Boxing – Knock-out!

Cảm ơn bài viết đóng góp của độc giả Iron

KO: viết tắt của knock-out, một từ chuyên môn trong thi đấu võ thuật đối kháng hiện nay. Ý nghĩa thì đơn giản là làm đối phương gục xuống hoặc không thể tiếp tục thì đấu. Còn một từ nữa là TKO (technical knockout) hay gọi là knockout kĩ thuật, được trọng tài, hay huấn luyện viên của đối thủ yêu cầu dừng trận đấu do vận động viên không còn khả năng tiếp tục thi đấu được nữa.

Quay trở với knock-out, chắc chắn đó là điều không chỉ riêng võ sĩ boxing đều muốn làm với đối thủ của mình khi ở trên võ đài, mà với bất kì người võ sĩ nào cũng vậy. Tung ra những cú đấm vào mặt, rồi bụng, sườn; cái cảm giác nhìn đối thủ của mình choáng váng, lảo đảo rồi đổ ầm xuống trong tiếng hò reo của đám đông đang bị kích động là một thứ cảm xúc mạnh mẽ, tự hào, mà như Ali đã nói: đó là sức mạnh của SIÊU NHÂN.

018-muhammad-ali-theredlist

Tôi vẫn nhớ những năm 1985 đến 1988, cái tên Mike Tyson làm những trận đấu quyền anh hạng nặng sôi động, hấp dẫn, nhưng cực hoang phí. Hoang phí ở chỗ người xem đã phải bỏ ra một số tiền lớn mua vé, nhưng những trận đấu chỉ vỏn vẹn có chưa đến hết hiệp một, có khi chỉ vài chục giây. Thế nhưng người ta vẫn cứ đi xem, dù biết là kiểu gì đối thủ của Mike ‘thép’ sẽ không chịu nổi quá 3 hiệp. Đó chính là sự hấp dẫn đặc biệt knock-out đem lại, nhanh gọn, mạnh mẽ, đôi khi là tàn bạo, nói chung là không cần phải dài dòng đẹp mắt, hãy cứ làm thế nào làm cho đối thủ nằm xuống nhanh nhất, đó sẽ là điều khiến người xem chờ đợi nhất. Trong mỗi trận đấu, knock-out là điều mà tất cả đều mong chờ, từ những võ sĩ thi đấu cho đến người hâm mộ, là thứ khẳng định rõ ràng về sự chênh lệch tuyệt đối về trình độ võ thuật cũng như tạo sự ám ảnh với cái gã không may mắn bị đo ván.

draft_lens12503711module113076101photo_1280863133mike-tyson-kos-frank-brun
Với một cú đấm mạnh như thế này, việc khiến đối thủ bật ngửa ra sau và nằm ngay tại chỗ là điều hiển nhiên.

Khi viết đến đây, tôi hẳn rất tò mò rằng bạn đã từng bao giờ bị lĩnh trọn vẹn một cú đấm thẳng vào mặt chưa? Nếu rồi thì chắc bạn sẽ hiểu cảm giác đó, hoặc nếu chưa thì tôi sẽ kể về cái lần đầu tôi bị knock-out. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác đó, là khi tôi đang tấn công, tay trái của tôi để quá thấp, rồi ‘bụp’, cú đấm vòng tay phải của bạn tôi bay thẳng vào mang tai trái, đầu tôi lúc đó chỉ có một tiếng ù ù như cánh quạt, tôi không nghĩ ngợi được gì lúc đó và lảo đảo lùi về phía góc đài với phản xạ tự nhiên là đưa đôi tay thủ lên cao. Đôi mắt thì lờ đờ, hơi thở dốc và gấp gáp, tôi choáng mặc dù đó mới chỉ là một cú đấm. Cú đấm trong boxing, kết hợp đầu đủ sức mạnh cơ bắp, lực cánh tay, độ xoáy theo khớp của vai và cơ, độ cứng của xương tay. Đấy là chưa kể nếu bạn dính đòn, phản lực sinh ra từ cơ thể bạn với nắm đấm, cả lực lao lên của cơ thể…tất cả đều được tính toán một cách khoa học để một khi đã tung ra cú đấm, nó phải hiệu quả nhất.Vậy nên nó rất nguy hiểm nếu bị trúng trực diện. Nhưng các bạn biết đấy, chuyện dính đòn khi thi đấu là không tránh khỏi, nhất là đối kháng. Vậy làm cách nào mà tránh để đối phương K.O?

Không vạm vỡ, nhưng săn chắc như thép, khả năng ra đòn nhanh và chịu đòn cực cao.
Không vạm vỡ, nhưng săn chắc như thép, khả năng ra đòn nhanh và chịu đòn cực cao.

Tất nhiên, điều quan trọng để không bị knock-out là phải ‘tải đòn’ được, bạn phải có một sự lì lợm của cả cơ thể lẫn đầu óc. Khi cơ thể đã mỏi nhừ, đôi tay bạn rã rời như muốn rơi xuống đất, ý chí lúc đó đóng vai trò quan trọng, bắt đôi tay cùng đôi chân phải gồng lên chống đỡ hoặc tấn công tuy nhiên cái đó phụ thuộc vào bản năng mỗi con người. Tôi muốn nói đến cái dễ làm hơn – cơ bắp. Cơ bắp càng chắc khỏe, dẻo dai thì độ lì đòn sẽ càng cao, vì vậy các bài tập giúp cho cơ bắp săn chắc và có độ bền cực tốt sẽ là ưu tiên hàng đầu. Ngoài tập tạ, thì các bài lên xà và cơ bụng đóng vai trò rất quan trọng. Hỡi các chàng trai cơ bắp cuồn cuộn, ngực to và bụng 6 múi, trong số các anh ai có thể kéo được 50 lần xà đơn một lúc, hay dám gồng cơ bụng lên để hlv mình đấm vài trăm phát vào đó? Tôi nghĩ không phải ai tập Fitness lâu năm cũng làm được. Đó chỉ là ví dụ cho sự bền bỉ, khỏe khoắn thực sự từ bên trong cơ thể, thể thao chuyên nghiệp gọi là ‘cơ bền’, chiều sâu sự khỏe mạnh boxing hướng đến. Các bạn, hãy nói thật cho tôi biết, các bạn thích một cơ thể mà chỉ cần đứng im cho kẻ muốn gây sự bạn đấm vài phát mà như không, hay là cơ bắp thì to và người thì đẹp thật đấy, nhưng huých cái là ngã, đấm cái là ôm bụng rồi bị knock-out luôn?

Floyd Mayweather (Money Man), với những kĩ năng phòng thù tuyệt vời, đã giúp Mayweather làm nên kì tích 46 trận bất bại cho đến nay, cùng với 5 đai vô địch 5 hạng cân khác nhau.
Floyd Mayweather (Money Man), với những kĩ năng phòng thù tuyệt vời, đã giúp Mayweather làm nên kì tích 46 trận bất bại cho đến nay, cùng với 5 đai vô địch 5 hạng cân khác nhau.

Tôi có một câu nói như thế này: “không đỡ được thì… né”. Chả dại gì phải đi đỡ những cú đám nặng trịch như tạ nếu ta có thể tránh được nó, vì suy cho cùng, chả thân thể nào có thể chịu được nhiều lần va đập mạnh đến thế. Nhưng nếu đứng trước bạn là một võ sĩ quyền anh hạng nặng, họ sẽ đứng im để bạn ra đòn và người đau tay có khi lại là chính bạn. Những bài tập về di chuyển của đôi chân, làm cho chúng ta di chuyển nhanh hơn, bật ra xa tầm đấm của đối thủ, hay xoay vòng di chuyển đến khoảng cách an toàn… nhưng cái quan trọng nhất vẫn là sự phản xạ tự nhiên của cơ thể, đó là điều phải trải qua những trận đấu, hình thành lên những phản xạ tự nhiên nhất khi chiến đấu. Là biết lúc nào nên thu mình lại, tránh các cú đấm của đối thủ, né ra sau hay lách thân sang với những cú đấm thẳng, hoặc cúi xuống để tránh những cú đấm vòng… đó là khi các bạn tự ý thức được khi gặp đòn đánh của đối thủ, suy nghĩ sẽ tự động chuyển thành hành động ngay, đấy là tư duy chiến đấu, quan trọng nhất để bạn có thể tránh những đòn knock-out và chuyển những đòn knock-out đó sang ngay đối thủ của bạn.

Trông thì có vẻ bình thường nhưng thực sự đối thủ sẽ nằm im trên sàn sau đó.
Trông thì có vẻ bình thường nhưng thực sự đối thủ sẽ nằm im trên sàn sau đó.

Vậy còn về việc làm knock-out đối thủ, tôi cho rằng đó là do bản lĩnh của mỗi con người thi đối mặt với người khác. Trong thi đấu đối kháng, ai cũng muốn kết thúc đối thủ một cách nhanh nhất, nhưng điều đó thực sự khó khăn trừ phi đối thủ quá khác biệt về trình độ. Trong boxing, việc K.O đối thủ càng khó hơn khi chỉ có 3 đòn đấm. Tuy nhiên, nếu kết hợp chúng lại thành một chùm đòn, cộng thêm sức mạnh và tốc độ được rèn luyên, việc K.O sẽ không khó nếu có cơ hội. Hãy thử tưởng tượng trong mộts, bạn tung ra 2 cú đấm trái tay phải tay, hay 2 cú đấm thẳng kết hợp với một cú móc thọc thẳng vào sườn chỉ trong một tích tắc… tin tôi đi, kẻ mà bị ăn đòn sẽ rất đau và choáng váng. Khi tấn công cũng là lúc phòng thủ bị lơi lỏng, với kinh nghiệm của tôi, hãy cứ phòng thủ thật tốt rồi khi đối phương bị cuốn theo sự tấn công, cơ hội đến và với một hoặc vài cú đấm, tôi tin bạn sẽ làm đối phương đau đớn.

Đây là phần mà tôi thích nhất – mua đồ bảo vệ thân thể.

Các đồ bảo vệ thân thể sẽ giúp bạn giảm chán thương trong tập luyện, nhất là đôi tay.
Các đồ bảo vệ thân thể sẽ giúp bạn giảm chán thương trong tập luyện, nhất là đôi tay.

Cuối cùng, hãy sử dụng các dụng cụ bảo vệ khi tập luyện, như băng đa quấn tay, bảo vệ đầu, thân thể, bảo vệ răng, hạ bộ, điều đó sẽ giảm bớt chấn thương nếu chẳng may bạn bị chấn động mạnh. Các bạn nên làm chủ được cú đấm của mình, tập luyện với găng cùng bao cát thật tốt trước khi thi đấu, vì rất nhiều trường hợp, đấm trúng đích nhưng sai kĩ thuật cũng làm trật khớp xương ngón tay, sái cổ tay, vai rất nguy hiểm. Và một điều cũng rất quan trọng tôi muốn nhấn mạnh lần nữa là hãy tập luyện với những người có chuyên môn, họ sẽ có đầy đủ kiến thức để có thể giảm thiểu chấn thương, cũng như sơ cứu kịp thời cho bạn nếu chẳng may bạn bị đối phương cho knock-out.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.