Ở Mann Up chúng tôi không tôn vinh những kẻ rỗng tuếch khoác lên mình vài ba bộ quần áo hào nhoáng. Chúng tôi không ủng hộ những tâm hồn đẹp, trí tuệ sâu sắc lại cam chịu với bề ngoài lôi thôi, lếch thếch. Nhất là trong sự nghiệp nhiếp ảnh, cách bạn ăn mặc phản ánh thương hiệu, hình ảnh, cá tính và mắt thẩm mỹ của chính mình – bạn có đủ liều lĩnh để họ trông mặt bắt hình dong?
Tôi không phán xét nhân cách người khác qua cách họ ăn mặc nhưng tôi chẳng bao giờ dừng thay đổi và cố gắng làm mới mình từng ngày để những kẻ khác đừng hòng có cơ hội đánh giá tâm hồn mình qua vẻ bề ngoài.
Chuyện ăn mặc cụ thể tỉ mỉ thế nào để đẹp đến từng xen-ti-mét thì Mann Up đã có vô số những bài viết hay và chất lượng của Lu, F, Markku… những người tài năng dư sức tư vấn cho các độc giả trung thành, ở đây tôi chẳng dám múa rìu qua mắt thợ để lạm bàn quá sâu sắc hay đi vào tiểu tiết mà chỉ muốn mang lại một góc nhìn gì đó thực dụng hơn cho những người chụp ảnh, đặc biệt là những người muốn gắn bó cả đời mình với cái “nghiệp” gian truân này.
1. Chụp ảnh cưới
Gần như chắc chắn cho câu mặc gì đi chụp ảnh cưới sẽ là suit. Trừ khi cô dâu chú rể họ theo một tôn giáo, tín ngưỡng hay phong tục văn hóa đặc biệt đòi hỏi quần áo khác, hoặc họ thích tổ chức đám cưới theo một chủ đề quái quỷ gì đấy mà mặc suit một mình giữa cả đám cưới trông sẽ thật kệch cỡm thì chẳng nói. Lời khuyên tôi chỉ có một: hãy ăn mặc như ta đang là một người khách bình thường đi dự đám cưới. Đương nhiên không phải quần bò áo phông hay quần áo suồng sã mặc ngày thường. Nếu không chắc chắn thì đừng bao giờ ngại hỏi lại. Mặc suit và chọn suit như thế nào thì chuyên mục Fashion của Mann Up đã viết rất nhiều rồi nên tôi sẽ không phí thời gian nhắc lại ở đây cho phí tài nguyên nữa nhưng suit đi mặc chụp ảnh đám cưới cần đáp ứng đủ hai tiêu chuẩn: đẹp, phù hợp với hình ảnh của mình và hai, mặc sao cho thoải mái nhất trong phạm vi có thể để còn trụ vững cả một đám cưới kéo dài cả ngày với hai chiếc máy mấy cân hai vai và một đống đồ không tên khác nữa.
Giày thì đương nhiên phải đẹp rồi nhưng đừng bỏ qua yếu tố mềm và thoải mái vì nhớ rằng bạn sẽ phải đứng mười mấy tiếng đồng hồ, chọn loại có đế hỗ trợ gót và mắt cá chân tốt, đây là hai chỗ chịu nhiều áp lực cơ thể nhất trên bàn chân thì chịu khó chăm chút nó một tí. Suit màu đen sẽ là nốt nhấn cổ điển nhất nhưng nếu đám cưới được tổ chức ngoài trời giữa mùa hè nắng chang chang thì tôi nghĩ bạn nên cân nhắc chọn chất liệu và màu sắc nào ít hấp thụ ánh sáng mặt trời hơn như xám hay be chẳng hạn.
Thường khi chụp ảnh cưới sẽ cần hai máy để chụp các góc độ xa gần chủ thể khác nhau. Vậy lúc đang chụp máy này thì máy kia vứt đâu, hoặc khi muốn nghỉ thì sao nhỉ? Đừng bảo tôi bạn đeo khư khư cái ba lô hoặc túi bên người nhé, vừa vướng, vừa xấu bộ suit mà lại lấy đồ ra cất đồ vào mất thời gian, lấy xong máy ra chắc mất luôn khoảnh khắc đẹp. Giải pháp ở đây là dây da móc chéo qua vai như hình trên, trông vừa chất mà hành động lại nhanh và chuyên nghiệp. Tôi không biết bạn có phải dân chuyên nghiệp hay không nhưng một khi bạn đi chụp đám cưới cho người khác, không quan trọng là đi giúp thằng bạn hay chụp cho khách hàng – bạn chứng kiến và ghi lại cái thời khắc quý giá có một trong hai của đời họ thì cũng nên hành xử như một tay chuyên nghiệp.
Là lượt quần áo phẳng phiu, đẹp đẽ. Chọn một chiếc cà-vạt hoặc nơ phù hợp. Cá nhân tôi thì thích nơ hơn khi phải chụp ảnh đám cưới vì tôi thích đeo cà-vạt mảnh. Cà-vạt mảnh có đặc điểm là không ghim vào sơ-mi mới đẹp và như thế thì rất vướng víu cho việc chụp choẹt. Loay hoay ngồi chỉnh quần chỉnh áo thì chụp cái quái gì nữa.
Ăn mặc đẹp và phô diễn cá tính của mình không đồng nghĩa với việc biến ta thành trung tâm của đám đông bằng những màu sắc hay phụ kiện gây chú ý quá mạnh. Dĩ nhiên cái đống máy với ống kính to đùng của chúng ta nó đã nổi và phô sẵn hơn bất cứ thứ gì trên người nhưng bạn hiểu ý tôi muốn nói là gì rồi đấy… Đừng bao giờ quên ngôi sao của đám cưới phải là cô dâu chú rể chứ không phải mấy cô phù dâu, mấy chú phù rể và đương nhiên là còn lâu mới đến lượt gã chụp ảnh. Trà trộn và tàng hình.
2. Chụp thời trang
Động đến thời trang thì không đùa được đâu. Bạn thử tưởng tượng mình là một nhiếp ảnh gia gương mặt sáng giá của VOGUE thì liệu có ăn mặc lung tung vớ vẩn đi vào khách sạn Ritz-Carlton mà chụp editorial cùng một em siêu mẫu nào đó không? Dĩ nhiên là không, các nhiếp ảnh gia thời trang họ không chỉ chụp thời trang mà chính họ cũng góp phần kiến tạo thời trang. Họ mặc cá tính không phải vì họ thích chơi trội giữa phố, mà ăn mặc đơn giản phản chiếu thế giới quan và con người họ thôi.
Đừng mong có thể bắt chước được những anh già gân ấy vì một nhân cách khác, một cá tính khác mà ăn mặc giống hệt như thế sẽ trở nên lố bịch vô cùng. Ở đây tôi chưa nói đến những vấn đề phối màu, phối đồ hay tầng lớp mà mắt thẩm mỹ của một nhiếp ảnh gia thời trang bắt buộc phải có hay gì cả, đầu tiên cứ phải mặc gì nói lên tiếng lòng và con người thật của mình là tốt nhất, đừng cố thể hiện hay chứng tỏ một hình tượng mình không phải. Vấn đề này thì chẳng sách vở hay Mann Up nào có thể dạy bạn được, trừ những thứ cơ bản nền đất nhất. Thôi thì cứ lao ra đời mà sống, mà thử nghiệm, mà nhìn ngắm, mà thất bại để rồi lớn khôn thôi.
Đời bạn là tùy bạn chọn. Chuẩn mực sách vở hay phá cách gây chia cắt dư luận, cổ điển hay tân thời chẳng quan trọng, quan trọng là học cái sự táo bạo không biết sợ và tự tin có thừa của các nhiếp ảnh gia huyền thời trang huyền thoại. Họ và những người mẫu huyền thoại cùng nhau tạo ra một trạng thái cân bằng hoàn hảo giữa trước và sau ống kính. Họ biết mình có phong cách và chẳng quan tâm những người khác nói gì. Chính vì thế mà nhiều nhiếp ảnh gia thời trang đã trở thành biểu tượng của lịch sử như David Bailey với quần bó sát, suit may vừa đẹp hoàn hảo và coat cổ lông thú, Richard Avedon bụi bặm nhưng quyến rũ chết người không kém những tấm ảnh thời trang xúc cảm có hồn của ông, hay những Steven Meisel, Cecil Beaton, Patrick Demarchelier, David Hockney…
3. Chụp phong cảnh, thiên nhiên
Bản thân tôi nghĩ chụp ảnh phong cảnh, thiên nhiên hay đường phố đối lập hoàn toàn với chụp ảnh thời trang. Đôi bên chống phá nhau quyết liệt, không khoan nhượng, không có điểm chung. Nếu như những nhiếp ảnh gia thời trang cá tính và ầm ĩ, không ngại phô bày cá tính và cái tôi tràn ngập, lấn lướt những bức ảnh của mình thì những nhiếp ảnh gia phong cảnh, thiên nhiên lại vô cùng kiên nhẫn, bình lặng và có chút gì đó lánh đời. Họ không coi mình là trung tâm của bức ảnh, họ là một nhân chứng thầm lặng ghi lại vẻ đẹp, tuổi thanh xuân của trái đất trước khi mọi việc quá muộn. Tôi chẳng nghĩ ai có thể chụp đẹp cả hai loại trừ khi bạn bị bệnh đa nhân cách.
Chính vì cái lẽ đó cộng thêm những điều kiện khách quan nên người đi chụp phong cảnh thiên nhiên mặc sao cho đẹp giản đơn và tiện lợi nhất, giúp cơ thể chống chọi được khí hậu khắc nghiệt như tuyết sâu, núi cao hay sa mạc chứ không cầu kỳ diêm dúa. Cứ hy vọng vào điều tốt nhất và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho khả năng xấu nhất. Tất nhiên ở Việt Nam sẽ chẳng khi nào lạnh đến mức như những gì tôi sẽ đề cập nhưng biết đâu được đấy, có khi một ngày nào đó bạn lại như Walter Mitty rời xa cuộc sống an nhàn của mình và hành trình vào nơi vô định.
– Lớp áo lót/quần lót dài: đây là lớp bó sát người, tốt nhất là loại có chức năng hút và làm bay hơi mồ hôi nhanh vì mồ hôi là nguyên nhân chính gây nhớp nháp, lạnh và cả mùi khó chịu trong thời tiết lạnh. Nên tránh vải cotton thông thường và dùng áo làm từ sợi tổng hợp hoặc len merino.
– Lớp áo giữa: ưu tiên các loại áo nhẹ, mặc thoải mái và bay mồ hôi nhanh như trên (sơ-mi, áo phông, áo nỉ…) Thời tiết ấm hoặc bình thường thì chỉ cần mặc mỗi lớp này cũng được.
– Lớp áo khoác: lông vũ, có chức năng giữ nhiệt, chống nước, áo mưa cản gió nhờ vỏ nylon hoặc gore-tex, tốt nhất nên có nhiều túi để đựng những đồ cần thiết cần lấy ra lấy vào như bản đồ, la bàn, các loại filter, thẻ nhớ cho máy ảnh…
– Đừng để hở chỗ nào trên người: khăn trùm cổ, mũ len trùm đầu, kính chắn gió/tuyết… Lớp quần ngoài nên có các khớp co giãn ở đầu gối và mắt cá như hình dưới để tiện cho việc lăn lê bò toài mở mọi địa hình.
– Găng tay: hơi đặc biệt và khác thường với người chụp ảnh một chút vì nếu găng quá dày thì rất khó bấm và thao tác máy. Sau một thời gian nghiên cứu thì tôi thấy rằng tốt nhất là kết hợp cùng lúc hai loại găng: găng siêu mỏng nhưng giữ ấm tốt ở trong và găng dầy nhưng có đầu ngón tay lật ra được phủ bên ngoài. Đương nhiên là phải chống nước.
– Giày: phụ kiện quan trọng nhất vào mùa đông vì bàn chân rất dễ nhiễm lạnh và lại hay bị coi thường quá mức. Chụp chỗ nào lạnh kinh quá thì giày phải có chức năng giữ nhiệt, chống nước và có đế giày hỗ trợ gót chân cho thoải mái tránh bị chấn thương. Chả quan trọng đẹp, ở những thời tiết khắc nghiệt như vậy thì thời trang đừng hòng tập tan thời tiết. Thoải mái là tốt nhất, nếu đi tuyết thì nên chọn loại cao cổ.
– Túi nhiệt: nhỏ gọn nhưng lợi ích vô cùng lớn, mỗi túi thường dùng được tám tiếng – có thể cho vào trong người, găng tay hay thậm chí là ngăn đóng băng/ngưng tụ nước ở trên mặt ống kính. Một công đôi việc quá ngon.
– Mấy thứ chẳng phải quần áo, phụ kiện nhưng không thể thiếu như la bàn, bản đồ, lửa, hộp y tế, pháo hiệu, navi, nước, đồ ăn protein dạng thanh…
– Ba lô: không nên để máy ảnh vào túi riêng mà cho tất vào trong ba lô leo núi. Ba lô leo núi được thiết kế để phân bố đều trọng lượng lên người nên sẽ đỡ mệt hơn, tuy lấy ra có chút lỉnh kỉnh nhưng máy móc sẽ được bảo vệ tốt. Chụp phong cảnh thiên nhiên thì cũng chẳng cần vội làm quái gì cả, lại còn có chỗ treo chân máy đằng sau ba lô.
Thế giới luôn thay đổi và tiến bộ từng ngày ở mọi lĩnh vực, nếu anh không chịu học hỏi và ngừng việc tự thỏa mãn với bản thân mình thì chẳng mấy chốc sẽ bị bỏ lại rất xa. Hãy nghiên cứu chính bản thân xem mình muốn gì, mình là ai và ăn mặc cho phù hợp với tính cách và thương hiệu bạn đang xây dựng.
Bắt chước thì chỉ dùng được một lần, biến nó thành bản năng thì sẽ dùng được mãi mãi. Nghiên cứu địa điểm, thời tiết, khách hàng và mục đích của buổi chụp để ăn diện cho hợp lý, không thể nào chụp thời trang áo tắm giữa bãi biển nắng ấm mà anh lại đi đóng suit kín mít được. Chúc chúng ta thành công!