Birdman – Khi hào quang chỉ là cái bóng của quá khứ

Một cú máy quá dài thường khiến cho người xem mệt mỏi, nó không có những điểm nghỉ để ta dừng lại trước khi đi tiếp hành trình của nhân vật. Vậy mà, đạo diễn Iñárritu và nhà quay phim Emmanuel Lubezki (Children of Men, Gravity) bằng tài năng và thủ thuật trong khâu cắt dựng hình ảnh đã “dám” tạo cho khán giả cảm giác ta đang đi theo một cú máy dài gần 120 phút, nhưng điều đáng kinh ngạc là nó không khiến ta mệt mỏi vì sự liên tục, không khiến ta nhức nhối vì bối cảnh chật hẹp của hậu trường sân khấu kịch Broadway, nó khiến ta ngạc nhiên, thích thú, khiến ta cảm nhận được vô cùng rõ ràng, thế nào là chất điện ảnh của một bộ phim.

Nhà hát kịch Broadway giống như tâm trí của Riggan (Micheal Keaton) với những hành lang hẹp, ánh đèn với ánh sáng ở mức trung lập xen lẫn với bóng tối, những cá nhân đang giằng xé với chính nội tâm của mình. Ở nơi đó, nó mang đến vinh quanh tột cùng cho người diễn viên, và cũng là nơi bản năng được bộc lộ với sự tăm tối, đầy miệt thị cho những vòng hào quang mà khán giả dành tặng cho họ. Riggan, kẻ bị sức nặng của danh tiếng đến từ quá khứ ám ảnh, sức nặng của những mối quan hệ vụn vỡ của gia đình đè lên mình, ông đang cố gắng vùng thoát khỏi sức nặng đó, những mong lấy lại danh tiếng cho con người hiện tại, chứ không phải từ hình bóng quá khứ, những mong sửa sai với con gái mình chứ không đơn thuần chỉ là những lời xin lỗi suông. Ông chọn một tác phẩm văn học cổ điển Mỹ nói về tình yêu, sự tồn tại của nhà văn Raymond Carver “What We Talk About When We Talk About Love”, để phô diễn chúng trên sân khấu kịch danh tiếng nhất nước Mỹ Broadway, tự đạo diễn, tự viết kịch bản, tự làm diễn viên chính, hòng thoả mãn dục vọng của gã Birdman bên trong mình. Dục vọng của sự nổi tiếng, của vinh quang, của sự tung hô và sự chấp nhận mình là nghệ sĩ có tài năng thực sự của khán giả.

_AF_6405.CR2

Riggan mắc chứng rối loạn đa nhân cách. Riggan chưa bao giờ thoát được khỏi cái bóng Birdman của mình, hay nói cách khác, cái bóng đã trở thành một bản thể riêng biệt bên trong ông, kẻ khiến ông thấy mình có những sức mạnh siêu nhiên kì quái, kẻ khích lệ ông và tạo ra những hoang tưởng cho ông khi ông đang cố gắng làm lại tất cả. Riggan mệt mỏi kiệt quệ, Riggan hưng phấn, đầy cảm xúc, mạnh mẽ và tự tin. Riggan không thốt lên lời trước lý lẽ của con gái, và một Riggan phát điên trước sự căm ghét của nhà phê bình Tabitha dành cho ông. Riggan là một tổng thể của nghịch lý và những xung đột đến từ nội tại, là trung tâm của một nhóm người bên trong nhà hát Broadway đang đối diện với những vấn đề của riêng mình. Những vấn đề được đạo diễn Iñárritu ám thị một trực diện vào hệ thống Hollywood và Broadway, hai kênh giải trí hàng đầu tại Mỹ. Một sự ám thị hoàn toàn trung tính, không gây hại, không cười cợt, không xô đổ mà cũng không dựng lên bất cứ tượng đài nào.

Kết cấu phim chặt chẽ, các tuyến nhân vật tự lộ mình bằng chính bản năng và những lời thoại tự nhiên nhưng mang đầy sự ám thị. Một nữ diễn viên mong ước được đứng trên sân khấu Broadway từ bé Lesley (Naomi Watts), và giấc mơ đó sẽ được thực hiện với vở kịch của Riggan. Một nam diễn viên nổi tiếng Mike Shiner (Edward Norton) với phương pháp diễn xuất (Method acting) rất tốt, Mike cho ta liên tưởng đến bậc thầy của Method Acting Marlon Brandon khi anh định hiếp Lesley ngay trên sân khấu kịch với lời giải thích là tạo sự chân thật (như cách Marlon đã làm với bạn diễn của mình trong Last Tango in Paris), nó ám thị đến sự rối loạn trong hành xử của những người nghệ sĩ, tự cho cách làm của mình mang danh nghệ thuật đích thực, và cô con gái nghiện ngập của Riggan Sam Thomson (Emma Stone), lạc lối trong sự trưởng thành vì một gia đình tan nát và người cha ích kỉ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.

Birdman-4-Emma-Stone-monologue

Không mang tính tuyên ngôn, nhưng cách Iñárritu cho nhân vật của mình hành xử trong suốt cả bộ phim, mang lại cho ta một cảm nhận rất rõ ràng về cách một tác phẩm nghệ thuật được ra đời, và cách đón nhận của công chúng. Nếu Riggan khăng khăng về công sức mình bỏ ra, cách mình ứng xử với nghệ thuật, cách chọn tác phẩm và đưa vào đó chiều sâu của triết lý, nhân sinh quan của cuộc sống, thì ngay lập tức, ông đã bị chính con gái mình bóc mẽ về sự tự lừa mị chính mình, về những giá trị già cỗi, về giới nhà giàu thích những thứ cổ điển như một đồ trang sức, một thứ giải trí hạng sang để khoe khoang với đời hơn là những giá trị nghệ thuật vị nghệ thuật, và những người thưởng thức thực sự yêu mến công sức của những người bỏ tâm huyết để làm ra nó. Cũng vậy, bản thân Riggan cũng bị giới phê bình đánh giá về sự ngỗ ngược, về sự ám ảnh bởi danh tiếng hơn là thực tài.

Nhưng không dừng lại ở đó, đạo diễn cũng cài vào phim, sự đánh giá của chính giới nghệ sĩ đối với giới phê bình “Những kẻ trở thành nhà phê bình là vì họ không có khả năng trở thành nghệ sĩ” (Flaubert), cách giới phê bình nắm trong tay quyền sinh quyền sát một cách phi lý, cách họ dán nhãn mọi vật để định giá một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải bằng chính sự công tâm của một người biết cảm thụ nghệ thuật, hiểu thấu kĩ thuật và phân tích được hay dở một cách thực sự. Điều đó đúng được bao nhiêu, trong vòng hào nhoáng và phù phiếm của bộ ba nghệ sĩ,giới phê bình và khán giả. Đạo diễn Iñárritu đưa ra vấn đề và định lượng ra sao thuộc về người xem phim.

birdman-michael-keaton-times-square

Sử dụng chủ nghĩa hiện thực đan trong cái nhìn hoang tưởng, siêu thực của Riggan, công hợp với tiếng trống vừa như giữ nhịp, vừa tăng cảm giác huyền ảo, đạo diễn Iñárritu đã đẩy người xem tham gia vào chính bộ phim của ông, như một con mắt đặt trực tiếp phía trước máy quay, khiến nhịp độ, bối cảnh và tính xác thực của tình tiết trở nên gần gũi như bóp nghẹt chính nhịp thở của mình, để ta lẫn lộn giữa ảo và thật, giữa Riggan và Birdman, giữa cuộc đời của Riggan và cuộc đời của chính Micheal Keaton. Quả vậy, Keaton dường như không quá khó khăn để hoá thân vào một nhân vật mang vác hình hài của mình. Birdman ám thị đến Batman – vai diễn thương mại thành công của Keaton vài thập kỉ trước. Để từ đó, ông phát triển chính mình sao cho đồng nhất với nhân vật, và trở thành một người đàn ông vật lộn tìm kiếm lại vinh quang đã mất của mình. Giọng nói của ông, và giọng nói của Birdman luôn nằm ở hai thái cực, một nói như nuốt lấy hơi, mệt mỏi, như sợ hãi chính con người mình, sợ hãi cuộc đời, một giọng mạnh mẽ, gằn, ồm và quyết đoán. Diễn xuất ấn tượng không thua kém Keaton chính là Emma Stone. Thoát khỏi những vai diễn mang nặng tính thể hiện nhờ diện mạo và nụ cười trong các phim tình cảm, Emma hoá thân vào Sam bằng sự tinh tế của thần thái, sự cuốn hút của một cô gái xinh đẹp nhưng bất hạnh, nghiện ngập nhưng hiểu đời.

Không theo hướng của những bộ phim bi kịch trước đó, với những ám chỉ nặng nề về bản năng con người như Babel, Biutiful, Amores Perros của Iñárritu, Birdman có sự hài hước, châm chọc, có sự huyễn hoặc, mộng mị, mang những ẩn dụ về sự phù phiếm của kiếp sống, sự phù hoa của hào quang quá khứ, và bản năng của người nghệ sĩ. Đạo diễn người Mexico đã giúp nâng đỡ Hollywood bằng một tác phẩm điện ảnh độc lập đặc sắc, giúp người ta nhìn nhận điện ảnh Mỹ bằng cái nhìn thiện cảm về những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Một tác phẩm đậm chất điện ảnh là điều mà những đạo diễn đương đại đang bỏ quên khi quá chú trọng vào câu chuyện, tình huống, sự trau chuốt qua từng khung hình. Birdman hoàn toàn xứng đáng với 9 đề cử Oscar cho lần trao giải thứ 87 của Viện Hàn Lâm Mỹ, trong đó có 3 giải dành cho diễn xuất, 1 giải phim xuất sắc và giải cho đạo diễn. Và có lẽ, thật khó loại được Birdman được khỏi giải nào trong 5 giải thưởng chính tôi vừa nêu trên.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.