Do ảnh hưởng của địa lý nên mùa hè châu Âu không nắng nóng như Việt Nam hay khắc nghiệt như các nước châu Phi – ngày kéo dài đến chín mười giờ tối vẫn còn rất sáng. Nếu như người dân châu Á đang mệt nhoài tránh nóng và nỗi sợ đen da bằng đủ các biện pháp kiểu mặc đồ như ninja Nhật thì dân trời Âu lại may mắn có cái thú an nhàn thưởng thức ánh nắng hè dịu nhẹ cùng gió mát ở nhiệt độ lý tưởng từ 25 đến 30 độ.
Họ nằm tắm nắng thoải mái ở đồng cỏ giữa không khí mát lạnh nhờ đài phun nước, dẫn gia đình dạo bước dưới tán cây tràn ngập sắc hoa rực rỡ trong công viên hay ngồi nhâm nhi cà phê giữa ánh nắng nhiều lúc tôi nghĩ là có phần “hơi gay gắt”. Những cô gái thong thả đạp xe giữa đồng hoa khiến gã mặt trời hung bạo giữa ban trưa cũng trở nên mềm lòng và nhẹ nhàng đi mấy lần. Điều đó cũng dễ hiểu vì ngay từ tấm bé những con người châu Âu đã làm quen và thân thiết với ánh nắng như vậy… Như dân ta (trong đó có tôi) chỉ thích tìm chỗ nào râm mát ngồi thì họ ngược lại, chỗ càng nắng ấm càng thích. Đâm ra từ cái ngày sống ở nơi đây tôi cũng trở nên yêu ánh nắng trời thêm đôi chút.
Như tôi đã viết trong bài Cần gì để chụp ảnh đẹp?, ánh sáng là ngữ pháp của ngôn ngữ nhiếp ảnh kỳ diệu, muốn giỏi một thứ tiếng nước ngoài thì điều đầu tiên phải nói đến ngữ pháp hoàn hảo. Nhiều người chụp ảnh thời nay có cái nhìn lệch lạc về ánh sáng trong nhiếp ảnh. Không, ánh sáng không phải cách anh thuộc lòng mấy con số vô tri giác trên màn hình LCD như ISO, khẩu độ, tốc độ. Ánh sáng cũng chẳng phải khi anh dùng thành thạo mấy cái đèn trong studio.
Cả thế giới này là một sân khấu lớn với phông nền và đạo cụ đẹp tuyệt vời cho những người yêu ảnh, hãy vứt quách mấy con số đó đi để lăn mình ra ngoài đấu trường lớn mà luyện tập, vẫy vùng để làm chủ những điều cốt lõi nhất của ánh sáng: hướng, cường độ, tính chất, tương phản, cân bằng trắng, khúc xạ phản xạ, trực tiếp hay khuếch tán, khả năng hấp thụ và phản xạ ánh sáng của chủ thể phụ thuộc thế nào vào chất liệu, màu sắc, thuộc tính bề mặt hay tác động của từng loại ánh sáng lên cảm giác và thị giác.
Tôi còn nhớ có thời ngày trước người ta cực kỳ thích chụp ảnh chân dung trong studio bằng đèn. Ánh sáng tự nhiên khi đó bị coi là dành cho những tay nghiệp dư vì hai lý do. Một: không đủ tiền mua đèn (lúc đó còn rất đắt), hai là không biết dùng và kiểm soát cách bố trí đèn – một điều dễ gây choáng ngợp ban đầu với những người không thành thạo. Nhưng theo thời gian thì đèn studio dần trở nên rẻ tiền và cái quan niệm lý tính một chiều trên cũng dần biến mất. Chân dung đang trở lại với ánh sáng tự nhiên, không chỉ nghiệp dư mà cả nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nữa.
Riêng cá nhân tôi thì rất ghét những người nói kiểu: dùng cái này là nhất, cái kia là bét hay đại loại thế… Với những người yêu nghệ thuật và cái đẹp như chúng ta thì hãy coi phương tiện để làm nên cái đẹp đơn giản như một phương tiện thôi chứ đừng thần tượng hóa nó lên quá mức. Ánh sáng cũng là một dụng cụ của người làm nghệ thuật và phàm đã là dụng cụ thì mỗi thứ đều có ích trong những nhiệm vụ khác nhau, ánh sáng tự nhiên hay studio hay-dở, ưu-nhược như nào tất cả chỉ là tương đối trong từng hoàn cảnh. Quan trọng là anh hiểu và biết dùng nó đúng lúc để phục vụ cho ý tưởng của mình.
Vấn đề duy nhất ở đây không thể bàn cãi hay móc máy nhau có lẽ là sở thích cá nhân. Có người thích ánh sáng studio, còn tôi vẫn yêu cái ánh sáng tự nhiên nhất: chân dung, thời trang, trẻ con, gia đình… Có một điều gì đó thật đặc biệt ở ánh nắng mặt trời, ở cái cách tông màu vàng rực của mặt trời ám lên da thịt mà đèn studio không thể nào mô phỏng, tái tạo được ngay cả khi ta dùng đèn LED có nhiệt độ màu ngang bằng. Hẳn là nó thiên về cảm giác và khơi gợi cảm xúc hơn là những thông số kỹ thuật hay khoa học.
Những lý do nên dùng ánh sáng tự nhiên?
– Đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất với nhiều người: nắng trời miễn phí và dễ tiếp cận, có ai lại không thích những thứ miễn phí nhất là khi nó lại còn tốt nhỉ? Như cái tên bài hát “The Best Things in Life Are Free” của Luther Vandross và Janet Jackson đã nói lên tất cả đó sao. Chẳng cần studio hay đèn đóm cầu kỳ, ta có thể dùng ánh sáng tự nhiên ở mọi nơi ta thích, đôi khi ngẫu hứng nhìn trời nắng đẹp thế là chụp thôi.
– Cả thế giới này là một sân khấu lớn với phông nền và đạo cụ đẹp tuyệt vời cho những người yêu ảnh – trừ khi bạn chụp beauty/sản phẩm thì tôi nghĩ ở ngoài trời ta sẽ được thỏa sức vẫy vùng hơn là một trong studio “nhỏ hẹp”.
– Ánh sáng studio hướng đến sự sáng tạo tuyệt đối và thể hiện cái tôi cá nhân nhiều hơn. Còn chụp với ánh sáng mặt trời mang nhiều ý nghĩa thuận theo tự nhiên – đừng cố gắng cưỡng lại dòng nước chảy xiết mà hãy cảm nhận và hòa mình theo nó. Ta không thể kiểm soát được nguồn sáng (ở đây là mặt trời) thì ta buộc phải hiểu rõ bản chất của nó để buộc những điểm tốt nhất của mặt trời phục vụ mình và tránh né những gì không có lợi, làm xấu ảnh và tầm nhìn của ta. Nhưng chính vì điều đó mà chúng ta học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm mang tính ứng dụng cao cho sau này – thậm chí cả chụp trong studio.
Nhược điểm của ánh sáng tự nhiên
– Không thể sử dụng xuyên suốt 24 giờ/ngày. Ví dụ mùa đông châu Âu ngày rất ngắn, tầm ba bốn giờ chiều mặt trời đã lặn và khá tối rồi. Ngược lại nếu chụp trong studio thì có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày: sáng sớm, giữa trưa, chiều tối, nửa đêm… Ánh sáng là của bạn và chỉ do bạn kiểm soát chứ nó không bị giới hạn và thay đổi nhanh, thất thường như mặt trời. Thêm nữa, nói ánh sáng tự nhiên là có thể tiếp cận dễ dàng nhưng để có địa điểm với ánh sáng đẹp đòi hỏi người chụp ảnh phải bỏ công sức, kiên trì tìm tòi và nhìn ngắm.
– Phụ thuộc vào thời tiết: không chỉ là chuyện nắng mưa mà thời tiết lạnh nóng cũng ảnh hưởng nhiều đến nhiếp ảnh gia, đồ đạc, máy móc và người mẫu và ý tưởng. Chẳng hạn như tôi bắt người mẫu giữa mùa đông xuống ao nằm thì ai chịu thấu, kể cả người mẫu chuyên nghiệp…
– Bạn có thể cần những ống kính và máy ảnh mạnh và nhanh trong ánh sáng yếu.
– Khách hàng: như tôi luôn nói chuyện máy móc chẳng ảnh hưởng gì đến ảnh của bạn, nhưng tại sao những người chuyên nghiệp vẫn luôn dùng đồ đắt tiền? Ừ thì nó ổn định hơn đồ rẻ tiền là một chuyện, một số tính năng tân tiến hơn là hai chuyện, bền là ba chuyện nhưng hãy để tôi bật mí nguyên nhân chính: máy móc, đồ nghề là bộ mặt của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để gây ấn tượng trước khách hàng. Vì lý do đó nên đôi khi chụp ngoài trời chẳng cần sắp đặt đèn quá nhiều nhưng họ vẫn dùng. Nếu bạn chưa có tiếng tăm thì e rằng sẽ khó gây ấn tượng với khách hàng bằng sự tối giản của mình đó.
– Bảo mật: chụp nude, chụp sản phẩm chưa tung ra thị trường hoặc nhiều thể loại khác cần giữ bí mật cho khách hàng tất nhiên không thể chụp khơi khơi ngoài trời ở cái chỗ ai cũng có thể tiếp cận.
Các kiểu ánh sáng tự nhiên chính
– Ánh nắng trực tiếp giữa trưa (direct light): mặt trời lúc này ở vị trí 90 độ so với mặt đất nên khó có cơ hội phân tán/khúc xạ qua khí quyển hoặc phản chiếu từ mặt đất và các vật thể để chiếu sáng chủ thể gián tiếp. Ánh sáng lúc này gắt, tương phản cao giữa vùng sáng/tối và có màu trắng trung tính. Với ảnh chân dung thì tôi tuyệt đối tránh cái thứ ánh sáng quái quỷ này, trừ khi có sunbounce rất to đi cùng. Nhưng với ảnh phong cảnh thì nước, biển, sông, hồ lúc này lại rất trong xanh và đẹp. Những bậc thầy về nhiếp ảnh đường phố lại thích lợi dụng thứ ánh sáng gay gắt này để chơi đùa với bóng tối, hoa văn, đường nét, hoạ tiết, bố cục, tương phản.
– Bóng râm mở (open shade): tạo ra do tán cây hoặc các tòa nhà cao tầng chắn ánh nắng mặt trời trực tiếp. Đây là thứ ánh sáng rất dịu, tương phản thấp, hơi ám màu xanh da trời và nếu được dùng đúng cách thì ảnh sẽ rất nịnh mắt. Hai điều cần chú ý: tản sáng (reflector) rất có ích và hai, nhớ cho chủ thể quay mặt về phía ánh sáng (chứ không phải mặt trời nhé – vì ở đây mặt trời đã bị chắn mất nên ánh sáng đến được chủ thể chỉ thông qua phản xạ trên các mặt phẳng).
– Ánh sáng kịch tính (dramtic light): có thể là trời tranh tối tranh sáng, ánh sáng lúc chạng vạng hay thời tiết giông bão… Có một điều tôi nhận ra rằng: thứ ánh sáng càng kịch tính, càng giàu cảm xúc và khơi gợi cảm giác thì càng khó truyền tải lại một cách chân thực nhất còn thứ ánh sáng đẹp hoàn hảo đôi khi lại trở nên vô hồn đến lạ. Đây thực sự là một thử thách không dễ chinh phục, nhưng một khi bạn vượt được qua thì phần thưởng vô cùng tuyệt vời.
– Ngược sáng (back light): với tôi đây là một kiểu ánh sáng cực kỳ đẹp nhưng cũng không dễ kiểm soát. Tôi hay chụp ngược sáng vào thời điểm giờ vàng (một tiếng trước khi mặt trời lặn và một tiếng sau khi mặt trời mọc) vì lúc này mặt trời ở vị trí thấp gần đường chân trời và có cường độ thấp hơn nhiều so với lúc giữa trưa. Mặt trời đổ những chiếc bóng dài trên mặt đất và chiếu sáng chủ thể bằng cái ánh vàng rực rỡ từ đằng sau, làm những vật thể trong suốt như quần áo hay tóc trở nên lấp lánh và hấp dẫn khó cưỡng nổi. Tản sáng (reflector) để chiếu sáng mặt trước của chủ thể là bắt buộc phải có, đôi khi trong những trường hợp đặc biệt phải cần cả thêm đèn phụ trợ do quá tối.
– Trời râm (diffused light): về bản chất thì không có gì khác bóng râm mở lắm vì lúc này mây đóng vai trò như một tấm chắn sáng khổng lồ khiến ánh sáng không trực tiếp lọt qua được. Do tương phản ánh sáng thấp nên theo kinh nghiệm của tôi thì chụp những chủ thể tự thân đã có sẵn tương phản cao về màu sắc thì sẽ nổi bật hơn (quần trắng áo đen chẳng hạn).
– Ánh sáng cửa sổ (window light): một trong những kiểu ánh sáng tự nhiên tôi thích nhất vì dường như nó kết hợp được những ưu điểm của các loại ánh sáng nói trên. Nó ở trong nhà nên không bị mưa tuyết nóng lạnh ảnh hưởng. Không quá sáng gắt, không quá tối dịu, có thể điều chỉnh cường độ ánh sáng dễ dàng bằng cửa và rèm. Lại có đủ tính chất sáng tối và góc độ để thay đổi vị trí của chủ thể cho phù hợp với mục đích của mình: thuận sáng, ngược sáng, nghiêng 45 độ…
Tựu chung lại tôi muốn nói với bạn rằng: lý thuyết cơ bản là những thứ chúng ta phải nắm chắc và khổ luyện cập nhật đều đặn để biến nó thành bản năng, rồi khi đó anh thích phá cách hay cá tính gì thì xét sau. Ngay cả những bậc thầy nhiếp ảnh họ cũng không bao giờ ngừng học và cố gắng. Không thì mãi anh chỉ là con vẹt bắt chước giỏi, nhưng đến khi ra gặp một tình huống mới là gặp khó khăn hay thậm chí đầu hàng.
Đây là bài mở đầu cho chuỗi bài “Ánh sáng tự nhiên” nên tôi sẽ không đi sâu vào từng chi tiết vấn đề một nhưng hãy chờ các kỳ sau nhé, trong thời gian tới Mann Up sẽ tiếp tục viết nhiều bài đi sâu vào chuyên môn và kỹ thuật nhiếp ảnh hơn nữa. Hẹn gặp lại các độc giả của Mann Up!