Thế hệ của tôi đi qua tuổi dậy thì lúc Việt Nam gần như còn chưa có internet. Người ta không chat Yahoo Messenger, không có Facebook, không có cái văn hóa internet nên với rất nhiều người, đam mê lớn nhất đời lúc ấy chỉ có nhạc.
Thế hệ của tôi là cái khoảng gối đầu của nhiều thứ nhạc.
Cái thời mà ở Việt Nam người ta chủ yếu vẫn nghe nhạc bằng băng casette trên những cái đài của Nhật. Thuở Việt Nam vẫn còn xuất bản tạp chí Âm Nhạc dày cộp với đủ thứ thông tin về các boy band, girl band và lâu lâu có cả các rock band thời ấy. Hồi ấy rock vẫn chưa thành một thứ tôn giáo như của chục năm sau ấy. Cái ngày mà Rock vẫn còn đơn thuần là một tinh thần mạnh mẽ của thời đại với những thứ mộc mạc, không xập xình như We Will Rock You của Queen năm 77. Lúc ấy hard rock với ballad sến vẫn nhiều lắm, chưa đến lúc mà Bắc Âu trở thành cường quốc về metal với những band thiên tài với những tên dòng đọc xong méo mồm như “experimental progressive symphonic atmospheric black”.
Con người thời đại ấy đơn giản. Cái văn hóa yêu nhạc chắc cũng giống đầu thế kỷ 20, khi văn hóa của giới trí thức khiến người ta đọc sách, yêu sách, quan tâm tới các vấn đề thời sự của một thế giới đang chuyển mình, của một Việt Nam mới lần đầu biết đến cái ánh đèn điện của Âu châu và lính Lê Dương đổ bộ vào Đại Việt. Thời ấy người ta cũng sống chậm. Thế cho ra đời rất nhiều thứ nhạc mà từng câu trong bài đều ý nghĩa. Ngày nay thì lời bài hát như Lana del Rey đã được gọi là đỉnh cao ma mị rồi. Hồi những năm 80 90, người ta không cần thêm những thứ mùi cực đoan vào âm nhạc vẫn làm cho mắt người ta nhòa đi được.
Hồi ấy Michael Jackson vẫn chưa thành da trắng. Hồi ấy người ta vẫn còn nhiều bài hát về những thế hệ vừa mới đi qua nhiều cuộc chiến, về tình người, về những vấn đề xã hội. Thời đại Hard Rock, White Lion hát When the Children Cry. Năm 99, The Cranberries hát Animal Instinct. Mọi người đều nhớ những bài hát về nhân sinh của Michael Jackson lúc trên đỉnh cao sự nghiệp. Một số người trẻ vẫn nghe Where is the Love của Black Eyed Peas cả ngày và buồn.
Thời ấy, ít thứ nhạc với lối chơi “trâu chó”. Chỉ có nhiều thứ nhẹ nhàng mang cảm xúc “trâu chó”.
Nếu bây giờ bạn gặp ai đó tầm 30, 40 tuổi và ngày ấy cũng đã từng yêu nhạc, từng đạp xe lên Hàng Bông đi tìm mua những băng casette nhạc nước ngoài. Cũng hỉ nộ ái ố với đống băng rối, đài hỏng. Giờ họ vẫn nghe những thứ nhạc như tôi kể. Ký ức của họ về lịch sử được dát bằng những tên ca sĩ, tên ban nhạc, tên các ca khúc nổi tiếng và cả những điều không nói ra về những người đã cùng họ trải qua cái cảm xúc thời đại trong âm nhạc lúc bấy giờ.
Tết năm ngoái, lúc lau dọn phòng và mở toang cả cửa ban công lẫn mấy cái cửa sổ. Tôi lại thấy những ông cựu chiến binh già về thăm nhà, hát karaoke ầm cả xóm bằng những bài nhạc đỏ – cái thứ nhạc trong thời đại của họ.
Tôi tự hỏi là họ đã ở lại với tuổi trẻ của mình bao nhiêu năm?
Tôi không phải loại chịu được trường lớp mô phạm. Cũng không phải là người hay đọc sách. Mãi mấy năm gần đây mới động vào sách sau khi thoát khỏi đống textbook dày cộp của các trường đại học. Như tôi đã nói, cái năm tôi sinh là thời điểm gối đầu của hai thế hệ, của hai văn hóa và hai xã hội khác nhau. Thế nên, đến lúc đi qua đôi mươi cũng đã không nhận ra nổi mình đã thay đổi nhiều thế nào. Tôi không còn cái tâm hồn như ngày ấy nữa, tức là tôi đành phải nuốt nước mắt mà chia tay với cái đam mê với nhạc ngày ấy. Thời của tôi, người ta chưa dám lạm dụng từ đam mê như bây giờ.
Giờ tôi chỉ còn có thể nhìn về âm nhạc qua những thời kì lịch sử. Tôi cũng bất ngờ khi thời của bố mẹ mình vẫn đang là cái bóng của cả một thời đại disco và hippie với quần ống loe. Nghe những người ở thế hệ bố tôi nói về cách họ đã lớn lên với rock n roll thế nào là một trải nghiệm đặc biệt. Sau này nếu như con trai con gái của tôi nghe tôi nói về cái thời kì 80 90 của nhạc Pop và những thứ nhạc trầm cảm xúc, chắc hẳn chúng cũng tròn mắt về một thế hệ sến súa của bố.
Tôi không nghĩ rằng mình là người bị ở lại với quá khứ. Duy chỉ có nhất gu nhạc của tôi thì thôi lớn lâu rồi.
Trong một lần đến một hội chợ của người trẻ, tôi có hỏi bạn rằng “trong tao với mày vẫn còn một phần của cái hồi mười mấy ấy. Vậy thì tại sao mình lại không thể trà trộn vào trong đám trẻ ấy?”. 7 năm hay hoặc 10 năm, cũng chỉ là khoảng 2 3 nghìn ngày, thêm ngần ấy kinh nghiệm, mặt có đổi khác đi đôi chút, ánh mắt đã khác, giọng nói cũng đã khác… Nhưng tâm hồn vẫn trẻ mà.
Đàn ông, dù thế nào vẫn còn trong mình một đứa trẻ chưa lớn. Nếu hắn không thể hiện điều ấy ra thì tức là hắn vẫn đang bận gồng mình hoặc là đã quá mệt mỏi. Chúng ta vượt qua bao nhiêu thứ như thế có thể cũng chỉ là để bảo vệ đứa trẻ trong mình. Chỉ là đã đến lúc đủ mạnh thì cũng không thể làm một đứa trẻ nữa rồi.
Tôi không nhớ tuổi của mình. Mỗi lúc ai đó hỏi tuổi thì đều lại lấy thời điểm hiện tại trừ đi năm sinh. Cuộc sống của tôi lúc này không cần có ngày tháng. Đầu óc cũng có khác gì lúc 17 tuổi đâu, cũng chỉ là thêm chút năm tháng, cũng chỉ là đi một chặng đường xa trước khi được về nhà.
Hôm nay tôi 25 tuổi, 3 tháng, 23 ngày. Vẫn cứ đếm từng ngày như thế bởi vì đến lúc được sống với tuổi trẻ cũng đã muộn rồi. Thực sự chỉ muốn mỗi ngày dài thêm.
Còn bạn, bạn đã ở lại với tuổi trẻ của mình bao nhiêu năm?
P/S: Với tôi, nghệ sĩ là những sử gia chép lại cảm xúc của mình về thời đại bằng thi ca.