Đàn ông có gì để mặc? Phụ nữ thì luôn có quá nhiều.
Việc cách tân cho thời trang nam luôn là một câu hỏi nhức nhối đối với các nhà thiết kế của cả thế giới. Có một dạo, nhà thiết kế Tom Ford còn phát biểu một câu trên báo mà khiến một số người nghe giật mình vì chẳng biết là nửa đùa hay nửa thật.
“Cách chúng tôi phát triển các bộ sưu tập nam khác nhiều so với dòng thời trang nữ. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở chất liệu. Còn lại, chúng tôi chỉ… chỉnh nhẹ một số chi tiết ở vai áo hoặc tay”.
Kiểu dáng trong thời trang nam thì gần như luôn giữ y nguyên. Quần và áo, thêm áo khoác nữa. Cùng lắm thì có thêm khăn, mũ và các loại trang sức phụ kiện. Tuy nhiên, đặc ăn mặc nhiều thứ lỉnh kỉnh trên đời chỉ có tại các xứ sở ôn đới. Còn lại, ở những nước nóng như Việt Nam thì thời trang nam là cả một sự hạn chế cực kỳ lớn. Thế nên việc làm mới cách ăn mặc của đàn ông là cả một bài toán khó. Nếu để ý, bạn sẽ thấy từ lúc mình mới sinh cho tới tận bây giờ, những người đàn ông quanh bạn gần như vẫn mặc nguyên một kiểu, không có sự thay đổi nhiều.
Rốt cuộc thì năm 2016, thời trang nam có gì đổi mới? Về bề nổi, đó là sự xuất hiện ngày một nhiều của sneaker. Ở một góc tối khác, có sự gia tăng đáng kể về quân số các “dị nhân” theo đuổi phong cách thời trang avant garde, phá bỏ những cấu trúc truyền thống của quần áo cơ bản.
Chỉ cần nhìn vào một loạt những tấm hình street style quy tụ từ khắp nơi trên thế giới trong khoảng đầu năm trở lại, những đôi giày da cầu kỳ ngày càng biến mất dần. Chúng vẫn sống mạnh trong môi trường đòi hỏi sự chỉn chu, mẫu mực và lịch thiệp – mảnh đất mà các loại giày khác không thể chen chân vào. Tuy nhiên, đối với các tín đồ thời trang, những người luôn truy tìm sự tự do và độc đáo và cơ bản nhất là phải đẹp mà thoải mái thì sneaker ngày càng được ưa chuộng hơn.
Số lượng các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đưa những đôi sneaker với giá khủng vào trong bộ sưu tập từ xuân hè tới thu đông cũng ngày một nhiều. Vào đầu những năm 2000, một trong các fashion house đình đám của thế giới lần đầu đưa sneaker vào giữa những món quần áo cao cấp nghìn đô. Hơn 10 năm sau, sneaker, từ một món trang phục gắn liền với một bộ phận văn hóa đường phố, vượt xa cả khái niệm giày thể thao để trở thành một phần không thể thiếu của thời trang đại chúng.
Cũng nhờ việc những tên tuổi như Nike và Adidas liên tục phát triển những công nghệ mới để cải tiến cho đế giày sneaker, chúng trở thành loại giày tiên phong số một về công nghệ. Trái ngược với sự khuôn khổ và cảm giác đau chân khi lần đầu làm quen của giày da, sneaker có thể mang lại cho người đi cảm giác thoải mái không kém gì chân trần. Sneaker cũng có nhiều dòng tối giản, tập trung vào sự nhỏ gọn chứ không còn quá kềnh càng, phô trương. Sự khác biệt giữa sneaker và giày da còn nằm ở việc sneaker dễ dàng sản xuất hàng loạt chứ không bị phụ thuộc vào tay nghề cần vài chục năm để mài dũa như các nghệ nhân làm giày da châu Âu. Chính vì thế mà chúng trở nên phổ biến với tốc độ chóng mặt và được đón nhận ngày càng nhiều.
Đối với nhiều người, sự lên ngôi trong nhiều lĩnh vực, từ thể thao cho đến thời trang của sneaker là điều đã được họ dự đoán trước từ lâu.
Vậy còn những kẻ nổi loạn all black, những bóng ma quanh năm mặc đồ đen từ đầu tới chân với kiểu dáng kỳ dị không giống ai? Bộ phận này vẫn luôn tồn tại trong thời trang thế giới. Sự đặc biệt của cộng đồng này là phong cách của họ luôn được đi liền với một tư tưởng tự do, phá cách, đi trước thời đại của thiểu số.
Thực tế thì bản thân phong cách này được quen gọi là all black nhưng cốt lõi của chúng không nằm ở màu sắc mà thuộc về cấu trúc của trang phục. Trước đây, nhiều nhà thiết kế muốn dùng sự tối giản của màu đen để làm nền cho sự độc đáo về cấu trúc của mình. Sau này, mọi người quen gọi chúng là all black nhưng bản thân những thương hiệu tiên phong cho phong cách ấy như Comme de Garcons vốn đã đưa nhiều màu sắc khác vào trong bộ sưu tập của mình từ rất lâu trước đó.
Trong những năm gần đây, khi Yohji Yamamoto, người từng làm các nhà phê bình ì xèo với bộ sưu tập ăn mày đói khổ tại tuần lễ thời trang Paris vài thập kỷ trước đã được cả thế giới nhìn nhận bằng một con mắt hoàn toàn khác. Còn Rick Owens, gã thợ cắt mẫu dập lập dị thì vụt sáng trở thành biểu tượng mới của phong cách thời trang này. Trong khi Yohji Yamamoto chọn bước đệm là phối hợp với Adidas để tạo nên thương hiệu Y-3, đưa đám đông tới gần hơn với sự tinh tế của mình; thì Rick Owens với tài năng và sự ma quái trong các chiêu truyền thông khiến thế giới bị lôi cuốn bởi các thiết kế vừa tinh giản, phá cách vừa mang ngầm bên trong cả một hệ tư tưởng nổi loạn.
Trên thế giới, all black vẫn là nhóm đồ thời trang mà người có tiền mới dám theo đuổi. Chúng được làm bởi những nhà thiết kế với cái đầu đặc đị. Thế nên cái giá đi kèm cũng không hề nhỏ. Một đôi sneaker cực chất của Rick Owens có giá tối thiểu là ngàn đô trong khi sneaker của Nike, Adidas chỉ loanh quanh trong khoảng 100$ trở lên. Còn ở Việt Nam, những người đi tiên phong trong việc du nhập kiểu ăn mặc kỳ quái này là các nghệ sĩ. Cùng nhịp với đó là sự gia tăng của những shop thời trang ủng hộ phong cách này. Tuy nhiên, sự khác biệt về chất liệu lẫn kỹ thuật chế tác của sản phẩm từ các shop này vẫn là một trời một vực so với thần tượng của các vị chủ shop đó như Yohji hay Rick.
Nếu các bạn hứng thú, Mann up sẽ còn có nhiều bài viết khác về phong cách thời trang này giới thiệu tới các độc giả. Còn giờ thì mời các bạn chiêm ngưỡng phong cách trong một số thiết kế tiêu biểu của hai người đàn ông được nhắc tới nhiều nhất trong bài viết này.
Yohji Yamamoto
Rick Owens
Một vài hình ảnh thú vị về phong cách all black trên thế giới
Cuối cùng là những đôi sneaker chất lừ của Rick Owens và các tín đồ