Trong Mann up, người hay đọc những bản thảo của tôi đầu tiên là Lu. Thằng bé nói các bài tôi viết cũng giống như chính hành trình của khổ chủ. Cách tôi bắt đầu một câu chuyện cũng giống ký ức của một người đã chu du hay là “bị” lưu lạc đến rất nhiều nơi rồi kể lại những ký ức đọng lại trong con người của mình. Đôi khi chính bài viết thể hiện cả cảm xúc lẫn tính cách của con người, giống như việc chúng ta cứ tình cờ để lại một phần của mình ở đâu đó mỗi khi dốc lòng cảm nhận.
Buồn cười ở một chỗ. Đó là để nói về những nơi đã từng đi, tôi có thể kể rất chi tiết về những ấn tượng của mình. Nhưng khi nói về Việt Nam, tôi lại… bị lạc. Lạc bởi vì không biết nên bắt đầu từ đâu.
Cuối cùng, tôi lại chọn Sài Gòn để bắt đầu câu chuyện.
Tôi tìm đến một khu tập thể cũ ở trung tâm quận 1, tầng trệt tòa nhà có nhà sách tôi thường hay lui tới. Hay ghê, tập thể cũ ở Hà Nội thì bậc cầu thang “lùn” thấp lè tè, leo lên leo xuống thấy bức bối sao. Tập thể ở Sài Gòn nhiều cái “xịn” lắm, có hẳn thang máy. Tôi thích thang máy hơn thang bộ, cứ thế phăm phăm chọn thang máy. Ở Sài Gòn, khách lạ muốn sử dụng thang máy ở khu tập thể, sẽ phải đóng phí. Phí nhỏ thôi, người thu phí ăn nói cũng lịch sự chừng mực nữa. Tôi đang đà vui vẻ, lại thấy ngừoi thu phí lễ phép, nên lại càng thấy nhà tập thể ở Sài Gòn… có điểm nhấn.
Tôi lọ mọ đến đây để tìm gặp một nghệ sĩ mùi hương và nghe chị “kể về” Đà Lạt, Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Hội An…
Y25 là tên nhà nước hoa Made in Việt Nam do chị Huỳnh Hải Yến, một người có kiến thức và giàu đam mê với mùi hương, sáng lập. Cửa hàng nước hoa Y25 có cơ man nào là những lọ những chai nhỏ xinh, trên mỗi lọ chai viết sẵn một cái tên: Jasmin – nhài, Patchouli – hoắc hương, Cinnamon – quế… Tôi đặc biệt hào hứng và bất ngờ khi biết ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn, có một “phòng thí nghiệm” nhỏ thơm và chủ nhân phòng thí nghiệm đó, nhiệt huyết và bài bản, pha trộn các lọ chai, và sáng tạo nên mùi của những địa danh chúng ta gắn bó. Bộ mùi hương mang tên Y25 Scents of Vietnam, hiện tại có 5 mùi hương, 5 địa danh: Hà Nội, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn.
Biết tôi ở Hà Nội vào, chị chủ rủ tôi thử mùi nơi tôi thấy thân thuộc nhất. Còn tôi, vô thức, chạm vào Đà Lạt. Mùi hương có tên đầy đủ là Matin à Đà Lạt, Buổi Sớm Đà Lạt, một cái tên giản đơn nhưng khiến tôi có cảm tình ngay lập tức. Tôi từng có quãng thời gian gắn bó với Đà Lạt. Lúc đó, chúng tôi thường dậy sớm. Khi đó, thành phố ngập sương, chúng tôi cùng nhau thủng thỉnh đi dạo quanh hồ, hưởng thụ bầu không khí rười rượi trong veo yên bình, chờ đợi tia nắng đầu ngày le lói soi rọi.
Đà Lạt. Thành phố trong sương. Lúc nào cũng lâng lâng vì được mây trời bao bọc nâng niu. Tôi gắn bó với Đà Lạt nhiều lắm. Có thời điểm, một năm, tôi phải về lại Đà Lạt vài ba lần, để cảm nhận và “hưởng thụ” cái lạnh phủ sương; trong veo, thênh thang những yên bình. Tôi dạo thong dong quanh những con đường nhỏ lát đá ngổn ngang, rẽ vào một quán nhỏ khiêm tốn, ăn bát mì Quảng nấu nướng tỉ mẩn kì công, bên cạnh là đĩa rau Đà Lạt tươi mát xắt chỉ đẹp mắt mát lòng. Đôi lúc, tôi phi xe máy quanh những còn đường quanh co dốc lên dốc xuống, đi qua những trường đại học ẩn nấp quanh những khúc cua, hít hà mùi của cây lá ngợp sương, mùi của những hoa trắng thanh tao thảnh thơi sống thản nhiên bên đường.
Tôi xịt Đà Lạt lên da. Và gặp lại cảm xúc của tôi cùng Đà Lạt tôi từng gắn bó. Hương thơm khẽ khàng rượi mát tựa sương sớm trong veo, hòa vào cùng hương gỗ dìu dịu, hương rêu non tươi tắn. Mùi hương giản đơn, các thành phần mùi tách bạch nhưng hòa hợp, đặc biệt gợi hình và gợi màu sắc. Trắng trong veo mát rượi của sương, xanh non của cây lá, sau thêm sắc vàng bụi ánh lên thơm tho tựa nắng sớm đầu ngày. Đó là khi hoa mimosa xuất hiện, phủ sắc hương vàng rộ lên gỗ thông. Tôi đặc biệt thích Matin à Đà Lạt. Hẳn nhiên, người chủ của Buổi Sớm Đà Lạt phải yêu thành phố này lắm nên mới tạo ra được một mùi hương đẹp chân thật, giản đơn và rất Đà Lạt như vậy.
Mùi hương thứ hai tôi muốn thử, là mùi hương duy nhất trong bộ 5 mùi Scents of Vietnam không có tên địa danh cụ thể, nhưng lại đậm cảm xúc hoài cổ, mùi hương La Perle d’Orient, Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tôi đọc tên, thầm nghĩ, Sài Gòn hiện tại có mùi gì? Mùi của những cơ hội rộng mở, những hưởng thụ cuộc sống, mùi phong cách sống hiện đại, mùi của những người trẻ thức thời. Nếu Y25 làm mùi Sài Gòn như vậy, hẳn mùi hương sẽ… thông dụng, Sporty, và… loãng lắm. Vậy, Sài gòn xưa, thời được ưu ái gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông, sẽ thế nào?
Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi ở Sài Gòn. Năm đó tôi… lớp 8. Tự mình đi máy bay bay vào Sài Gòn, ở nhà người quen, tự đi chơi quanh quận 1, rồi lại tự bay về Hà Nội. Với tôi, Sài Gòn của cuối thế kỉ 20 đã rất nhộn nhịp, văn minh, sôi động, và hào hiệp. Hồi đó, tuyệt nhiên không có hiện tượng cướp giật như bây giờ. Thằng bé con nhỏ thó là tôi cứ vừa cầm bản đổ, vừa mò mẫm, vừa lò dò hỏi người Sài Gòn đường hỏi phố hỏi địa danh. Khác với một Hà Nội chảnh chẹ kiêu kì trong mọi chuyện, nhất là chuyện buôn bán, Người Sài Gòn vồn vã vui vẻ, bạn hỏi và người ta trả lời. Lần đầu tiên của tôi với Sài Gòn đã là những ấn tượng tốt đẹp và vồn vã.
Tôi quay lại Sài Gòn sau 8 năm xa cách. Sài Gòn bây giờ đã ở thế kỉ 21. Mắt chữ A mồm chữ O, tôi ngắm nghía một Sài Gòn cựa quậy chuyển mình lớn mạnh hiện đại hơn hẳn Hà Nội, một Sài Gòn đông đúc liên miên tắc đường nhưng vẫn lề thói thẳng thướm không ai chen phần đường của ai. Lần đó, và vô vàn những lần sau đó qua lại Sài Gòn, tôi lúc này đã lớn, không chỉ quanh quẩn quận 1, mà mò mẫm mọi ngóc ngách, kiếm tìm… những quán ăn ngon. Nhiều người thắc mắc, bộ dạng tôi vậy, ham ăn ham chơi, sao không chọn Sài Gòn để sinh sống, mà lại cứ bám víu lấy một Hà Nội phố cổ bảo thủ nề nếp? Tối nói tôi yêu Sài Gòn, nhưng tôi không thể xa Hà Nội.
Sài Gòn khiến tôi gợi nhớ mạnh đến Hồng Kông. Cả hai nơi đều sặc sỡ rực rỡ. Cả hai nơi đều đông đúc nhộn nhịp quá tải. Cả hai nơi đều dường như không ngủ về đêm, càng về đêm càng “sáng”. Nếu Hồng Kông là nơi ngập ngụa mùi đủ loại đồ ăn, Sài Gòn, thật may, thoáng đãng hơn nhiều. Dạo gần đây, tôi bớt thói quen di chuyển bằng xe máy – ô tô ở Sài Gòn, một phần vì tôi ghét tắc đường, “đặc sản” không thể thiếu ở Sài Gòn, phần khác là tôi thích đi bộ.
Le Perrle d’Orient trên da tôi khá… hoài cổ, điệu đàng, đậm mùi son phấn, sau xuất hiện mùi thảo mộc trầm ấm dễ chịu. Mùi hương có lẽ nữ tính và thanh lịch nhất trong series Scents of Vietnam. Sau khoảng 20 phút, ngửi lại trên da, mùi hương bớt tung tẩy son phấn, dần đằm mùi, trở nên dịu dàng. Tuy nhiên, mùi thảo mộc vẫn phảng phất đó, giờ rõ nét hơn. Thật lạ, tôi ngửi ra mùi lá mùi the ấm đặc trưng Tết nhất Hà Nội quyện cùng hương hoa giờ trở nên khẽ khàng ve vuốt. Sài Gòn không phải là mùi phù hợp với phần đồng người trẻ sống gấp. Bạn cần điềm tĩnh để “hưởng thụ” một Sài Gòn đượm son đỏ tươi thôi thúc nóng hổi lúc đầu, rồi dần trở nên đằm thắm nhẹ nhõm lúc sau, cuối cùng thỏ thẻ ngoan hiền hòa hợp trên da thịt.
Sài Gòn dịu dàng nồng nàn quá, tôi cần một mùi hương trẻ trung chút để kéo bản thân về lại thực tại. Tôi thử tiếp La Mer de Nha Trang, Biển Nha Trang. Tôi bị ác cảm với các mùi hương liên quan đến nước nôi đại dương này kia. Các mùi dạng này, lúc nào cũng the the man mát lại… tanh tanh. Na ná nhau đến chán nản. Thử xem xem Biển Nha Trang có khác các mùi thông dụng đính chữ Aqua với Ocean của BVL hay Davidoff không nào…
Mở đầu của La Mer de Nha Trang, thật may mắn, không mang hơi hướng biển cả the mát giản đơn mà chúng ta vẫn thường gặp ở các mùi hương hiện tại thông dụng. Biển Nha Trang sạch, an lành, khô, thoảng hoa, tựa cơn gió nhẹ. Thú thực, tôi không kì vọng ở mùi Biển Nha Trang, lý do, tôi đã nêu. Tuy nhiên, đây là mùi hương khiến tôi mỉm cười. La Mer de Nha Trang chủ điểm hoa dịu nhẹ, róc rách tựa nước, khiến tôi nhớ đến các mùi hương chủ điểm tháng 5 hoa lan chuông ở Pháp. Xuống mùi, La Mer de Nha Trang nhẹ dần hoa, rõ vị muối mặn dìu dịu. Mùi hương khô, mát,đằm lại trên da. Ngửi Biển Nha Trang, tôi nhớ lại một Nha Trang không phải tụ điểm check – in dày đặc khách du lịch, mà là một vùng biển trong văn vắt vắng vẻ yên bình rộng lớn. Người yêu biển thảnh thơi ngồi bên bờ đá cao. Ngắm biển. Và những cơn gió. Khẽ khàng. Dạt dào.
Tôi để dành Hội An và Hà Nội sau cùng. Đơn giản, tôi nhận thấy Hội An và Hà Nội có nhiều điểm tương đồng. Tôi gắn bó với hai nơi này nhất.
Trong tôi, Hội An nhỏ bé có một vị trí đặc biệt quan trọng, không đổi thay. Tôi lượn lờ các khu phố cổ bên Nhật, rồi các con phố cổ bên Anh, bên Pháp, rồi về lại Hồng Kông, Malaysia… Chẳng nơi nào đem lại cho tôi cảm giác riêng biệt như Hội An. Bình yên. Thân quen. Gắn bó. Thả mình quanh quẩn những con phố nhỏ mà đi mãi không biết mỏi, đi mãi vẫn không hết những thân thương. Khác với một Hà Nội cầu kì và đa mùi vị, Hội An bốn mùa vẫn thế. Thời gian có xoay chuyển. Hội An vẫn nhỏ bé an nhiên. Hương nhang trầm ngọt dịu phảng phất hòa cùng sắc nắng tươi sáng êm đềm ấp ôm lấy khu phố cổ bình yên.
Mới đầu, tôi tính kể bạn nghe về Hà Nội thông qua những mùi hương tự nhiên tôi ngửi thấy vào mỗi mùa trong năm. Là người sinh ra ở Hà Nội, sống nơi phố cổ, đi Đông đi Tây phù phiếm khắp nơi, cuối cùng, tôi vẫn không thể xa rời Hà Nội. Hà Nội khác mọi nơi khác. Hà Nội mùa nào thức nấy, giờ nào món ấy, mỗi khoảng thời gian là một mùi hương mặc định không thay đổi. Bao năm rồi vẫn thế. Mùa hè của hoa bàng, hoa xoan. Mùa thu của hoa sữa. Mùa đông của những cái lạnh tê tái. Mùa xuân của những cỏ cây hồi sinh. Hà Nội 4 mùa nên tâm trạng con người ta cũng rối rắm phức tạp tựa thời tiết vậy. Thay đổi như chong chóng và rất khó kìm nắm đoán biết. Nếu hỏi tôi ở Hà Nội đi ngửi nước hoa có gì vui, tôi… câm nín, bởi bản thân Hà Nội đã giàu sắc hương.
Tôi thử Hội An Deja Vu. Deja Vu ám chỉ một hiện tượng tâm lý, giải thích thì dông dài lắm, trong các bài viết về mùi hương của tôi, tôi thường nói “xa lạ nhưng thân quen”. Deja Vu là vậy. Hồi ức có thể xảy ra, hay chưa từng có ,nhưng người ta cảm thấy thân thuộc và gắn bó. Hội An có mở đầu khá… già, kĩ lưỡng và hoàn toàn khác với những gì tôi mường tượng và kì vọng. Nếu là tôi cách đây 5- 7 năm, ngay lập tức tôi sẽ chê chí chết mùi hương này can tội ngửi không giống Hội An mà tôi mặc định. Hội An Deja Vu là mái ngói rêu phong, là những cột kèo gỗ vững chãi ám mùi thời gian xưa cũ. Có thể nhận định, đây là mùi hương trầm nhất trong 5 mùi Scents of Vietnam. Hội An ngửi tĩnh,hướng nội, giàu mùi gỗ và thảo dược. Ngửi mùi hương, tôi thấy mình về lại Hội An yên bình, lang thang trong một căn nhà cổ yên ắng, sực mùi gỗ sậm màu lâu năm, sâu hun hút phía trong là góc sân khoảng trời giữa trưa nắng soi rọi.
Cuối cùng, tôi về lại Hà Nội. Hà Nội sắp lập thu. Tôi vẫn thường “xui” bạn bè ở xa nên thăm thú Hà Nội khi thu sang. Đây là khoảng thời gian Hà Nội đẹp và thơm lạ lẫm. Cái thơm tho dễ thích thú của tiết trời dịu mát kết hợp với đủ loại lá loại hoa đặc trưng của riêng Hà Nội, chỉ ở Hà Nội ngửi mới thấy thơm. Thu Hà Nội, hay L’Automne de Hà Nội (tạm gọi) là mùi hương cuối trong bộ mùi Scents of Vietnam. Hà Nội có nét yên bình thoáng đãng ở phần mở đầu. The sắc tựa sớm thu. Se mát trong lành. Tôi đoán mùi hương là sự kết hợp đầy vui thú và vừa vặn của hương hoa kèm gỗ. Hoa gì? Tôi vẫn đang phấn khích hít hà và… phân tích. Còn gỗ? Tôi đoán là đàn hương, bởi tôi nhận thấy hương gỗ thơm trong trẻo ngậy sữa rõ nịnh mũi. Tiếp, vị hoa thanh thoát the khô dễ chịu, rất có thể là magnolia, hay mộc lan, hòa cùng hương quế ấm áp. Đây là điểm nhấn thú vị khiến Thu Hà Nội trở nên đáng yêu và đáng nhớ. Mùi hương dần trở nên ngọt ngào. Cái ngọt không từ va ni hay ca cao hay đường. Vị ngọt hợp lý dễ chịu có lẽ từ nhựa hương, dung hòa mọi sắc hoa hương gỗ cùng gia vị, Thu Hà Nội chính thức xuống mùi. Mùi hương đẹp, cầu kì nhưng không đỏm dáng, các lớp hương gối lên nhau hài hòa hòa hợp, khiến chủ nhân mùi hương không khỏi hít hà… Có lẽ, kẻ chung tình tôi sẽ bớt yêu Đà Lạt chút, và chọn yêu Hà Nội hơn cả.
Tóm lại, 5 địa danh Việt Nam thân thuộc được Y25 “mã hóa” thành 5 mùi hương – 5 câu chuyện đáng nhớ. Và không chỉ đáng nhớ, xuyên suốt 5 mùi hương, tôi còn “ngửi” ra sự bình yên mà Y25 muốn gửi gắm đến những ai yêu mùi hương, trân trọng những kỉ niệm.