Thư gửi những cô dâu chú rể của tương lai

House Head of Photography
francedestinationwedding028
Ảnh: Paula O’Hara

Những đôi bạn trẻ (hay bạn già) chuẩn bị những bước cuối cùng sang một trang hoàn toàn mới của cuộc đời. Một cột mốc quan trọng và có ý nghĩa đến mức nếu không làm thì thôi còn một khi đã làm hẳn ai cũng chỉ mong nó xảy ra một lần duy nhất trong đời. Chụp ảnh là một phần quan trọng của đám cưới. Đám cưới là một phần quan trọng của kết hôn. Chính vì vậy nên họ biết rất rõ mình muốn gì khi nhắc đến chủ đề chụp ảnh pre-wedding hay phóng sự ngày cưới.

Tưởng như vậy mà lại không phải vậy…

_ATN6070-2
Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Ảnh cưới không phải là một loại hình dịch vụ

Ai coi cái nghề này thuộc lĩnh vực dịch vụ thì cứ việc, còn tôi chẳng bao giờ nghĩ thế. Đơn giản vì tôi không hiểu được ý nghĩa của việc chạy sô một tuần ba, bốn thậm chí là nhiều hơn xong rồi về quẳng ảnh cho một anh nhân viên “thợ photoshop” lo nốt phần còn lại. Tôi cũng chẳng hiểu nổi việc khi chọn một thương hiệu ảnh cưới của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào đó thì chỉ được chụp bởi một người khác, còn muốn “chính chủ” chụp thì phải trả thêm một khoản phụ phí nhất định. Nói thẳng thắn là để kiếm tiền nhanh để làm giàu thì chẳng ai lao đầu vào làm nghệ thuật tử tế – họ bỏ đi tất cả những nhàm chán của công việc bàn giấy để được bước vào một thế giới khác làm lại từ đầu, tự làm chủ cuộc sống và thời gian của bản thân và khả năng sáng tạo của mình.

Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới ở nước ngoài đều chỉ nhận một số lượng buổi chụp cố định trong năm để họ có thời gian chăm chút cho từng khách hàng của mình một cách tận tụy, bởi thế với những người nổi tiếng có khi phải hẹn trước một hai năm là chuyện bình thường. Chính vì cái suy nghĩ đây là một ngành dịch vụ nên nhiều cặp đôi nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra là xong việc, mình la thượng đế và nhất nhất cái gì cũng can thiệp vào việc của người chụp. Tôi nghĩ rằng một khi đã chọn mặt gửi vàng thì chúng ta nên tin tưởng vào họ và tin tưởng vào chính sự lựa chọn của mình.

6809620871_5abfc0436d_b
Ảnh: Mukhina

Ảnh cưới là câu chuyện đời bạn

Đây là thời đại tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, ai cũng thích chứng tỏ mình dị, độc đáo không đụng hàng nên tất cả đều theo đuổi và kết cục trở thành một lớp vỏ nhàn nhạt như nhau, đến lúc này những con người luôn là chính mình lại tỏa sáng. Cuộc đời của bạn, đám cưới của bạn, bộ ảnh của bạn chẳng lẽ gì phải chạy theo trào lưu hay làm cho giống người ta, bằng bạn bằng bè. Điều mỉa mai là chúng ta ai cũng từng có một thời chán ghét thuở đi học phải làm văn mẫu trăm bài như một nhưng đến lúc được tự do làm những gì mình muốn thì lại chạy theo một cái khuôn mẫu do người khác đặt ra.

Thay vì lao vào mấy studio dựng sẵn cả trăm người từng chụp, đẹp lung linh nhưng vô hồn, thiếu cá tính và kết nối cá nhân hay chụp ở những nơi ai cũng chụp, chọn những góc phổ biến chụp ở đấy để khoe vì ai cũng biết đó là đâu thì hãy kể những câu chuyện của đời mình. Đây là cũng là điều tôi yêu thích nhất ở công việc này – được trải nghiệm những câu chuyện và cuộc đời khác nhau: chú rể là nhiếp ảnh gia cô dâu là người mẫu, cả hai đều là bác sĩ hay họ từng có một thời gian yêu xa khá dài…? Cả thế giới tươi đẹp ngoài kia là những phông nền tuyệt với nhất cho cả ba người thỏa mãn trí tưởng tượng. Còn nếu chụp kiểu gà công nghiệp cái nào cũng như cái nào thì tôi đã chọn đi làm văn phòng cho nhàn. Giống như đọc sách hay, nghe những câu chuyện thú vị của nhiều người bạn từ khắp mọi nơi, từ từ từng tí một ta sẽ mở lòng và trưởng thành nhiều hơn.

Salem-wedding-photography-Oregon-Portland-8
Ảnh: Mastin Studio

Chúng tôi ghi lại khoảnh khắc chứ không phải…

… bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, chuyên viên trang điểm,thợ giặt là hay một số nghề nghiệp tương tự khác. Ảnh cưới thường tôi chỉ chỉnh màu, tương phản, sáng tối chứ không động đến những vấn đề về thân hình như một số loại hình ảnh khác. Chuyện xấu đẹp ngoại hình là một vấn đề mang nặng tính cảm quan nhưng tôi nghĩ mỗi người nên có ý thức và sự dứt khoát nhất định về vẻ đẹp hình thể và vẻ ngoài của mình. Dù là đàn ông hay đàn bà. Một là bạn hài lòng với những gì mình có, tự tôn và yêu bản thân mình cho dù vẫn còn (nhiều) khiếm khuyết (vì con người vốn chẳng ai hoàn hảo) – hai là nếu không hài lòng hãy quyết tâm, ý chí thay đổi chứ đừng không hài lòng nhưng chẳng có mong muốn thay đổi, đâu vẫn hoàn đấy. Cái đẹp đòi hỏi nhiều công sức: ăn uống sinh hoạt lành mạnh, thể dục thể hình, chăm chút ăn mặc đầu tóc… Sự tự ti của bạn không phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng tôi – những người ghi lại khoảnh khắc.

Hoặc ví dụ như những việc rất rất đơn giản là là phẳng rồi treo quần áo chú rể, váy cô dâu trước khi chụp, cắt móng tay chân, tỉa lông mày ngày hôm trước… chẳng tốn hơn năm phút đâu, nhưng nếu không làm thì đến khi hậu kỳ mấy chục, mấy trăm ảnh liệu bạn có biết nó mất bao lâu thời gian mà cũng không thể đẹp hoàn hảo? Ý của tôi ở đây là: nếu bạn là con người giản đơn bạn sẽ không để ý đến những vấn đề trên. Còn nếu thực sự cầu kỳ chi tiết đến mức thì hãy chú tâm và để ý những điều vụn vặt trước khi chụp chứ đừng tặc lưỡi “Thôi để cho anh ta photoshop sau cũng được.”, chẳng khác nào vứt rác ra đường và nói tạo công việc làm cho các bác lao công. Hậu kỳ có sức mạnh thần kỳ, nhưng không phải là siêu nhân.

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, từ mình suy ra thì tôi không nghĩ nhiều nhiếp ảnh gia quá cứng nhắc một cách rập khuôn với những nguyên tắc của mình, một khi do những yếu tố khách quan như tại dáng pose, ánh sáng làm phóng đại các khiếm khuyết khiến cô dâu chú rể “xấu hơn” ngoài đời thật hay đến gần ngày cưới cô dâu căng thẳng nên mọc mụn chứ bình thường không có chẳng hạn thì họ sẽ vẫn chỉnh sửa trong phạm vi chấp nhận được thôi.

_ATN8662_FB
Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Hãy kết nối với những người chụp

Tôi rất thích được gặp gỡ với những con người lúc nào cũng nhiệt, tràn đầy năng lượng và có tình yêu, sự quyết đoán với những gì mình đam mê. Họ truyền lửa và nhiệt huyết tình cảm sang mình rất nhiều nên gặp những khách hàng như thế chụp cứ bay bay. Chụp ảnh, nhất là chụp những chủ đề mang tính cá nhân như ảnh cưới hay đính hôn cần rất nhiều sự kết nối hai chiều của đôi bên: người chụp và người được chụp. Vừa có sự chìm lắng nhất định để họ tự nhiên với nhau lại vừa phải là cầu nối những phút im ắng ngại ngùng. Tôi mở lòng với bạn, bạn mở lòng với tôi để chúng ta cùng tạo ra những gì đẹp đẽ nhất, điều không thể có nếu chỉ có một sự tương thông một chiều.

Kinh nghiệm của tôi nói rằng những bộ ảnh cưới/pre-wedding đẹp nhất là khi cô dâu chú rể tự nhiên, mở lòng ra với nhiếp ảnh gia một cách thoải mái nhất và khi đó những tấm ảnh hay ho thú vị đến từ chính ý tưởng của riêng họ, những giây phút xuất thần, ngẫu hứng và đầy sáng tạo. Chọn người chụp ảnh cưới cũng giống như chọn bạn vậy, ai hợp tính, cùng thế giới quan hay chung nhiều sở thích tự khắc sự chân thành sẽ đến, chẳng cần phải giả tạo.

neilvaneeta657
Ảnh: Paula O’Hara

Đây cũng là ngày của anh đấy, chú rể

Rất rất nhiều chú rể (phần lớn là Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung), dù là đám cưới hay pre-wedding thường có suy nghĩ khá bị động rằng: “Mình làm việc này vì cô dâu.” Tất nhiên họ chiều người phụ nữ của mình và vốn phụ nữ thường thích chụp ảnh – còn không phải anh đàn ông nào, nhất là những người không làm về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật xã hội cũng có đủ kiên nhân và hứng thú để lửa cả ngày trời đi khắp mọi nơi như cô dâu. Kết cục là họ phó mặc cho cô dâu dẫn đường và chỉ đạo những shoot hình.

Nhưng đừng quên đây cũng là ngày của bạn. Câu chuyện của hai người. Khi anh chú rể chủ động và hào hứng thì những bộ ảnh đó luôn có một sức hấp dẫn và năng lượng đặc biệt hơn hẳn, đẹp và tự nhiên. Vì một khi bạn là nhân vật chính trong một ngày trọng đại, phụ nữ thường hay quá lo lắng đến mức căng thẳng vì ti tỉ thứ tiểu tiết để mọi việc trở nên hoàn hảo nhất mà quên không tận hưởng sự vui vẻ. Lúc này sự chủ động hưởng ứng và yếu tố lãnh đạo, hài hước của người đàn ông mới thực sự được hiện rõ.

ciaranalanna217
Ảnh: Paula O’Hara

Tôn trọng và thẳng thắn thì bạn cũng sẽ nhận được điều ngược lại

Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, “thợ” là những người lao động chân tay, sống bằng tiền lương. Các cụ ngày xưa còn có câu: “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”. Ý nói những người thợ ít được xã hội trân trọng, ngưỡng mộ và thường lương thấp hơn các ngành nghề khác. Cách đây hai ba chục năm khi chụp ảnh bắt đầu mở rộng vào Việt Nam, tôi vẫn còn là một đứa trẻ ranh ba bốn tuổi. Tôi nhớ khi ấy các gia đình ai cũng đưa vợ con cả nhà đi chụp. Cùng một phông nền, ánh sáng và phụ kiện như nhau nên có khi xem ảnh của cả chục nhà là trăm ảnh như một, khác nhau mỗi mặt người. Từ đó đâm ra nghề chụp ảnh được gọi bằng cái tên “thợ ảnh” vì mỗi một bức ảnh được sản xuất một cách đại trà. Còn nhiếp (攝) trong tiếng Hán nghĩa là nắm bắt, nhiếp ảnh dịch ra là nắm bắt lấy ảnh, chụp ảnh.

Tua nhanh cho đến ngày nay, những người chụp ảnh chưa nhận được sự tôn trọng đúng đắn ở Việt Nam nên lắm lúc cái nghiệp này bị nhắc đến với một chút coi thường hay tệ hại hơn là không được coi là một nghề nghiệp, thậm chí là ngay cả từ những người thân của họ. Đương nhiên không phủ nhận cái gì trào lưu ở nước ngoài đi vào Việt Nam cũng bị biến tướng thành những thứ xấu xí như máy ảnh gia (thiết bị là chính, chụp ảnh là phụ), thiếu ảnh gia (khoe của, làm quen gái là chính, ảnh là phụ)… nên cũng không khó hiểu những tâm lý như trên. Nhưng không có nghĩa là nó được coi là mặc định bình thường. Dù là xét về mặt kinh doanh hay nghệ thuật thì chúng ta cũng phải luôn có sự tôn trọng trong những câu nói giao tiếp với người khác nếu như cũng muốn mình được tôn trọng. Tôn trọng là thứ phải kiếm chứ không tự nhiên mà có. Trào lưu sẽ phải tự biến hình để tốt hơn, nhưng những cái nhìn của người ngoài cuộc cũng phải thay đổi. Liệu bạn có vào cửa hàng Burberry và kêu đắt thế, Zara bán rẻ như kia cơ mà không? Làm việc tôi sợ nhất là gặp những người nói những câu kiểu sao anh chụp đắt thế, anh A chị B lấy có từng này tiền thôi hay tương tự… vì ngay từ những phút đầu họ đã không thể hiện sự tôn trọng đúng mực cho mình.

Thêm một vấn đề mà người chụp ảnh thường gặp phải khi làm việc với khách hàng Việt Nam là giao tiếp thiếu vắng sự cởi mở, trung thực, tôn trọng và nghiêm túc – điều dễ dẫn đến những oán giận, ức chế, không hài lòng về sau này. Họ muốn cái gì, họ không muốn cái gì, người chụp ảnh muốn cái gì, người chụp ảnh không muốn cái gì, có những điều khoản gì cần làm rõ hãy trao đổi tích cực và làm hợp đồng rõ ràng để tránh những mâu thuẫn không đáng có sau này.

2048 (2)
Ảnh: Vitali Frozen

 

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.