Năm 1516 Sir Thomas Moore viết ra một cuốn sách bằng tiếng Hy Lạp tên Utopia kể về một hòn đảo biệt lập không tưởng ở biển Đại Tây Dương. Trên hòn đảo này tồn tại một xã hội mơ ước, một nơi không có tư hữu và chủ nghĩa tiền bạc, không phân chia giai cấp, giàu, nghèo, ai cũng lao động và ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Tư tưởng cơ bản nổi bật và có tính chất chủ đạo của More thông qua tác phẩm này cho rằng, nguyên nhân sâu xa của mọi tệ nạn xã hội, của áp bức và bất công trong lòng xã hội tư bản là chế độ tư hữu.
Trải qua nhiều năm tháng, định nghĩa Utopia đã biến đổi nhiều, và chúng ta có thêm Dystopia. Trái ngược với Utopia, thế giới Dystopia trong nhũng 1984 của George Orwell, Brave New World (Aldous Huxley), We của Yevgeny Zamyatin… những giá trị về con người, về tự do và luân lý bị đảo lộn để rồi sự suy tàn là một cái kết không thể tránh khỏi. Thế giới của chúng ta hiện giờ liệu có phải dystopia? Có lẽ không nếu xét trên định nghĩa của những từ ngữ vô tri, nhưng tự do trong xã hội hậu hiện đại của loài người cũng chỉ là một ảo ảnh sáng lấp lánh không hơn không kém.
Còn nếu bạn không tin tôi, hãy đến với Burning Man – lễ hội được tổ chức hàng năm ở sa mạc Black Rock (Nevada, Mỹ). Burning Man bắt đầu vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Tám và kết thúc ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín, cũng trùng hợp là ngày lễ Lao động Mỹ. Đến đây, bất kể bạn là ai, làm gì, bao nhiêu tuổi, quốc tịch nước nào, màu da, giới tính đều không quan trọng. Đến đây, câu đầu tiên họ nói với bạn, súc tích và rắn rỏi nhưng đầy chân thành: “Chào mừng về nhà.”
Nghe có vẻ đơn giản nhưng để giải thích cho người khác hiểu về giá trị và hoạt động của Burning Man cũng như miêu tả màu sắc cho người mù bẩm sinh. Anh sẽ cảm nhận được tinh thần của nó đang hiện hữu trong không trung hoặc là không bao giờ chấp nhận những hành vi có phần nào phản xã hội. Bởi thế Burning Man không dành cho những sắc màu trung tính chấp nhận ba phải.
Rong ruổi khắp những con đường bụi cát hướng đến sa mạc Black Rock, màu sắc ở đây chẳng có gì nhiều ngoài bụi đất trải dài khuất tầm mắt, vài khóm thực vật khô thưa thớt bạc phếch màu và những tảng đá xám bạc nóng rẫy vì nắng như đổ lửa. Vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Tám, 60.000 kẻ tự do và nghệ sĩ đổ về từ khắp mọi nẻo đường nước Mỹ và thế giới về đây, trên những chiếc xe hơi thân thuộc của họ, trên những chiếc RV rộng rãi đủ chỗ cho năm sáu gã trai, trên những chiếc xe tải địa hình hầm hố và tất nhiên không thể thiếu những chiếc xe tự chế với đủ mọi hình thù lạ lẫm như Carneval. Từ con đường cao tốc hai chiều, bánh xe rẽ sang một con đường đất và đi chầm chậm vào khu vực rộng hơn 2000km vuông, một hồ muối khô cạn ngày nay được gọi tên sa mạc Black Rock.
Vào thời kỳ đầu của xã hội hiện đại, khi khoa học công nghệ và những biến chuyển lớn của nhân loại như cuộc Cách mạng Công nghiệp khiến cuộc sống loài người trở nên đơn giản và tiện lợi, tăng năng suất lao động, những kẻ lạc quan đã háo hức nghĩ rằng một kỷ nguyên mới được mở ra: loài người sẽ được giải phóng khỏi lao động, chỉ cần một ngày làm bốn tiếng thay vì tám tiếng như trước kia đã đủ sống. Thời gian còn lại chúng ta có thể chăm lo cho những yếu tố văn hóa, tinh thần, nghệ thuật – tìm hiểu những thứ mình thích và say mê. Tận hưởng vẻ đẹp của thế giới. Nhưng hóa ra họ chẳng biết gì cả. 2014, 100 năm sau cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1871-1914) vẫn chẳng có gì thay đổi nhiều nhặn bất chấp sự tân tiến đến kinh ngạc của khoa học kỹ thuật. Con người vẫn nai lưng ra làm nô lệ cho chính mình để sống còn, để tránh khỏi nợ nần, để có thể đảm đương mọi ham muốn và nhu cầu vật chất.
Nhưng tôi biết đó không phải là quyết định của anh, cũng không phải quyết định của tôi. Đó chỉ là kết quả tất yếu, chồng chất từ hành động của hàng tỉ con người trên quả đất ngày này qua tháng khác. Nếu ở một khu rừng nọ, tất cả cây cối đều đồng ý sẽ chỉ mọc cao mười mét – và mình anh mọc tận 12 mét thì những cây khác sẽ nhận được ít ánh sáng hơn, dĩ nhiên thân chúng phải to ra để có thể hấp thụ nhiều ánh sáng và nước bù lại khoảng cái cây 12 mét đã chiếm mất. Xã hội con người cũng vậy, không có ngoại lệ cho anh và tôi và những ai dám đứng ra ngoài cái vòng phấn tròn luật lệ ấy, bằng không anh sẽ bị cách ly và xã hội thanh trừng, sẽ bị quy vào những kẻ phản xã hội. Xã hội hiện đại là những nhà tù kìm hãm tự do, mọi thứ khác chỉ là một ảo ảnh lấp lánh không hơn không kém. Bạn muốn tự do, vậy để tôi chỉ cho bạn mấy cách:
1. Về một nơi xa cách xã hội hiện đại nơi mọi thứ vẫn chưa mục nát thối ruỗng mà sống.
2. Tiền. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó mua được tự do. Anh có tiền thì anh sẽ có quyền sống theo kiểu mình thích, theo những luật lệ mình đặt ra, bất chấp thiên hạ, đi ngược với đời.
3. Chọn những cách sống và ngành nghề tự do: nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhạc sĩ… Tôi nghĩ những người làm nghệ thuật phần nào vẫn có sự tự do của riêng mình khi so sánh với những con người hàng ngày làm tám tiếng công sở, nhà máy. Họ làm khi mình thích, dậy khi mình mở mắt, ngủ khi mình nhắm mắt. Không ai chi phối quyết định của anh và mọi sự phát triển đều xuất phát từ phạm trù cá nhân. Mạo hiểm rất lớn, nhưng chẳng có sự tự do nào không đi kèm với trách nhiệm và sự liều lĩnh.
4. Tích góp một số vốn nhất định rồi chuyển sang các nước kém phát triển hơn sống. Rất nhiều người phương Tây hiện giờ đang chọn cách sống như vậy.
Sự tự do là vô giá và không dễ kiếm tìm. Đôi khi phải trả một cái giá thật đắt. Mà không phải ai cũng có thể trả giá cao đến vậy – họ còn bận lo lắng với mọi thứ tủn mủn trăm bề cơm áo gạo tiền, gánh nặng gia đình đè nặng nên không khó hiểu khi những cộng đồng dù chỉ mang tính nhất thời như “Burning Man” lại thu hút và khiến người ta yêu mến đến vậy. 400$ cho bảy ngày trải nghiệm sự tự do quên đi sầu não là một cái giá quá rẻ. Và vé thường bán hết từ hai ba tháng trước ngày khai mạc.
Được tổ chức lần đầu tiên năm 1986, trải qua gần 30 năm Burning Man đã trở thành lễ hội đầy tính văn hóa, là sân chơi của các con người sáng tạo và yêu tự do đến từ mọi lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật, khiêu vũ, kiến trúc… Nói một cách đơn giản đến mức xúc phạm tôn chỉ của những người sáng lập: nơi đây có những màn biểu diễn ánh sáng và lửa đầy tính nghệ thuật, những tác phẩm thời trang bắt mắt, những màn biểu diễn múa ma quái và nóng bỏng nhất vào lúc mặt trời lên…
Bạn không phải khách, bạn thuộc về nơi đây. Tất cả mọi người trên thế giới đều được chào đón là điều luật bất thành văn thứ nhất của Burning Man. Bạn chẳng cần phải là thằng sinh viên quái dị hay chơi bời nhất lớp mới có thể ở đây. Bạn không cần phải là một kẻ nghệ sĩ đầy sáng tạo, có khả năng nghĩ ra những thứ chưa ai nghĩ đến mới có thể ở đây. Nhiều con người bình thường đến đây để cùng hít thở chung bầu không khí nghệ thuật đang lan tỏa dưới mắt nhìn theo dõi của hình nộm khổng lồ “The Man” – hình ảnh ẩn dụ cho gã anh cả, kẻ cầm quyền. Và ngắm nhìn nó bị đốt cháy rụi vào ngày gần cuối cùng như để cho tự do ngấm vào da thịt.
Bạn ở đây để học cách sống sót giữa sự khắc nghiệt của tự nhiên – để tìm lại bản năng sinh tồn đã bị xã hội hiện đại bào mòn gọt giũa. Cái nóng 42 độ C ngay dưới mặt trời đổ lửa bóc đi từng chút hơi ẩm cuối cùng khỏi làn da nứt nẻ như mặt đất sa mạc. Chỉ trong vài phút không uống nước cổ họng bạn sẽ gào thét kêu cứu vì rát bỏng. Đến và tự trải nghiệm việc uống nước và đi tiểu cùng một lúc. Nước tiểu trong vắt. Lần cuối cùng bạn nhìn thấy nước tiểu mình trong vắt như thế là khi nào?
Đến đây, mỗi người phải tự mang nước, đồ ăn, quần áo và vật dụng cần thiết như một chuyến phiêu lưu sinh tồn thật sự. Ở đây cấm mang tiền, cấm buôn bán và không nhận quảng cáo như một cách tát vào mặt chủ nghĩa vật chất của xã hội hiện đại. Kể cả bạn có mang tiền cũng vô dụng vì chẳng có cửa hàng nào trong bán kính mấy chục cây số quanh đó cả – đúng như tinh thần của “Burning Man” những ngày đầu thành lập. Bù lại ở đây có những người hoàn toàn xa lạ sẵn sàng cho không mọi thứ mình có: một gã trong bộ đồ phi hành gia quẳng cho lon bia lạnh, một cô gái trẻ viết tặng bạn bài thơ cô ta vừa sáng tác. Trao đổi đồ và tặng quà luôn được khuyến khích tại “Burning Man” – miễn là không đem đỉ đổi lấy thứ khác.
Ở “Burning Man” anh không cần rượu hay chất kích thích, vì tự thân bầu không khí điên cuồng đã là một thứ kích thích mạnh hơn hết cả.
Bạn ở đây để sáng tạo. Vô hạn. Ở đây không có luật lệ, không có tiêu chuẩn hay thanh tra cảnh sát nên hãy cứ để trí tưởng tượng của bản thân được bay bổng. Burning Man khuyến khích các cá nhân tự khám phá, luyện tập, tin tưởng vào các nguồn năng lực bên trong của bản thân. Đấu tranh cho sự công bằng trong một thế giới bất công lệch lạc tận gốc là điều vô ích. Để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn thì phải đập nát hết những tàn dư xấu xí của thế giới cũ. Ở đây là cả một thế giới mới, trống rỗng và thuần khiết để tôi và bạn xây dựng. Những ngôi nhà trứng khổng lồ để tránh nắng và bão cát, những bộ quần áo độc nhất vô nhị, những chiếc xe nửa xuồng nửa thuyền lại có hình dạng khủng long…
Bạn ở đây để trải nghiệm. Để làm những việc bạn sẽ làm lần đầu tiên trong đời. Như mặc váy hay trần truồng không mảnh quần áo đạp xe giữa sa mạc chẳng hạn. Ăn sandwich trong bộ quần áo Darth Vader giữa những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kỳ dì và một khung cảnh siêu thực như tranh của Dali. Hay tìm thấy cô gái mình yêu và làm tình với cô ta điên dại như thể đây là lần đầu, lần duy nhất và cũng lần cuối lúc hoàng hôn khuất bóng, khi bão cát đang lao về mịt mù từ chân trời xa tít tắp không một vật cản?
Bạn ở đây để tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống. Để trụy lạc giữa những chương trình đưa con người về gần với bản năng tự nhiên hoang dã của mình: thiền và yoga khỏa thân, đổi một cái vỗ mông bằng bàn tay đầy mực lấy đồ uống miễn phí hay trại thủ dâm tập thể… Ở đây tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra, vượt lên trên những luân lý giáo điều của xã hội, miễn là không vi phạm luật pháp của bang. Và đỉnh điểm của khoái cảm là đêm thứ bảy đốt hình nộm “The Man”, một hoạt động mang nhiều tính ẩn dụ và tượng trưng cho khát vọng tự do vượt lên mọi áp bức cầm quyền của cá nhân con người. Mọi thứ hiển linh và tái sinh.
Để rồi đến khi tất cả kết thúc, họ lại lên đường trở về với đời thực và không để lại đây bất cứ thứ gì ngoài những dấu chân trên cát.
Mọi thứ được xây cho lễ hội bảy ngày qua đều bị dỡ bỏ, phá hủy và đốt về với cát bụi. Rác và đồ dùng mang đến bao nhiêu thì chở đi bấy nhiêu, các tình nguyện viên sẽ ở lại đây hàng tuần nữa để đảm bảo rằng trạng thái ban đầu của Black Rock được khôi phục. Trong lòng mỗi người đều có một gì đó đổi khác, hành trang của họ thêm nặng trĩu vì tinh thần của một thế giới mới vừa được xây dựng. Những bánh xe lại lăn ra con đường cao tốc quen thuộc, nơi nối liền hai thế giới tưởng gần mà xa vời vợi. Cảm giác như vừa băng qua lớp sương mù dày đặc đến mức ta có thể cảm thấy nước bám trên mặt mình để từ rừng về với đô thị. Cảm giác đồng điệu với những người bạn đồng hành: tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng động cơ, tiếng bánh xe nghiến qua cát khô.
Bạn biết qua thời gian, những hình ảnh rực rỡ ấy sẽ còn nhảy múa và hiện về như những ký ức tươi đẹp nhất: những người bạn, người tình, những người đồng chí hướng. Cuộc phiêu lưu ở Burning Man đã đi đến những hồi kết, để mở ra cho ta một hành trình mới đi vào tương lai.