một màu sắc đặc trưng của riêng mình, trong tên của họ bật ra một màu đơn độc:

Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ
O trong Oumi nghĩa là Xanh Lơ
Shira trong Shirane nghĩa là Trắng
Kuro trong Kurono nghĩa là Đen.

tumblr_napdj7p1s31sfh4xqo1_500

( Ông từng nói ông bị ám ảnh bởi Bàn Là, Con Voi, Cái Giếng Nước và Lũ Mèo )

Thế là ta có một nhóm Đỏ – Xanh – Trắng – Đen, và Tsukuru Tazaki KHÔNG MÀU. Nhân vật chính ngay từ đầu đã bị tách rời ra khỏi một tổng thể, nhưng vẫn tồn tại chặt chẽ với tổng thể đó: Cô đơn giữa những khuôn mặt thân quen, một thứ lạc lõng đáng sợ. Mọi sắc màu ấy xuất hiện trong suốt chuyến “hành hương” của cuộc đời Tazaki, kỷ niệm là vết sẹo âm ỉ và nhức nhối.

Nhóm bạn chơi thân với nhau như 5 ngón tay trên một bàn tay, bỗng một ngày họ bỏ đi một ngón – là Tazaki. Không có lý do, không cho giải thích, không một lời nào. Chỉ là “đừng gọi nữa”. Không ai muốn nghe cả. Tazaki bị một nhát chém sắc ngọt cắt đứt luôn tuổi trẻ và sức sống của mình ở đó. Gã đã chết vào ngày hôm đấy. Gã sống những tháng năm sau này bằng sự trong suốt vô hình của tâm hồn. Nhưng một cô gái tên Sara bất ngờ xuất hiện giữa đời gã để tô điểm thêm vài nét chấm phá vào bức tranh u tối. Cô lắng nghe hắn, chăm sóc hắn, làm tình với hắn. Cô được hắn tin tưởng kể lại câu chuyện, và cô nói hắn hãy đi tìm sự thật: Tại sao mọi người lại cắt đứt quan hệ với gã? Gã quyết định đi tìm, nhặt lại những năm tháng lãng quên.

Đó là câu chuyện kỳ lạ và huyễn hoặc như cách vận hành của một câu chuyện trinh thám, chi tiết đưa ra quá ít để độc giả có thể đoán định, và trí tò mò sẽ lại dẫn đường để chúng ta lật từng trang một. Trong cuốn sách mỏng này vẫn có những câu chuyện song song, Murakami từng thổ lộ ông thích các câu chuyện song song, vì nó làm mạch truyện biến đổi khó lường, và nó tạo cho ông cảm hứng sáng tạo. Ngoài Đen – Đỏ – Trắng – Xanh, ta còn gặp Xám, nghe Xanh Lục kể một câu chuyện dị thường…

Tôi sẽ không kể thêm điều gì nữa, bởi nó sẽ làm mất đi cái hay của trí tưởng tượng. Tôi đọc cuốn sách này vừa vặn trong 6 tiếng đồng hồ, một mạch không nghỉ. Nó hấp dẫn tôi bởi nhiều khía cạnh, và cũng làm tôi cảm thấy hụt hẫng ở vài khía cạnh khác. Hụt hẫng bởi tôi vốn ưa thích những tầng tầng bí ẩn, trùng trùng câu chuyện trong văn ông, giờ cánh cửa ấy hiện lên rõ ràng quá. Hụt hẫng còn bởi có những vấn đề chưa giải quyết được hết, đến nỗi gập sách lại tôi vẫn hoang mang không biết có còn có tập hai hay không, rồi người này sẽ thế nào, mối quan hệ ấy sẽ đi đến đâu. Tôi muốn phát điên đến nỗi ngồi Google địa chỉ của ông để gửi cho ông một bức thư, hỏi về cái kết kỳ lạ ấy. Tôi sẽ biên trong thư rằng tôi muốn cuốn này dày hơn nữa, chứ tôi ngốn nó nhanh quá, thành ra cứ thòm thèm…

TazakiTsukurukhongmau-2

 

Điều tôi yêu thích trong cuốn sách này, lại là những chi tiết. Những mẩu, mảnh, đoạn, dòng văn nhỏ mà quá đỗi tinh tế của Murakami. Phải sống, nghe, đi, và trải qua biết bao nhiêu biến cố và sự việc mới có thể đúc kết được những câu những chữ ấy? Tôi phát hiện ra “Những năm tháng hành hương” chính là đoạn nhạc mà Trắng vẫn chơi cho Tsukuru Tazaki nghe – chính xác hơn là “Le Mal du Pays” của Franz Liszt (tôi có dừng lại trong 6 tiếng nằm đọc đó để bật đi bật lại đĩa Year of Pilgrimage này). Tôi phát hiện ra trong cuốn sách này, Murakami đã nhìn ra những thứ “con người” hơn, gần gũi hơn: Đó là những mối quan hệ, đổ vỡ và làm lành. Nó không còn là những câu chuyện hoang đường cổ tích như trước đây ông vẫn kể nữa.

Có nhiều lời khen và vô vàn người chê cuốn sách này. Nó nổi như cồn từ khi nó còn chưa được ra mắt. Tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi đọc nó, nhâm nhi nó với tâm thế của một độc giả đói khát chờ đợi cái gì đó từ rất lâu. Đọc xong, tôi thấy thỏa mãn, cho dù còn pha chút tiếc nuối ngẩn ngơ, nhưng trải nghiệm nó vẫn là một đặc ân nho nhỏ đầy thú vị.

Tsukuru Tazaki có nghĩa là “Tạo tác”, gã thích những nhà ga. Từ đây hắn có thể nhìn thấy những chuyến tàu, đi và đến, người đổ xuống rồi lại theo nhau lên tàu. Phải chăng, Murakami đã muốn dùng cuốn sách này, như một ga tàu nho nhỏ – một trạm dừng chân – để hàng triệu người hâm mộ ông trên khắp thế giới có thể xuống tàu (nếu như họ không còn cảm thấy ông đặc biệt nữa) và để lên tàu (nếu ông vẫn đủ hấp dẫn) để chờ đợi những chuyến hành trình mới? Có thể lắm chứ. Tôi đã mua vé tàu rồi. Bạn mua chưa?

“Việc tìm kiếm giá trị của bản thân tựa như đo lường một vật chất không có đơn vị” –  Tsukuru Tazaki Không Màu – Cũng là “màu” khó mà mô tả nhất.

 

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.