Ảnh do nữ nhiếp ảnh gia Deborah Turbeville chụp cho Vogue Italia tháng Ba, 2012. Người mẫu: Marie Piovesan. Mỗi năm Vogue Italia xuất bản hai Couture Supplement (tiếng Ý là É Alta Moda – nghĩa là high fashion aka. Couture trong tiếng Pháp) đi kèm hai số báo tháng Ba và tháng Chín. Chỉ riêng ấn bản này xem cũng đã đẹp và sướng hơn số báo chính rất nhiều, kể cả về mặt thời trang lẫn nhiếp ảnh.
Thời trang là một thứ chia rẽ con người dữ dội. Ảnh thời trang thì lại càng phân chia mạnh hơn nữa.
Theo những gì tôi quan sát và cả những suy nghĩ ấu trĩ của mình ngày trước thì luôn có những sự hiểu sai nghiêm trọng không những của người bình thường mà ngay cả dân trong nghề về nhiếp ảnh thời trang.
Đúng, bạn hiểu ý tôi rồi đấy – không phải ảnh bất cứ người nổi tiếng nào khoác lên mình những bộ váy hàng hiệu đắt tiền hay các hót gơn õng ẹo tạo dáng trên phố với cùng một kiểu mặt đơ đơ cũng là ảnh thời trang. Không, ảnh lookbook, catalogue hay runaway tôi cũng không coi là ảnh thời trang. Và sâu xa hơn, không phải cứ ảnh chân dung với một bộ quần áo đẹp, tạo dáng “kiểu fashion” là ảnh thời trang.
Bà nổi tiếng với những bức ảnh thời trang không mang tính thời trang – điều làm nên sự khác biệt giữa những đồng nghiệp nam cùng thời đại. Ở ảnh của Turbeville có một cái gì đấy rất tăm tối, buồn những vẫn không che giấu nổi vẻ đẹp gợi cảm lạ lùng của nữ tính. Turbeville đã qua đời ngày 24.10.2013.
Ngôi sao sáng của ảnh thời trang chắc chắn phải là quần áo, tất nhiên cũng có ngoại lệ nhưng ít vì anh phải tài năng vô cùng để khiến người khác có thể công nhận đó là thời trang mà không cảm thấy ngượng mồm. Dù sao thì đây cũng là nguyên nhân thời sơ khai hình thành nên nhiếp ảnh thời trang – một phương tiện để các nhà thiết kế và hãng quần áo bán hàng. Cái thứ hai quan trọng nhất ở ảnh thời trang không thể bàn cãi – là dẫn truyện. Những bộ ảnh editorial fashion tinh túy, đỉnh cao về dẫn truyện, thường bao gồm từ bốn đến mười ảnh có thể khiến bất cứ ai phải đắm đuối say mê không dứt. Ánh sáng, bố cục, màu sắc, phối đồ, chất vải, người mẫu, tạo dáng, dựng cảnh, chủ đề, hậu kỳ, trang điểm, tóc… hàng chục hàng trăm yếu tố góp phần tạo nên cốt truyện và cái hồn thật sự của một bộ ảnh đẳng cấp cao.
Nói một cách khác, một bộ ảnh thời trang xuất sắc sẽ kể được một câu chuyện hay từ những thước quần áo đẹp. Tôi yêu quần áo đẹp vì tôi yêu nghệ thuật và mỗi một tác phẩm của những nhà thiết kế tầm cỡ sáng tạo ra chả khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Phàm đã là nghệ thuật, là cái đẹp thì để ngắm, để yêu một cách vô tư không vẩn đục thế là đủ rồi. Chẳng cần quan tâm lắm đến những gì gọi là trào lưu, xu hướng hay những câu chuyện thừa thãi, vớ vẩn trên cánh gà hay sàn diễn.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, đa phần nhiều bộ editorial xuất sắc có xu hướng xa rời thực tế để thỏa mãn sự sáng tạo tuyệt đối của nghệ sĩ. Nếu họ là những kẻ đã nổi tiếng, có tiền, có lực thì không nói làm gì – còn như tổng biên tập Alexandra Shulman của Vogue UK đã từng nói cân bằng giữa các bộ ảnh editorial và quảng cáo là một chuyện hết sức đau đầu.
“Họ (ám chỉ các khách hàng quảng cáo) sẽ không tự nhiên bỏ ra 100,000$ một năm để nhận được câu trả lời: không nhất thiết phải dùng hết đồ của tôi mà chụp.”
Đời không phải như mơ và những người làm nghệ thuật thực sự đôi khi phải vật lộn, thế nên điều hành các tạp chí thời trang là một ngành kinh doanh chứ không phải nghệ thuật. Nhất là khi vào giai đoạn khó khăn, chẳng ai ngồi không làm ra những bài thơ chẳng ai đọc. Hậu quả nhãn tiền: sáng tạo nghệ thuật bị giới hạn và các bộ ảnh editorial trở nên nhàm chán. Hàng năm có hàng trăm bộ ảnh thời trang ra đời nhưng những gì thực sự truyền cảm hứng thì không nhiều thế nên tôi coi serie bài “Cảm hứng ảnh thời trang” với thời lượng hai đến ba tuần một số như là một nơi ghi lại, một cuốn nhật ký những gì mình thấy tâm đắc nhất.