Với Quyền Anh nghiệp dư (thi đấu 3 hiệp, có mũ bảo hiểm và áo đấu), chiếc huy chương vàng Olympic luôn là điều ao ước, là mục tiêu cao nhất trong thi đấu nghiệp dư, và là chìa khóa mở cánh cửa đến với việc giành được các hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp một cách nhanh nhất.
Từ năm 1904, Quyền Anh có mặt trong đại hội thể thao thế giới Olympic, và từ đó đến nay, boxing ngày một phát triển lớn mạnh, và Olympic là một bước đệm không thể tốt hơn cho các võ sĩ tiến sâu vào con đường Quyền Anh chuyên nghiệp sau này. Vậy chúng ta hãy tạm gác những võ sĩ chuyên nghiệp đỉnh cao sang một bên, bài viết lần này sẽ nói về Quyền Anh nghiệp dư, hay còn gọi là boxing Olympic, một thế giới khác của Quyền Anh nhưng không kém phần hấp dẫn.
Như đã nói, Quyền Anh chia làm 2 thứ bậc, chuyên nghiệp và nghiệp dư. Boxing chuyên nghiệp hướng đến các đai vô địch (WBC, WBA, WBO, IBF…), boxing nghiệp dư hầu hết có mặt trong Olympic, Asiad Games… Các tay đấm nghiệp dư chịu sự quản lí trực tiếp từ Liên Đoàn Quyền Anh Nghiệp Dư Quốc Tế (AIBA), điều này làm cho môn boxing có một sự khá rắc rối trong việc quản lí, vì không thống nhất một tổ chức Quyền Anh chung.
Trở lại với chủ để boxing trong Olympic. Là một võ sĩ boxing, tấm huy chương vàng Olympic là một điều thiêng liêng đặc biệt. Với rất nhiều môn thể thao (Điền Kinh, Bơi Lội, Bắn Súng…) thì Olympic luôn luôn là mục tiêu số 1 trong đời vận động viên. Tuy nhiên, với boxing nó lại khác. Mục tiêu số 1 của các võ sĩ giỏi tại các quốc gia mà Quyền Anh phát triển không phải Olympic, mà là những chiếc đai vô địch của các tổ chức Quyền Anh. Về trường hợp này boxing giống bóng đá, tennis, khi mà mục tiêu của cá đời cầu thủ là World Cup hay các giải Grand Slam. Tuy nhiên, boxing Olympic vẫn có một điều hấp dẫn riêng, khi mà các trận đấu luôn sôi động cùng với việc những võ sĩ đến tranh tài đều là những tay đấm xuất sắc, được lựa chọn rất kĩ từ vòng loại, và từ chính những đất nước có võ sĩ tham dự Olympic.
Ở Olympic, khác biệt duy nhất với Quyền Anh chuyên nghiệp, ngoài trang phục, đó là thời gian. Trong vòng 9 phút trên võ đài, các võ sĩ phải làm sao đấm càng nhiều điểm càng tốt, vì rất khó để K.O trong Olympic và không như chuyên nghiệp, kể cả knockout thì cũng chỉ tính là 1 điểm, và thường chênh lệch điểm quá nhiều mới có knockout kĩ thuật, tức là bị xử thua. Việc rất khó knockout đối thủ cũng là thời gian.Thời gian chỉ bằng ¼ so với boxing chuyên nghiệp, nếu bị dẫn điểm trước thì để cân bằng và vượt lên cần phải tấn công thật nhiều, đó cũng là lí do, với những người đam mê Quyền Anh, đôi khi xem boxing Olympic còn hay hơn cả các tay đấm nổi tiếng thi đấu. Ở Olympic, chỉ với 9 phút, các võ sĩ phải tung hết tất cả mình có ra, những gì rèn luyện hàng năm trời phải sử dụng hết để chiến thắng, chứ không phải có thời gian để thăm dò nhau rồi mới đợi đến hiệp 6, 7 mới thể hiện ra tinh hoa của mình. Boxing nghiệp dư chiến thắng dựa vào điểm. mỗi cú đấm rõ ràng (mặt, bụng phải thật rõ) mới được 1 điểm, và những cú knockout như của Mike Tyson cũng chỉ được tính như vậy, tính từng điểm một, không như chuyên nghiệp tính 1 hiệp ai thắng sẽ được 10 điểm, thua là 9 điểm, trừ một điểm nếu bị knockout hoặc lỗi (còn tuỳ vào tình huống trong hiệp trọng tài sẽ quyết định điểm số, có thể 9-9 hoặc 9-8). Tất nhiên đối thủ nằm luôn thì vẫn điều tuyệt nhất, nhưng với nghiệp dư, có mũ bảo vệ thì việc đó hơi khó. Với một vài đội tuyển boxing ở Việt Nam, các video trận đấu tại Olympic mới luôn là tài liệu để luyện tập chứ không phải các trận đấu chuyên nghiệp, vì rất dễ sai nếu học theo các võ sĩ chuyên nghiệp.
Việc thắng trận chủ yếu tính bằng điểm dẫn đến việc, các võ sĩ phải đấm nhanh, nhiều và né sao cho càng nhiều cú đấm đối thủ càng tốt. Boxing có một câu thành ngữ: ‘’Hit and don’t be hit’’. Tất nhiên, đó là câu nói phổ thông cho hầu hết các môn võ thuật. Trong quyền anh chuyên nghiệp, chuyện chịu đòn, nằm gai nếm mật để đấm ngã đối thủ không phải là hiếm, điển hình là Floyd Mayweather, Jr. Chiến thuật giữ khoảng cách tốt, chờ cơ hội đối phương sơ hở cũng được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên với 9 phút, không thể cò cưa như 5, 7, hay 12 hiệp được, vì thế cần thu gom nhiều điểm số càng nhiều càng tốt, và tất nhiên sẽ làm trận đấu lúc nào cũng sôi động. Những cú đấm của võ sĩ nghiệp dư thường nhanh và chính xác, còn của võ sĩ chuyên nghiệp, ngoài 2 yếu tố trên còn ẩn chứa sức mạnh để knockout đối phương, vì thế mới phải rình rập để đấm và cũng để tránh. Điều này các bạn có thể thấy rõ nhất trong hạng nặng của nghiệp dư và chuyên nghiệp.
Có thể nói cách đánh của Ali, Foreman, Amir Khan, Pacquiao sử dụng tốc độ khá giống với phong cách thi đấu trên sàn Olympic, tốc độ, và chính xác. Còn lối đánh đậm chất chuyên nghiệp tìm thấy ở các tay đấm Nam Mĩ như Marco Maidana hay Saul Alvarez, rình rập và khoảng cách cực tốt, cùng với cú đấm có lực rất mạnh.
Huy chương vàng Olymlic 1960 tại Roma của Ali.
Việc đoạt tấm huy chương vàng Olympic, điều đó chứng tỏ bạn là võ sĩ nghiệp dư xuất sắc nhất trong năm, vì thế việc sẽ được các ông bầu, các công ty tổ chức Quyền Anh mới kí hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp là chuyện rất dễ dàng. Ngày nay, với tấm huy chương vàng Olympic, võ sĩ nghiệp dư sẽ bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp dễ dàng hơn. Tiền bạc và đai vô địch mới là điều các tay đấm xuất sắc hướng tới. Nổi bật có Vasyl Lomachenko 2 lần vô địch Olympic (2008, 2012) đánh 4 trận đã là nhà vô địch hạng Featherweight của WBO. Quá khứ đã chứng kiến hàng loạt các tay đấm đều có huy chương Olympic, tuy không phải làm vàng, nhưng sau này đã trở thành những huyền thoại boxing thế giới. Các cái tên như: Muhammad Ali, George Foreman, Joe Frazier, Sugar Ray Leonard, Lennox Lewis, Evander Holyfied, Wladimir Klitschko, Oscar De La Hoya, Mike Tyson (giải trẻ), Amir Khan, Floyd Mayweather, Jr… đều rất thành công trên con đường Quyền Anh chuyên nghiệp.
Vasyl Lomachenko, 2 lần đoạt huy chương vàng Olympic boxing 2008 và 2014.
Với các quốc gia có nền tảng boxing lâu năm, như Mỹ, Anh, Cuba, Ukraina… thì việc luôn có mặt trong ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thời gian vài năm trở lại đây, các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… luôn là các ứng viên cực sáng giá cho boxing Olympic. Ngày nay, với việc những tay đấm xuất sắc đến từ châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á không chỉ làm cho đấu trường Olympic sôi động mà còn đem đến sự đua tranh gắt gao ở Quyền Anh chuyên nghiệp cho các hạng cân dưới trung. Đặc biệt là Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Kazakhstan là các quốc gia luôn có mặt trong vòng chung kết các kì Olympic gần đây.
Boxing Châu Á đang vươn lên một cách mạnh mẽ trong thời đại mở của Quyền Anh.
Nhìn lại về boxing Việt Nam, chúng ta vẫn là một vùng trũng của boxing thế giới. Lí do vì ở nước chúng ta, boxing không được phổ biến và yêu thích như Muay Thái hay võ tổng hợp, và cũng không phải là môn thế mạnh. Chiếc huy chương tại Olympic vẫn chỉ là ước mơ xa rất xa, khi mà chiếc huy chương Seagames còn là khát khao. Việc không được yêu thích, cùng với nền thể thao không thể đầu tư đầy đủ cho các môn thể thao, mà boxing chúng ta vẫn mãi chỉ lẹt đẹt ở Đông Nam Á, trong khi nước bạn như Thái Lan, Indonesia và Philippines đã có nhà vô địch thế giới, chúng ta còn chưa có một võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp. Vận động viên chúng ta không phải không có tố chất vươn ra quốc tế, chỉ là chưa đủ điều kiện để phát huy hết tất cả tiềm năng. Gần đây nhờ có tấm huy chương tại Asiad của Lừu Thị Duyên mà boxing nước nhà cũng đã quan tâm hơn, nhưng chưa thể đủ.
Nguyễn Văn Hải (áo đỏ) của Công An Nhân Dân vô địch giải Let’s Việt hạng cân 60kg, một trong những giải đấu có chất lượng tốt nhất của boxing Việt Nam những năm gần đây.
Hy vọng một ngày không xa, boxing nước nhà sẽ được đầu tư thật mạnh, khi đó, chúng ta có thể vứt bỏ cái ao làng Seagames mà mơ về huy chương của Olympic.