Chợ Giáng sinh không chỉ có ở Đức, nhưng nói đến chợ Giáng sinh không thể không nhắc đến Đức – vì không ở nơi đâu có nhiều chợ Giáng sinh đẹp rực rỡ như ở đây, cũng không có ở đất nước nào mà người dân yêu mến chợ Giáng sinh như người Đức.
Tuyết tan ngấm từ từ vào đế các đôi giày ướt đẫm, tôi có thể cảm thấy những đầu ngón chân mình đang tê cứng vì lạnh. Những vũng nước xám xịt khắp mặt đất, nhưng những người dân Đức không tránh né – họ dẫm thẳng qua nó. Đồng hồ điểm năm giờ chiều nhưng trời đã tối mịt, cái thời điểm giờ giấc trong năm có thể gây lú lẫn cho cả những người đã sống ở đây cả đời lại là một trong những khoảnh khắc họ ra ngoài đường đông nhất. Vì cái lạnh, cái tối, cái đông đúc đến ngạt thở nó là một phần của cái cảm giác mà người ta muốn trải nghiệm.
Chợ Giáng sinh (tiếng Đức: Weihnachtsmarkt, Christkindlesmarkt) là một phong tục bắt nguồn từ cuối thời Trung cổ (thế kỷ XIV) để bán thức ăn và đồ tiêu dùng mùa đông, trải qua một thời gian dài biến động thì cho đến nay nó đã trở thành một lễ hội văn hóa nổi bật và quan trọng của người dân Đức và một số nước châu Âu khác trong mùa Giáng sinh, như kiểu chợ hoa ngày Tết của Việt Nam. Chỉ có điều, năm nào cũng như năm nào, bất chấp thời tiết người dân Đức vẫn đi chơi chợ Giáng sinh đông như trẩy hội.
Ở những thành phố bé thì Chợ Giáng sinh có khi chỉ kéo dài một hai tuần hay chỉ mở trong hai ngày cuối tuần còn đa phần là kéo dài và mở cửa cả ngày đến chín mười giờ tối trong khoảng thời gian bốn năm tuần trước lễ Giáng sinh – giai đoạn này những người theo đạo Thiên chúa gọi là Mùa Vọng (Advent), bắt đầu từ ngày Chủ nhật thứ tư trước lễ Giáng sinh và chấm dứt vào đêm trước lễ Giáng sinh (24.12).
Các chợ Giáng sinh có thể khác nhau về quy mô, độ nổi tiếng và thời gian mở cửa chứ còn lại khá giống nhau với nhiều gian hàng dựng từ nhà gỗ bao quanh một địa điểm di tích văn hóa đặc trưng của thành phố đó. Trong thời gian này những quảng trường trung tâm, các khu phố cổ dành cho người đi bộ hay gần nhà thờ lớn (Dom) đều bừng sáng ánh đèn rực rỡ, nhộn nhịp khách đến khuya và đượm mùi rượu vang hâm nóng (Glühwein) cũng như bánh kẹo đồ ăn thơm phức. Glühwein rất đơn giản ai cũng làm được nhưng họ ra ngoài uống để lấy không khí, vang đỏ nấu chung với Hồi, Quế, Đinh Hương và đường, đôi khi có thêm vài lát cam xắt mỏng. Một trong những biến thể của Glühwein là Feuerzangenbowle khi trên nóc nồi Glühwein có gác thêm một cái giá, người bán để lên giá một cục đường cực lớn, đổ rượu Rum lên rồi đốt. Đường + Ruhm chảy xuống nồi, hoà với rượu là có Feuerzangenbowle.
Đến đây, bạn như lạc vào một mê cung của những căn nhà gỗ nhìn na ná nhau với nào những người, má ai cũng đỏ hồng vì lạnh và vì rượu. Xa xa là vòng đu quay cho trẻ nhỏ, chúng đòi cha mẹ cho lên đấy chơi cho đến khi mặt mũi tái mét đòi xin xuống vì chóng mặt, rồi gặm bánh Waffel, crepes, kẹo bông đường, đằng kia những chú voi con vẫn bay trong thứ ánh sáng mờ ảo của chạng vạng và hàng nghìn ngọn đèn. Một không khí thật sự mê say, lạc lối, một giấc mơ. Giấc mơ đẹp nhất năm của người Đức, chính vì nó màu nhiệm đến vậy nên dù chợ năm nào cũng giản đơn không có gì thay đổi, người Đức vẫn yêu chợ Giáng sinh của họ thật nhiều. Đi chơi chợ Giáng sinh trước khi đêm 23 về đã trở thành một tập tục, một lễ nghi, một thói quen tinh thần không thể thiếu. Những tâm hồn Đức cần một cái cớ, một dịp nghỉ để làm chậm lại cuộc sống hiện đại chóng mặt, để những gương mặt trở nên gần nhau hơn. Để cho những tâm hồn và niềm vui con trẻ trong thân xác người lớn được đánh thức bởi những ký ức tươi đẹp thuở ấu thơ.
Aachen nơi tôi ở tuy là một thành phố bé nhỏ với 300 nghìn dân và chủ yếu là sinh viên (đại học RWTH Aachen là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu nước Đức với gần 40 nghìn sinh viên) nhưng đây cũng là một thành phố đẹp cổ kính chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử và di tích văn hóa có giá trị. Vì vậy nên khá dễ hiểu khi chợ Giáng sinh Aachen cũng là một trong những chợ Giáng sinh lớn nhất ở Đức với khoảng 150 gian hàng, dự kiến tiếp đón 1,5 triệu lượt khách du lịch từ khắp châu Âu trong bốn tuần này.
Chợ Giáng sinh ở Đức không chỉ thu hút khách du lịch từ khắp các châu lục về đây mà còn là một món hàng xuất khẩu đi cả thế giới: ví dụ như ở Birmingham (Anh) lần đầu tiên xuất hiện chợ Giáng sinh Frankfurt năm 1997 như một hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai thành phố. Ở đó người Anh có thể uống Glühwein, xúc xích và bia Đức. Hay ở Sapporo (Nhật), Ả Rập Xê-Út… người ta cũng có thể nếm trải thử cái không khí Giáng sinh nước Đức – có lẽ toàn cầu hóa cũng không tệ đến thế.
Ở các chợ Giáng sinh khách dạo chơi có thể ngắm nghía thỏa thích vô vàn những thứ đồ trang trí nhà cửa, cây Giáng sinh, đồ chơi, trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ, vòng hoa Giáng sinh treo cửa đủ màu sắc kích thước cho đến các loại bánh đặc sản từng vùng: Printen (bánh mật gừng Aachen), bánh mật gừng Nürnberg, Marzipanbrot (bánh hạnh nhân), bánh Dominostein bọc sô-cô-la… Mọi người ai cũng đến đây vài lần cùng bạn bè, gia đình, người yêu, đồng nghiệp để uống bia, uống Glühwein, Feuerzangenbowle, rượu trứng (Eierpunsch), nhâm nhi hạt dẻ, ăn bánh kếp hay bánh khoai tây chiên…
Cầm trong tay một chiếc bánh mì xúc xích to bự, xuýt xoa đôi tay thấm lạnh đầu đông và chìm đắm trong không khí ấy, lắng nghe tiếng nhạc, tiếng nói rộn ràng, trò chuyện với bạn bè, ta bỗng thấy rằng cho dù đây là một nơi xa lạ với những con người xa lạ và một thứ tiếng xa lạ thì „khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn“. Ngay cả những người con nước ngoài xa xứ, không theo đạo Thiên chúa cũng cảm nhận được một sự ấm áp yên bình đến lạ, chuẩn bị đón chờ ngày lễ Giáng sinh đang về rất gần…
Ảnh: Anh Tu Nguyen
Ảnh: Anh Tu Nguyen