The Talented Mr.Ripley – Một Tác Phẩm Kinh Điển Gần Như Bị Quên Lãng

Tạp chí Esquire từng gọi năm 1999 là “năm cuối cùng của những bộ phim hay trong điện ảnh Mỹ” (the last great year in American movies). Thật khó tranh cãi khi đây đúng là năm vàng son của người yêu điện ảnh bởi sự ra mắt dồn dập của những bộ phim đã đi vào hàng kinh điển: Being John Malkovich, Magnolia, Fight Club, The Blair Witch Project, and The Matrix..

Khi Ripley công chiếu vào tháng 12 năm 1999, dàn sao khủng của bộ phim thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông: Matt Damon một bước thành sao sau 2 siêu phẩm Good Will Hunting và Saving Private Ryan, Gwyneth Paltrow đã là một cô đào trẻ nóng bỏng của xứ Hollywood, Jude Law đang trên đường “bành trướng” độ hot của mình, Cate Blanchett vừa bước ra khỏi thành công của phim Elizabeth và Philip Seymour Hoffman lúc bấy giờ đã là một ngôi sao lớn của dòng phim indie. Ngay cả vị đạo diễn Minghella cũng thủ sẵn cho mình tượng vàng Oscar năm 96 cho phim The English Patient.

Với tiểu sử thuộc diện” vàng ròng” cộng thêm thành công vang dội ở phòng vé lẫn giải thưởng Hàn lâm với 6 đề cử Oscar, The Talented Mr.Ripley lại bị quên lãng và lạc loài trong dòng chạy điện ảnh suốt nhiều năm, cho đến khi bộ phim được nhà văn Gillian Flynn nhắc đến như một nguồn cảm hứng để viết nên cuốn sách làm mưa làm gió sau này là Gone Girl.

Số phận của bộ phim dường như không có được những hào quang xứng đáng, nhưng không thể phủ nhận rằng The Talented Mr.Ripley là một trong những bộ phim có nhân vật phản diện ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ.

1

1.

Một buổi sáng mùa hè năm 1952, Patricia Highsmith tỉnh giấc trong một khách sạn ở Positano, Ý. Thời điểm này, quyển sách Strangers On A Train của bà vừa được đạo diễn nổi tiếng Alfred Hitchcock chuyển thể thành kịch bản phim, sự nghiệp tương đối xuôi chèo mát mái. Nhà văn 31 tuổi du lịch một chuyến tới châu Âu cùng bạn gái. Bà rời khỏi phòng, để cô bạn gái nằm một mình trên giường, rít một hơi thuốc và đưa mắt nhìn qua ô cửa sổ khách sạn hướng ra bãi biển. Bà quan sát một thanh niên trẻ tuổi mặc độc chiếc quần short, chân mang dép lào, vắt qua vai mảnh khăn tắm đi bộ ra bãi biển. Anh thanh niên trẻ mang dáng vẻ trầm ngâm, nghĩ ngợi. Bà chợt nghĩ:”Anh chàng vừa cãi nhau với ai nhỉ? Điều gì đang diễn ra trong đầu chàng thanh niên kia?”

Hình ảnh hết sức đời thường ấy tồn tại dai dẳng kì lạ trong đầu Highsmith cho đến hai năm sau, bà phát triển chi tiết ấy thành cuốn tiểu thuyết ăn khách mang tên The Talented Mr.Ripley, kể về một tay thanh niên điển trai, bằng trí óc hơn người đã len lỏi luồn lách đánh cắp nhân dạng của một thanh niên đồng lứa khác.

Tên phim và gương mặt “lành tính” của tài tử Matt Damon trên poster dễ khiến người xem nghĩ đến một bộ phim chick-flick tâm lý dễ chịu, nhưng Matt Damon đã chứng minh rằng anh có nhiều tài năng hơn việc sở hữu một gương mặt điển trai ưa nhìn, khi từng bước diễn biến tâm lý tội phạm của Ripley được anh đưa đẩy, nhấn nhá hết sức tài tình.

Chuyện phim diễn ra vào giữa thập niên 50, gồm 2 hồi chính: khi Ripley còn là Ripley, một anh bồi bàn bị nhầm là sinh viên của ngôi trường danh giá Princeton; khi Ripley gặp gỡ Dickie, một thiếu gia ham chơi.

3

Người xem dễ bị cuốn vào cái mơ màng xinh đẹp của nước Ý, không để ý Ripley đang tung ra những xúc tu nhuốm màu tội ác. Từng bước nhịp nhàng, từ sự kiện này tiếp nối sự kiện khác, cái ác ngày một thặng dư. Chuyến phiêu lưu của Tom Ripley – một nhân vật bí ẩn với nhiều ước vọng, là hành trình của một con người với đời sống bình thường, bóc dần vỏ bọc bên ngoài để lộ ra bản chất phức tạp bên trong.
The Talented Mr.Ripley luôn nằm trong danh sách những bộ phim tâm lý tội phạm “thông minh” nhất. Hàng loạt đề cử giải thưởng danh giá chứng minh rằng Matt Damon đã vô cùng sáng suốt khi lựa chọn vai diễn có diễn biến tâm lý phức tạp này. Vẻ bề ngoài điển trai, lành tính, có phần ngây ngô của một “boy next-door” điển hình dễ đánh lạc hướng người xem, nhưng nếu nhìn vào đôi mắt toé ra những tia lửa ngầm đốt cháy mọi giá trị đạo đức của Ripley, bạn sẽ phải lạnh sống lưng.

Jude Law cũng hoàn thành vai diễn trên cả mức tròn trịa; anh sắm vai Dickie Greenleaf, một công tử nhà giàu mê nhạc Jazz, trốn tránh sự kềm cặp bảo thủ của cha bằng cách sống ở Ý cùng cô bạn gái xinh đẹp (Gwyneth Paltrow thủ vai), luôn coi tiền bạc chỉ là vật ngoài thân và luôn thượng tôn lối sống hưởng thụ cá nhân. Tất cả những đặc quyền của một thiếu gia như Dickie khiến một kẻ vô danh, nghèo nàn, không địa vị như Tom Ripley phải thèm thuồng, nhăm nhe nanh vuốt cắm phập vào tài khoản, tiền bạc, và cả nhân dạng của Dickie.

Hành trình thoái hoá nhân cách của Tom Ripley khiến người xem nghĩ ngay đến Walter White trong series trứ danh Breaking Bad, từ một gã giáo viên quèn mắc bệnh ung thư trở thành tay buôn ma tuý đá giết người không chùn tay. Một cuộc lột xác thụt lùi về mặt nhân cách nhưng là bước tiến trong khát vọng dấn thân đổi đời, rộng ra là thoả mãn cái Tôi lâu ngày bị chèn ép bởi hoàn cảnh sống.

Khát khao của Tom Ripley được bao phủ đến mức gần như là bị thao túng bởi bóng mây của cái gọi là Giấc mơ Mỹ, một “concept” mơ hồ luôn ám ảnh cư dân của xứ sở Tự Do. Một đời sống dễ dàng, vật chất dư dả, tinh thần hưởng thụ luôn là những thứ mà mỗi người đều nhiệt tình theo đuổi, kể cả khi phải trả giá và đánh đổi bằng bản ngã của chính mình.

2.

Nước Ý qua ống kính máy quay của đạo diễn Anthony Minghella được ví như một bức tranh thời Phục Hưng với ánh sáng đẫm vàng và sắc xanh sang trọng. Như một vị khách thăm viếng một bảo tàng đồ sộ, Tom Ripley thường xuất hiện trước ống kính từ một khoảng cách xa, chỉ có thể ngắm nghía mà không thể nào chạm tới được cái đẹp châu Âu toàn mỹ, cái đẹp của văn hoá lâu đời và của sự giàu có xa hoa. Đạo diễn Minghella thường đặt ống kính qua vai của Ripley để khán giả có thể nhìn thấy một nước Ý hoa lệ qua điểm nhìn của gã: từ ban công, qua ô cửa sổ khách sạn, trên boong tàu. Nếu thập niên 90 được xem là kỉ nguyên của những cú máy/ cắt cảnh nhanh cùng sự nở rộ của kĩ xảo phông xanh, thì phong cách làm phim của Minghella như một lời tâm tình gửi lại những thước phim xưa: chậm rãi, điềm tĩnh, tình tứ, từ tốn. Những cảnh quay dọc xe lửa, trên con thuyền chấp chới giữa biển…khiến người xem liên tưởng ngay đến phong cách làm phim đặc trưng của Alfred Hitchcock.

Có thể nói, Ripley là vai diễn gai góc nhất Matt Damon từng đảm nhận. Khởi đầu phim, Tom như một phiến đá trắng, tự tô vẽ cá tính cho chính mình bằng cách bắt chước giọng nói, cung cách cử chỉ của người xung quanh. Khi quen biết và bị rù quến bởi cuộc sống của Dickie Greenleaf, Tom lại bắt chước những sở thích lẫn sở ghét của đối tượng, dần dần trông gần như giống hệt vẻ ngoài của Dickie mà không cần vận dụng đến bất kì một kĩ xảo hậu kì nào. Minghella và Damon đã hoàn thành sứ mệnh xây dựng nhân vật một cách ngoạn mục khi để cho Tom Ripley từ bỏ nhân dạng cũ, buông xúc tu chụp lấy một nhân dạng mới bằng những thủ đoạn mượt mà.

5

Chiêu thức xây dựng hai con người giống hệt nhau ở phía trên có lẽ vẫn chưa xuất sắc bằng tuyệt chiêu cuối của Minghella và Damon: khiến khán giả cảm thấy tự mâu thuẫn về số phận của Ripley. Một lẽ đã rành, kẻ phản diện luôn xấu xa và phải chịu sự trừng phạt. Ripley nói dối, giết người và làm những điều tồi tệ. Nhưng xuất phát điểm của Ripley là một gã thanh niên nghèo, cô đơn, không nhiều toan tính. Gã muốn xoá sổ chính mình, trở thành một người hoàn toàn khác, một ai đó xứng đáng được hưởng thụ cuộc sống, được yêu. Không riêng gì Ripley, ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn một ham muốn lạ lùng, đó là trở thành một ai đó khác hoàn mỹ hơn chính chúng ta ở thời điểm hiện tại. Đó là lí do vì sao kết thúc của bộ phim như một cú đấm thẳng vào ngực khán giả; ngay khi Tom Ripley tìm thấy được người thật sự yêu anh vì chính anh, thì trong một sát na ngắn ngủi, gã tự huỷ hoại nó trong bi kịch.

3.

Có thể nói, những sắc thái cảm xúc của nhân vật Ripley trong hành trình biến thành một con quái vật luôn là thứ khiến bộ phim đương mới mẻ và “hiện sinh” sau gần 18 năm. Ngay trong thời đại này, con người vẫn còn bị ám ảnh bởi lằn ranh mong manh giữa sự tỉnh táo và điên rồ, giữa đúng và sai, giữa nên và không nên, thì hành trình trở thành tội phạm của Tom Ripley vẫn dể lại cho người xem nhiều suy ngẫm.

Kết thúc phim, mỗi nhân vật nắm trong tay một số phận khác nhau. Nước Ý của Minghella vẫn đẹp nguyên bản, vừa như một giấc mơ lại như một cơn ác mộng – một vùng đất Utopia nằm ngoài tầm với của những con người lạc lối.

Zeen is a next generation WordPress theme. It’s powerful, beautifully designed and comes with everything you need to engage your visitors and increase conversions.