Bạn có sức vóc, có gan, thậm chí bất cần, sẵn sàng hứng đòn hay chịu đổ máu… Không biết máu liều của bạn tới đâu nhưng cá là trên đời này khó tồn tại một gã boxer đối kháng nào thích hứng cả rổ chấn thương. Ngay cả khi tập luyện thì chuyện chấn thương vẫn có thể xảy ra, “quân tử phòng thân” là điều cần thiết. Sau đây tôi xin chia sẻ với các bạn chuyên đề “Boxing: Chấn thương và cách phòng, tránh”.
Chấn thương dù nhỏ nhất, nếu không được quan tâm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tập luyện của chúng ta.
Đầu tiên, đó là những dụng cụ bảo vệ trong boxing. Nhưng trước hết, hãy cùng bàn về những đau đớn mà cơ thể gặp phải khi tập boxing, khi đó chúng ta sẽ biết những tác dụng cụ thể mà những dụng cụ đó đem lại cho cơ thể ta. Khi tập boxing, tất cả mọi thứ trên cơ thể đều phải sử dụng khi tập luyện và thi đấu chứ không chỉ là đôi tay. Từ đầu tới gót chân, mọi thứ đều phải hoạt động toàn bộ, vì thế rõ ràng là chấn thương sẽ gặp suốt, từ khắp cơ thể chứ không riêng một chỗ nào trên người.
Tôi sẽ nói đến cái hay gặp nhất, nhiều người chú trọng tập nhất, đó là đôi tay. Yêu cầu bắt buộc khi tập đấm nếu đeo găng đó là tay phải quấn băng đa (hand wrap). Với một người tập boxing lâu như tôi, việc bị đau mu bàn tày, cụ thể là những chỗ xương lồi lên là chuyện bình thường. Đó là điểm tiếp xúc của nắm đấm với đổi thủ, nhẹ thì bị xước, nặng thì bị trật khớp xương, đó là điều khó tránh nếu tập boxing nhiều. Băng đa sẽ giúp cho bàn tay được ôm kín, các khớp xương mu bàn tay, xương ngón tay, cổ tay được bó chặt lại, giảm thiểu tối đa việc bị trật khớp, còn trày xước thì tôi chắc chắn nếu tập nhiều ai cũng sẽ bị, mà tôi nghĩ việc xước da với đàn ông chúng ta chỉ là việc cỏn con không đáng bàn. Với những vận động viên boxing chuyên nghiệp, đòi hỏi băng đa phải thật dày cùng với lót bông vì lực đấm rất mạnh, làm đau bàn tay hoặc nặng hơn là trật khớp ngón tay hoặc cổ tay. Còn nếu bạn là người tập boxing bình thường thì băng đa không cần quá dày, mỏng và dài khoảng 1,2m cũng đủ để các bạn tập luyện bình thường. Chú ý khi quấn băng đa vừa quấn vừa bóp cho băng đa co đều trên bàn tay, còn thừa các bạn nên quấn hết xuống cổ tay, vì đó là đoạn nối của cánh tay với bàn tay, dễ chấn thương nhất nếu nắm đấm không chặt và đấm sai kĩ thuật. Có 2 cách quấn băng đa: Quấn mu và Quấn ngón. 2 cách như nhau chỉ khác là nếu quấn kiểu ngón cần băng đa mỏng hơn và dài hơn để quấn hết vào các ngón, trông cũng đẹp mắt hơn, tùy thuộc vào sở thích cũng như hlv của bạn dạy bạn kiểu gì.
Quấn băng đa mu bàn tay, đây là kiểu quấn phổ biến nhất với chúng ta. Quấn băng đa ngón, bảo vệ được từng ngón tay hơn, tuy nhiên cần băng đa phải dài và mỏng, hơi khó dùng cho người mới tập.
Tiếp theo sẽ là 1 thứ còn quan trọng hơn, đó chính là Mũ Bảo Vệ Đầu. Khỏi phải tả dài dòng chắc các độc giả cũng đã biết mũ bảo vệ nó hình dáng ra sao, tác dụng thì đơn giản chỉ là bảo vệ cái đầu. Tuy nhiên, theo như tôi thấy ở mọi người có vẻ không coi trọng nó trong tập luyện. Cũng như bóng đá có bóng đá ’phủi‘, boxing thì cũng có ‘phủi‘, có những người tập luyện phong trào, vì niềm đam mê yêu thích võ thuật. Và với một gã nghiện boxing như tôi, tôi cũng tò mò không biết ở những phòng tập boxing, người ta sẽ huấn luyện các bạn như thế nào?
Mũ bảo vệ cực kì quan trọng trong tập luyện với bất kì ai, không chỉ riêng với vận động viên boxing.
Tôi đã đi đến một vài phòng tập boxing phong trào có tiếng ở Hà Nội, xem họ tập, rồi xem họ thì đấu. Lạ thay tôi nhận ra, hầu như khi các bạn thi đấu với nhau, ngoài băng đa và cái găng, thì chấm hết. Các bạn dù tập lâu hay mới tập, dù sức có khỏe đến đâu, thì tôi khẳng định vẫn không thể nào bằng một vận động viên thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng họ khi tập luyện vẫn phải đội mũ bảo vệ, cớ sao các bạn lại coi thường nó đến vậy? Nếu ai yêu thích boxing, có dịp vào Đà Nẵng thì hãy tới thăm đội tuyển boxing Việt Nam ở đó. Tất cả khi thi đấu đều đội mũ bảo vệ, chỉ có những người trình độ cao hẳn, họ mới không đội nhưng nói thật, nếu họ không cho thì chắc có lẽ chả bao giờ chúng ta chạm được vào mặt chứ đừng nói là đấm trúng. Tất nhiên không thể so sánh trình độ như vậy, tôi chỉ muốn cho các bạn thấy, cái mũ xấu xí đấy nó quan trọng như thế nào. Đừng để đến lúc rách mắt phải khâu mấy mũi, hay khi sưng vù trán và thâm tím mặt mày lên mới sử dụng, lúc đó bạn đã chịu đau rồi.
Vết thương rách mắt do cú đấm quá mạnh gây ra.
Trong boxing, mặt bao giờ cũng là nơi chịu nhiều cú đấm nhất. Vậy nên tất cả những bộ phận nguy hiểm trên mặt đều được bảo vệ, trừ mắt và mũi. Có những dụng cụ sẽ ít khi được dùng, nhất là khi bạn mới tập, và một trong số đó là bảo vệ hàm. Hàm răng vốn rất quan trọng, chả ai mong muốn nó bị tổn thương chỉ vì đi tập boxing cả, nhưng nhiều khi nó là điều không may, vì vậy hãy sắm ngay một cái bảo vệ răng cho mình, để dành cho khi chiến đấu, chắc chắn bạn sẽ thấy nó cực hữu ích nếu sử dụng. Cuối cùng, tôi sẽ nói về găng boxing. Tôi nói cuối cùng vì với quan điểm của riêng tôi, găng tay không quan trọng bằng 3 thứ trên trong cả tập luyện và thi đấu. Công việc của nó chỉ là làm giảm lực đấm tác động đến cơ thể, bảo vệ tay khỏi những nguy cơ chấn thương cao, tuy nhiên lại làm việc rách mắt hay tụ máu nhiều hơn. Găng tay không quan trọng bằng việc người sử dụng nó có những kĩ năng gì, tất nhiên không phải găng tốt là sẽ thi đấu tốt. Nhưng nói thế nào, nó vẫn là hình ảnh của boxing. Với mỗi một người tập, sẽ tùy vào điều kiện hay sở thích để chọn găng. Ví dụ như hầu hết vận động viên ở Việt Nam hay Thái Lan dùng găng của hãng TWINS, găng dày nặng hơn, cảm giác đầm tay hơn. Còn ở các nước phát triển, các tay đấm thích găng của EVERLAST, một hãng sản xuất đồ boxing lâu đời nhất, găng mỏng và nhẹ, ôm tay giúp những cú đấm mạnh hơn. Do vậy, tôi chỉ muốn nhắc các bạn rằng, hãy dùng găng tập thực sự tốt, tuy hơi đắt nhưng nó sẽ giúp bạn tránh những rắc rối về xương khớp. Đừng chủ quan dùng những chiếc găng không tốt, những chiếc găng mà bạn nắm tay một lúc thôi cũng đã đau đầu ngón tay hay đấm bao cát 1 tuần là bục hết, phải bỏ đi. Lúc đó bạn đang gây tổn thương cho chính đôi tay và ví tiền của chính mình.
Everlast, một trong những hãng sản xuất dụng cụ Boxing hàng đầu thế giới.
Ngoài vài món đồ cực quan trọng trong boxing nói trên, còn một vài món đồ bảo vệ khác dành cho bạn nếu bạn là một boxer thực thụ, đó là bảo vệ hạ bộ (kuki), quần áo, giày boxing… Còn nếu là một người tập bình thường, các bạn cứ mặc như tập Fitness là được.
Các dụng cụ bảo vệ đầy đủ cho một người tập boxing.
Tôi thời mới tập, sau một tháng đấm gió thì được hlv cho phép đấm bao cát. Việc đấm bao cát trông thì bình thường, nhưng tôi cùng đứa bạn sau khi tháo găng ra thì tay đều đau rát. Tôi tin là không ít người bị như tôi, đó là do bạn sử dụng đòn đấm chưa chính xác, tất cả khi đấm ra đều miết vào bao cát, đúng thì phải chạm là thu về luôn. Đó là ví dụ do hlv đưa ra để tôi biết, tôi vẫn còn sai rất nhiều, và cái sai ấy sẽ ảnh hưởng không chỉ về kĩ năng mà còn cả về sức khỏe của tôi sau này nữa. Hãy cố gắng tập các kĩ thuật thật cơ bản thật tốt, tìm một nơi tập boxing có đội ngũ chuyên nghiệp, khi đó, bạn sẽ được huấn luyện tốt, và với kiến thức chuyên môn, họ sẽ biết giảm tải đau đớn khi bạn bị chấn thương, đưa ra những bài tập phù hợp với bạn khi bạn bị đau, chứ không phải chỉ biết chườm đá cho bạn.
Đấm bao sẽ rất nguy hiểm nếu kĩ thuật chưa tốt, công thêm cổ tay yếu có thể làm sái cổ tay.
Cuối cùng, là một người đã và đang tiếp tục sống cùng boxing, tôi xin gửi lời khuyên chân thành đến tất cả những ai đang hoặc có ý muốn tập bộ môn này, đó là hãy trang bị đầu đủ những dụng cụ tốt cho chính bản thân mình, đó là những thứ mà đã đạt tiêu chuẩn trong tập luyện cũng như thi đấu của các hãng sản xuất dụng cụ boxing uy tín. Tôi biết đồ boxing không hề rẻ, nhiều cái còn rất đắt, như găng hay giày boxing, không phải ai cũng muốn bỏ nhiều tiền ra để trang bị cho một môn phong trào. Thế nhưng, tôi lại nghĩ, khi bạn quyết định tập môn thể thao đầy nguy hiểm này, ngay cả việc làm cho cơ thể giảm bớt tổn thương cũng bị làm ngơ, tức là các bạn đang coi thường chính sức khỏe bản thân mình, như vậy dù tập bất cứ cái gì cũng không thể khỏe được chứ đừng nói đến chuyện đấm được ai. Nếu đã đi sâu vào thể thao, đừng tiếc đầu tư cho nó, vì đó chính là đầu tư cho sức khỏe của bạn.
Chúc các bạn sẽ giảm bớt chấn thương gặp phải khi tập boxing.