Như Ansel Adams đã nói: “Chúng ta không chụp ảnh chỉ bằng cái máy ảnh. Chúng ta đưa vào nhiếp ảnh những quyển sách từng đọc, những bộ phim từng xem, những bài hát từng nghe và những con người ta yêu.”
Công nghệ nói chung và nhiếp ảnh nói riêng đang phát triển như vũ bão. Nhớ lại những thế kỷ trước, vẽ là cách duy nhất để ông cha ta ghi chép lại những sự kiện đã xảy ra bằng hình ảnh. Những tấm ảnh đầu tiên của nhân loại mất hàng giờ đồng hồ để chụp, xử lý, tráng rửa. Ngay cả vào thời điểm cực thịnh của máy phim thì chụp ảnh cũng là một thú vui tốn kém với những người không chuyên. Còn bây giờ bất cứ ai cũng sở hữu trong tay những chiếc máy DSLR, và ai cũng tự gọi mình là nhiếp ảnh gia.
Chuyện học hành chụp ảnh cũng dễ hơn nhiều khi mạng internet trở thành một thứ rất bình thường mang tính cơ bản như cơm ăn nước uống và ở đó, hầu như cái gì cũng có thể tìm được. Tựu chung lại máy móc thiết bị và kỹ thuật giờ ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng nên đâm ra nhiều bạn trẻ mê ảnh ở Việt Nam có vẻ quá dễ dãi với bản thân và bộ môn nghệ thuật này.
Tôi không nghĩ chúng ta cần mở thêm các lớp hay viết các bài dài loằng ngoằng dạy nhau làm sao để chụp đúng sáng, mua máy nào, làm sao để chỉnh màu đẹp nữa. Chúng ta có quá đủ những người đang làm việc đó rồi. Cái các bạn trẻ thiếu hiện giờ là tư duy, thẩm mỹ và sự trân trọng nghệ thuật hơn là đọc vanh vách những thông số máy móc vô tri hay Photoshop, Lightroom. Các nhiếp ảnh gia “tân thời” hơn một chút thì ngồi chê bai các bạn chụp chân dung gái xóa phông – thay vì truyền cảm hứng cho họ đi chụp cái khác hay ho hơn thì những “tiền bối” ấy lại đi dạy làm sao để chụp chân dung xóa phông đẹp hơn. Cuối cùng nó trở thành một cái vòng luẩn quẩn chả thay đổi được gì.
Nếu xét đến cả Laterna Magica (một loại máy chiếu hình thô sơ được phát minh bởi Athanasius Kircher và Christiaan Huygens vào thế kỉ XVII) thì nhiếp ảnh mới có tuổi đời gần 300 năm, trong khi hội họa và các loại hình nghệ thuật hai chiều khác đã tồn tại trong xã hội loài người từ hàng chục nghìn năm trước khi chúng ta còn là một công xã nguyên thủy. Là một đứa con sinh sau đẻ muộn, những kẻ yêu ảnh chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ các bậc thầy hội họa xa xưa: bố cục, ánh sáng, tương phản, màu sắc, đường nét, chủ thể, ý tưởng… Những tinh hoa và tri thức đã được họ đúc kết và sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật.
Trong series dài kỳ này chúng ta sẽ cùng điểm qua 20 họa sĩ (châu Âu) có giá trị học hỏi lớn với những người chụp ảnh. Tất nhiên thế giới hội họa là vô cùng nên con số 20 chỉ là một phần nhỏ và đa phần là những cái tên nổi tiếng mà tôi yêu thích nhất. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào thì đừng ngại nêu ra trong phần comment, tôi sẽ cố gắng trả lời trong phạm vi hiểu biết có thể của mình.
1. Johannes Vermeer (1632-1675)
Vermeer được coi là một trong những danh họa xuất sắc nhất thời kỳ hoàng kim của hội họa Hà Lan nhưng lúc sinh thời, cuộc sống của ông lại không quá sung túc cho dù có vợ giàu – có lẽ vì ông không vẽ nhiều tranh và tận mãi về sau này mới được người đời biết đến.
Tranh của ông được vẽ rất chăm chút, tỉ mỉ đến từng chi tiết theo phong cách tự nhiên và tạo kết nối lớn giữa chủ thể với người xem nhờ cảm xúc mạnh. Những người chụp ảnh có thể học hỏi rất nhiều từ Vermeer về kỹ thuật phối màu sắc tươi sáng (ông ít khi dùng màu đậm), đặc biệt với ba loại màu pigment đắt tiền là vàng Ấn Độ indian yellow, xanh lapid lazuli & và xanh biếc ultramarine – thậm chí sau khi bị phá sản Vermeer vẫn tiếp tục sử dụng những màu này. Ngoài ra ông có khả năng mô phỏng ánh sáng bậc thầy, nhất là ánh sáng tự nhiên bên cửa sổ – thứ ánh sáng tôi cho là đẹp nhất dành cho ảnh chân dung. Áng sáng trong tranh Vermeer là mơ ước của biết bao người chụp ảnh, trong đó có tôi.
2. Caravaggio (1573-1610)
Tên thật của ông là Michelangelo Merisi, còn Cavaraggio là tên ngôi làng nơi ông sinh ra và lớn lên. Thời đó khi đã nổi tiếng, người ta không còn nhớ đến tên chính thức của người họa sĩ nữa, nơi Caravaggio chôn rau cắt rốn nghiễm nhiên trở thành tên gọi chính thức của ông.
Tôi nghĩ rằng Caravaggio mà sinh ra vào thời nay có lẽ ông sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia hay đạo diễn xuất chúng vì danh họa người Ý vốn được mệnh danh là cha đẻ của hội họa Baroque có khả năng phối hợp ánh sáng và bóng tối để tái tạo cảm xúc một cách vô cùng mạnh mẽ.
Kỹ thuật cổ điển Chiaroscuro (tương phản cao giữa ánh sáng và bóng tối) đã được ông nâng cấp lên một bậc khi mô phỏng một nguồn sáng một điểm cường độ mạnh không xuất hiện trong khung hình để chiếu lên một chủ thể rất tối. Bóng tối là tình yêu của Caravaggio và cũng chính nó mang lại tiếng tăm cho Caravaggio khiến nhiều họa sĩ thời đó phải bắt chước và bị ảnh hưởng về phong cách, tạo nên một “trường phái” Caravaggisti.
3. Rembrandt van Rijn (1606-1669)
Một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của hội họa Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung, Rembrandt đã thể hiện một tài năng thiên bẩm khi chỉ mất sáu tháng học việc cho một họa sĩ ở Amsterdam là đã đủ sức quay về thành phố quê hương vẽ tranh bán và nhận dạy học trò.
Có quá nhiều điều tuyệt vời ta có thể học được trong tranh Rembrandt về ánh sáng: cách sử dụng và tối ưu các đặc tính của ánh sáng như hướng, cường độ, màu sắc; bố cục không chỉ hoàn hảo mà các chủ thể còn được sắp đặt đúng ý đồ về ánh sáng, cách màu sắc, texture và kịch tính của ánh sáng giúp chuyển tải không khí và cảm xúc bức ảnh như nào. Tên ông đã được đặt cho một kỹ thuật ánh sáng trong studio của nhiếp ảnh chân dung, một kỹ thuật đơn giản, yêu cầu ít phụ kiện, nhìn tự nhiên và có khả năng cho ra những tấm chân dung hút hồn – giống những tấm ảnh chân dung Rembrandt từng vẽ.
4. Albrecht Dürer (1471-1528)
Danh họa Albrecht Dürer được ví như Leonardo da Vinci của Bắc Âu – ông là một thiên tài theo trường phái cải cách, một họa sĩ, ca sĩ, nhà toán học và lý thuyết gia nghệ thuật lớn nhất của Đức. Sống ở Nuremberg, trung điểm của con đường nối hai ngôi sao sáng của nghệ thuật Phục Hưng khi đó là Hà Lan và Venice (Ý) nhưng ông lại có cách tiếp nhận và cải cách hai phong cách đó một cách rất riêng và tiến bộ.
Albrecht Dürer là một hình mẫu rõ rệt của một người nghệ sĩ thực thụ – ông hiểu rõ từng khía cạnh kỹ thuật của công việc kiến tạo nghệ thuật nhờ tri thức sâu rộng, sự chính xác và tỉ mỉ của dòng máu Đức, hiểu rõ xu hướng, thời thế xã hội và hơn thế nữa: có tâm hồn tự do, phóng khoáng để mở lòng mình đón nhận nhiều cái mới mẻ. Có lẽ chính vì vậy mà Dürer đã xác lập được danh tiếng của mình khắp châu Âu khi còn ở độ tuổi rất trẻ, nhất là ở bên ngoài nước Đức.
5. Claude Monet (1840-1926)
Danh họa người Pháp Claude Monet là nhân tố then chốt trong việc sáng lập trường phái hội họa Ấn tượng – ngay cả tên của trường phái này cũng được lấy từ tên bức tranh “Ấn tượng mặt trời mọc” của ông. Dẫu vậy tài năng của Monet vẫn chưa được người xem đánh giá đúng mức vì họ thường bị tranh của ông làm choáng ngợp trước vẻ đẹp của vạn vật mà hay bỏ qua sự phức tạp về mặt kỹ thuật cũng như bố cục và ánh sáng hoàn hảo.
Tranh của Monet thật ra có ý nghĩa và tác động lớn với nghệ thuật hiện đại nhiều hơn là những bức tranh phong cảnh đẹp mê hồn. Những nghiên cứu và thử nghiệm trên sự thay đổi của các vật thể tại các thời điểm ánh sáng khác nhau trong ngày của ông mở đầu cho một giai đoạn nghệ thuật mới trong thế kỷ XX. Ánh sáng tự nhiên là tất cả trong hội họa ấn tượng và ánh sáng cũng là tất cả trong nhiếp ảnh nên dường như trường phái hội họa ấn tượng và nhiếp ảnh có một mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ từ những năm 1860 – muốn nghiên cứu ánh sáng tự nhiên trong nhiếp ảnh, hãy nghiên cứu ánh sáng trong tranh ấn tượng.
<Đón chờ kỳ sau với PAUL CÉZANNE (1839-1906)
RAPHAEL (1483-1520)
ÉDOUARD MANET (1832-1883)
SALVADOR DALÍ (1904-1989)
PIERRE-AUGUSTE RENOIR (1841-1919)
DIEGO VELÁZQUEZ (1599-1660)
JOSEPH MALLORD WILLIAM TURNER (1775-1851)>