Chắc hẳn hầu như ai trong số chúng ta cũng đều được ông bà hay bố mẹ, cùng lắm là cô trông trẻ mẫu giáo kể chuyện cổ tích thần thoại cho nghe, đặc biệt là những truyện có nguồn gốc từ phương Tây. Cô bé lọ lem, công chúa ngủ trong rừng, nàng bạch tuyết và bảy chú lùn… những câu chuyện chúng ta được nghe không dưới hàng chục lần nhưng vẫn luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt, đối với tôi nó quan trọng nhất không phải ở bài học rút ra cuối cùng mà là những cảnh tượng tuyệt đẹp ngôn từ có thể vẽ ra trong đầu mình.
Nhưng trong bài viết này tôi muốn nói về người kể chuyện hơn là những câu chuyện. Tôi không biết người ấy có giỏi văn chương – hay là một phụ nữ có giọng nói truyền cảm hay không nhưng điều đặc biệt nhất, bà không kể chuyện bằng lời mà bà kể chuyện qua những bức ảnh chính tay mình chụp , những câu chuyện xuyên qua ống kính máy ảnh.
Người tôi muốn nói đến ở đây chính là nhiếp ảnh gia thời trang Annie Leibovitz.
Nói qua đôi chút về các nhiếp ảnh gia nữ. Tôi không phải kẻ phân biệt giới tính – ngược lại tôi khá đề cao phụ nữ, ý tôi là tôi thích phụ nữ và tôn trọng họ, tất nhiên rồi. Nhưng trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp đặc biệt là nhiếp ảnh thời trang và nghệ thuật, tôi không đề cao bản năng người phụ nữ cho lắm, hoặc do có ít nữ nhiếp ảnh gia mà tôi nghĩ thực sự có tài cho dù họ nổi tiếng. Tôi khá khó tính trong việc cảm thụ nhiếp ảnh nên sự cẩu thả và giả tạo là hai thứ tôi khó chấp nhận nhất trong nhiếp ảnh. Có rất nhiều nhiếp ảnh nữ mà khi xem qua tác phẩm của họ chỉ thấy sự trống rỗng, nhạt nhẽo và tầm thường, có lẽ dùng từ đó cũng hơi quá nhưng thực sự là vậy. Tôi đánh giá cao về kĩ thuật của họ, đặc biệt là tác động của hậu kì lên ảnh vì phụ nữ luôn có tính cẩn thận mà ít người đàn ông có. Nhưng chính vì thế nên đôi khi họ quá chú tâm vào tiểu tiết, vào mặt ngoài của bức ảnh mà quên đi bức tranh toàn cảnh. Có thể bạn sẽ bảo tôi suy nghĩ thiển cận vì ảnh chỉ là ảnh chứ còn có thể là gì khác, nhưng thực ra ta có thể đưa cả tâm hồn vào bức ảnh, cảm xúc, suy nghĩ, câu chuyện. Ai dám nói ảnh chỉ là một mặt phẳng hai chiều có màu sắc, đó là suy nghĩ của những kẻ tầm thường, những kẻ chỉ nghĩ đến việc chụp xong bức ảnh này thì nên sửa màu gì cho phù hợp. Thời gian gần đây tôi suy nghĩ rất nhiều về cái cốt lõi của bức ảnh, về người mẫu, tạo dáng, cách biểu cảm, cái chạm tay nhẹ nhàng của cô ta trên cơ thể, thời tiết ngoài trời, thời gian chụp hình ảnh hưởng gì đến ánh sáng…. những thứ đó mới tạo ra một nhiếp ảnh gia thực thụ. Bạn có thể xem qua bài CÁCH CHỌN ẢNH NHANH SAU KHI CHỤP của anh House, nó sẽ giúp bạn khá nhiều thứ đấy.
Nói dông dài nhưng để khẳng định rằng người mà tôi thực sự khâm phục, có lẽ là tôn thờ nhất không phải là một nhiếp ảnh gia nam nào đó mà lại chính là một người phụ nữ. Annie Leibovitz đã làm được điều mà không chỉ những nhiếp ảnh gia nữ mà thậm chí nhiều nhiếp ảnh gia nam kì cựu cũng không thể làm được. Bà không phải là một sinh viên mới ra từ một trường dạy thiết kế hay một con mọt sách về kỹ thuật nhiếp ảnh, những nhiếp ảnh gia cao cấp như Annie họ không đủ thời gian để tự hậu kỳ ảnh của mình và đề ra yêu cầu và sẽ có studio làm (trong trường hợp này là Box Studio của cáo già Pascal Dangin – studio hậu kỳ cho rất nhiều nhiếp ảnh gia thời trang cao cấp khác). Annie đã trở thành tên tuổi lớn từ những năm 80 chứ không phải nhiếp ảnh gia đi lên trong giai đoạn kỹ thuật số như bây giờ, thời của bà bắt đầu khi con người khi chụp phim, chưa có màn hình phẳng hay Photoshop. Mọi thao tác hậu kỳ đều được làm trực tiếp trên phim, nguyên cái điều kiện thô sơ của ngày xưa đã có một giá trị mạnh mẽ hơn kỹ thuật số hiện tại.
Annie sinh năm 1949 tại Waterbury, bang Connecticut, Mỹ. Người con gái mang dòng máu lai Do Thái này tốt nghiệp trường cấp ba Northwood với niềm yêu thích âm nhạc và bắt đầu chơi và viết nhạc ngay sau khi tốt nghiệp học viện nghệ thuật San Francisco. Trong lúc đi làm thêm vài công việc chân tay để chi trả cho cuộc sống đại học, cô bắt đầu luyện thêm kĩ năng chụp ảnh. Bức ảnh đầu tiên Annie chụp là khi bà đi cùng bố mẹ đến Philippines trong khoảng thời gian đang có chiến tranh tại Việt Nam. Sau khi trở về New York những năm 70, bà bắt đầu sựu nghiệp nhiếp ảnh của mình tại tạp chí âm nhạc và người nổi tiếng lúc đó là Rolling Stone, tạp chí bà hợp tác suốt mười năm, cũng là nơi đem đến cho bà rất nhiều cơ hội với nguời nổi tiếng và ngược lại – nhờ bà mà tờ tạp chí này đã có sự thay đổi đáng kể về mặt hình ảnh. Một trong những bức ảnh vô cùng nổi tiếng và có sức hút nhất đối với tôi khi bà còn chụp cho tạp chí này chính là bức ảnh Annie chụp cho huyền thoại âm nhạc John Lennon cùng vợ Yoko Ono. Bức ảnh rất mạnh mẽ, John Lennon khỏa thân thể hiện nỗi lạnh lẽo của người đàn ông khi mệt mỏi, bấu víu lấy sự ấm áp từ người phụ nữ của mình. Mọi thứ trong bức ảnh quá tuyệt vời. Nhưng đây cũng chính là bức ảnh cuối cùng của ông khi chỉ vài tiếng sau khi chụp xong bộ ảnh, ông đã bị một kẻ cuống tín ám sát ngay tại nhà riêng của mình vào ngày 8 tháng 12 năm 1980. Một kết cục buồn cho toàn thế giới.
Trong suốt cuộc đời của Annie Leibovitz bà nói chân dung quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự nghiệp của bà chính là nhiếp ảnh gia Richard Avedon. Nhiếp ảnh gia thời trang tài ba này cũng là người đã giúp Annie học tập được rất nhiều, đặc biệt là người ta vẫn có thể làm việc cho các tạp chí mà vẫn tạo ra công việc cá nhân và thân mật, một mối quan tâm trung tâm cho các nhiếp ảnh gia là ai, đầu tiên và trước hết, là một nghệ sĩ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Annie vẫn là cái tên được nhiều tòa báo lớn yêu thích nhất như Vogue US, Harper’s Bazaar, Elle, Vanity Fair. Bà luôn được giao trọng trách cao nhất chụp các trang bìa với chủ đề sang tạo đặc biệt là thần thoại. Annie đưa những cốt truyện từ cổ tích và biến chúng thành hiện thực qua các tấm ảnh chụp những người nổi tiếng như Phù thủy xứ Oz, Alice ở xứ sở Diệu Kì, Tangled, Cô bé lọ lem… Bà đã có dịp chụp tại công viên Disney để tạo nên bộ ảnh với rất nhiều người nổi tiếng hóa than thành các công chúa, thợ săn, hoàng tử, đức vua, phù thủy… trong các câu chuyện nổi tiếng – linh hồn của hãng Disney.
Khá là vô tình khi bức ảnh đầu tiên tôi biết của Annie lại là tấm chụp Miley Cyrus khỏa thân cách đây khoảng năm năm cho Vanity Fair. Bức ảnh sẽ chẳng có gì là đặc biệt nếu nhìn vào Miley ngổ ngáo của bây giờ, vì ai cũng biết Miley đã không còn là Hannah Montana nữa. Nhưng vào thời điểm đó, bức ảnh đã gây sốc cho chính cả người hâm mộ của cô ấy vì một hình ảnh họ chưa từng thấy bao giờ, làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí toàn thế giới suốt một quãng thời gian dài.
Một tấm ảnh nữa làm tôi vô cùng thích thú là bức hình Annie chụp nữ diễn viên phim Sister Act – Whoopi Goldberg. Bức hình chụp bà nằm trong bồn tắm đầy sữa trắng, màu sữa và màu da của Whoopi tạo ra sự đối lập như biểu tượng Âm Dương vậy, đối lập nhưng làm nổi bật và hòa hợp với nhau. Nụ cười của Whoopi tạo cho bà một sức sống vô cùng mãnh liệt khiến cho bức hình trở nên mạnh mẽ khó tả.
Tôi yêu thích mọi bức hình của Annie vì chúng đều hoàn hảo. Có lẽ tôi sẽ không thể có cơ hội gặp Annie ngoài đời thực nhưng qua những cuộc phỏng vấn của bà qua báo chí và internet, hay những video hậu trường tôi học được rất nhiều điều từ bà nhất là về những đức tính của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Một khi bức ảnh xấu, đó là lỗi của chính bản thân mình – của người chụp ảnh, không giải thích không ngụy biện, không đổ lỗi. Điều mà khi tôi đi chụp một bộ ảnh nào đó, nếu nó không theo ý mình tôi hay đổ tội tại người mẫu, cảnh… tôi sẽ luôn ghi nhớ.