Các bạn có thể đọc Kỳ I của chuyên mục dài kỳ này ở ĐÂY.
6. PAUL CÉZANNE (1839-1906)
Paul Cézanne có lẽ là một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến hội họa hiện đại của thế kỷ XX khi được vinh danh bởi Picasso và Matisse là cha đẻ của tất cả những họa sĩ thế hệ sau. Tranh của ông được trưng bày cùng với những nghệ sĩ theo trường phái ấn tượng (impressionism) khác nhưng những gì ông thể hiện đã vượt xa thời thế. Đó không chỉ là chủ nghĩa hậu ấn tượng (post-impressionism) mà còn là nền móng của phong trào lập thể (cubism) và dã thú (fauvism), một bước chuyển giao kinh điển giữa hai thế hệ họa sĩ cổ điển và cách tân.
Nói về cảm nghĩ cá nhân tôi thì những bức tranh phong cảnh của Cézanne bắt đầu đánh dấu sự phát triển phong cách một cách thực sự của ông. Ông dùng chủ nghĩa ấn tượng để diễn giải các hình thái và dùng màu sắc để mang lại phối cảnh – nhưng cái ông muốn nhấn mạnh là những gía trị tiềm ẩn thực sự sau đó chứ không phải cái hời hợt hình thức bên ngoài. Chúng ta trầm trồ trước tranh của Cézanne vì dưới những nét cọ mạnh, to bản và rực rỡ ấy còn ẩn chứa một chiều sâu ý nghĩa – điều mà tôi thấy nhiếp ảnh bây giờ đang thiếu. Các bạn trẻ quá đi sâu vào làm thế nào để ánh sáng đẹp, màu đẹp, chủ thể đẹp nhưng tất cả những cái đẹp trên liệu có truyền tải một thông điệp gì hay không? Xét cho cùng tất cả những cái trên cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích tối thượng.
7. RAPHAEL (1483-1520)
Với Raphael người ta không có những cảm xúc và sắc màu trung tính. Ai thích sẽ rất thích còn ai không thích sẽ rất ghét tranh của ông. Tôi thích những nghệ sĩ có tác động chia rẽ khán giả mạnh mẽ như vậy. Nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận là ông là một thiên tài của giai đoạn Phục hưng (Renaissance) với khả năng làm chủ kỹ thuật tuyệt vời về kỹ thuật vẽ và màu sắc. Cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci, ông là một trong ba bậc thầy vĩ đại nhất của giai đoạn này.
Ngày nay chúng ta chủ yếu thấy trung tâm một bức ảnh là một, hai, ba, thậm chí là bốn chủ thể chứ bao quát một nhóm rất đông nhân vật mà không gây loãng hay rối mắt như bức bích họa “The School of Athens” của Raphael cần một nhãn quan của một nghệ sĩ vĩ đại. Tin tôi đi, bạn có thể học mãi không hết cách sắp đặt và kết nối các nhân vật vào trong cùng một câu chuyện, bố cục, các triết lý triết học và nhân sinh ẩn chứa đằng sau, mỗi một chủ thể đứng ở đâu, làm gì đều có dụng ý sâu xa của Raphael như thế nào.
8. ÉDOUARD MANET (1832-1883)
Sinh ra trong một gia đình tư sản khá giả ở Paris với một môi trường đặc quánh học thuật nhưng từ khi còn trẻ Manet đã tỏ rõ hứng thú với nghệ thuật và hội họa. Tôi tự hỏi nếu không có ông thì hội họa hiện đại ngày nay sẽ khác biệt như thế nào, một cái giả thuyết chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thú vị bởi vì Manet là những người đặt nét vẽ đầu tiên cho trường phái Ấn tượng, mở đầu cho nghệ thuật hiện đại – một cuộc cách mạng thật sự vào giai đoạn đó.
Manet chịu nhiều ảnh hưởng từ các họa sĩ đi trước khác như Hals, Velaquez nhưng điểm mấu chốt là ông áp dụng những ảnh hưởng về phong cách đó để mô tả vẻ đẹp cuộc sống hiện tại hơn là hoài niệm về quá khứ như nhiều nghệ sĩ khác. Kết hợp với những kỹ thuật mới đi ngược lại hội họa cổ điển, Manet đã phải chịu nhiều chỉ trích và phê bình mạnh mẽ, đặc biệt là với hai tác phẩm “Luncheon on the Grass” (hình dưới) và Olympia. Với những nhà phê bình nghệ thuật lúc đó, hình ảnh người phụ nữ khỏa thân trên tranh không có gì là lạ lẫm, nhưng đó là các nữ thần thoát tục, những nàng thơ trong thần thoại còn hình ảnh người đàn bà đời thường không quần áo ngồi ngay giữa một Paris tráng lệ đang trong thời kỳ biến chuyển mạnh mẽ bị họ cho là nhố nhăng, lố bịch. Dẫu vậy ông vẫn tiếp tục theo đuổi những gì mình tin tưởng và kết quả như nào chúng ta cũng đã thấy. Thế mới nói làm một người nghệ sĩ, dù là họa sĩ, nhiếp ảnh gia hay nhạc sĩ – đừng bao giờ tìm cách chiều lòng khán giả hay những tay phê bình – hãy có niềm tin vào bản thân, vào những gì mình đam mê và yêu mến.
9. PIERRE-AUGUSTE RENOIR (1841-1919)
Lại một nhân tố quan trọng nữa của trường phái Ấn tượng – có lẽ bạn đang bắt đầu tự hỏi có phải tôi rất thích trường phái nghệ thuật này phải không? Có lẽ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật nên Renoir đã sớm được gửi đi học tại các trường và studio có tiếng về nghệ thuật. Tại đó chàng thanh niên trẻ Renoir đã gặp những người đồng chí hướng – những nhân tố chủ chốt khác của trường phái Ấn tượng như Money, Sisley, Bazille, Cézanne và Pissarro.
Hoàn cảnh và sự táo bạo của những người bạn đồng trang lứa đã kích thích Renoir mở con đường riêng và vững tin hơn vào phong cách của mình. Tranh của ông tồn tại thứ ánh sáng khuếch tán dịu nhẹ, gần như không có màu đen tuyệt đối, màu sắc rực rỡ hay những đường cọ nhỏ đa màu sắc mô phỏng được rung động của khung cảnh khiến tôi có cảm giác mình đang thấy lá rung rinh trong gió hay những vạt váy của những người phụ nữ tầng lớp trung lưu bay phất phơ theo điệu nhạc đằm thắm ở Moulin de la Galette trên đồi Montmartre, Paris. Vừa kỹ thuật mà lại vô cùng xúc cảm.
Bất chấp những phản đối kịch liệt của giới phê bình hay từ chối nhận tranh của triển lãm danh giá Salon Paris khiến công trình của những con người tiên phong ấy trở nên cực kỳ khó bán, họ vẫn đứng vững và thời gian là minh chứng rõ rệt nhất. Tôi khâm phục những con người chưa được thời đại công nhận lúc họ còn sống vì nghệ thuật với tôi là lối sống, chứ không phải là phương tiện để tôi hướng đến một lối sống sướng, dễ thở hơn.
10. SALVADOR DALÍ (1904-1989)
Chủ nghĩa siêu thực chưa bao giờ là một con đường thẳng tắp một chiều hay một bài nhạc Pop dễ nghe, dễ thích, dễ chán cả. Nó là một cái nhìn đa chiều phức tạp của con người, là nơi trốn tránh, ẩn nấp của các tác gia khỏi hiện thực tàn bạo. Chính vì vậy mà nó tạo ra một trạng thái nửa tỉnh, nửa mê; sử dụng hình ảnh để làm những câu từ ưu mỹ và tràn ngập những cắt cảnh tối tăm khó hiểu. Tưởng là ảo, là không thật nhưng lại vô cùng thật.
Những nghệ sĩ siêu thực Tây Ban Nha như họa sĩ Dali hay đạo diễn Bunuel nhận ra đây là một phương tiện thích hợp tuyệt vời để biểu hiện tư duy và sáng tạo của mình, một loại hình nghệ thuật có thể xóa nhòa làn ranh giữa thực và không thực. Họ kêu gọi giải phóng cái tôi khỏi lô-gíc, lý trí, đạo đức và những quy tắc nghệ thuật truyền thống vì cho rằng nó sẽ cản trở khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Họ không muốn miêu tả, kể truyện, không muốn quan sát đời thường mà khát khao chạm tới được bản chất sâu thẳm nhất của vạn vật – cái mà ngôn ngữ thông thường không thể làm được. Đó là cái tài năng mà tôi yêu mến ở Dali và những nghệ sĩ theo trường phái siêu thực: để nhắn nhủ điều A đến khán giả họ không nói thẳng toẹt A ra một cách thiếu tinh tế mà sử dụng ẩn dụ, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng, bố cục và cách tập trung vào những chi tiết nhỏ nhất và khó tin nổi nhất.
<ĐÓN CHỜ KỲ 3 VỚI DIEGO VELÁZQUEZ
JOSEPH MALLORD WILLIAM TURNER
JAN VAN EYCK
PETER PAUL RUBENS
PIETER BRUEGEL THE ELDER >