Chiến hữu trong phòng tạ (kì 2)

Hi vọng qua bài đọc kì trước, độc giả Mann up đã ghi được những qui tắc tối thiểu trong việc đỡ tạ. Còn gì tuyệt vời nếu như cả bạn và chiến hữu đều đang tuân theo chúng. Trong trường hợp đó, xin chúc mừng! Có thể bạn chưa sở hữu body đẹp nhất phòng tập, nhưng một khi được trang bị những kiến thức này, bạn chỉ còn một bước nữa để trở thành “quái thú fitness”. (Vâng, một bước nữa).

Đó là gì ư? Hãy học cách đỡ tạ cho đúng, ít nhất là những bài tập cơ bản. Ý tôi ở đây nói tới cách đứng, cách cầm thanh tạ,… Nói đến đây hẳn có người sẽ bảo: “cái đó ai chẳng biết?”. Phải, đỡ tạ là một phần trong thể hình, tuy bạn sẽ học được nó theo thời gian, nhưng thứ bạn học được đúng hay sai thì có trời mới biết. Hãy nhớ lại xem, có phải tất cả những kiến thức bạn có chỉ là từ việc quan sát qua loa gã đô con bên cạnh và bắt chước theo y hệt? Cách đỡ của bạn có thể đúng, nhưng chưa chắc đã là cách tốt nhất. Hoặc tệ hại hơn là sai nhưng may mắn chưa làm ai chấn thương. Để chắc chắn về cách đỡ tạ của những bài tập cơ bản, hãy theo dõi hết bài viết này.

1. Bench Press

– Hãy luôn đứng phía sau người tập để đảm bảo sự thăng bằng tốt nhất. Tôi từng thấy vài trường hợp đỡ tạ ở phía trước. 50kg vẫn ổn, 60kg hơi mất thăng bằng và tới khi đỡ 80kg, anh ta ngã chúi vào người tập, đừng như vậy!

– Trước khi nâng thanh đòn, hãy hỏi xem họ có muốn giúp đưa thanh tạ ra khỏi giá (lift off), bởi với các giá đỡ tạ thông thường, vị trí thanh đòn thường không phải ở nơi người tập khỏe nhất. Nếu họ cần, hãy cùng đếm ngược 3,2,1 và bắt đầu.

– Đây mới là lúc công việc bắt đầu. Hãy để như sau: một tay đặt trên thanh đòn, một tay đặt dưới thanh đòn. Cách nắm trên có lẽ không phổ biến, nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo giữa sức mạnh – đảm bảo bạn đủ khỏe để nâng cả thanh lên khi cần, và sự an toàn – đảm bảo thanh không rơi vào mặt anh chàng kia.

– Trong suốt cả hiệp, hãy lưu ý không chạm vào thanh tạ khi không cần thiết. (Để định nghĩa thế nào là cần thiết, hãy xem lại bài viết kì trước)

2. Squat
Điểm khác biệt cơ bản của đỡ tạ squat so với bench press đó là khi đỡ bench press, bạn đỡ thanh đòn. Khi đỡ squat, bạn đỡ người tập. Vì vậy hãy lưu ý những điều sau:

– Đừng chủ quan với công việc dỡ thanh đòn khỏi giá. Chủ yếu những tai nạn tôi gặp đều diễn ra lúc này. Hãy giúp họ nếu cần.

– Đặt tay dưới tay người tập, cẳng tay song song với sàn gần với ngực người tập.

– Đảm bảo bạn đứng đủ xa không ngăn khoảng chuyển động của người tập

– Cũng như bench press, không chạm vào người tập khi họ cần.

3. Dumbell Press
Những lời khuyên dưới đây đều có thể áp dụng cho tập vai (Shoulder Press) hay tập ngực (Chest Press)

– Thông thường tai nạn xảy ra ở việc đưa tạ từ đầu gối lên vị trí bắt đầu, hãy cẩn trọng!

– Thậm chí cả khi có người đưa tạ cho bạn, tai nạn vẫn có thể xảy ra: bạn bỏ tay ra khi gã kia còn chưa nắm chắc tay cầm của tạ. Đã có lần tôi suýt trật khớp vai vì vậy.

– Đặt tay ở khuỷu tay. Có vài người muốn bạn nắm cổ tay của họ. Dù đặt tay thế nào hãy luôn nhớ rằng bạn phải giúp họ đưa “lên”, không phải “vào” gần nhau

Bây giờ bạn đã đủ kiến thức, đừng ngần ngại áp dụng và chia sẻ chúng. Biết đâu bạn vừa giúp cho ai đó tránh được một chấn thương nặng. Bạn còn kinh nghiệm đỡ tạ nào muốn chia sẻ với mọi người?

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.