Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Stanley Chen Xi http://500px.com/chenxistanley

Chuẩn bị gì cho chụp ảnh du lịch hè? (Kỳ I)

House Head of Photography
2048
Ảnh: Anis Shaikh

Hè đã đến, thời điểm của những chuyến du lịch đầy hứng khởi và tuyệt vời. Thật sự sau những tháng ngày làm việc và sống hết mình thì ai trong chúng ta cũng cần những kỳ nghỉ để nạp lại năng lượng, để đi và trải nghiệm cuộc sống rộng lớn thật sự ngoài kia.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, máy móc đã giúp chúng ta rút bớt công sức và hiểu biết tối thiểu về nhiếp ảnh hơn các thế hệ ngày xưa rất nhiều mà vẫn có một bức ảnh du lịch “đẹp”. Dù vậy mỗi câu chuyện đều có hai mặt, mỗi tiện ích đều có những mặt trái mà ta phải thỏa hiệp. Sự dễ dàng về máy móc khiến những người khách du lịch dựa dẫm vào công nghệ nhiều hơn, ít tìm hiểu hơn nên tôi nghĩ chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm nhất định của cá nhân mình sẽ có thể giúp ích bạn trong mỗi chuyến du lịch sắp tới.

Lễ hội ăn chay ở Phuket, Thái Lan là một sự kiện thường niên diễn ra trong tháng Chín âm lịch. Người Thái tin rằng lễ hội ăn chay cùng với những nghi thức thiêng liêng của nó sẽ ban phát may mắn cho những người tuân thủ nghi lễ này. Trong suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, các tín đồ thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ảnh Buchachon
Lễ hội ăn chay ở Phuket, Thái Lan là một sự kiện thường niên diễn ra trong tháng Chín âm lịch. Người Thái tin rằng lễ hội ăn chay cùng với những nghi thức thiêng liêng của nó sẽ ban phát may mắn cho những người tuân thủ nghi lễ này. Trong suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, các tín đồ thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ảnh Buchachon.

Trước khi bắt đầu bài viết tôi chỉ muốn nhắc bạn hai điều:

– Hãy tận hưởng chuyến du lịch của mình hơn những bức ảnh định, đã và đang chụp. Hãy biết “Bỏ máy ảnh xuống và đi” đúng lúc đúng chỗ vì chẳng có bức ảnh nào, dù đẹp tuyệt tác đến đâu có thể sánh được với những hình ảnh đẹp đẽ, những trải nghiệm khó quên hằn sâu trong tâm trí và trái tim chúng ta. Hội chứng thể hiện “Tôi đã ở đây” của những con người hiện đại đã bước vào một giai đoạn khó chữa khi những người khách du lịch nhìn nhưng chẳng ngắm những gì mình chụp, đánh vần nhưng chẳng đọc những gì người viết mà chụp lia lịa với tâm lý để dành đến khi về nhà xem lại ảnh.

– Không ai có quyền nói đốp vào mặt bạn “Cảnh đẹp mà chụp xấu thế” cho dù thật lòng những tấm ảnh đó có xấu thật. Bạn cũng chẳng cần phải so sánh với những tấm ảnh bóng loáng của ai đó vì chẳng ảnh nào đẹp như nhìn bằng đôi mắt con người. Những ký ức và kỷ niệm cá nhân tự thân nó đã đẹp với mỗi người vì chứa đựng những cảm xúc tại chỗ, những câu chuyện bên lề, mùi vị của rừng, âm thanh của sóng biển, cảm giác gió mơn man da thịt… Những thứ đó người khác sẽ không bao giờ hiểu.

Grande Canale. Ảnh: Daniel Viñé Garcia
Grande Canale, Venice, Ý. Ảnh: Daniel Viñé Garcia

1. Thông tin/Kế hoạch

Ở thời đại này, thông tin là vàng bạc bất kể là làm gì. Tôi không tin vào sự ngẫu hứng và ngẫu nhiên, ừ thì có thể sau khi đến chỗ này chỗ kia thì đôi lúc phải tùy cơ ứng biến nhưng không thể nào đến một nơi mà chẳng biết gì về nơi đó. Sự bất cẩn và không kế hoạch có thể làm tôi vui, bất ngờ một lần, hai lần nhưng chẳng thể giúp tôi mãi. Bản thân tôi vẫn trung thành với một quyển sổ tay bé và cũ kĩ chứ không dùng smartphone để lưu mọi thứ vào đấy, đơn giản là sở thích chứ không có gì đặc biệt hay hoài cổ, không thích thì bạn có thể dùng điện thoại – chẳng quan trọng. Tôi quan niệm mình đi lữ hành chứ không phải đi du lịch, vì thế nên những thông tin thu thập được từ trước sẽ giúp tôi lên kế hoạch được cụ thể nhất, tiết kiệm thời gian và có nhiều góc nhìn hay về nơi mình sắp đến, để hành xử giống những người bản xứ.

Thời tiết (mưa nắng, nhiệt độ, giờ mặt trời mọc và lặn…), giờ giấc tàu xe, bản đồ/GPS, những địa điểm và góc đẹp mà không quá đông khách du lịch, ngày mở cửa của chợ và lễ hội bản địa, những quán ăn và góc phố mang lại không khí và hương vị đặc trưng những người dân ở đó hay tìm đến là những thứ không thể không tra cứu. Bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin nên vấn đề này vừa dễ mà lại khó. Dễ là lên google, blog, sách hướng dẫn du lịch, tạp chí, hỏi bạn bè… là không thiếu, khó ở chỗ thông tin nhiều nguồn thì cần phải kiểm chứng và đón nhận với một con mắt và đôi tai mở to, tham khảo thêm nhiều chỗ khác nếu không muốn bị vỡ kế hoạch. Những trang uy tín mà tôi hay tham khảo như Tripadvisor, Fodors, Lonelyplanet, Hostelworld, Expedia… cũng không phải là ngoại lệ.

Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Stanley Chen Xi http://500px.com/chenxistanley
Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Stanley Chen Xi

2. Đi một mình hay đông người?

Cố gắng kết hợp một chuyến du lịch với gia đình/người yêu/bạn bè với nhiếp ảnh nghiêm túc cực kỳ cực kỳ không đơn giản – ngoại trừ những tour du lịch ảnh gồm toàn những người chụp ảnh. Nhiếp ảnh cần thời gian và ánh sáng, cần khoảnh khắc ở đúng chỗ đúng lúc nên đôi khi chỉ một vài phút cũng có thể làm nên sự khác biệt. Về vấn đề này thì những người đồng hành có thể sẽ không cảm thông với chúng ta nếu họ chẳng quan tâm đến ảnh lắm. Vậy chả nhẽ chỉ có đi một mình mới chụp được thật sự tử tế?

Từ đáy lòng mình tôi rất muốn nói là đúng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm những kẻ anti-social để rong ruổi một mình khắp nơi mọi chốn. Tuy nhiên với những thông tin và kế hoạch mà ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng ở trên thì kể cả có đi đông người thì vẫn phần nào tối ưu hóa được những mục tiêu của mình trong hoàn cảnh hạn chế mà thời gian cho phép. Ví dụ như đến một thành phố có ngọn đồi/tháp/đài quan sát trên cao ngắm xuống toàn cảnh thành phố rất đẹp, tôi sẽ tra trước xem nơi đó đóng mở cửa lúc mấy giờ, ánh sáng lúc hoàng hôn, bình minh hay giữa trưa là đẹp nhất để sắp xếp vào lịch trình và shotlist sẵn có (chụp những gì, ở đâu, mấy giờ, theo thứ tự nào…), tránh việc đến đó ngẫu hứng rồi thấy không đẹp lại phải quay lại vào lúc khác.

Một lời khuyên nữa để tiết kiệm thời gian là hãy huấn luyện những kỹ thuật mình định dùng một cách hoàn hảo sẵn ở nhà, đừng coi thường những kiến thức cơ bản hay quyển hướng dẫn sử dụng máy! Theo kinh nghiệm của tôi thì không nên thử những kỹ thuật hay máy mới chưa dùng bao giờ. Đến lúc cần chụp mới lôi máy ra loay hoay vọc vạch vừa làm chúng ta mất thời gian vừa bỏ lỡ những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong một cái chớp mắt.

Pushkar, Ấn Độ. Ảnh: Ali Al-Zaidi
Pushkar, Ấn Độ. Ảnh: Ali Al-Zaidi

3. Máy ảnh

Câu hỏi muôn thuở được đặt ra là nên mang máy gì đi du lịch: máy ảnh DSLR, máy kỹ thuật số point-and-shot, hay đơn giản là điện thoại? Thậm chí là máy phim?
Tất nhiên với những người dùng bình thường chưa có nhiều kinh nghiệm thì các cửa hàng máy ảnh hay shop online có thể gây choáng ngợp vì sự đa dạng và số lượng bởi có quá nhiều mẫu mã, thương hiệu và tỉ loại máy khác nhau. Hơn nữa các nhà sản xuất máy ảnh lớn như Nikon, Canon, Pentax, Sony, Panasonic, Samsung… liên tục sản xuất các dòng máy mới khiến số lượng máy ảnh trên thị trường càng phình to một cách khổng lồ.

Thực ra bạn đừng quá lo về vấn đề này vì công nghệ kỹ thuật đã chạm đến giai đoạn mà sẽ không có quá nhiều đột phá quá lớn như ngày xưa nữa. Bản thân tôi đã dùng qua nhiều máy và ống kính nhưng mua thì từ lúc đến với nhiếp ảnh cho đến giờ mới chỉ có hai –  thuê và mượn là hai cách dùng thử và so sánh thiết bị rất tốt thay vì mua đi bán lại mất nhiều công sức và thời gian. Tựu chung lại chúng ta có 7 lựa chọn chính (không kể máy phim): máy ảnh DSLR, máy kỹ thuật số point-and-shot, bridge camera, máy Four-third, máy mirrorless, điện thoại/máy tính bảng và máy rangefinder. Đi sâu vào phân tích từng loại máy tôi sẽ hẹn các bạn một dịp khác, còn trong phạm vi bài này tôi sẽ chỉ lướt qua những ưu và nhược điểm của từng dòng máy khi chụp ảnh du lịch.

Bạn sẽ chọn máy ảnh DSLR, point-and-shoot (PnS) hay Mirrorless?
Bạn sẽ chọn máy ảnh point-and-shoot, DSLR hay Mirrorless?

Hàng ngày tôi nhận được khá nhiều tin nhắn xin tư vấn mua máy. Nếu chỉ hỏi chung chung thì thật sự rất khó để tư vấn vì không hề có một công thức duy nhất nào cho việc chọn mua máy ảnh nói chung và mua máy để đi du lịch nói riêng. Có những câu hỏi mà bạn phải tự đặt ra và tự mình trả lời như:

– Kinh phí tối đa bao nhiêu tiền?
– Bạn định/thích chụp gì? Ảnh du lịch lưu niệm? Ảnh phong cảnh? Đường phố? Chân dung? Côn trùng hoa lá?
– Mục đích của ảnh: chỉ để lưu trên máy hoặc in cỡ bé hay in to treo tường? Cá nhân hay đăng báo, bán ảnh?
– Bạn muốn mình được kiểm soát bao nhiêu % quá trình máy chụp?
– Bạn có thích chỉnh sửa hậu kỳ, nhiều hay ít?
– Chuyến đi này ưu tiên chụp ảnh hay đi chơi nghỉ ngơi tận hưởng là chính?
….

Máy ảnh point-and-shoot cực kỳ nhiều mẫu mã cho bạn lựa chọn.
Số lượng máy ảnh point-and-shoot có khả năng gây hoa mắt chóng mặt cho những người mới mua máy lần đầu.

Máy ảnh point-and-shoot (dân ta còn hay gọi là máy kỹ thuật số) hẳn là một lựa chọn đầu tiên nảy ra trong đầu những người thích du lịch gọn nhẹ và “không chuyên” về ảnh. Chính vì có cảm biến nhỏ và ống kính gắn chặt với thân máy nên các hãng sản xuất có thể tùy biến thiết kế rất đa dạng và sáng tạo – ưu tiên càng mỏng càng dẹt càng tốt. Ưu điểm: nhiều mẫu mã đáp ứng đủ các nhu cầu từ ít tiền cho tới nhiều tiền, cực kỳ dễ sử dụng, không cần phụ kiện đi kèm, nhỏ nhẹ, chụp ảnh không phát ra tiếng động, có quay video, thậm chí dùng làm backup cho máy chính cũng khá tốt. Nhược điểm: pin không dùng được quá lâu nhất là khi sử dụng màn hình xem ảnh nhiều, không thay được ống kính và ống kính mặc định của những dòng máy rẻ tiền thường chất lượng cũng rất kém, không xóa phông được, đôi khi lấy bố cục không chính xác do không ngắm trực tiếp qua ống kính, thời gian trễ từ lúc bấm máy cho đến khi ảnh được chụp, chất lượng hình ảnh kém và nhiễu khi ánh sáng yếu, khó chụp chủ thể chuyển động…. Nói vậy thôi chứ những máy point-and-shoot cấp cao (giá hơn 500$ và có thể lên đến 1500$) của Canon nói riêng và một số hãng khác nói chung cũng không hề tệ chút nào.

Loại máy ảnh thứ hai là bridge camera. Đây là loại máy trông thì cứ tưởng là một chiếc DSLR be bé, nhưng không có ống ngắm quang học mà dùng ống ngắm điện tử và kích thước cảm biến thì chẳng khác gì một chiếc point-and-shoot (nói một cách nôm na dễ hiểu thì một chiếc máy ảnh có kích thước cảm biến càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng tốt).
Ưu điểm: có nhiều chức năng tương đồng một chiếc DSLR trung cấp, ống kính có zoom quang học khá mạnh, nhỏ nhẹ hơn DSLR, có quay video. Nhược điểm: kích thước cảm biến chỉ bằng máy point-and-shoot, không thay được ống kính, không có ống ngắm quang học, màn hình có độ phân giải thấp, khó lấy nét bằng tay, tốn pin, màn hình điện tử làm nóng cảm biến khiến ảnh có nguy cơ bị nhiễu hơn một khi dùng trong thời gian dài không nghỉ. Đây là loại máy tôi không thật sự khuyên bạn nên mua vì cái sự nửa mùa của nó.

Ống kính cho các dòng máy DSLR cực kỳ nhiều và đa dạng!
Ống kính cho các dòng máy DSLR cực kỳ nhiều và đa dạng!

DSLR
Ngày xưa những chiếc máy phim thay được ống kính được gọi là SLR, từ khi giai đoạn kỹ thuật số bùng nổ thì DSLR (D ở đây là viết tắt của Digital: kỹ thuật số) đã gần như chiếm lĩnh vị trí của những gã tiền nhiệm. Đây là một loại máy ảnh rất mạnh mẽ, linh hoạt và đa năng, nhất là trong những hoàn cảnh ánh sáng xấu và khắc nghiệt hơn ta mới thấy rõ được tầm quan trọng của nó. Tuy vậy không phải cứ có nhiều tiền là đâm đầu vào mua những chiếc máy càng đắt càng tốt, như thế thì chẳng khác nào những gã trưởng giả học làm sang. Đây chính là phần quan trọng của việc hiểu biết thiết bị – hiểu để mua một cách thông minh chứ không phải hiểu để suốt ngày đổi máy nâng cấp với hy vọng ảnh mình chụp sẽ đẹp hơn nhờ máy xịn.

Ưu điểm của DSLR thì quá nhiều: đủ các chế độ chụp từ hoàn toàn tự động đến hoàn toàn chỉnh bằng tay tùy người dùng lựa chọn, hệ thống ống kính phong phú và thay đổi dễ dàng (sử dụng được cả ống kính của các máy phim ngày trước), bộ nhớ lớn giúp giảm thiểu trễ hình đến mức tối thiểu, đa phần có đèn đi kèm máy, đa phần có hệ thống đo sáng thông minh và lấy nét tự động cho ống kính, chụp được RAW, cảm biến lớn, nhạy sáng và bao quát dải màu rộng, hệ thống có thể thay thế và nâng cấp đơn giản, nhiều mẫu mã với nhiều mức giá phù hợp với khách hàng có kinh phí từ cao đến thấp, pin có thời gian sử dụng dài, máy bền hơn. Có thể nhìn trên màn hình LCD bé một bức ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng hoàn hảo sẽ không thấy sự khác biệt quá lớn với máy point-and-shoot hay thậm chí là điện thoại, nhưng đến lúc phóng và in ảnh to hay chụp trong ánh sáng yếu ta mới hiểu vì sao người ta vẫn mua DSLR.

Đương nhiên đồng xu nào cũng có hai mặt, đi kèm với những tính năng tuyệt vời trên là cũng không ít nhiêu khê như to, nặng không thích hợp với việc đi du lịch. Hãy tưởng tượng bạn phải đi bộ cả ngày với một chiếc máy nặng hai cân trên tay, nếu yếu và không quen đến cuối ngày bạn sẽ muốn vứt quách nó đi đấy (cá nhân tôi thì lại thích cầm máy càng đầm càng nặng). DSLR cũng đắt hơn những dòng máy khác có độ phân giải ngang bằng và khó sử dụng, đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm để ra một bức ảnh đẹp. Cưỡi một con ngựa hoang chẳng bao giờ dễ cả, nhưng một khi ta thuần được nó phần thưởng sẽ rất xứng đáng.

So sánh sự khác nhau về cấu tạo của máy ảnh mirrorless (không có gương lật) và máy ảnh DSLR.
So sánh sự khác nhau về cấu tạo của máy ảnh mirrorless (không có gương lật) và máy ảnh DSLR.

Micro Four Third và Mirrorless (máy ảnh không gương lật)

Vào thời điểm trước năm 2008 làn sóng điện thoại di động khiến người ta muốn phát triển một loại máy ảnh có kích thước nhỏ gọn hơn DSLR mà vẫn giữ được chất lượng chứ không tệ hại như point-and-shoot, hai hãng Panasonic và Olympus đã phát triển ra một dòng máy mới với tên gọi Micro Four Third thay được ống kính với kích thước cảm biến bằng 1/3 cảm biến của DSLR (và gấp gần 10 lần kích thước cảm biến của PnS). Nhờ loại bỏ gương lật nên Micro Four Third có kích thước nhỏ gọn hơn DSLR nhiều mà chất lượng ảnh vẫn khá tốt. Sau đó Sony cũng phát triển theo hướng tương tự và cho ra đời dòng máy mirrorless với kích thước ngang bằng DSLR!

Nói đến đây chắc hẳn bạn sẽ nghĩ vừa nhỏ như PnS chất lượng lại tốt thì để quách DSLR ở nhà cho khỏe. Không hẳn, như tôi đã nói ở trên thì không có một công thức chung nhất nào cho việc chọn mua máy, so sánh cái nào tốt hơn cái nào cũng chẳng khác nào bảo táo ngon hơn lê. Bạn phải biết mình cần gì, muốn gì và mỗi loại máy đáp ứng được bao nhiêu phần trăm cái nhu cầu đó. Một, máy mirrorless ít lựa chọn về ống kính (và đắt) hơn ống kính của DSLR. Hai, pin của mirrorless dùng được ngắn hơn, độ trễ màn trập cũng lâu hơn, ống ngắm điện tử không hoàn toàn chính xác như DSLR. Ba, nếu bạn định chụp thể thao hay những gì chuyển động nhanh trong kỳ nghỉ của mình thì hãy vứt chiếc mirrorless ở nhà, xách DSLR lên và đi. Lời khuyên của tôi: nếu chỉ đơn giản là chụp ảnh lưu niệm gia đình, bạn bè hãy chọn mirrorless và để dành DSLR cho những gì nghiêm túc hơn.

Kỷ nguyên của điện thoại và máy tính bảng.
Kỷ nguyên của điện thoại và máy tính bảng.

Điện thoại/Máy tính bảng

Bất chấp những nhược điểm tệ hại của các thiết bị chụp ảnh di động như điện thoại/máy tính bảng thì chúng vẫn được sử dụng ngày càng phổ biến và ưa thích trong các chuyến du lịch nhờ sự tiện lợi và siêu gọn nhé, đặc biệt là khi chụp ảnh lưu niệm. Nhiều bức ảnh chụp điện thoại bị mang tiếng chất lượng kém cũng chỉ do hạn chế thiết bị một phần, phần nhiều hơn là do những người chụp ảnh bằng điện thoại đã quen với lối “giơ lên, bấm chụp, xong” – đôi khi sự tiện lợi và đơn giản cũng làm con người ta lười suy nghĩ và tìm tòi học hỏi. Hy vọng một số kinh nghiệm dưới đây của cá nhân tôi sẽ giúp bạn tối ưu hóa được việc chụp ảnh du lịch bằng điện thoại:

– Đừng cố gắng chụp trong điều kiện ánh sáng quá tối. Một bức ảnh nhòe nhoẹt cũng chả để làm gì.
– Luôn chỉnh các setting lên mức chất lượng cao nhất.
– Hãy coi điện thoại như một chiếc DSLR.
– Những góc đứng giơ máy ra trước mặt ai cũng chụp mãi rồi. Hãy tìm đến với những góc máy lạ và thú vị hơn, nhất là khi điện thoại nhỏ nhẹ thì chuyện này càng dễ làm.
– Khi cần thiết có thể dùng thêm các ống kính của hãng thứ ba cho Iphone hoặc Smartphone.
– Lại gần chủ thể hơn nữa. Đây là bệnh muôn thuở của những người chụp ảnh nghiệp dư khi lúc nào họ cũng muốn thu hết tất cả mọi thứ vào trong một frame ảnh, để rồi kết thúc là một bức ảnh lãng xẹt với nửa cái tường, nửa cái trần nhà, nửa cái cột… Thêm nữa khi chụp những chủ thể nhỏ, lại gần sát giúp chặn những ánh sáng thừa lọt vào ống kính giúp ta kiểm soát nguồn sáng tốt hơn.
– Crop ảnh chứ đừng zoom. Giả sử trong điện thờ của một nhà thờ có một dòng chữ mà bạn muốn chụp nhưng không thể lại gần. Đa phần những ai có điện thoại có chức năng zoom sẽ zoom lại gần để chụp nguyên dòng chữ ấy cho to. Kết quả là chất lượng ảnh giảm thê thảm vì đây là zoom kỹ thuật số, thay vào đó hãy chụp bình thường và về nhà crop sau.
– Dùng các phần mềm chỉnh ảnh của hãng thứ ba đúng lúc đúng chỗ. Tốt nhất là các phần mềm cho phép chỉnh ảnh nhiều chức năng như Photoshop Express, Snapseed… chứ đừng Instagram vô tội vạ.
– Đôi khi phần mềm chụp ảnh mặc định có sẵn không tốt lắm, hãy tải của các hãng khác về dùng thử và so sánh.
– Đừng có dùng flash trên máy!
– Giữ ống kính máy ảnh trên điện thoại thật sạch.
– Đừng quên những quy tắc cơ bản của nhiếp ảnh về bố cục, màu sắc… như khi chụp bằng máy ảnh.
– Tránh làm cho điện thoại nóng vì một khi cảm biến bị nóng sẽ làm ảnh nhiễu hơn.
– Đừng vội xóa ảnh khi mới chỉ nhìn nó trên màn hình điện thoại.

2048

Chúc may mắn và hẹn các bạn vào kỳ II (và cũng là kỳ cuối).

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.